Công dụng thuốc Triradi

Triradi là một thuốc bôi ngoài da được dùng trong điều trị da liễu. Thuốc chứa Betamethasone, Clotrimazole và Gentamicin có tác dụng trên cả vi khuẩn và nấm. Vậy cơ chế tác dụng của Triradi như thế nào và sử dụng thuốc ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất mà lại an toàn cho người bệnh?

1. Thuốc Triradi là thuốc gì?

Triradi là một trong những thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh lý về da liễu. Thành phần chính của thuốc chứa:

  • Betamethason dipropionat hàm lượng 5,2mg.
  • Clotrimazol hàm lượng 80mg.
  • Gentamicin dạng Gentamicin sulfate hàm lượng 8mg.

Một số thông tin cơ bản về những thành phần chính của thuốc:

Hoạt chất Betamethason:

Betamethasone là một trong những dẫn xuất tổng hợp của Prednisolon. Đây là một corticoid của tuyến thượng thận có khả năng kháng viêm mạnh nhờ tác dụng làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh, đồng thời chống dị ứng rất tốt. Thuốc được dùng trong điều trị nhiều bệnh lý viêm khác nhau và với những rối loạn có đáp ứng với corticoid. Hoạt chất này có hoạt tính glucocorticoid cao. Khi sử dụng ở liều cao, Betamethasone cho tác dụng ức chế miễn dịch tương đối mạnh.

Betamethasone hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, khi dùng tại chỗ, đặc biệt là băng kín hay sử dụng trên vùng da có thương tổn. Ngoài bôi, uống, Betamethasone còn được sử dụng cả ở dạng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

Betamethasone có thể đi qua được hàng rào nhau thai và bài xuất vào sữa mẹ. Trong cơ thể, thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan, một phần ở thận rồi đào thải ra ngoài bằng đường nước tiểu.

Betamethasone thường được chỉ định trong điều trị:

  • Rối loạn nội tiết tố như tăng sản tuyến thượng thận, viêm tuyến giáp, tăng calci huyết có liên quan đến ung thư, thiểu năng vỏ thượng thận...
  • Rối loạn về cơ xương khớp: Thấp khớp do bệnh vảy nến, viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân màng hoạt dịch...
  • Các bệnh lý về da như dị ứng, viêm da mụn nước dạng Herpes, viêm da tróc vảy, vảy nến, nổi mày đay...
  • Điều trị một số các trường hợp dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, phản ứng dị ứng do thuốc.
  • Hỗ trợ chữa các bệnh lý về hô hấp như hội chứng Loeffler không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, ngộ độc Beryllium, kết hợp với hóa trị liệu điều trị lao phổi và xơ hóa phổi...
  • Bệnh lý liên quan đến máu: Thiếu máu tán huyết có yếu tố tự miễn, thiếu máu do giảm sản di truyền, ung thư máu cấp tính ở trẻ, giảm tiểu cầu.
  • Ngoài ra, thuốc còn được dùng để điều trị các bệnh lý về mắt, lao màng não có tắc nghẽn dưới nhận, viêm loét đại tràng...

Thành phần Clotrimazol:

Clotrimazole là một chất dẫn xuất tổng hợp của Imidazole. Hoạt chất này có cấu trúc hóa học tương tự với Miconazole.

Tác dụng của Clotrimazole:

  • Hoạt chất có công dụng kháng nấm phổ rộng, được sản xuất chủ yếu ở dạng thuốc bôi ngoài da nhờ khả năng ức chế sự phát triển của vi nấm. Thuốc tác dụng tốt trên nấm men, Malassezia furfur và Dermatophytes.
  • Thuốc có hoạt tính kìm và diệt vi nấm in vitro chống lại chủng phân lập của Trichophyton, Candida albicans...
  • Ngoài ra thuốc cũng có tác dụng trên một vài loại vi khuẩn gram dương đặc biệt Staphylococcus.

Cơ chế tác dụng của Clotrimazol: Thuốc can thiệp vào các lipid của màng tế bào vi nấm để làm thay đổi tính thấm của màng, từ đó kìm sự phát triển của vi nấm. Mặt khác, ở liều thấp, thuốc làm ức chế sự tổng hợp ergosterol ở vách tế bào, còn với liều cao, thuốc sẽ gây hủy hoại trực tiếp màng tế bào mà không cần đến sự ức chế tổng hợp ergosterol.

Một vài quan điểm khác cho rằng Clotrimazole còn có thêm tác dụng ức chế sự tổng hợp các acid nhân gây rối loạn chuyển hóa lipid và polysaccharide dẫn đến các tổn thương của màng tế bào vi nấm.

Clotrimazole được chỉ định dùng điều trị tại chỗ các bệnh lý liên quan đến nấm da như nấm da chân, nấm kẽ, nhiễm nấm toàn thân, lang ben, nấm bẹn...

Thành phần Gentamicin:

Gentamicin là một kháng sinh nhóm Aminoglycosid.

Tác dụng chính của Gentamicin là ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn, từ đó giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh. Phổ diệt khuẩn của Gentamicin tương đối rộng, tác động tốt trên các vi khuẩn hiếu khí gram âm, tụ cầu và cả các chủng có liên quan đến Penicillinase hay các trường hợp kháng Methicillin.

Gentamicin được chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn đường sinh dục, nhiễm trùng ngoài da, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm phúc mạc...
  • Điều trị nhiễm khuẩn Brucella hay nhiễm khuẩn Listeria.
  • Điều trị nhiễm khuẩn trong mổ.

2. Thuốc Triradi có tác dụng gì?

Triradi là sự kết hợp hoàn hảo giữa Betamethasone, Clotrimazole và Gentamicin. Sự kết hợp này mang lại tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm phổ rộng, hiệu quả điều trị tốt trên nhiều bệnh lý khác nhau.

Triradi được chỉ định trong các trường hợp:

  • Điều trị viêm da có đáp ứng với corticoid khi có biến chứng nhiễm trùng thứ phát.
  • Điều trị bệnh da dị ứng như viêm da, vết trầy, eczema hay bị hăm ở trẻ.
  • Điều trị nhiễm nấm da, bị lang ben.

Chống chỉ định dùng thuốc với:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hay mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Không dùng thuốc trên những bệnh nhân bị mẫn cảm với các thuốc khác nhóm Aminoglycosid.
  • Không sử dụng thuốc ở các vùng da bị tổn thương hở như trầy xước, các vết loét...
  • Eczema tai ngoài có thủng màng nhĩ không được dùng thuốc.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Triradi

Thuốc được sản xuất dưới dạng kem bôi ngoài da, đóng hộp dạng tuýp, 1 hộp có 1 tuýp chứa 8 hoặc 10g thuốc tùy theo nhà sản xuất.

Thuốc Triradi được sản xuất ở dạng bôi ngoài da nên không được dùng theo đường uống, tiêm hay các đường dẫn thuốc khác.

Liều dùng thuốc: Bôi một lượng kem vừa đủ lên vùng da bị bệnh, thoa nhẹ nhàng để cho kem thẩm thấu đều. Sử dụng ngày 2 lần sáng và tối, duy trì đều đặn để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

4. Tác dụng phụ và những lưu ý khi sử dụng thuốc Triradi

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Triradi:

  • Thuốc gây giảm sắc hồng cầu.
  • Khi dùng trên da, thuốc có thể gây dị ứng toàn thân hoặc dị ứng kích ứng tại chỗ, nổi mày đay, ban đỏ, nóng, ngứa, một số người bị bệnh vảy cá, rỉ dịch, cảm giác nóng tại chỗ bôi.
  • Nếu sử dụng trên bệnh nhân có băng ép, bôi diện rộng sẽ dễ bị kích ứng da, khô da, xuất hiện mụn mặc dù trước đây không có, giảm sắc tố vùng da bệnh, teo da, vạch da dương tính, nổi hạt kê, viêm nang lông hay rậm lông.

Để hạn chế nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn, khi dùng thuốc cần lưu ý những điều sau:

  • Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng, giảm liều lượng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
  • Triradi nằm trong danh mục các thuốc kê đơn, không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định.
  • Thuốc chỉ được dùng ở dạng bôi, không sử dụng theo đường uống hay đường tiêm.
  • Một số thuốc và hoạt chất có thể làm giảm hoạt tính của Gentamicin có trong Triradi như canxi, Heparin, Mg, Sulfafurazol, Sulfacetamid, long đờm Acetylcystein, Chloramphenicol, kháng sinh Clindamycin, Doxorubicin, Actinomycin. Do đó cần cân nhắc nếu bệnh nhân đang sử dụng các thuốc điều trị trên.
  • Dùng chung Triradi với thuốc nhóm Aminoglycosid sẽ gây dị ứng chéo.
  • Không nên bôi thuốc trên các vùng tổn thương hở, không nên bôi trên diện rộng hoặc các vùng cần băng ép.
  • Thận trọng dùng thuốc với trẻ em và trẻ nhũ nhi.
  • Thành phần Betamethasone có trong thuốc có thể đi qua nhau thai và tiết qua sữa nên với các trường hợp phụ nữ có thai hay đang trong thời kỳ cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Không ngưng thuốc đột ngột, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dừng thuốc.
  • Trong quá trình điều trị bằng Triradi, nếu thấy cơ thể xuất hiệu các dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe thì liên hệ bác sĩ điều trị ngay để được tư vấn xử lý kịp thời.
  • Nếu bôi quá liều thuốc, theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể để báo với bác sĩ kịp thời. Các biểu hiện quá liều của thuốc tương tự như tác dụng phụ. Nhiều khi vì liều sử dụng quá cao có thể gây phải tình trạng nhiễm độc gan thận.
  • Nếu không may quên liều, không bôi liều sau gấp đôi để bù lại liều đã bị quên. Lưu ý với Triradi là không nên bỏ quá 2 liều liên tiếp vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
  • Bảo quản thuốc đúng theo quy định hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Để thuốc xa tầm với của trẻ.

Hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc bôi ngoài da đang xảy ra tương đối nhiều trên lâm sàng, không những không mang lại hiệu quả điều trị mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Vậy nên cần nắm bắt và hiểu rõ những thông tin cơ bản về thuốc để sử dụng thuốc đúng cách, đúng mục đích. Hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa nếu bạn đang có các vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan