Vắc xin phế cầu khuẩn cho người lớn: Ai nên/ không nên tiêm?

Người lớn tuổi rất dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế cầu khuẩn. Tiêm vắc xin phế cầu khuẩn là một biện pháp chăm sóc sức khỏe quan trọng, giúp phòng ngừa và giảm đáng kể gánh nặng sức khỏe do bệnh phế cầu khuẩn gây ra. Mặc dù vắc-xin phế cầu khuẩn không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh viêm phổi nhưng nó có thể làm giảm khả năng mắc bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh. Vậy, vắc-xin phế cầu khuẩn cho người lớn dành cho những đối tượng nào và đối tượng nào không nên tiêm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Phế cầu khuẩn gây bệnh gì?

Phế cầu khuẩn (tên tiếng Anh là Streptococcus pneumoniae) là vi khuẩn kỵ khí, gram dương, vi khuẩn kỵ khí lưỡng nghi (facultative anaerobic bacteria) với hơn 90 loại huyết thanh, thường cư trú trong vùng mũi họng ở cả những người khỏe mạnh. Loại vi khuẩn này có thể gây ra một số căn bệnh nguy hiểm: bao gồm: viêm phổi (nhiễm trùng phổi), nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, viêm màng não (nhiễm trùng quanh não và tủy sống) và nhiễm khuẩn huyết. Phế cầu khuẩn lây lan qua ho, hắt hơi và tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh.

Các triệu chứng của bệnh phế cầu khuẩn phụ thuộc vào bộ phận nào của cơ thể bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ho, khó thở, đau ngực, cứng cổ, lú lẫn và mất phương hướng, nhạy cảm với ánh sáng, đau khớp, ớn lạnh, đau tai, mất ngủ và khó chịu. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh do phế cầu khuẩn có thể gây mất thính lực, tổn thương não và tử vong.

Phế cầu khuẩn gây ra nhiều loại bệnh khác nhau
Phế cầu khuẩn gây ra nhiều loại bệnh khác nhau

2. Vắc-xin phế cầu khuẩn cho người lớn ai nên tiêm?

Nếu bạn và bác sĩ quyết định rằng bạn cần phải tiêm vắc-xin viêm phổi thì bạn có thể tiêm loại vắc-xin này bất cứ lúc nào trong năm. Nếu đó là mùa cúm, bạn thậm chí có thể tiêm vắc-xin viêm phổi cùng lúc với vắc-xin cúm, miễn là hai mũi được tiêm ở hai cánh tay khác nhau.

Các chuyên gia khuyến cáo những đối tượng sau nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn:

  • Người trên 65 tuổi. Khi già đi, hệ thống miễn dịch của bạn không hoạt động tốt như trước đây. Bạn có nhiều khả năng gặp khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng viêm phổi do đó, tất cả người lớn trên 65 tuổi nên tiêm loại vắc-xin này.
  • Người có hệ thống miễn dịch yếu. Hệ thống miễn dịch bị suy yếu nên dẫn tới giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi.
  • Nếu bạn bị bệnh tim, tiểu đường, khí phế thũng, hen suyễn hoặc COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bạn có khả năng bị suy yếu hệ thống miễn dịch nên dễ bị viêm phổi.
  • Suy giảm miễn dịch cũng xảy ra với những người phải trải qua hóa trị liệu, người đã cấy ghép tạng và những người nhiễm HIV hoặc AIDS.
  • Người hút thuốc lá. Nếu hút thuốc trong một thời gian dài, bạn có thể bị tổn thương hệ thống lông mao bên trong phổi, những sợi lông này giúp lọc vi trùng và bụi bẩn. Khi lông mao bị tổn thương, chúng không thể ngăn chặn hoàn toàn những mầm bệnh có thể gây hại cho cơ thể.
  • Nghiện rượu nặng. Nếu uống quá nhiều rượu, bạn có thể bị suy yếu hệ thống miễn dịch. Các tế bào bạch cầu có nhiệm vụ chống nhiễm trùng sẽ không hoạt động tốt giống như những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
  • Người bệnh trải qua phẫu thuật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng. Nếu bạn được điều trị tại khoa/phòng chăm sóc đặc biệt ở cơ sở y tế và cần phải thở bằng máy thở thì bạn sẽ có nguy cơ bị viêm phổi. Điều này cũng tương tự như người bệnh trải qua đại phẫu thuật hoặc người bệnh đang trong quá trình hồi phục do vết thương nghiêm trọng. Khi hệ thống miễn dịch của yếu đi vì bệnh tật hoặc chấn thương hoặc, bạn có thể không chống lại được các vi sinh vật gây bệnh giống như bình thường.

Lưu ý, bạn sẽ không bị viêm phổi từ vắc-xin phế cầu khuẩn do loại vắc-xin này chỉ có thành phần chiết xuất từ vi khuẩn viêm phổi, không phải vi khuẩn thực sự nên không có khả năng gây bệnh.

Sau khi tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn, một số người có xuất hiện một số tác dụng phụ nhẹ như:

  • Sưng, đau hoặc đỏ tại vị trí tiêm
  • Sốt nhẹ
  • Khó chịu
  • Ăn mất ngon
  • Đau cơ bắp

Dưới 1% số người được tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn có các loại tác dụng phụ này. Phản ứng dị ứng thậm chí còn hiếm hơn nhiều.

3. Ai không nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn?

Không phải ai cũng cần tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn. Nếu bạn là người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 50, bạn có thể không cần tiêm loại vắc-xin này. Ngoài ra, bạn cũng không nên tiêm nếu bạn có tiền sử bị dị ứng với thành phần có trong vắc-xin.

Tuy nhiên để chắc chắn, bạn nên xin ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định có tiêm hay không.

4. Vắc-xin phế cầu khuẩn hoạt động như thế nào?

Có hai loại vắc-xin phế cầu khuẩn được sử dụng để bảo vệ chống lại các loại nhiễm trùng khác nhau, gồm:

  • PCV13 (hay Vắc-xin Prevenar 13) giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi 13 loại vi khuẩn nguy hiểm nhất gây viêm phổi.
  • PPSV23 ( Pneumon 23) bảo vệ cơ thể chống lại thêm 23 loại vi khuẩn gây viêm phổi khác. Mặc dù không thể ngăn ngừa mọi tác nhân gây viêm phổi, nhưng loại vắc-xin này có tác dụng chống lại hơn 30 loại vi khuẩn phổ biến và nghiêm trọng.

Những người cần tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn nên tiêm cả hai mũi: đầu tiên, tiêm PCV13 và sau đó tiêm PPSV23 một năm sau đó.

Vắc-xin PCV 13 giúp bảo về cơ thể trước 13 loại vi khuẩn nguy hiểm nhất gây viêm phổi
Vắc-xin PCV 13 giúp bảo về cơ thể trước 13 loại vi khuẩn nguy hiểm nhất gây viêm phổi

Khi tiêm vắc xin, bạn cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, nhân viên y tế về liều lượng, thời gian. 2 loại vắc-xin PPSV23 và PCV13 đều được dùng với liều 0,5 ml. Vắc xin PCV13 nên được tiêm ở bắp, trong khi vắc-xin PPSV23 có thể được tiêm ở bắp hoặc tiêm dưới da. Sử dụng trong cả hai loại vắc-xin có thể gây ra phản ứng cục bộ nghiêm trọng và không nên dùng cả 2 loại vắc-xin cùng một lúc.

Đối với những bệnh nhân cần cả hai loại vắc-xin phế cầu khuẩn thì nên tiêm vắc-xin PCV13 trước, sau đó tiêm vắc-xin PPSV. Ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm phế cầu khuẩn, thì khoảng cách 2 liều tiêm phải cách nhau ít nhất 8 tuần. Còn đối với các trường hợp khác, 2 liều cách nhau ít nhất 1 năm.

  • Đối với người lớn chưa từng tiêm vắc-xin trước đó, PCV13 nên được tiêm trước PPSV23 cách nhau ít nhất 1 năm
  • Đối với người lớn trong độ tuổi từ 19 đến 64 tuổi mà cần cả hai loại vắc-xin, tiêm PCV13 trước sau đó là PPSV23 và thời gian cách nhau giữa 2 mũi là ít nhất 8 tuần. Đối với những bệnh nhân có chỉ định tiêm chủng là ≥65 tuổi, tiêm PCV13 trước sau đó là PPSV23 và thời gian giữa 2 mũi tiêm sẽ cách nhau ≥1 năm sau.

Mặc dù khoảng thời gian cách nhau giữa là 2 mũi tối thiểu là 1 năm là tối ưu để phát triển các phản ứng kháng thể bảo vệ. Tuy nhiên, những bệnh nhân cần cả hai loại vắc-xin ở nhóm tuổi này thường có nguy cơ cao bị nhiễm phế cầu khuẩn; do đó có thể rút ngắn khoảng thời gian lại. Ngoài ra, đối với những người bị suy giảm miễn dịch, việc kéo dài khoảng cách giữa các lần tiêm chủng không có khả năng làm tăng sự phát triển của kháng thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

232.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan