Công dụng thuốc Midatoren

Midatoren là thuốc điều trị tăng huyết áp với 2 hoạt chất chính là Hydroclorothiazid và Valsartan. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng, lưu ý có thể gặp khi dùng thuốc Midatoren.

1. Thuốc Midatoren là thuốc gì?

Thuốc Midatoren chứa 2 hoạt chất chính là Valsartan hàm lượng 160mg và Hydroclorothiazid 25mg. Thuốc Midatoren được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

Valsartan là thuốc đối kháng receptor angiotensin II đặc hiệu. Thuốc tác động chọn lọc trên thụ thể AT1 mà thụ thể này kiểm soát hoạt động của angiotensin II. Nồng độ angiotensin II tăng lên trong huyết tương sau khi dùng thuốc chẹn thụ thể AT1, với Valsartan có thể kích thích các thụ thể AT2 không bị khoá và điều này làm cân bằng hiệu quả của thụ thể AT1. Valsartan không có bất cứ hoạt động chủ vận nào với thụ thể AT1 nhưng có ái lực với thụ thể AT1 mạnh gấp 20.000 lần so với thụ thể AT2.

Valsartan không ức chế men chuyển ACE, enzym chuyển angiotensin I thành angiotensin II và thoái hoá bradykinin. Các tác dụng phụ liên quan đến bradykinin không xảy ra khi dùng Valsartan. Valsartan không gắn kết và không chẹn các thụ thể hormon khác hay kênh ion được biết là rất quan trọng đối với điều hoà hệ tim mạch. Valsartan có tác dụng làm hạ huyết áp mà không ảnh hưởng tới nhịp tim.

Trên hầu hết các bệnh nhân, sau khi dùng liều Valsartan duy nhất, tác dụng chống tăng huyết áp đạt được trong vòng 2 giờ, hạ huyết áp tối đa đạt được trong vòng 4 – 6 giờ. Tác dụng chống tăng huyết áp được duy trì trong hơn 24 giờ kể từ khi dùng thuốc. Trong quá trình dùng liều Valsartan nhắc lại, mức độ giảm huyết áp tối đa ở bất cứ liều nào đạt được trong vòng 2 -4 tuần, và duy trì trong suốt quá trình điều trị. Nếu phối hợp với Hydrochlorothiazid thì có thể đạt được mức hạ huyết áp đáng kể.

Hoạt động chủ yếu của thuốc lợi tiểu thiazid ở trên ống lượn xa của thận. Trên vỏ thận thuốc gắn kết với một receptor có ái lực cao để phát huy tác dụng lợi tiểu và ức chế vận chuyển NaCl ở ống lượn xa. Tác dụng của thuốc lợi tiểu thiazid là thông qua ức chế chất đồng vận Na+ Cl-, có lẽ do tranh chấp vị trí của Cl- do đó ảnh hưởng tới cơ chế tái hấp thu chất điện giải: trực tiếp làm tăng bài tiết Na và Cl với khối lượng tương đương, gián tiếp tăng hoạt động của renin, tăng cường bài tiết aldosterone, tăng bài tiết kali qua nước tiểu, và giảm nồng độ kali trong máu. Mối liên hệ giữa renin - aldosterone qua trung gian angiotensin II, do đó dùng phối hợp với thuốc đối kháng với receptor angiotensin II làm phục hồi lượng kali bị mất do thuốc lợi tiểu nhóm thiazid.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Midatoren

Thuốc Midatoren được chỉ định trong điều trị các trường hợp sau:

  • Điều trị tăng huyết áp cho người lớn từ 18 tuổi trở lên.
  • Midatoren được sử dụng để điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân huyết áp không được kiểm soát đúng mức khi điều trị bằng phương pháp đơn trị liệu. Loại thuốc phối hợp này được dùng trong liệu pháp điều trị tuyến hai.
  • Midatoren có thể được dùng như điều trị khởi đầu ở bệnh nhân có thể cần dùng nhiều thuốc để đạt được mục tiêu huyết áp. Sự lựa chọn Midatoren như điều trị khởi đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp nên được dựa trên việc đánh giá tiềm năng lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra.

Thuốc Midatoren có chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn cảm với Hydrochlorothiazid, Valsartan và các thuốc khác là dẫn xuất của sulfonamid hoặc bất cứ thành phần nào của Midatoren.
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.
  • Suy gan nặng. Xơ gan mật hoặc ứ mật.
  • Suy thận nặng (độ thanh thải creatinin <30ml/phút), bệnh nhân vô niệu.
  • Hạ Kali máu, tăng canxi máu, tăng acid uric máu.
  • Dùng đồng thời với các thuốc có chứa aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận (độ lọc cầu thận <60ml/phút).

3. Cách dùng thuốc Midatoren

Thuốc Midatoren được dùng đường uống, thời điểm uống thuốc không liên quan đến bữa ăn.

3.1. Liều dùng thuốc Midatoren

Liều khuyến cáo điều trị của thuốc Midatoren: 1 viên/lần x 1 lần/ngày. Nên điều chỉnh liều với từng thành phần. Trong mỗi trường hợp, cần chuẩn độ liều từng thành phần với liều kế tiếp để giảm nguy cơ hạ huyết áp và các tác dụng phụ khác.

Bệnh nhân có huyết áp không kiểm soát được khi dùng đơn trị liệu Valsartan hoặc Hydrochlorothiazid nên chuyển sang sử dụng phác đồ kết hợp, điều chỉnh liều cho từng thành phần.

Các đáp ứng lâm sàng của Valsartan/Hydrochlorothiazid nên được đánh giá sau khi bắt đầu điều trị và nếu huyết áp vẫn không được kiểm soát, có thể tăng liều bằng cách tăng một trong các thành phần đến liều tối đa là Valsartan 320mg và Hydrochlorothiazid 25mg.

Tác dụng hạ huyết áp của thuốc Midatoren thể hiện đáng kể trong vòng 2 tuần.

Trong hầu hết bệnh nhân, tác dụng tối đa được quan sát trong vòng 4 tuần. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân, thời gian điều trị có thể yêu cầu từ 4 – 8 tuần.

Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều lượng thuốc Midatoren cho bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình (tốc độ lọc cầu thận >30ml/phút). Thuốc Midatoren có thành phần Hydrochlorothiazid, do đó thuốc Midatoren chống chỉ định ở những bệnh nhân vô niệu và suy thận nặng (tốc độ lọc cầu thận <30ml/phút). Không sử dụng Valsartan kết hợp Aliskiren ở bệnh nhân suy thận (tốc độ lọc cầu thận <60ml/phút).

Bệnh nhân suy gan: Bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ đến trung bình mà không ứ mật, liều Valsartan không nên vượt quá 80mg. Không cần điều chỉnh liều thuốc Hydrochlorothiazid ở bệnh nhân suy gan nhẹ đến trung bình. Do thuốc Midatoren có thành phần Valsartan, thuốc có chống chỉ định sử dụng ở bệnh nhân suy gan nặng hoặc xơ gan ứ mật.

Trẻ em < 18 tuổi: Tính an toàn và hiệu quả của thuốc Midatoren ở trẻ em dưới 18 tuổi chưa được xác lập.

Bệnh nhân lớn tuổi: Không cần điều chỉnh liều thuốc Midatoren ở đối tượng này.

Bệnh nhân đái tháo đường: Chống chỉ định kết hợp thuốc Valsartan và Aliskiren.

Quá liều thuốc Midatoren và xử trí:

  • Quá liều thuốc Valsartan gây hạ huyết áp rõ rệt, có thể dẫn đến suy giảm ý thức, trụy tuần hoàn hoặc sốc. Quá liều Hydrochlorothiazid có thể gây buồn nôn, buồn ngủ, giảm thể tích máu, rối loạn điện giả, rối loạn nhịp tim và co cơ.
  • Xử trí: Biện pháp xử trí quá liều thuốc Midatoren chủ yếu phụ thuộc vào thời gian uống và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, ổn định tình trạng tuần hoàn là quan trọng hàng đầu. Nếu hạ huyết áp xảy ra, nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, muối và thể tích tuần hoàn nên được bổ sung nhanh chóng. Trường hợp bệnh nhân mới uống thuốc có thể tiến hành gây nôn. Ngoài ra, biện pháp xử trí thường áp dụng là truyền tĩnh mạch nước muối sinh lý. Valsartan không thể bị loại bỏ khỏi tuần hoàn bằng lọc máu do thuốc gắn kết mạng với huyết tương, trong khi đó Hydrochlorothiazid có thể loại bỏ được bằng thẩm tách.

4. Các tác dụng không mong muốn của thuốc Midatoren

Các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Midatoren:

  • Ít gặp: mất nước, cảm giác bất thường, nhìn mờ, ù tai, hạ huyết áp, ho, đau cơ, mệt mỏi.
  • Hiếm gặp: chóng mặt, tiêu chảy, đau khớp.
  • Không rõ tần suất: ngất, phù phổi không do tim, suy giảm chức năng thận, tăng acid uric máu, tăng bilirubin, tăng creatinin máu, hạ kali máu, hạ natri, tăng ure máu, giảm bạch cầu trung tính.

Các tác dụng phụ khi sử dụng riêng Valsartan:

  • Ít gặp: đau bụng, chóng mặt.
  • Không rõ tần suất: Giảm hemoglobin, giảm hematocrit, giảm tiểu cầu, phản ứng quá mẫn, tăng kali máu, viêm mạch, tăng giá trị xét nghiệm chức năng gan, phù mạch, phát ban, ngứa, suy thận.

Các tác dụng phụ khi sử dụng riêng Hydrochlorothiazid:

  • Thường gặp: Hạ magie máu, tăng acid uric máu, nổi mề đay và phát ban, giảm sự thèm ăn, buồn nôn, nôn, hạ huyết áp tư thế đứng, bất lực.
  • Ít gặp: Tăng lipid máu khi sử dụng thuốc liều cao.
  • Hiếm gặp: Tăng canxi máu, tăng đường máu và đường niệu làm xấu đi trình trạng chuyển hoá ở bệnh nhân đái tháo đường, phản ứng nhạy cảm ánh sáng, táo bón, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, dị cảm, thị giác suy giảm đặc biệt trong vài tuần đầu điều trị, giảm tiểu cầu, đôi khi có ban xuất huyết.
  • Rất hiếm gặp: Giảm Cl máu, viêm mạch hoại tử, nhiễm kiềm, hoại tử thượng bì nhiễm độc, phản ứng giống lupus ban đỏ, kích hoạt lupus ban đỏ ở da, viêm tuỵ, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, suy tuỷ xương, thiếu máu tan máu, phản ứng quá mẫn suy hô hấp bao gồm viêm phổi và phù phổi.
  • Không rõ tần suất: Hồng ban đa dạng, tăng nhãn áp góc đóng, thiếu máu bất sản, suy thận cấp, sốt, suy nhược, co cơ.

5. Thận trọng khi dùng thuốc Midatoren

  • Không nên sử dụng đồng thời thuốc Valsartan và thuốc bổ sung kali, thuốc lợi tiểu giữ kali, chất thay thế muối có chứa kali hoặc thuốc làm tăng nồng độ kali trong huyết thanh. Theo dõi nồng độ kali máu ở các bệnh nhân này.
  • Hydrochlorothiazid: hạ kali máu ở các bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu thiazid đã được báo cáo. Thuốc lợi tiểu thiazid làm giảm bài tiết canxi, điều này có thể dẫn tới làm tăng nồng độ canxi trong máu.
  • Bệnh nhân sử dụng Hydrochlorothiazid cần được theo dõi các dấu hiệu lâm sàng của sự mất thể tích tuần hoàn hoặc mất cân bằng chất điện giải.
  • Bệnh nhân có chức năng thận phụ thuộc vào hoạt động của hệ thống renin – angiotensin - aldosterone (như bệnh nhân suy tim sung huyết nặng), điều trị bằng thuốc đối kháng thụ thể angiotensin hoặc thuốc ức chế men chuyển kết hợp với thiểu niệu hoặc tăng ure máu, một số trường hợp hiếm gặp có thể gây suy thận cấp và tử vong. Đánh giá bệnh nhân suy tim hoặc sau nhồi máu cơ tim nên bao gồm đánh giá chức năng thận. Việc sử dụng thuốc Midatoren ở bệnh nhân suy tim mãn tính nặng chưa được nghiên cứu. Do thuốc ức chế hệ RAAS nên sử dụng Midatoren 160/25 có thể gây suy giảm chức năng thận, vì vậy không sử dụng thuốc ở các bệnh nhân này.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Midatoren ở bệnh nhân hẹp động mạch thận một hoặc hai bên, hẹp động mạch thận trên bệnh nhân chỉ có một thận vì ure và creatinin máu có thể tăng ở bệnh nhân này.
  • Không cần điều chỉnh liều dùng cho bệnh nhân có độ thanh thải creatinin >30ml/phút. Khi sử dụng thuốc Midatoren ở bệnh nhân suy thận cần kiểm tra định kỳ kali máu, creatinin và acid uric. Sử dụng đồng thời thuốc ức chế thụ thể angiotensin II Valsartan và aliskiren là chống chỉ định ở bệnh nhân suy thận.
  • Không nên sử dụng thuốc Midatoren 160/25 ở các bệnh nhân cường aldosteron nguyên phát do hệ thống renin – angiotensin không hoạt động.
  • Tương tự với các thuốc giãn mạch khác, cần thận trọng khi sử dụng thuốc Midatoren cho người bị hẹp van động mạch chủ và van hai lá, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn.
  • Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Midatoren ở bệnh nhân suy gan ở mức độ nhẹ đến vừa và không ứ mật. Thận trọng khi sử dụng thuốc ở bệnh nhân bị rối loạn tắc nghẽn đường mật và suy gan nặng.
  • Phù mạch, bao gồm sưng thanh quản và thanh môn, gây tắc đường thở hoặc sưng mặt, môi, cổ họng, lưỡi đã được báo cáo ở một số bệnh nhân sử dụng Valsartan. Ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức nếu bệnh nhân xuất hiện phù mạch và không nên tái sử dụng thuốc.
  • Đã có báo cáo về thuốc lợi tiểu thiazid bao gồm Hydrochlorothiazid làm nặng hoặc kích hoạt bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
  • Đã có báo cáo về trường hợp tăng nhạy cảm ánh sáng ở bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu thiazid. Ngưng sử dụng thuốc Midatoren nếu xuất hiện triệu chứng này.
  • Hydrochlorothiazid, đã có liên quan với một phản ứng đặc biệt dẫn đến bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính và cận thị thoáng qua cấp tính. Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Điều trị tiên quyết là ngưng Hydrochlorothiazid càng sớm càng tốt. Yếu tố nguy cơ làm xuất hiện tăng nhãn áp góc đóng cấp tính có thể bao gồm tiền sử dị ứng penicillin hoặc sulfonamide.
  • Có bằng chứng cho thấy việc dùng đồng thời thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II hoặc aliskiren làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, tăng kali máu, suy giảm chức năng thận. Không nên sử dụng phối hợp các thuốc này.
  • Hydrochlorothiazid có thể làm thay đổi khả năng dung nạp glucose và làm tăng nồng độ cholesterol, triglycerid, acid uric máu. Bệnh nhân đái tháo đường khi sử dụng thuốc Midatoren, cần điều chỉnh liều insulin và thuốc uống điều trị đái tháo đường.
  • Thiazid làm giảm bài tiết canxi trong nước tiểu và làm tăng nhẹ canxi máu trong các trường hợp không có rối loạn chuyển hoá canxi.
  • Không nên sử dụng thuốc Midatoren trong 3 tháng đầu thai kỳ. Chống chỉ định sử dụng thuốc ở 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.
  • Hiện chưa rõ liệu thuốc Valsartan có được bài tiết vào sữa mẹ hay không, tuy nhiên Hydrochlorothiazid được bài tiết qua sữa mẹ. Do đó không nên sử dụng thuốc Midatoren ở phụ nữ đang cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Tương tác với cả 2 thành phần Valsartan và Hydrochlorothiazid:

  • Lithium: Đã có báo cáo về sự gia tăng nồng độ và độc tính Lithi khi dùng đồng thời với Valsartan và Hydrochlorothiazid. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc Midatoren, cần theo dõi nồng độ Lithi máu.
  • Thuốc hạ huyết áp khác: Midatoren có thể làm tăng tác dụng của các thuốc hạ huyết áp khi dùng đồng thời.
  • Noradrenalin, Adrenalin: Midatoren có thể làm giảm đáp ứng của các thuốc này. Tuy nhiên chưa đủ ý nghĩa lâm sàng đê ngăn cản việc sử dụng các thuốc này.
  • Thuốc kháng viêm không steroid: NSAID có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của Valsartan và Hydrochlorothiazid khi dùng đồng thời. Bên cạnh đó, dùng Midatoren và NSAID có thể làm suy giảm chức năng thận và tăng kali máu. Do đó, cần theo dõi chức năng thận khi bắt đầu điều trị.

Tương tác với Valsartan:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Dữ liệu nghiên cứu lâm sàng cho thấy sử dụng đồng thời Valsartan và các thuốc này làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, suy thận và tăng nồng độ kali máu.
  • Kali: Thận trọng khi sử dụng thuốc bổ sung kali, thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc làm thay đổi nồng độ kali trong máu.
  • Sử dụng đồng thời Valsartan và chất ức chế hệ thống vận chuyển thuốc vào gan (Rifampin, Ciclosporin) hoặc chất tăng tống thuốc ra khỏi gan (Ritonavir) có thể làm tăng nồng độ Valsartan trong máu. Cần có biện pháp chăm sóc thích hợp khi bắt đầu hoặc kết thúc điều trị phối hợp các thuốc này.

Tương tác với Hydroclorothiazid:

  • Corticosteroid, ACTH, amphotericin B, salbutamol, carbenoxolon hoặc reboxetin: tác dụng gây giảm kali máu của Hydrochlorothiazid tăng lên khi dùng đồng thời với các thuốc này.
  • Thuốc có thể gây xoắn đỉnh: do nguy cơ gây hạ kali máu, Hydrochlorothiazid nên được dùng thận trọng khi kết hợp với các thuốc có thể gây xoắn đỉnh, đặc biệt nhóm Ia và nhóm III thuốc chống loạn nhịp và một số thuốc chống loạn thần.
  • Thuốc ảnh hưởng đến nồng độ natri mau: tác dụng gây giảm natri của Hydrochlorothiazid có thể được tăng cường khi dùng đồng thời với các thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc chống động kinh.
  • Thuốc trợ tim Digitalis glycosid: tác dụng phụ của Hydrochlorothiazid có thể làm hạ kali hoặc magie máu và có thể làm khởi phát loạn nhịp tim do digitalis.
  • Muối canxi và vitamin D: dùng đồng thời với Hydrochlorothiazid làm tăng hấp thu canxi ở thận, do đó có nguy cơ làm tăng nồng độ canxi máu.
  • Thuốc điều trị đái tháo đường: Hydrochlorothiazid có thể làm thay đổi dung nạp glucose do đó cần chỉnh liều dùng của các thuốc này khi sử dụng. Metformin nên được dùng thận trọng vì nguy cơ nhiễm acid lactic do suy giảm chức năng thận có thể liên quan đến Hydrochlorothiazid.
  • Thuốc chẹn beta: dùng đồng thời với Hydrochlorothiazid có thể làm tăng nguy cơ tăng đường huyết.
  • Thuốc điều trị bệnh gout (probenecid, allopurinol): điều chỉnh liều thuốc làm giảm acid uric máu vì Hydrochlorothiazid có thể làm tăng nồng độ acid uric máu. Dùng Allopurinol và Hydrochlorothiazid có thể làm tăng tỷ lệ phản ứng quá mẫn với Allopurinol.
  • Tác nhân độc tế bào: Hydrochlorothiazid làm giảm bài tiết qua thận các tác nhân gây độc tế bào như Cyclophosamid, Methotrexat và làm tăng tác dụng ức chế tủy xương.
  • Thuốc giãn cơ: Tác dụng giãn cơ của các dẫn chất curar tăng khi dùng đồng thời với các Thiazid.
  • Ciclosporin: Dùng phối hợp có thể gây tăng nguy cơ tăng acid uric máu và biến chứng bệnh gout.
  • Methyldopa: Có báo cáo về tán huyết khi dùng với Hydrochlorothiazid.
  • Rượu, các loại thuốc an thần nhóm Barbiturat: Có thể làm tăng khả năng hạ huyết áp tư thế.
  • Thuốc cản quang chứa iod: Trường hợp mất nước do thuốc lợi tiểu gây ra, có nguy cơ gây suy thận cấp tính đặc biệt với liều cao iod. Nên bổ sung nước trước khi sử dụng thuốc Hydrochlorothiazid.

Tóm lại, Midatoren là thuốc điều trị tăng huyết áp với 2 hoạt chất chính là Hydroclorothiazid và Valsartan. Do đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

186 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Hyvalor
    Công dụng thuốc Hyvalor

    Thuốc Hyvalor được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là Valsartan và được dùng để điều trị tăng huyết áp, suy tim (độ 2 đến độ 4), hỗ trợ bệnh nhân sau nhồi máu ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Veesar
    Công dụng thuốc Veesar

    Veesar thuộc nhóm thuốc tim mạch, có thành phần chủ yếu là Valsartan. Thuốc được dùng để điều trị các bệnh về tim mạch. Để tìm hiểu thêm thông thông tin về thuốc Veesar, hãy theo dõi bài viết dưới ...

    Đọc thêm
  • meyervasid m
    Công dụng thuốc Meyervasid M

    Meyervasid M thuộc nhóm thuốc tim mạch được bào chế ở dạng viên nén bao phim. Thành phần chính của thuốc Meyervasid M bao gồm valssartan và hydroclorothiazid được chỉ định trong điều trị huyết áp.

    Đọc thêm
  • Tolzartan Plus
    Công dụng thuốc Tolzartan Plus

    Thuốc Tolzartan Plus là sự phối hợp của hoạt chất Valsartan và Hydroclorothiazid, được sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp. Bài viết sẽ cung cấp các thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Rusartin
    Công dụng thuốc Rusartin

    Thuốc Rusartin được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với thành phần chính trong mỗi viên thuốc là Valsartan 80mg. Vậy thuốc Rusartin có tác dụng gì và cách sử dụng thuốc như thế nào?

    Đọc thêm