Đặc tính của trứng giun đũa

Giun đũa là một loại ký sinh trùng gây bệnh ở đường ruột khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là những trẻ nhỏ ở vùng nông thôn. Khi nuốt phải trứng giun đũa sẽ ký sinh ở đầu và giữa ruột non, sau đó sinh trưởng và phát triển. Và rồi giun cái lại đẻ trứng và trứng giun lại được đào thải ra ngoài cùng với phân. Để hiểu rõ hơn về đặc tính của trứng giun đũa cũng như chu kỳ phát triển của giun đũa nhằm chủ động trong việc phòng ngừa thì mọi người hãy tham khảo và tìm hiểu thêm những thông tin dưới đây.

1. Giun đũa là gì?

Giun đũa có tên khoa học là Ascaris lumbricoides là một loại ký sinh trùng gây bệnh ở người. Khi trưởng thành, giun đũa có kích thước lớn từ 20-30cm ở giun cái và dài từ 15-20cm ở giun đực. Giun trưởng thành hình ống, thân tròn, đầu và đuôi thon nhọn, giun có màu trắng hoặc hơi hồng.

2. Đặc tính của trứng giun đũa

Trứng giun đũa có hình bầu dục và đôi khi ở dạng hình cầu hơi tròn. Trứng được bọc dưới lớp vỏ trong suốt, bên ngoài là lớp albumin dày, xù xì và xếp lớp đồng tâm. Trứng giun đũa có lớp vỏ dày nên có khả năng chống lại các yếu tố ở môi trường bên ngoài rất cao.

Ở nhiệt độ trên 10 độ C, độ ẩm trên 80% thì trứng giun đũa phát triển thuận lợi, có thể tồn tại đến 5 năm. Ở đất vườn và trong bóng mát thì trứng giun có thể tồn tại đến 7 năm.

Trứng giun đũa có 3 loại bao gồm:

  • Trứng chắc: Trứng này đã được thụ tinh và bên trong chứa phôi bào. Trứng chắc có hình bầu dục, lớp albumin dày đều và kích thước trứng khoảng 50-75μm x 45-60μm.
  • Trứng lép: Một số giun cái vẫn đẻ trứng dù không thụ tinh với giun đũa đực nên được gọi là trứng lép. Trứng lép có hình bầu dục dài và hẹp hơn trứng chắc và có kích thước từ 88-94μm x 39 -44μm. Trứng lép có vỏ albumin mỏng hơn, bên trong trứng là những hạt tròn không đều. Trứng lép không thụ tinh và không phát triển, sẽ bị thoái hóa.
  • Trứng không vỏ: Nếu vỏ trứng mất đi lớp albumin, không còn xù xì sẽ trở nên trơn tru và trứng không vỏ gặp ở cả trứng chắc và trứng lép.

3. Chu kỳ phát triển của trứng giun đũa

Giun đũa sinh sản hữu tính và sau khi thụ tinh giun cái đẻ trứng, trứng giun đũa theo ra ngoài cùng với phân. Gặp điều kiện thuận lợi như môi trường đất ẩm, phôi trong vỏ trứng sẽ phát triển thành ấu trùng trong vòng khoảng từ 2 - 4 tháng ở nhiệt độ 36 – 39 độ C (phát triển tốt nhất là ở nhiệt độ 25 độ C thì chỉ cần 3 tuần). Trứng có ấu trùng tiếp tục chu kỳ khi gặp nhiệt độ thuận lợi.

Người ăn phải trứng giun có ấu trùng vào ở dạ dày, ấu trùng thoát ra khỏi vỏ trứng ở tá tràng rồi đi xuyên qua thành ruột, vào mạch máu và đi theo dòng máu đến gan, đến tim phải và lên đến phổi.

Ở phổi, ấu trùng lột xác 2 lần sau khoảng 5-10 ngày. Sau đó, ấu trùng sẽ có chiều dài khoảng 1,5 – 2 mm và đường kính thân 0,02 mm. Ấu trùng sẽ làm vỡ các mao quản phổi, rồi đi qua phế nang để vào phế quản. Từ đây ấu trùng đi ngược lên đến khí quản và thực quản, rồi được nuốt trở lại ruột non và trưởng thành tại đây. Từ lúc người nuốt phải trứng giun đến khi giun trưởng thành cần khoảng 5- 12 tuần và giun đũa sống khoảng 12 – 18 tháng.

Trong quá trình di chuyển và phát triển trong cơ thể người thì ấu trùng hoặc giun trưởng thành có thể đi lạc sang cơ quan khác gọi là giun đi lạc chỗ, gây các triệu chứng cấp tính tại nơi giun lạc đến. Theo đường máu, ấu trùng có thể đến các cơ quan khác và ký sinh rồi gây bệnh, như ở phổi, hầu họng...

4. Giun đũa cái đẻ bao nhiêu trứng một ngày?

Khi tìm về bệnh giun đũa và đặc tính của giun đũa thì mọi người đều biết giun đũa cái đẻ trứng nhưng không biết được giun đũa cái đẻ bao nhiêu trứng một ngày? Giun đũa cái đẻ trứng ở ruột non và trung bình mỗi ngày giun đũa cái đẻ khoảng 200.000.

Vậy vì sao giun đũa đẻ nhiều trứng đến vậy? Bởi vì giun đũa là một loại ký sinh trùng sinh sản hữu tính nên mỗi ngày nó có thể đẻ trứng với số lượng lớn và trứng giun đũa sẽ được thải ra ngoài theo phân.

5. Nguyên nhân nhiễm giun đũa

Con người vô tình nuốt phải trứng có ấu trùng do người bị bệnh đi đại tiện bừa bãi ra đất hoặc dùng phân tươi trong canh tác, nhà vệ sinh không đúng tiêu chuẩn hợp vệ sinh, nước chảy cuốn theo trứng giun.

Ngoài ra, các loại gia súc nuôi thả rông ăn phải nguồn phân có chứa nguồn bệnh rồi lại thải ra môi trường ngoài thì trứng giun lại bám vào đất, các loại rau củ quả... Người ăn phải những loại rau sống, hoa quả, thực phẩm tươi sống, uống phải nguồn nước có chứa trứng giun sẽ nhiễm giun đũa.

Trẻ em nghịch đất bẩn rồi cho tay lên miệng ngậm hoặc không vệ sinh cá nhân sạch sẽ cũng rất dễ bị nhiễm giun đũa.

6. Giun đũa có nguy hiểm không?

Giun đũa khi xâm nhập vào cơ thể thường ký sinh ở ruột non và phát triển trưởng thành sẽ hấp thụ dưỡng chất dinh dưỡng tại đây như glucid, protid và các loại vitamin A, vitamin C. Điều này khiến cho cơ thể phải chia dinh dưỡng cho giun nên người bệnh sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, trẻ chậm phát triển....

Giun đũa khi trưởng thành sẽ di chuyển bất thường trong cơ thể và gây ra các tổn thương cho các cơ quan mà chúng đi qua như: viêm ruột thừa hay viêm tụy cấp do giun chui vào ống Wirsung, viêm túi mật, tắc mật hay sỏi mật do giun chui vào ống mật và áp xe gan khi giun chui lên gan.

Ngoài ra, giun đũa còn có thể gây tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc và có thể tiết ra độc tố làm co giật, động kinh và viêm màng não...

7. Các biện pháp phòng ngừa

Giun đũa gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe, tuy nhiên mọi người có thể phòng ngừa giun đũa bằng cách:

  • Tẩy giun định kỳ.
  • Vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
  • Giáo dục cho trẻ em về tầm quan trọng của việc rửa tay và các thói quen tốt để nâng cao sức khỏe.
  • Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức của người dân về cách dùng phân bón, thói quen ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh.
  • Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc môi trường hoặc các vật dụng bẩn.
  • Thực phẩm và các loại rau củ cần phải được rửa sạch, gọt vỏ hoặc nấu chín trước khi ăn, hạn chế ăn rau sống và các loại thực phẩm sống.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với nền đất bẩn, cần mang đầy đủ phương tiện bảo hộ khi làm với đất, đặc biệt là ở những vùng có thói quen dùng phân tươi bón cho cây trồng.

Với những thông tin trên hy vọng đã giúp mọi người biết về đặc tính của trứng giun đũa và sự phát triển, nguyên nhân, cũng như biến chứng của giun đũa. Từ đó có biện pháp phòng tránh giun đũa hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan