Công dụng thuốc Thalide

Thuốc Thalide được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Thalidomide. Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh ung thư hoặc bệnh phong.

1. Thuốc Thalide có tác dụng gì?

Thuốc Thalide là thuốc gì? Thuốc Thalide 100 có thành phần chính là 100mg Thalidomide và các tá dược khác. Dược chất chính Thalidomide thuộc nhóm thuốc điều chỉnh hệ miễn dịch, giúp chữa bệnh Hansen (còn gọi là bệnh phong cùi) và bệnh đa u tủy xương. Cụ thể:

  • Thalidomide có vai trò là thuốc điều hòa miễn dịch, giúp tăng cường hiệu quả của các thuốc điều trị hóa chất như cyclophosphamide, bendamustine, melphalan, doxorubicin,... trong điều trị các tế bào ác tính ở người bệnh đa u tủy xương. Về cơ chế điều trị, Thalidomide ức chế sản xuất các yếu tố liên quan tới tăng trưởng khối u. Ngoài ra, Thalidomide còn có thể sử dụng đơn độc để điều trị duy trì, kéo dài thời gian lui bệnh ở người bệnh đa u tủy xương;
  • Thalidomide được sử dụng để điều trị, ngăn ngừa một số chứng bệnh ở da liên quan đến bệnh Hansen (bệnh phong cùi) như: Viêm loét da, vùng da thay đổi màu sắc (sáng hoặc tối hơn bình thường), trên vùng da này có có rối loạn cảm giác (giảm hoặc mất cảm giác khi sờ, tiếp xúc với tác nhân nóng, lạnh, đau).

Chỉ định sử dụng thuốc Thalide

  • Điều trị đa u tủy xương không đáp ứng với liệu pháp điều trị chuẩn hoặc dùng phối hợp với các thuốc hóa trị đa u tủy xương;
  • Điều trị các hồng ban nút mức độ trung bình và nặng ở người bệnh phong.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Thalide

  • Người bị mẫn cảm, dị ứng với thành phần thuốc;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi;
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú;
  • Phụ nữ có khả năng mang thai (trừ khi các liệu pháp khác không phù hợp và áp dụng biện pháp ngừa thai có hiệu quả trong quá trình dùng thuốc).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Thalide

2.1 Cách dùng

Cách dùng thuốc: Đường uống. Người bệnh thường uống 1 lần/ngày, tối thiểu 1 giờ sau bữa tối hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên uống nguyên viên thuốc Thalide với nước lọc.

Một số lưu ý khi dùng thuốc Thalide:

  • Khi không sử dụng, giữ nguyên viên thuốc trong vỉ;
  • Không mở viên nang ra;
  • Nên rửa tay bằng xà phòng và nước nếu bột của viên nang rơi ra tay;
  • Thuốc Thalide đi vào chất lỏng cơ thể (như nước tiểu) nên người xung quanh cần tránh tiếp xúc với chất dịch của bệnh nhân khi dùng thuốc. Nên mặc quần áo bảo hộ (đeo khẩu trang, găng tay, đồ phòng hộ) khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể của bệnh nhân. Nếu vô tình tiếp xúc, nên rửa sạch da nơi tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng;
  • Nên sử dụng thuốc Thalide thường xuyên để đạt được hiệu quả trị liệu cao nhất. Để dễ ghi nhớ, bệnh nhân nên uống thuốc vào 1 thời điểm mỗi ngày.

2.2 Liều dùng

Điều trị đa u tủy xương

  • Với bệnh nhân đa u tủy xương chưa từng điều trị:
    • Phối hợp với thuốc dexamethason: Dùng thuốc Thalide với liều 200mg/ngày. Đối với cảm ứng, nên dùng thalide/dexamethason 4 chu kì của 4 tuần. Với bệnh nhân cao tuổi, khả năng hấp thu của người bệnh có thể được cải thiện với liều khởi đầu là 50mg/ngày, tăng liều lên tới 200mg/ngày trong 4 tuần;
    • Phối hợp với thuốc melphalan và prednison: Dùng thuốc Thalide với liều 200mg/ngày. Nên uống thuốc tối đa 12 chu kỳ trong 6 tuần. Với bệnh nhân cao tuổi (trên 75 tuổi), nên uống thalidomide với liều khởi đầu là 100mg/ngày;
  • Với bệnh nhân đa u tủy xương không đáp ứng/đáp ứng kém với liệu pháp điều trị chuẩn:
    • Bắt đầu với liều 200mg/ngày, tăng 100mg hàng tuần tới liều tối đa là 400mg/ngày tùy theo khả năng hấp thu của bệnh nhân và độc tính của thuốc;
    • Tùy theo khả năng hấp thu và độc tính quan sát được trên bệnh nhân để có thể duy trì với liều thấp hơn.

Điều trị hồng ban nút do phong (ENL)

  • Với bệnh nhân hồng ban nút ngoài da: Nên khởi đầu với liều 100 - 300mg/ngày, nên uống thuốc với nước, trước khi đi ngủ hoặc tối thiểu 1 giờ sau khi ăn tối. Người bệnh có cân nặng dưới 50kg nên bắt đầu với liều thấp nhất trong khoảng liều điều trị;
  • Với bệnh nhân ENL có phản ứng nghiêm trọng ngoài da hoặc người bệnh trước đó được yêu cầu điều trị với liều cao nhằm kiểm soát các phản ứng: Bắt đầu điều trị với mức cao hơn, lên tới 400mg/ngày, uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc chia thành nhiều liều uống với nước, uống tối thiểu 1 giờ sau khi ăn;
  • Với bệnh nhân gặp tình trạng viêm dây thần kinh mức độ trung bình đến nặng liên quan tới phản ứng ENL nghiêm trọng: Nên dùng Thalide kết hợp với các thuốc corticoid ngay từ đầu. Việc dùng steroid có thể giảm dần tới ngừng hẳn khi tình trạng viêm dây thần kinh đã cải thiện. Liều dùng thuốc cần được duy trì thường xuyên cho tới khi các triệu chứng giảm dần. Cần phải dùng trong ít nhất 2 tuần. Người bệnh có thể giảm liều 50mg cứ mỗi 2 - 4 tuần;
  • Với bệnh nhân từng được yêu cầu điều trị duy trì kéo dài nhằm ngăn cản tái phát hồng ban nút ngoài da hoặc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu này trong quá trình giảm liều điều trị thì cần được duy trì với liều nhỏ nhất để kiểm soát phản ứng: Liều khởi đầu thông thường là 100 - 300mg/lần/ngày (trường hợp nặng có thể tăng liều tới 400mg/ngày). Việc giảm liều điều trị cần được thực hiện từ từ, thời gian của mỗi lần giảm liều là 3 - 6 tháng, lượng giảm là 50mg mỗi 2 - 4 tuần cho tới khi đáp ứng tích cực. 1 phác đồ khác là bắt đầu điều trị với liều 100mg/lần/ngày. Nếu triệu chứng nặng, không kiểm soát được thì tăng liều thêm 100mg trong khoảng 1 tuần tới tối đa 400mg/lần/ngày.

Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Thalide, người bệnh nên dùng thuốc càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu gần sát thời gian dùng liều tiếp theo thì bỏ qua liề đã quên, chỉ dùng liều tiếp đó.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Thalide quá liều, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ hoặc nhập viện để được kiểm tra và điều trị sớm.

3. Tác dụng phụ của thuốc Thalide

Khi sử dụng thuốc Thalide, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Sưng họng, khó thở;
  • Phát ban, da khô;
  • Nồng độ calci trong máu thấp: Căng cơ, co thắt cơ, tê hoặc mất cảm giác, teo quanh miệng, phản xạ quá mức;
  • Lo âu, lúng túng, kích động;
  • Chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, thường xuyên mệt mỏi, mất sức;
  • Run, yếu cơ;
  • Chán ăn, buồn nôn, táo bón;
  • Giảm cân hoặc tăng cân.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Thalide, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách xử trí, ứng phó phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Thalide

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Thalide:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Thalide ở người bệnh nhiễm HIV vì người bệnh có thể nhạy cảm hơn với tác dụng của thuốc. Mặc dù hoạt chất thadomide có thể được dùng để điều trị chứng suy nhược cơ và các tình trạng liên quan tới HIV khác nhưng nó ảnh hưởng tới tải lượng virus trong cơ thể;
  • Thuốc Thalide có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, đặc biệt khi dùng với rượu hoặc chất kích thích. Do đó, người bệnh không nên lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất kỳ điều gì cần sự tỉnh táo cho tới khi có thể thực hiện 1 cách an toàn;
  • Không nên uống đồ uống có cồn trong khi dùng thuốc Thalide;
  • Không chỉ định sử dụng thuốc Thalide đơn trị liệu điều trị ENL khi bệnh nhân bị viêm dây thần kinh mức độ trung bình đến nặng. Thuốc Thalide được dùng làm liệu pháp duy trì phòng ngừa và ức chế các biểu hiện trên da của tình trạng tái phát ELN;
  • Khi dùng thuốc Thalide, người bệnh có thể gặp phản ứng quá mẫn với biểu hiện sốt, da nổi ban, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp,... Bệnh nhân không nên tiếp tục dùng thuốc Thalide nếu các phản ứng quá mẫn kể trên vẫn tiếp tục xuất hiện sau khi sử dụng lại thuốc;
  • Có thể xảy ra hiện tượng chậm nhịp tim ở một số người bệnh dùng thuốc Thalidomide nhưng chưa tìm được ra nguyên nhân;
  • Người bệnh sử dụng thuốc Thalide có thể gặp phải một số phản ứng ngoài da nghiêm trọng, bao gồm cả hoại tử thượng bì và hội chứng Stevens - Johnson. Nên ngưng dùng thuốc nếu người bệnh xuất hiện các nốt ban đỏ và chỉ dùng lại thuốc khi đã thực hiện các xét nghiệm lâm sàng cần thiết. Nếu các nốt ban bị bong tróc, xuất hiện ban xuất huyết hoặc có hiện tượng bỏng rộp, nghi ngờ bị hội chứng Stevens - Johnson và hoại tử thượng bì thì nên ngừng hẳn việc dùng thuốc;
  • Trong suốt quá trình sử dụng thuốc Thalide trên lâm sàng, đã ghi nhận có trường hợp co giật (gồm cả co giật co cứng);
  • Thuốc Thalide được có thể được hấp thu qua da và hô hấp, dễ gây hại cho thai nhi. Những phụ nữ mang thai hoặc có thể mang thai không nên dùng thuốc Thalide hoặc hít phải bụi từ các viên thuốc bị vỡ. Thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho thai nhi. Nếu phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai mà bị ra máu bất thường hoặc trễ kinh hoặc nếu ngừng sử dụng biện pháp ngừa thai thì nên ngưng dùng thuốc Thalide và báo ngay cho bác sĩ. Nếu nam giới có quan hệ tình dục không an toàn với phụ nữ có thể mang thai thì hãy báo ngay cho bác sĩ;
  • Chưa có nghiên cứu rằng thuốc Thalide có đi vào sữa mẹ hay không nhưng với nguy cơ ở trẻ sơ sinh thì bà mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc này (nếu đang trong thời kỳ cho con bú).

5. Tương tác thuốc Thalide

Một số tương tác thuốc của Thalide gồm:

  • Thuốc Thalide (chứa thalidomide) có khả năng làm tăng tác dụng giảm đau của các loại thuốc nhóm barbiturat, rượu, thuốc chlorpromazine và reserpine;
  • Thận trọng khi sử dụng đồng thời thuốc thần kinh ngoại biên với thuốc Thalide.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Thalide, người bệnh nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tăng liều hoặc tăng số lần dùng thuốc so với quy định. Điều này không giúp cải thiện tình trạng bệnh mà có thể làm tăng các tác dụng phụ khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

410 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan