Tất cả những điều cần biết về phổi của bạn

Phổi của chúng ta hoạt động cả ngày lẫn đêm, không ngừng nghỉ để cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể. Phổi đóng vai trò rất quan trọng nhưng bạn chưa thực sự hiểu hết về phổi của mình. Hãy cùng tìm hiểu về phổi thông qua bài viết dưới đây.

1. Cấu tạo và chức năng của phổi như thế nào?

Mỗi ngày chúng ta thực hiện khoảng 20.000 nhịp thở để cơ thể có thể nhận đủ oxy cho cơ thể. Một con số đáng ngạc nhiên là khi 50 tuổi thì bạn đã hít thở được khoảng 400 triệu lần. Phổi được cấu tạo bằng một loại mô đặc biệt giống như bọt biển, loại mô này có thể co giãn một cách dễ dàng và giữ nguyên hình dạng mà không bị hư hại. Phổi được chia thành phổi phải và phổi trái:

  • Phổi phải được chia thành 3 thùy phổi. Khi hít vào thì mỗi thùy sẽ nở ra giống như một quả bóng và xẹp xuống khi chúng ta thở ra.
  • Phổi trái so với phổi phải nhỏ hơn một chút, được phân chia thành hai thùy và nó gần với tim.

Cấu trúc của hai lá phổi bao gồm:

  • Cây phế quản: Trong phổi thì cứ mỗi ống phế quản lớn lại phân nhánh thành nhiều ống phế quản nhỏ hơn và cứ tiếp tục chia nhỏ hơn nữa như một mê cung. Bên trong lòng của phế quản được lọt một lớp biểu mô và có những sợi lông nhỏ bên trong gọi là lông mao. Lông mao có tác dụng giúp bẫy bụi và vi sinh vật ra ngoài khi mà bạn ho, hắt hơi ra hoặc nuốt phải. Trong cấu tạo của cây phế quản thì các ống nhỏ nhất được gọi là tiểu phế quản. Những tiểu phế quản này kết thúc bằng những túi khí nhỏ gọi là phế nang. Đây là nơi phổi của bạn cung cấp oxy cho máu và lấy lại carbon dioxide(CO2) để thải ra ngoài.
  • Phế nang: Phế nang là một túi khí nhỏ, nằm ở tận cùng của cây phế quản. Trong cơ thể chúng ta có hàng trăm triệu túi nhỏ bé này trong mỗi lá phổi. Bên trong phế nang có những mạch là các mạch máu nhỏ được gọi là mao mạch, qua đó sẽ có sự trao đổi oxy đi vào máu và CO2 được đưa ra ngoài. Khi hai lá phổi của chúng ta bị tổn thương do các tác nhân như hút thuốc, hóa chất, nấm mốc, vi khuẩn hay vi rút như vi rút corona thì các phế nang thường bị phá vỡ, khiến cho việc trao đổi oxy gặp khó khăn, nên cơ thể sẽ bị thiếu oxy và gây ra khó thở, thở nhanh...
  • Màng phổi: Màng phổi là một màng rất mỏng và trơn, bao gồm hai lớp riêng biệt một lớp bao bọc bên ngoài của mỗi thùy phổi và một lớp lót bên trong của khoang ngực. Bên giữa hai màng phổi có một lớp chất lỏng mỏng ngăn cách màng phổi với nhau. Điều này giúp phổi có thể dễ dàng tiếp tục trượt trơn tru và đều khi chúng giãn ra, co lại. Khi lượng dịch giữa hai lớp màng này tăng lên vì một nguyên nhân nào đó sẽ làm cho phổi co giãn khó khăn và người ta gọi là tràn dịch màng phổi.

Hai lá phổi khỏe mạnh đảm bảo chức năng cung cấp oxy cần thiết cho cơ thể và loại bỏ khí CO2 cho cơ thể. Mọi tế bào trong cơ thể chúng ta muốn duy trì hoạt động tốt nhất đều cần phải có oxy, hay nói cách khác thì hai phổi rất quan trọng với sự sống của cơ thể.

Hình ảnh cấu tạo giải phẫu của phổi
Cấu tạo của phổi

2. Hai lá phổi nằm ở đâu?

Hai lá phổi của chúng ta nằm ở trong khoang ngực (lồng ngực) đây là không gian chứa, bảo vệ tim và phổi. Cấu tạo của lồng ngực gồm các xương sườn và các cơ vùng ngực để tạo nên phần trên, các mặt bên; phần dưới của lồng ngực được cấu tạo bởi một cơ lớn được gọi là cơ hoành. Ở trung tâm của lồng ngực được gọi là trung thất là nơi chứa tim, tuyến ức và một số phần khác. Nó cũng giúp ngăn cách hai lá phổi để nếu một lá phổi bị thủng hoặc bị tổn thương thì phổi còn lại vẫn có thể tự hoạt động được và đảm bảo nhu cầu oxy của cơ thể.

3. Quá trình hít thở diễn ra như thế nào?

Khi hít không khí bằng mũi, thì những sợi lông nhỏ ở mũi sẽ giúp loại bỏ bụi và vi trùng. Không khí được đưa qua các xoang để giúp không khí có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp trước khi vào phổi. Không khí cũng đi vào qua đường miệng của bạn, đặc biệt là trong khi tập thể dục hoặc nếu trường hợp bạn bị nghẹt mũi. Dù qua đường mũi hay miệng thì tiếp theo không khí sẽ đi qua cổ họng và vào khí quản, rồi tới phế quản, tiểu phế quản và phế nang.

Để có thể hít vào được thì cơ hoành đẩy xuống và các cơ ở ngực co kéo xương sườn ra trước, sang hai bên. Để thở ra, cơ hoành đẩy ngược lên và cơ thành ngực giãn ra để đẩy không khí giàu CO2 ra khỏi phổi. Không khí đi vào được là bởi khoang áp lực âm được tạo ra ở khoang màng phổi, điều này gây ra sự chênh lệch áp lực với khí quyển, nên không khí mới từ bên ngoài đi vào phổi.

Làm thế nào để hít thở sâu?
Quá trình hít thở

4. Những dấu hiệu bất thường của phổi

Những dấu hiệu có thể cảnh bảo những bệnh lý tại phổi bao gồm:

  • Thay đổi nhịp thở: Đối với người trưởng thành tốc độ thở là số nhịp thở mà phổi của bạn thực hiện trong một phút sẽ trong phạm vi bình thường từ 12 đến 20 nhịp thở mỗi phút. Nhiều hơn hoặc ít hơn đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe có thể liên quan trực tiếp đến phổi của bạn hoặc các cơ quan khác có liên quan. Một số bệnh lý bao gồm suy tim, lo lắng, hen suyễn, viêm phổi, lạm dụng thuốc, bệnh lý về phổi.
  • Ho ra máu: Ho ra máu có thể gặp ở một số bệnh cảnh như lao phổi, giãn phế quản, ung thư phổi...hoặc đôi khi có sự nhầm lẫn giữa việc nôn ra máu. Tuy nhiên, dù bất kỳ nguyên nhân do đâu thì đều cần tới gặp bác sĩ ngay.
  • Khó thở: Khó thở khi nghỉ ngơi hay ngay cả sau khi tập thể dục, thì đều là dấu hiệu không bình thường nếu xuất hiện trong thời gian dài. Đặc biệt nếu khó thở kèm theo các dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm virus thì cần phải tới khám và điều trị ngay.
  • Ho mãn tính: Nếu tình trang ho xuất hiện sau một tháng gọi là ho kéo dài hoặc mãn tính.
  • Thở khò khè, thở rít: Nguyên nhân gây thở khò khè có thể do điều gì khiến đường thở bị thu hẹp hoặc chặn đường thở của bạn.
  • Ho có đờm: Nếu ho có đờm trên một thánh cần phải điều trị ngày vì có thể nguyên nhân do lao phổi, viêm phế quản mạn...
  • Đau ngực: Đặc biệt dấu hiệu này nặng hơn nếu nó trầm trọng hơn khi thở hoặc ho.

5. Những tác nhân có thể gây ảnh hưởng tới hai lá phổi

5.1. Tuổi tác

Khi già đi, những thay đổi có thể xảy ra khiến phổi của bạn khó thực hiện công việc bình thường của nó. Những thay đổi đó bao gồm:

  • Các cơ như cơ hoành, cơ vùng ngực bắt đầu yếu đi. Mô phổi bắt đầu mất tính co giãn, có thể thu hẹp đường thở của bạn.
  • Xương và cơ trong khung xương sườn của bạn có thể co lại, để lại ít không gian hơn cho phổi nở ra.
  • Hệ thống miễn dịch có thể không mạnh, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.

5.2. Hút thuốc

Khói thuốc lá có thể thu hẹp và làm viêm nhiễm đường hô hấp và khiến bạn khó thở hơn. Nó thường gây kích ứng phổi và có thể gây ra một cơn ho dai dẳng. Theo thời gian, khói thuốc lá sẽ phá hủy mô phổi và có thể gây ung thư. Đây là nguyên nhân số 1 gây ra ung thư phổi và COPD, một căn bệnh phá hủy từ từ các túi nhỏ trong phổi (phế nang) để chuyển oxy đến máu của bạn.

5.3. Các tác nhân ô nhiễm không khí

Không khí chứa các loại khí, khói và bụi có thể xâm nhập vào phổi. Khiến cho phổi dễ bị tổn thương và bị tấn công bởi vi sinh vật hơn.

5.4. Vi sinh vật

Nấm, vi khuẩn hay virus đều là những tác nhân có thể ảnh hưởng không nhỏ tới hệ hô hấp. Chúng gây ra phản ứng viêm và làm cản trở sự trao đổi khí. Trong hầu hết các trường hợp điều trị đều giúp cải thiện bệnh, nhưng với những người sức đề kháng kém hay chưa phát triển đầy đủ thì có nguy cơ bị nặng hơn.

Hút thuốc lá
Hút thuốc là tác nhân không nhỏ gây ảnh hưởng tới hai lá phổi có thể gây ra ung thư phổi

6. Một số lời khuyên để giúp hai lá phổi khỏe mạnh

Để giữ có hai lá phổi khỏe mạnh bạn nên thực hiện những điều sau:

  • Tập thể dục đều đặn: Nó không chỉ tốt cho tim của bạn và giữ trọng lượng cơ thể ở mức cân đối. Mà nó cũng tốt cho phổi của bạn, ngay cả khi bạn đang bị bệnh phổi. Bạn có thể lựa chọn bất cứ môn thể thao nào phù hợp như đi bộ, chạy bộ hoặc chơi tennis thường xuyên có thể giúp ích rất nhiều. Mục tiêu trong khoảng 30 phút và năm lần một tuần.
  • Tập thở: Đây là biện pháp giúp các phế nang trong đường hô hấp được hoạt động tối đa. Tập thở rất đơn giản và có thể được coi như một biện pháp thư giãn. Bạn có thể nằm hoặc ngồi, sau đó thả lỏng cơ thể. Hít một hơi thật sâu, sau đó thở ra bằng miệng.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như sởi, virus corona...
  • Nên kiểm tra chất lượng không khí: Những nơi có chất lượng không khí ở mức ô nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của bất kỳ ai. Đặc biệt những đối tượng như trẻ em, người lớn trên 65 tuổi và những người bị bệnh. Khi mức độ ô nhiễm không khí rất cao, bạn nên thường xuyên ở trong nhà thì sẽ an toàn hơn.

Trên đây là những điều bạn cần biết về phổi. Phổi rất quan trọng đối với chúng ta. Cho nên cần được chăm sóc và bảo vệ tránh tác nhân từ bên ngoài ảnh hưởng tới nó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan