Biến chứng thường gặp của viêm amidan

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh thường tiến triển thành từng đợt, có thể tự khỏi nhưng cũng có thể dẫn đến các biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân. Viêm amidan có thể là tổn thương viêm nhiễm cấp hoặc mạn tính ở amidan do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

1. Bệnh viêm amidan có nguy hiểm không?

1.1 Viêm amidan cấp tính

Viêm amidan cấp là tổn thương viêm sung huyết, xuất tiết hoặc viêm mủ của amidan, thường do virus hoặc vi khuẩn gây nên. Nếu do virus gây bệnh thì thường ở mức độ nhẹ, ngược lại nếu do vi khuẩn thì bệnh sẽ ở mức nặng, đặc biệt là do liên cầu tan huyết β nhóm A thì viêm amidan càng nặng hơn. Bệnh rất hay gặp ở trẻ em và độ tuổi thiếu niên.

Viêm amidan cấp thường khởi bệnh đột ngột với cảm giác rét rồi sốt 38 – 39 độ C, hội chứng nhiễm khuẩn như: Mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, nước tiểu đỏ... Bệnh nhân nuốt đau, nuốt vướng, cảm giác khô rát và nóng họng, đặc biệt ở vị trí amidan, đau nhói lên tai, đau khí phế quản gây ho từng cơn, đờm nhầy, khàn tiếng và đau tức ngực.

Nếu do virus gây bệnh thì toàn bộ niêm mạc họng sẽ trở nên đỏ rực, xuất tiết, amidan sưng to và đỏ, các tổ chức bạch huyết thành sau họng cũng sưng to, kèm theo các triệu chứng: chảy mũi, ho, khàn tiếng, viêm kết mạc. Hạch dưới góc hàm không sưng to. Nếu do vi khuẩn gây bệnh thì amidan sưng to và đỏ, bề mặt có chấm mủ trắng hoặc mảng bựa trắng, hạch dưới góc hàm sưng đau.

Tuy nhiên, việc phân biệt viêm amidan do virus hay vi khuẩn như chỉ có tính chất tương đối, đôi khi viêm amidan do virut có thể có những triệu chứng lâm sàng giống viêm amidan do vi khuẩn và ngược lại. Bệnh viêm amidan có thể tự khỏi hoặc cần phải điều trị trong một số trường hợp.

1.2 Viêm amidan mạn tính

Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm tái đi tái lại ở amidan. Thông thường, do phản ứng của cơ thể sẽ làm amidan to ra, trong các hốc có thể có mủ trắng. Ngược lại ở người lớn tuổi, viêm mạn tính lại làm amidan xơ teo đi.

Bệnh nhân hay sốt vặt, cảm giác ngứa vướng, rát họng, khạc nhổ do xuất tiết, hơi thở hôi do mủ chứa trong các hốc của amidan, thường ho khan từng cơn nhất là buổi sáng khi mới ngủ dậy, giọng nói khàn nhẹ, thở khò khè, đêm ngủ ngáy to. Nếu amidan sưng quá to có thể gây khó nuốt, khó thở, thậm chí gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.

Viêm amidan có nguy hiểm không
Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm tái đi tái lại ở amidan

2. Các biến chứng viêm amidan

2.1 Biến chứng tại chỗ

Biến chứng tại vị trí amidan thường gặp nhất là: Viêm tấy hoặc áp-xe amidan. Hiện tượng này thường xảy ra khi bệnh nhân bị viêm amidan cấp tính nhưng không được điều trị kịp thời, khiến tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần, gây viêm nhiễm lan rộng. Người bệnh sẽ bị đau họng khó nuốt, đau tai, họng sưng to, khó nói, hơi thở có mùi hôi, chảy nước bọt, đau đầu, sốt cao...

2.2 Biến chứng chứng kế cận

Viêm amidan có thể kèm theo viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh – phế quản, viêm tấy hạch dưới hàm, viêm tấy hoặc áp-xe thành bên họng...

2.3 Biến chứng toàn thân

Bệnh viêm amidan thường gặp các biến chứng viêm cầu thận, viêm khớp cấp, viêm màng ngoài tim cấp, viêm nội mạc tim, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết... Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như nhức đầu, sốt cao, nôn mửa, nổi ban, nổi hạch... kèm theo đó là các triệu chứng đặc trưng bệnh. Ngoài ra, còn có thể gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ, amidan quá lớn gây khó nuốt, khó thở, khó phát âm.

3. Điều trị viêm amidan

  • Viêm amidan cấp: Sử dụng kháng sinh có hoạt phổ rộng, tốt nhất theo kháng sinh đồ.
  • Điều trị triệu chứng: Thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, thuốc làm lỏng chất nhầy, giảm ho.
  • Điều trị tại chỗ: Nước muối sinh lý 0.9% nhỏ mũi, súc miệng hoặc dùng các dung dịch sát khuẩn. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống nước đầy đủ.
  • Viêm amidan mạn tính: Có thể phải phẫu thuật cắt amidan.

4. Biện pháp phòng bệnh viêm amidan

Viêm amidan có nguy hiểm không
Phòng bệnh viêm amidan bằng cách tránh uống nước đá khi trời lạnh hoặc khi cơ thể đang yếu

Có thể thấy viêm amidan là một bệnh thường gặp nhưng tiềm tàng khả năng gây các biến chứng nguy hiểm, vì vậy việc phòng bệnh rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả bao gồm:

  • Tránh bị lạnh (thường xuyên quàng khăn, mặc ấm...), không uống nước đá, ăn kem khi trời lạnh hoặc khi cơ thể đang yếu vì rất dễ mắc bệnh.
  • Giữ vệ sinh răng miệng, mũi bằng cách đánh răng, súc miệng với nước muối sinh lý để tránh các viêm nhiễm.
  • Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi đến những nơi đông người để tránh hít phải khói, bụi, mầm bệnh gây viêm hầu họng, viêm amidan.
  • Khám và điều trị tích cực các bệnh lý tai - mũi - họng hoặc răng - hàm - mặt.
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể thông qua việc rèn luyện thân thể, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh bị nhiễm lạnh.

Chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chuyên khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường như: Viêm amidan, viêm đau họng, ù tai, viêm mũi không do dị ứng, ung thư cổ họng; các khối u vùng đầu mặt cổ, các dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp ngoại khoa phổ biến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

124.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan