Tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ khi nào là an toàn, hiệu quả cao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa.

Thủy đậu là căn bệnh có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết, tử vong... nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, cần phòng ngừa bệnh từ sớm. Tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ chính là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu cho căn bệnh này.

1. Tổng quan về bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Varicella Zoster. Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ trẻ em mắc thủy đậu cao hơn hẳn so với người lớn. Thời gian ủ bệnh là 10 - 20 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng đầu tiên. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp nên những người tiếp xúc người bệnh khi ho, hắt hơi đều có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, việc sử dụng chung đồ dùng với bệnh nhân cũng là một trong những con đường dễ lây nhiễm bệnh.

Triệu chứng khởi phát của bệnh thủy đậu gồm mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu. Sau đó, cơ thể xuất hiện các mụn nước đỏ có chứa dịch. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh không gây biến chứng, các nốt đỏ trên cơ thể sẽ khô dần và bong vảy sau 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm gan, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết, xuất huyết,... thậm chí tử vong.

Các trường hợp trẻ mắc thủy đậu mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trẻ được cho nghỉ học khoảng 10 ngày để thuận tiện trong việc điều trị bệnh và tránh lây cho trẻ khác. Bên cạnh đó, cha mẹ cần vệ sinh phòng ở của trẻ sao cho sạch sẽ, thông thoáng, hạn chế để trẻ tiếp xúc với gió. Song song với đó, cần vệ sinh cơ thể trẻ hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối sinh lý. Trường hợp mụn nước bị vỡ thì bôi thuốc tím Milan 0,25% hoặc dung dịch xanh Methylen. Tránh không cho trẻ gãi nốt mụn để tránh nguy cơ tổn thương da.

Ăn gì khi bị thủy đậu và những điều cần tránh
Trẻ mắc thủy đậu nhẹ có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

Tuy bệnh thủy đậu có thể điều trị đơn giản nhưng nhiều trường hợp vẫn dẫn tới những hậu quả khó lường. Vì vậy, phòng ngừa thủy đậu bằng cách tiêm vắc-xin thủy đậu vẫn là lựa chọn tốt.

2. Nên tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ khi nào sẽ an toàn và hiệu quả cao?

2.1 Có những loại vắc-xin thủy đậu nào?

Có các loại vắc-xin thủy đậu sau:

  • Vắc-xin Varivax (Mỹ): Là vắc-xin sống giảm độc lực, chỉ định phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn chưa có miễn dịch
  • Vắc-xin Varicella (Hàn Quốc): Là vắc-xin dạng đông khô của thủy đậu sống giảm độc lực, chỉ định phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và cả người lớn chưa có miễn dịch.

2.2 Thời điểm tiêm vắc-xin thủy đậu an toàn cho trẻ

Sau khi đưa vào cơ thể, vắc-xin thủy đậu sẽ cần 1 - 2 tuần để có thể phát huy tác dụng. Bởi vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin thủy đậu trước mùa dịch tối thiểu 1 tháng. Thời gian miễn dịch của vắc-xin thủy đậu kéo dài trung bình là khoảng 15 năm. Sau khoảng thời gian này, mỗi người có thể tiêm nhắc lại để phòng bệnh hiệu quả hơn.

Lịch tiêm như sau:

Với vắc xin Varivax của Mỹ:

  • Trẻ 12 tháng tuổi - 12 tuổi: Mũi 1 liều 0,5ml, tiêm khi trẻ được 12 tháng tuổi; mũi 2 liều 0,5ml tiêm khi trẻ được 4 - 6 tuổi;
  • Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Mũi 1 liều 0,5ml là lần tiêm đầu tiên; mũi 2 liều 0,5ml tiêm cách mũi 1 từ 4 - 8 tuần.
Vắc xin Varivax (Mỹ) tại Vinmec
Vắc-xin Varivax của Mỹ hiện đã có tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec

Với vắc-xin Varicella của Hàn Quốc:

  • Tiêm 1 liều duy nhất 0,5ml cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn.

Phản ứng sau tiêm:

  • Sau khi tiêm chủng, trẻ có thể bị đau, ngứa, sưng đỏ tại vị trí vết tiêm; sốt, phát ban dạng thủy đậu ở chỗ tiêm hoặc toàn thân. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng thường gặp, tự hết sau 1 - 2 ngày nên phụ huynh không cần quá lo lắng. Trường hợp bị phát ban sẽ khỏi trong vòng 4 tuần. Trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể bị chảy máu cam, xuất huyết hoặc bị chảy máu niêm mạc trong miệng.
  • Sau tiêm, cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút tại nơi tiêm chủng. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường thì cần báo ngay cho bác sĩ để can thiệp, xử trí.

2.3 Chống chỉ định tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ

Không nên tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ nếu trẻ thuộc một trong các đối tượng sau:

  • Dưới 12 tháng tuổi;
  • Đang bị sốt hoặc suy dinh dưỡng;
  • Có tiền sử bị co giật trong vòng 1 năm trước khi tiêm vắc-xin;
  • Có tiền sử quá mẫn với thành phần của vắc-xin;
  • Trẻ mắc HIV hoặc ung thư đang trong thời gian hóa trị;
  • Có bệnh tim mạch hoặc rối loạn chức năng gan thận;
  • Có tiền sử quá mẫn với Erythromycin và Kanamycin.

Tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ đủ liều, đúng lịch chính là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa căn bệnh này, giảm nguy cơ mắc phải những biến chứng không mong muốn. Khi tiêm vắc-xin cho trẻ, phụ huynh nên theo dõi chặt các dấu hiệu của bé để kịp thời can thiệp nếu có phản ứng bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan