Phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật ổ bụng

Phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật ổ bụng là các biện pháp giúp cuộc mổ trở nên hoàn thiện hơn. Điều này sẽ giúp khôi phục nhanh chóng sức cơ thành bụng và sức đàn hồi của mô liên kết, giảm nguy cơ tai biến của cuộc mổ thường gặp nhất là thoát vị thành bụng về sau.

1. Bài tập phục hồi chức năng trước phẫu thuật ổ bụng

Ngoại trừ các trường hợp cần mổ bụng cấp cứu hay do bệnh cảnh chấn thương (nghĩa là người bệnh cần nằm trên giường hoàn toàn, càng ít di chuyển càng tốt để tránh đau đớn hay chảy máu) thì những bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật ổ bụng theo chương trình nên được thực hiện các bài tập phục hồi chức năng ổ bụng để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc mổ trong tương lai.

Các bài tập phục hồi chức năng trước phẫu thuật ổ bụng đã chứng minh được một số lợi ích nhất định như sau:

  • Chuẩn bị tinh thần tốt cho bệnh nhân trước cuộc mổ
  • Nâng cao kết quả phẫu thuật
  • Rút ngắn thời gian nằm viện
  • Giúp bệnh nhân lấy lại sức nhanh hơn
  • Tránh các nguy cơ cao sau phẫu thuật, chẳng hạn như nhiễm trùng
  • Là cơ hội để bệnh nhân làm quen và hợp tác tốt hơn với các chuyên gia tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật

Không có bất kỳ một chương trình rõ ràng nào cho các bài tập phục hồi chức năng trước phẫu thuật ổ bụng mà nội dung của các bài tập này cho thể bao gồm trên nhiều phương diện như:

  • Vật lý trị liệu, tăng cường thể lực cá nhân
  • Thay đổi chế độ ăn uống, nâng cao tình trạng dinh dưỡng tiền phẫu
  • Thay đổi lối sống, chẳng hạn như bỏ hút thuốc
  • Bài tập hít thở, tăng thể tích lồng ngực và giúp cải thiện nhanh chức năng hô hấp hậu phẫu, tránh ứ đọng đàm nhớt
  • Thay đổi thuốc điều trị các bệnh mạn tính
Ăn uống
Bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn uống, nâng cao tình trạng dinh dưỡng tiền phẫu

2. Bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật ổ bụng

2.1 Vào ngày 2 sau phẫu thuật

  • Nâng hông

Bài tập này giúp ngăn ngừa cũng như giúp làm giảm đau lưng bằng cách khuyến khích vận động cột sống càng sớm càng tốt.

Người bệnh nằm ngửa, gập đầu gối và đặt cả hai bàn chân trên sàn hay trên giường. Giữ đầu gối chạm sát với nhau. Hít sâu, thở ra hết sức và nín thở; đồng thời nhẹ nhàng thắt chặt các cơ bụng vùng bụng dưới để lưng đang áp vào mặt sàn hay giường sẽ nâng lên thụ động. Chú ý không nhấc mông lên. Lặp lại bài tập này liên tục 10 lần cho mỗi đợt, 3 đợt một ngày trong 6 tuần sau mổ.

  • Lăn gối

Đây là một bài tập quan trọng để giữ tính linh hoạt cho thân mình bên dưới trong thời gian hậu phẫu.

Người bệnh nằm ngửa, gập đầu gối và đặt cả hai bàn chân trên sàn hay trên giường. Giữ đầu gối chạm sát với nhau. Từ từ nghiêng thân mình và hạ hai gối xuống chạm mặt sàn hay giường về phía một bên cơ thể. Lặp lại bài tập này liên tục 10 lần cho mỗi đợt, 3 đợt một ngày trong 6 tuần sau mổ.

2.2 Từ sau 4 tuần kể từ ngày phẫu thuật

  • Hóp bụng

Bài tập này sẽ giúp bắt đầu tăng cường trương lực cơ thành bụng trước. Người bệnh quỳ trên mặt phẳng cứng như sàn nhà bằng hai đầu gối và chống hai tay. Giữ lưng càng thẳng càng tốt. Nhẹ nhàng hít sâu và thở ra tối đa bằng cách hóp bụng, thắt chặt các cơ ở phần dưới bụng. Chú ý không làm cong lưng. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây và sau đó thư giãn, hít vào. Lặp lại bài tập này liên tục 10 lần cho mỗi đợt, 3 đợt một ngày.

phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt đám rối thần kinh cánh tay
Nhân viên y tế sẽ hương dẫn bệnh nhân một số bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật ổ bụng

2.3 Từ sau 6 tuần kể từ ngày phẫu thuật

  • Cong bụng lên

Nằm ngửa, gập đầu gối và đặt cả hai bàn chân trên sàn hay trên giường. Giữ hai đầu gối chạm sát với nhau và đặt hai lòng bàn tay lên mỗi đùi. Nâng đầu và vai lên khỏi sàn hay giường bằng cách trượt tay dọc theo đùi hướng về phía đầu gối. Từ từ hạ thấp đầu và vai trở lại xuống sàn.

  • Cong bụng chéo

Nằm ngửa, gập đầu gối và đặt cả hai bàn chân trên sàn hay trên giường. Giữ hai đầu gối chạm sát với nhau và đặt lòng bàn tay phải lên đùi trái còn cánh tay trái duỗi thẳng áp sát thân mình, lòng bàn tay úp trên mặt phẳng sàn. Nâng đầu và vai lên khỏi sàn hay giường bằng cách trượt tay phải dọc theo cạnh bên ngoài đùi trái hướng về phía đầu gối. Từ từ hạ thấp đầu và vai trở lại xuống sàn. Lặp lại bài tập này ở phía bên kia cơ thể với tay trái đặt trên đùi phải.

  • Làm cầu nối

Nằm ngửa, gập đầu gối và đặt cả hai bàn chân trên sàn hay trên giường. Giữ hai đầu gối chạm sát với nhau và đặt hai cánh tay duỗi thẳng áp sát thân mình, hai lòng bàn tay úp trên mặt phẳng sàn. Lấy vai và hai chân làm điểm tựa để nâng cao hông, mông lên khỏi sàn càng cao càng tốt trong khả năng. Giữ nguyên tư thế trong vài giây rồi hạ xuống. Lặp lại bài tập này 10 lần cho mỗi đợt, 3 đợt một ngày.

Bị thoái hóa khớp có nên đi bộ không
Trong vài ngày đầu tiên ra viện, người bệnh không nên nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường mà khuyến khích tập luyện nhẹ nhàng như có thể đi bộ quanh nhà

3. Những điều cần lưu ý khi tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật ổ bụng

Ý nghĩa và tính hiệu quả của việc luyện tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật ổ bụng sẽ được phát huy khi người bệnh vẫn tiếp tục tất cả các bài tập này cho đến khi đã cảm thấy cơ thể trở lại bình thường. Khái niệm này bao gồm bản thân người bệnh đã lấy lại thể lực vốn có, phạm vi chuyển động như trước đây cũng như có thể thực hiện các sinh hoạt thường ngày, cả các hoạt động thể thao. Điều này đôi khi có thể mất ít nhất 12 tuần nên đòi hỏi việc tập luyện bền bỉ, kiên trì.

Ngoài ra, có một số lời khuyên có thể giúp người bệnh mau chóng phục hồi chức năng sau phẫu thuật ổ bụng hơn, bao gồm:

  • Trong vài ngày đầu tiên ra viện, người bệnh không nên nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường mà khuyến khích tập luyện nhẹ nhàng như có thể đi bộ quanh nhà, lên xuống cầu thang khi cần thiết. Nếu cảm thấy ổn, nên tăng dần khoảng cách và/hoặc tốc độ đi bộ như ra xung quanh nhà, vườn hoặc đi bộ đến các cửa hàng gần nhà.
  • Trong trường hợp vết thương lớn, còn sưng đau gây cản trở cử động, để làm giảm căng thẳng trên vết thương bụng cũng như giảm đau khi di chuyển ra khỏi giường, người bệnh cần gập đầu gối, lăn cơ thể về phía một bên giường để đặt chân xuống. Lấy điểm tựa là hai chân, hai tay sẽ chống vào mép giường để kéo người ngồi dậy và nhẹ nhàng đứng lên.
  • Giữ tư thế tốt, tránh khom lưng khi bạn. Nếu cần phải cúi người thấp như để buộc dây giày thì nên ngồi trên ghế.

Nếu phục hồi chức năng sau phẫu thuật ổ bụng gây ra đau đớn, điều này không nên trở thành yếu tố cản trở việc luyện tập. Người bệnh cần được sử dụng thuốc giảm đau, không để chỉ cử động mà còn giúp hít thở sâu, ho khạc đờm ứ đọng, đại tiểu tiện dễ dàng hơn.

Khi ngủ, nên kê một chiếc gối dưới đầu gối nhằm giảm khó chịu và lực căng thẳng trên vết thương ở thành bụng. Có thể nằm sấp nếu cảm giác tư thế này đem lại sự thoải mái, dễ chịu hơn so với nằm ngửa.

Tóm lại, phẫu thuật ổ bụng là bất kỳ phẫu thuật có thể diễn ra ở bất cứ đâu trên thành bụng. Các phẫu thuật này có tỷ lệ thành công rất cao và điều này sẽ được cải thiện hơn nữa bằng những bài tập phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật ổ bụng. Bằng cách tham gia vào chương trình phục hồi chức năng tích cực, người bệnh sẽ mau chóng làm lành vết thương, hồi phục chức năng tiêu hóa của như các sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan