Công dụng thuốc Piperazin

Piperazin là thuốc đặc trị giun đũa và giun kim. Piperazin khiến giun bị liệt mềm, không bám được vào thành ruột và sau đó bị đẩy ra ngoài nhờ nhu động ruột.

1. Thuốc Piperazin có tác dụng gì?

Piperazin thuộc nhóm thuốc trị giun, có thành phần chính là Piperazine hexahydrat. Piperazine là 1 loại bazơ hữu cơ dị vòng, có tác dụng làm giun bị liệt mềm, không còn khả năng bám vào thành ruột và sau đó nhờ nhu động ruột đẩy giun ra bên ngoài.

Piperazin được bào chế dưới nhiều dạng và hàm lượng khác nhau như viên nén hàm lượng 200mg, 300mg, 500mg; Siro hàm lượng 500mg/5ml, 750mg/5ml; Dung dịch uống hoặc hỗn dịch hàm lượng 600mg/5ml và thuốc cốm hàm lượng 3,5%.

Piperazin được chỉ định dùng trong điều trị giun đũagiun kim.

2. Cách dùng và liều lượng thuốc Piperazin

Với hầu hết các dạng bào chế là viên nén, siro, hỗn dịch hoặc thuốc cốm, Piperazin được dùng theo đường uống. Trước khi uống thuốc, người bệnh không cần phải nhịn đói hoặc dùng thuốc tẩy.

Liều dùng Piperazin trong điều trị giun đũa cụ thể như sau:

  • Trẻ từ 12 tuổi và người lớn: 75mg/ kg cân nặng/ ngày. Liều dùng tối đa không được vượt quá 3,5g/ ngày, uống 1 lần/ ngày trước bữa sáng hoặc chia thành 2 - 3 lần để uống trước khi ăn, dùng thuốc trong 2 - 3 ngày.
  • Trẻ từ 2 - 12 tuổi: 75mg/ kg cân nặng/ ngày. Liều dùng tối đa không được vượt quá 2,5g/ ngày, uống 1 lần/ ngày trước bữa sáng hoặc chia thành 2 - 3 lần để uống trước khi ăn, dùng thuốc trong 2 - 3 ngày.
  • Trẻ dưới 2 tuổi: 50mg/ kg/ ngày. Lưu ý, việc dùng thuốc Piperazin ở trẻ dưới 2 tuổi cần có sự giám sát của bác sĩ.

Liều dùng Piperazin trong điều trị giun kim ở cả người lớn và trẻ em là 50mg/ kg cân nặng/ ngày, uống 1 lần/ ngày trước bữa sáng hoặc chia thành 2 - 3 lần để uống trước khi ăn, dùng thuốc liên tiếp trong 7 ngày. Sau đó 2 - 4 tuần thì dùng lại.

Lưu ý, cần điều trị giun đũa, giun kim bằng Piperazin đối với tất cả các thành viên trong gia đình.

Quá liều Piperazin có thể gây ra các triệu chứng như suy hô hấp tạm thời, khó thở, mỏi cơ ở các chi và co giật. Khi bị quá liều, người bệnh cần được điều trị triệu chứng và hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn. Nếu tình trạng quá liều vừa mới xảy ra trong vòng vài giờ, cần tiến hành các biện pháp rửa dạ dày hoặc gây nôn cho người bệnh.

3. Tác dụng phụ của thuốc Piperazin

Piperazin có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:

  • Ít gặp: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, run và mỏi cơ.
  • Hiếm gặp: Co thắt phế quản, ho, nổi mày đay, ban da, dị ứng trên da và ngứa.
  • Rất hiếm gặp: Phản ứng thần kinh nặng (hiếm ở người bình thường, nhưng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ, người bị mắc các bệnh thần kinh, bệnh thận hoặc người bệnh dùng quá liều).

Nếu thấy các biểu hiện quá mẫn sau khi dùng Piperazin, người bệnh cần ngừng dùng thuốc và báo ngay với bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để được kiểm tra.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Piperazin

  • Không dùng Piperazin ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người mắc bệnh thần kinh hoặc bị động kinh, người bị suy gan và suy thận.
  • Người bệnh bị thiếu máu hoặc suy dinh dưỡng nặng nếu dùng Piperazin và có biểu hiện phản ứng quá mẫn hoặc cơ thể không dung nạp thuốc thì cần ngừng dùng ngay.
  • Phụ nữ đang mang thai chỉ được dùng Piperazin trong trường hợp thật sự cần thiết và không có thuốc nào thay thế vì độ an toàn của thuốc chưa xác định được. Trong thời gian 3 tháng đầu mang thai, người mẹ không được dùng thuốc vì đã có một số báo cáo liên quan đến dị tật trên thai nhi.
  • Phụ nữ đang nuôi con cho bú cần thận trọng khi dùng Piperazin vì thuốc có bài tiết vào sữa mẹ một lượng nhỏ. Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo ghi nhận ảnh hưởng của thuốc đối với trẻ sơ sinh bú mẹ.
  • Sử dụng đồng thời Piperazin liều cao với clorpromazin và các phenothiazin khác có thể làm tăng tác dụng phụ của hai loại thuốc này. Vì vậy, không được dùng chung các loại thuốc này với nhau.
  • Piperazin nếu dùng đồng thời với Bephenium, Levamisol và Pyrantel gây tác dụng đối kháng. Vì vậy, cũng không được dùng chung các loại thuốc này với nhau.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Piperazin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Piperazin điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan