Trẻ đi ngoài phân sống lợn cợn sữa có phải dị ứng sữa đạm bò không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bé nhà em bị đi phân sống có lợn cợn sữa, ăn cháo rau củ thì ra nguyên rau củ,... 7 tháng nhưng chỉ được 6kg không lên cân sinh được 3kg, khó ngủ hay quấy khóc, khó chịu trong người 1 cữ ngủ được 10 - 15 phút. Bé có tiền sử bị viêm mũi dị ứng. Xin hỏi bác sĩ trẻ đi ngoài phân sống lợn cợn sữa có phải dị ứng sữa đạm bò không? Cảm ơn bác sĩ tư vấn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ Nguyễn Thùy Dung - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Trẻ đi ngoài phân sống lợn cợn sữa có phải dị ứng sữa đạm bò không?”, bác sĩ giải đáp như sau:

Các triệu chứng như mẹ kể chưa chắc chắn là dị ứng đạm sữa bò. Bạn nên cho bé đến bệnh viện để được thăm khám. Để nhận biết chính xác dị ứng đạm sữa bò khá khó khăn vì các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ) gọi là phản ứng dị ứng nhanh, hoặc muộn hơn (trên 48 giờ) được gọi là phản ứng dị ứng chậm. Nói chung trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể sẽ có một số biểu hiện trong những tuần đầu tiên ngay khi tiếp xúc với đạm sữa bò như:

  • Viêm da cơ địa
  • Sưng môi và mi mắt (phù mạch)
  • Nổi mề đay, phát ban (không liên quan đến việc nhiễm trùng cấp, thuốc hay nguyên nhân nào khác)
  • Sổ mũi, khò khè, ho kéo dài (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng)
  • Thường xuyên trào ngược và nôn ói
  • Tiêu chảy/bón, chướng bụng. Có thể đi tiêu phân lỏng, có máu trong phân
  • Cơ thể thiếu máu thiếu sắt
  • Mệt mỏi kéo dài hay đau quặn (cơn colic/khóc dạ đề) >3 giờ mỗi ngày ít nhất 3 ngày trong 1 tuần kéo dài trên 3 tuần

Các bác sĩ thường chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò dựa trên các triệu chứng lâm sàng cùng việc thu thập tiền sử và được xác định khi thực hiện các xét nghiệm dị ứng.

Khai thác tiền sử bệnh lý và thăm khám thể chất:

Tiền sử bệnh lý gia đình cần được khai thác vì dị ứng thường mang tính chất di truyền. Bên cạnh đó, các thông tin như: tiền sử bản thân trẻ, loại sữa trẻ đang dùng, thời điểm xuất hiện các triệu chứng, các dạng triệu chứng và các yếu tố khởi phát...đều là các thông tin quan trọng cho việc chẩn đoán cùng với việc khám lâm sàng da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp vì đây là các cơ quan thường chịu ảnh hưởng rõ nét của dị ứng đạm sữa bò.

Xét nghiệm dị ứng: Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm dị ứng như:

  • Lẩy da (Skin prick Test) với sữa
  • Xét nghiệm IgE đặc hiệu với các protein sữa bò (RAST)
  • Test loại trừ/cho ăn lại: để trẻ kiêng sữa trong 2-4 tuần, nếu giảm triệu chứng thì cho ăn lại sữa công thức từ sữa bò. Nếu triệu chứng xuất hiện lại thì test dương tính, trẻ có dị ứng đạm sữa bò.

Test thử thách đường miệng: Tiêu chuẩn vàng, cần thực hiện tại bệnh viện

Nếu bạn còn thắc mắc về việc trẻ đi ngoài phân sống lợn cợn sữa, bạn có thể đến cơ sở y tế thuộc Hệ thống Y tế Vinmec thăm khám và điều trị sớm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

861 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan