Một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Dị ứng thực phẩm là một hội chứng gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Dị ứng thực phẩm khiến người bệnh gặp không ít phiền toái vì bị hạn chế trong ăn uống.

1. Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể với loại protein có trong thực phẩm. Khi thức ăn được đưa vào hệ tiêu hóa, chúng được vận chuyển vào máu, kết hợp với một loại kháng thể có sẵn trên bề mặt của tế bào bạch cầu, làm vỡ tế bào bạch cầu và giải phóng các hóa chất trung gian histamin, gây ra phản ứng dị ứng. Dị ứng thực phẩm dễ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng (như viêm da, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...).

2. Một số yếu tố nguy cơ gây dị ứng thực phẩm

Có nhiều yếu tố là nguy cơ gây dị ứng thực phẩm như:

  • Protein và phân tử không thay đổi khi vào hệ tuần hoàn;
  • Hệ miễn dịch của ruột và tính miễn dịch trên niêm mạc ruột;
  • Một số chất gây có khả năng làm tăng tính thấm của niêm mạc ruột như thuốc aspirin, rượu, virus, nấm, ký sinh trùng.

Sau khi ăn phải thực phẩm gây dị ứng, nếu người bị dị ứng làm việc gắng sức có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ.

Dị ứng thức ăn
Có nhiều yếu tố có thể nguy cơ gây dị ứng thực phẩm

3. Một số loại thực phẩm gây dị ứng

Trong hơn 160 loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng, 8 nhóm thực phẩm chủ yếu sau có thể tỷ lệ dẫn đến dị ứng thực phẩm lên đến 90%.

3.1 Sữa bò

Có khoảng 2-3% trẻ bị dị ứng sữa bò, tuy nhiên 90% trẻ sẽ tự khỏi khi được 6 tuổi.

Dị ứng sữa bò liên quan đến phản ứng miễn dịch chống lại một hoặc cả hai protein của sữa, đó là casein và whey protein. Các protein này cũng có trong sữa của các loài động vật có vú khác, do đó, trẻ bị dị ứng sữa bò cũng thường bị dị ứng với sữa dê hoặc sữa cừu.

Dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò ở trẻ thường là các biểu hiện ngoài da như phát ban đỏ, mề đay, viêm da, chàm; triệu chứng về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau bụng; triệu chứng về hô hấp như hen, khó thở, trong giờ đầu sau khi sử dụng thực phẩm.

Trường hợp dị ứng thực phẩm nặng có thể gây sốc phản vệ và có nguy cơ tử vong cao. Trên lâm sàng, dị ứng với sữa bò thường bị nhầm lẫn với tình trạng không dung nạp sữa bò - là một bệnh lý di truyền do thiếu men tiêu hóa đường lactose. Trẻ bị dị ứng sữa bò cũng có nguy cơ dị ứng với các thực phẩm khác, và dị ứng ở mũi. Khoảng 10% trẻ bị dị ứng với sữa bò có phản ứng với thịt bò.

3.2 Trứng

Trứng là thực phẩm gây dị ứng phổ biến ở trẻ nhỏ chỉ sau sữa bò, tuy nhiên, 80% trẻ hết bị dị ứng với trứng khi được 6 tuổi. Tình trạng này cũng ít gặp đối với người trưởng thành.

Đa phần các protein gây dị ứng nằm ở lòng trắng, protein ở lòng đỏ ít gây dị ứng hơn. Sự tương đồng giữa protein trứng gà và các loại trứng khác khiến cho người bị dị ứng với trứng gà cũng bị dị ứng với trứng vịt, trứng ngỗng,... tuy nhiên, lại không dị ứng với thịt gà, thịt vịt.

Trứng là thực phẩm gây dị ứng với biểu hiện ngoài da như viêm da, nổi mề đay và biểu hiện ở đường tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, nôn, buồn nôn.

Biểu hiện ngoài da có thể xuất hiện sau khi dùng trứng chỉ vài phút, trong khi đó, các triệu chứng về tiêu hóa lại rất khác biệt về thời điểm xuất hiện và mức độ. Một số trường hợp còn ghi nhận tình trạng sốc phản vệ và phản ứng hô hấp như ho, khó thở, hen sau khi ăn trứng. Nếu sử dụng trứng ở nhiệt độ cao thì không làm giảm khả năng dị ứng.

3.3 Hải sản

Dị ứng hải sản (cá, tôm, cua, ...) thường gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành hơn, và khi đã bị dị ứng thì hiếm có trường hợp tự khỏi. Việc thường xuyên ăn hải sản sẽ gây ra dị ứng.

Triệu chứng dị ứng thường gặp là phản ứng cục bộ nhẹ ở miệng (như ngứa miệng, ngứa họng), biểu hiện ngoài da (như phát ban, nổi mề đay), tiêu hóa. Các triệu chứng này thường xuất hiện ngay sau khi ăn. Đôi khi cũng có thể có biểu hiện ở đường hô hấp, nặng có thể dẫn đến phản ứng toàn thân, gây sốc phản vệ và đe dọa tính mạng.

Sử dụng thực phẩm ở nhiệt độ cao không làm giảm tính dị ứng của nó, do đó tốt nhất người bị dị ứng hải sản cần hạn chế ăn các loại hải sản.

Hải sản
Việc thường xuyên ăn hải sản sẽ dễ gây ra dị ứng

3.4 Đậu phộng (lạc)

Có khoảng 0,5-1% trẻ bị dị ứng với đậu phộng. Không giống như dị ứng với sữa bò và trứng, dị ứng với đậu phộng thường ít tự khỏi, 75% trẻ vẫn dị ứng khi trưởng thành.

Thành phần gây dị ứng của lạc là các protein dự trữ - nguồn dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của cây, trong đó, hai loại protein gây dị ứng mạnh nhất là albumin và vicilin.

Biểu hiện lâm sàng của dị ứng lạc có thể bao gồm dị ứng ở miệng như ngứa miệng, họng hoặc hen, khó thở, nặng có thể là sốc phản vệ. Trong tất cả các loại thực phẩm gây dị ứng thì dị ứng với lạc có biểu hiện nặng nề nhất.

Lạc có thể gây phản ứng dị ứng mạnh ngay khi mới sử dụng lần đầu tiên. Môi ngứa ran khi tiếp xúc với lạc chính là dấu hiệu cảnh báo của phản ứng dị ứng mạnh có thể xảy ra. Trong rất ít trường hợp, người bị dị ứng với lạc chỉ cần hít hoặc tiếp xúc da tối thiểu cũng có thể dẫn tới dị ứng lạc.

Khoảng 80% trẻ em bị dị ứng lạc sẽ có phản ứng ngay trong lần đầu tiếp xúc. Người bị dị ứng với lạc cũng thường bị dị ứng với các loại hạt khác như hạt dẻ, hạnh nhân, hạt điều,...

Ngưỡng thực phẩm gây dị ứng đối với lạc là khoảng 1 miligam (trung bình 1 hạt lạc có khối lượng 500 - 1000 mg), có nghĩa là 1/1.000 hạt lạc đã có thể khởi phát tình trạng dị ứng ở người bệnh.

3.5 Các loại hạt

Các loại hạt bao gồm hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt óc chó, hạt thông,... được coi là thực phẩm gây dị ứng lớn nhất, tức là chỉ cần với một lượng rất nhỏ cũng đủ gây ra phản ứng dữ dội. Khoảng 0,5% người trên thế giới bị dị ứng với các loại hạt này và bệnh hiếm khi tự khỏi.

Trẻ nếu bị dị ứng với một loại hạt thì cũng sẽ bị dị ứng với các loại hạt khác, hoặc có thể dị ứng chéo với lạc. Dị ứng hạt điều được biết đến là nặng hơn so với dị ứng lạc.

Các loại hạt là thực phẩm gây dị ứng với các triệu chứng lâm sàng từ nhẹ (như nổi mẩn quanh miệng hoặc toàn thân, đau bụng, buồn nôn, nôn) đến nặng là có thể gây khó thở, thở khò khè, khàn giọng, hoặc ho do dị ứng đường hô hấp. Trường hợp rất nặng, dị ứng có thể gây ngất, sốc phản vệ và dẫn đến tử vong.

Phản ứng dữ dội với các loại hạt này có thể bị kích hoạt dù chỉ là một lượng thực phẩm cực nhỏ (đôi khi chỉ cần tiếp xúc qua da hoặc hít thở), do đó, người bị dị ứng cần tránh tuyệt đối các loại hạt này.

Các loại hạt
Các loại hạt được coi là thực phẩm gây dị ứng lớn nhất

3.6 Lúa mì

Có khoảng 0,4% trẻ nhỏ bị dị ứng lúa mì và khoảng 80% trẻ sẽ tự khỏi khi được 6 tuổi. Dị ứng lúa mì là một phản ứng đặc biệt của hệ miễn dịch với một số loại protein có trong lúa mì.

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm bao gồm phản ứng cục bộ nhẹ ở da, họng và ruột, phản ứng sốc phản vệ là rất hiếm gặp. Dị ứng với lúa mì thường khó phân biệt trên triệu chứng lâm sàng với các trường hợp không dung nạp gluten hoặc hội chứng kém hấp thu gluten (bệnh Celiac).

Không dung nạp gluten (một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch, yến mạch...) gây ra các triệu chứng nặng nề về đường ruột, tuy nhiên không gây tổn thương ruột như bệnh Celiac.

3.7 Đậu tương

Đậu tương là thực phẩm gây dị ứng chủ yếu ở trẻ nhỏ bị chàm, viêm da cơ địa. Trẻ thường hết dị ứng sau 1-2 năm không dùng đậu tương. Dị ứng với đậu tương rất ít gặp ở người trưởng thành.

Dị ứng khi ăn thức ăn từ đậu tương cũng có thể gây ngứa và sưng ở miệng, họng, gây buồn nôn, tiêu chảy, viêm mũi dị ứng hoặc hen, nổi mề đay. Trường hợp nặng, người bị dị ứng có thể hạ huyết áp, thấy khó thở.

Hít phải bột đậu tương cũng có thể gây ra các triệu chứng về hô hấp như viêm mũi, hen. Tuy nhiên, người bị dị ứng do hít phải bột đậu thường không dị ứng khi ăn thức ăn từ đậu tương.

Để hạn chế những triệu chứng do dị ứng thực phẩm gây ra, tốt nhất người có cơ địa dị ứng nên tránh sử dụng các loại thực phẩm nêu trên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan