Sau khi nhổ răng sâu có hết hôi miệng?

Hôi miệng là tình trạng rất thường gặp, liên quan đến các bệnh lý nha khoa khác. Để cải thiện tình trạng hôi miệng và giúp lấy lại sự tự tin cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và từ đó đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể, trong đó có việc nhổ răng sâu. Vậy đâu là nguyên nhân lỗ răng sâu có mùi hôi và sau khi nhổ răng sâu có hết hôi miệng không?

1. Hôi miệng là gì?

Hôi miệng là tình trạng răng miệng xảy ra khi hơi thở từ miệng thoát ra ngoài có mùi hôi, gây khó chịu cho bản thân bệnh nhân và người khác. Tình trạng hôi miệng có thể xuất phát từ những vấn đề về vệ sinh răng miệng hoặc một số bệnh lý về răng miệng hay trong các cơ quan hô hấp.

Theo thống kê của các bác sĩ nha khoa thì cứ 10 người lại có 1 người mắc phải vấn đề hôi miệng. Đây không phải là bệnh lý mà thường là triệu chứng của những vấn đề răng miệng khác và đôi khi không thể biến mất kể cả khi bệnh nhân đánh răng, súc miệng sạch sẽ hoặc điều trị dứt điểm nguyên nhân. Vì vậy, tìm hiểu các phương pháp nhằm khắc phục tình trạng hôi miệng không chỉ là vấn đề của cá nhân nào mà tất cả mọi người đều cần phải quan tâm.

Một số nguyên nhân được cho là tác nhân gây hôi miệng, bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng kém: Việc vệ sinh răng miệng kém kèm việc không sử dụng kèm các loại nước súc miệng cũng sẽ góp phần làm các vi khuẩn và thức ăn bám trên răng và gây hôi miệng.
  • Do thức ăn: Có rất nhiều loại thực phẩm trong quá trình ăn uống có thể gây ra mùi hôi ở miệng, ngay cả khi bạn đã đánh răng súc miệng cũng không thể hết ngay được. Đặc biệt sử dụng các loại chất phụ gia như tỏi, phô mai, hành...hay các loại thực phẩm dễ gây mùi như mắm tôm, cá, đồ sống...đều rất gây hôi miệng
  • Do miệng bị khô: Nước bọt cũng có tác dụng làm sạch miệng và khử mùi tốt, cho nên khi miệng bị khô hoặc ít nước bốt thì khả năng miệng sẽ có mùi hôi.
  • Một số bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu, viêm lợi, nhiễm trùng Amidan... cũng có thể gây hôi miệng.
  • Một số loại thuốc điều trị có thể là tác nhân gây hôi miệng. Điều này xảy ra là do trong chuyển hóa hóa thuốc thì các loại hóa chất sẽ được đẩy ngược ra ngoài thông qua đường tiêu hóa hoặc thở. Ngoài ra, một vài loại thuốc còn gây ra tác dụng phụ không mong muốn là làm giảm lượng nước bọt.
  • Người thường xuyên hút thuốc lá.
  • Bệnh nhân đang gặp phải những vấn đề về sức khỏe như những bệnh lý về tai mũi họng, bệnh liên quan đến đường thở...

2. Vì sao lỗ sâu răng có mùi hôi?

Hôi miệng thường là dấu hiệu nhận biết của nhiều loại bệnh lý, trong đó có tình trạng sâu răng. Tình trạng sâu răng cũng được xem là nguyên nhân phổ biến gây ra ra hôi miệng. Khi một người bị sâu răng, phần men răng sẽ bị phá hủy nhiều và các túi hay lỗ sâu răng sẽ hình thành và gây nên mùi hôi khó chịu, ban đầu mùi thường sẽ rất khó ngửi thấy nhưng về sau có thể sẽ lan ra khắp miệng. Các vi khuẩn là những tác nhân chính gây sâu răng thường sẽ tích tụ và phát triển nhanh chóng tại các vùng răng bị tổn thương. Về sau, chúng sẽ phát triển lan rộng ra các bộ phận khác như nướu, lưỡi, khoang miệng... nếu như không được điều trị. Lúc này, vi khuẩn sẽ tấn công với tốc độ rất nhanh vào nhiều bộ phận khác nhau trong khoang miệng và khiến cho miệng bốc mùi rất khó để kiểm soát.

Nghiêm trọng hơn nữa là trong quá trình phát triển, các vi khuẩn gây sâu răng thường tiết ra các loại Axit có khả năng làm bào mòn men răng, làm hủy hoại răng nhanh chóng. Một số trường hợp sâu răng được xử lý bằng những vật liệu trám thì vấn đề hôi miệng vẫn có thể tiếp diễn. Vì nếu như vật liệu trám không tương thích với răng thật thì vô tình sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn ẩn náu ở bên dưới và tiếp tục gây bệnh.

3. Nhổ răng sâu có hết hôi miệng không?

Việc trám đôi khi không mang lại kết quả, vậy thì nhổ răng sâu có hết hôi miệng không, đây là câu hỏi chung của nhiều người đang khổ sở với vấn đề này. Rất may là phương pháp nhổ răng sâu có thể cải thiện tốt được tình trạng hôi miệng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhổ răng khôn bị sâu thì triệu chứng này đôi khi cải thiện không triệt để và quá trình vệ sinh răng miệng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sau nhổ răng, đặc biệt là nhổ răng không tình trạng hôi miệng vẫn có thể không thuyên giảm và có thể trở nặng nếu không biết cách chăm sóc.

Ngoài ra, tiến trình khâu nướu sau nhổ răng nếu không được kín sẽ tạo ra một khoảng trống trong khoang xương hàm. Những khoảng trống này sẽ tạo điều kiện cho các mảng bám thức ăn thừa sẽ dắt vào dẫn tới vấn đề nhiễm trùng vết khâu. Các vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn và gây mùi khó chịu và hôi miệng nhiều hơn.

Vậy nhổ răng sâu có làm giảm hôi miệng không còn tùy thuộc rất nhiều vào tình trạng răng miệng, cơ địa và tiền sử răng miệng của bệnh nhân. Những bệnh nhân có cơ địa từ nhỏ dễ bị hôi miệng hoặc có tiền sử hôi miệng điều trị không đỡ, thì nhiều khả năng sau khi nhổ sâu răng xong, tình trạng này cũng không cải thiện tốt. Tuy nhiên, để có thể xử lý tốt nhất tình trạng hôi miệng, bệnh nhân cần đến các cơ sở nha khoa uy tín với những bác sĩ có chuyên môn để hạn chế tối đa vấn đề “tiền mất tật mang”.

4. Khắc phục tình trạng hôi miệng sau nhổ răng sâu

Như đã nói ở trên, tình trạng hôi miệng nếu xuất phát từ yếu tố bẩm sinh hay cơ địa của bệnh nhân thì rất khó để có thể điều trị dứt điểm được. Ngược lại, hôi miệng nếu chỉ xuất phát từ vấn đề ăn các loại thực phẩm dễ hôi miệng hay vệ sinh răng miệng không tốt thì những phương pháp sau đây sẽ rất có ích trong việc chữa hôi miệng cho bệnh nhân.

  • Đánh răng đúng cách là cách tốt nhất để giảm thiểu tình trạng hôi miệng sau nhổ răng sâu. Đầu tiên, bệnh nhân nên lựa chọn loại bàn chải có những sợi mềm và mỏng để có thể loại bỏ cặn thức ăn bám trên răng hiệu quả hơn. Khi đánh răng, hãy đánh răng đều cả hàm răng cả hai phía, chứ không phải chỉ chải bề mặt ngoài răng. Nên kết hợp sử dụng nước súc miệng y tế để giúp miệng loại bỏ tối đa vi khuẩn và cũng như giảm mùi hôi từ các thực phẩm có mùi khó chịu. Cuối cùng là việc chú ý thay bàn chải đánh răng thường xuyên khoảng 2 - 3 tháng một lần.
  • Các chuyên gia về nha khoa khuyến cáo thay vì dùng tăm để loại bỏ thức ăn mắc giữa các kẽ răng thì mọi người nên sử dụng chỉ nha khoa. Đồng thời, sử dụng chỉ nha khoa còn có thể giảm bớt việc tổn thương phần nướu và gián tiếp làm giảm mùi hôi từ răng miệng.
  • Khuyến cáo sử dụng các dụng cụ để chải lưỡi cùng song song với việc đánh răng để khắc phục tình trạng hôi miệng hiệu quả hơn. Nguyên nhân là bởi bề mặt lưỡi cũng là nơi tích tụ rất nhiều tế bào chết cũng như nhiều loại vi khuẩn có thể gây mùi.
  • Trường hợp những bệnh nhân đang sử dụng các dụng cụ bảo vệ răng hay răng giả, niềng răng thì việc vệ sinh cũng cần được chú ý kỹ càng hơn. Tuân thủ hướng dẫn vệ sinh niềng răng, răng giả và vật dụng bảo vệ răng khác theo chỉ định của bác sĩ nha khoa.
  • Uống nhiều nước cũng là một các hiệu quả để giảm tình trạng hôi miệng thông qua việc tránh miệng bị khô. Đồng thời, người dễ bị hôi miệng nói riêng và mọi người nói chung cần hạn chế uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá và các chất kích thích khác để giảm nguy cơ bị hôi miệng. Trong trường hợp miệng bạn bị khô kéo dài thì nên liên hệ ngay với các nha sĩ để tìm cách khắc phục.
  • Những loại thức ăn dễ gây khó chịu và tạo mùi cần nên hạn chế ăn như hành, tỏi, phô mai, đồ cay, đồ ngọt, các loại mắm sống, đồ sống...
  • Thực hiện các mẹo dân gian từ những nguyên liệu tự nhiên cũng có thể loại bỏ mùi hôi từ miệng như nhai các loại lá bạc hà, uống các loại trà thảo mộc như quế, gừng...súc miệng bằng nước chanh...
  • Điều trị triệt để những bệnh lý răng miệng khác như viêm nha chu, viêm nướu, viêm lợi, nhiễm trùng Amidan...là những nguyên nhân thường gặp có thể gây răng miệng.
  • Ngoài ra, cũng cần tìm ra và kiểm soát tốt một số bệnh lý ở những bộ phận khác có thể gây ra tình trạng hôi miệng như đái tháo đường type 2, tình trạng giãn phế quản, bệnh trào ngược dạ dày, tắc ruột, suy gan, viêm phổi hay thậm chí là các bệnh ung thư...Trong những trường hợp này, bệnh nhân nên đi khám tại các bác sĩ có chuyên môn sâu về vấn đề đó, từ đó sẽ được điều trị một cách tốt nhất và tình trạng hôi miệng sẽ thuyên giảm tùy thuộc vào tình trạng và nhóm bệnh mắc phải.

5. Dự phòng sâu răng hôi miệng

Sâu răng nếu như không được khắc phục sớm có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí sau khi nhổ răng sâu hôi miệng vẫn có thể xuất hiện. Do đó, để ngăn ngừa điều xấu nhất có thể xảy ra, mỗi người cần có ý thức dự phòng và ngăn ngừa sâu răng từ sớm thông qua việc

  • Thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế các loại thực phẩm không tốt để ngăn ngừa sâu răng
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D, chất xơ...cùng với hạn chế các thực phẩm hay đồ uống cay, ngọt.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
  • Đánh răng đúng cách và thay bàn chải theo định kỳ.
  • Đảm bảo khoang miệng sạch sẽ bằng cách sử dụng thêm nước súc miệng hoặc nước muối pha loãng và chỉ nha khoa
  • Khám răng định kỳ 6 tháng một lần
  • Thăm khám sớm nếu nhận thấy răng bị đau, nhức, miệng hôi bất thường để có thể thăm được điều trị kịp thời.

Tóm lại, hôi miệng không phải là tình trạng hiếm gặp và cũng có rất nhiều nguyên nhân gây ra nó, trong đó phổ biến nhất vẫn là tình trạng sâu răng. Hiện nay, điều trị răng sâu bằng cách nhổ có thể cải thiện tốt vấn đề hôi miệng. Tuy nhiên, tốt hơn hết là sau khi nhổ răng sâu, bệnh nhân cần phải chú ý đến các vấn đề vệ sinh ăn miệng cũng như ăn uống, để hiệu quả điều trị được lâu dài và tránh gây tái phát hôi miệng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan