Công dụng thuốc Zanmite 500 mg

Thuốc Zanmite 500 mg là một loại kháng sinh có tác dụng trị ký sinh trùng, thuộc nhóm chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Để hiểu rõ hơn về thuốc Zanmite 500mg, hãy cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.

1. Zanmite 500 mg là thuốc gì?

Zanmite có thành phần chính là Cefuroxim, thuộc nhóm thuốc kháng sinh Cephalosporin thế hệ 2, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 500mg. Thuốc do công ty Dược phẩm Hataphar sản xuất.

Dược lực học của thuốc Zanmite 500 mg:

  • Tiền chất của Cefuroxim là Cefuroxim axetil, khi chưa bị thủy phân thành cefuroxim thì tiền chất này sau khi được hấp thu có rất ít hoạt tính kháng khuẩn trong cơ thể. Kháng sinh Cefuroxim có hoạt tính kháng khuẩn là do ức chế quá trình tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn bằng cách gắn vào trực tiếp vào các protein đích thiết yếu (các protein gắn penicilin). Nguyên nhân gây kháng thuốc có thể là do vi khuẩn tiết ra enzym cephalosporinase hoặc biến đổi của các protein gắn Penicilin.
  • Cefuroxim có hoạt tính kháng khuẩn rất đặc trưng và hữu hiệu chống lại nhiều tác nhân gây bệnh thông thường, kể cả các chủng tiết cephalosporinase hay beta - lactamase của cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Cefuroxim đặc biệt có tác dụng rất bền với nhiều enzym beta - lactamase của chủng vi khuẩn Gram âm.

Phổ kháng khuẩn:

  • Cefuroxim có hoạt tính kháng cầu khuẩn Gram dương và Gram âm ưa khí và kỵ khí, kể cả hầu hết các chủng Staphylococcus tiết penicilinase và có hoạt tính kháng vi khuẩn đường ruột Gram âm. Cefuroxim có hoạt lực cao, vì vậy có nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) thấp đối với các chủng Streptococcus (nhóm A,B,C và G); các chủng Gonococcus và Meningococcus.
  • Các chủng Clostridium difficile, Pseudomonas spp., Campylobacter spp., Acinetobacter calcoaceticus, Legionella spp. đều không nhạy cảm với cefuroxim.
  • Các chủng Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis kháng methicillin đều kháng cả cefuroxim. Listeria monocytogenes và đa số chủng Enterococcus cũng kháng cefuroxim.
  • Các nghiên cứu về tình hình kháng thuốc tại Việt nam cho thấy các chủng Haemophilus influenzae phân lập được ở trẻ em khỏe mạnh, tỷ lệ kháng Cefuroxim ở mức cao. Ở trẻ khỏe mạnh, theo thông báo số 4 (1999) của ASTS thì mức độ kháng Cefuroxim của tất cả các chủng H.influenzae là 27%. Tình hình này thật đáng báo động và cho thấy việc cần thiết phải hạn chế sử dụng các kháng sinh phổ rộng, chỉ nên dùng cho người bệnh bị nhiễm khuẩn nặng.

Hấp thu:

Sau khi dùng đường uống, Cefuroxim axetil sẽ được cơ thể hấp thu qua đường tiêu hóa và nhanh chóng bị thủy phân ở niêm mạc ruột, máu để phóng thích Cefuroxim vào vòng tuần hoàn. Thuốc được hấp thu tốt nhất khi người bệnh uống thuốc ngay trong bữa ăn.

Phân bố:

  • Dược động học của Cefuroxim tuyến tính theo liều sử dụng đường uống từ 125 đến 1000 mg. Sau khi uống lặp lại liều 250 đến 500 mg, không có sự tích lũy Cefuroxime nào xảy ra. Tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng mà liên kết với protein đã được công bố là 33 đến 50%.
  • Nửa đời của thuốc Zanmite trong huyết tương khoảng 70 phút và có thể dài hơn ở người bị suy thận và ở trẻ sơ sinh.
  • Cefuroxim được phân bố rộng khắp cơ thể, kể cả đờm, dịch màng phổi, hoạt dịch, xương và thủy dịch. Thể tích phân bố ở đối tượng là người lớn khỏe mạnh nằm trong khoảng từ 9,3 đến 15,8 lít/1,73 m2.

Chuyển hoá và thải trừ:

  • Cefuroxim không bị chuyển hóa và được thải trừ ở dạng không biến đổi, khoảng 50% qua lọc cầu thận và 50% qua bài tiết ở ống thận. Thuốc đạt nồng độ cao trong nước tiểu. Sau khi tiêm, hầu hết liều sử dụng thải trừ trong vòng 24 giờ, phần lớn thải trừ trong vòng 6 giờ. Probenecid ức chế thải trừ cefuroxim qua ống thận, làm cho nồng độ cefuroxim trong huyết tương tăng cao và kéo dài hơn. Cefuroxim chỉ thải trừ qua mật với lượng rất nhỏ.
  • Nồng độ cefuroxim trong huyết thanh bị giảm khi thẩm tách.

2. Công dụng của thuốc Zanmite 500 mg là gì?

Thuốc Zanmite được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn từ thể nhẹ đến vừa ở đường hô hấp trên và dưới, nhiễm khuẩn da, mô mềm, nhiễm khuẩn niệu – sinh dục... Cụ thể:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Bao gồm viêm phổi, do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae (bao gồm các chủng kháng ampicillin), Klebsiella spp., Staphylococcus aureus (các chủng sản xuất penicillinase và không phải penicillinase), Streptococcus pyogenes và Escherichia coli;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu do Klebsiella spp và Escherichia coli;
  • Nhiễm trùng da và cấu trúc da do Streptococcus pyogenes, Staphylococcus aureus (chủng sản xuất penicillinase và không sản xuất penicillinase), Enterobacter spp, Escherichia coli, Klebsiella spp;
  • Nhiễm trùng huyết do Staphylococcus aureus (các chủng tạo ra penicillinase và không sản xuất penicillinase), Streptococcus pneumoniae, Escherichia coli, Haemophilus influenzae (kể cả các chủng kháng ampicillin) và Klebsiella spp;
  • Viêm màng não do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae (kể cả các chủng kháng ampicillin), Neisseria meningitidis và Staphylococcus aureus (các chủng sản xuất penicillinase và không phải penicillinase);
  • Bệnh lậu: Nhiễm lậu cầu khuẩn không biến chứng và có lan tỏa do Neisseria gonorrhoeae (các chủng sản xuất penicillinase và không sản xuất penicillinase) ở cả giới nam và giới nữ;
  • Nhiễm trùng xương, khớp do Staphylococcus aureus (chủng sản xuất penicillinase và không sản xuất penicillinase).

3. Chống chỉ định của thuốc Zanmite 500 mg

  • Bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ thành phần hay tá dược nào của thuốc Zanmite
  • Không sử dụng thuốc cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi

4. Tác dụng phụ của thuốc Zanmite 500 mg

  • Các tác dụng phụ của thuốc Zanmite là ít gặp và hầu như đều ảnh hưởng nhẹ, xảy ra trong thời gian ngắn. Một số người bệnh trong quá trình sử dụng thuốc Zanmite có thể xuất hiện các rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa) hoặc viêm đại tràng giả mạc nhưng tỉ lệ này rất hiếm xảy ra.
  • Tác dụng phụ khác: Nổi ban đỏ, hoại tử da, mề đay, sốt, bệnh huyết thanh, tăng bạch cầu ái toan, men gan tăng.
  • Ngoài ra còn có thể xuất hiện nhức đầu, tăng bạch cầu, gia tăng thoáng qua các enzym ở gan.

Bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra ở người bệnh cũng cần được thông báo với bác sĩ để được tư vấn.

5. Tương tác thuốc

  • Thuốc Zanmite làm giảm nồng độ axit của dạ dày nên có thể dẫn đến sinh khả dụng của Cefuroxime axetil thấp hơn khi dùng thuốc ở trạng thái đói và có xu hướng kém phát huy tác dụng tăng cường hấp thu sau khi ăn.
  • Cefuroxime axetil có thể gây ảnh hưởng phần nào đến hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc tránh thai kết hợp và giảm tái hấp thu estrogen.
  • Cefuroxime được thải trừ qua quá trình lọc ở cầu thận và bài tiết ở ống thận. Bởi vậy không khuyến cáo sử dụng đồng thời với Probenecid. Do khi sử dụng cùng nhau Probenecid làm tăng đáng kể nồng độ đỉnh của thuốc, thời gian nồng độ trong huyết thanh, diện tích dưới đường cong và thời gian bán thải của Cefuroxime.
  • Sử dụng đồng thời Zanmite với thuốc chống đông máu dùng đường uống có thể làm tăng INR.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Zanmite 500mg

  • Khai thác có tiền sử nhất là những bệnh nhân đã từng dị ứng với các điều trị bằng Cephalosporin, Penicilin...
  • Người bệnh bị ốm nặng, có rối loạn chức năng thận.
  • Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân đang sử dụng thuốc lợi tiểu mạnh.
  • Trong thời gian sử dụng thuốc, phải theo dõi tình trạng bệnh nhân nếu xuất hiện bội nhiễm phải ngừng thuốc ngay.
  • Cần thận trọng khi kê đơn kháng sinh phổ rộng cho những bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: không có tài liệu, bằng chứng về tác dụng của thuốc Zanmite gây ra đối với thai nhi nhưng nên thận trọng trong giai đoạn đầu thai kỳ. Cefuroxim bài tiết trong sữa mẹ ở nồng độ thấp nên được coi là không tác động đến trẻ bú sữa mẹ nhưng vẫn cần chú ý và được tư vấn từ bác sĩ.
  • Người lái xe và vận hành máy móc: Thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt nên cần thận trọng nếu sử dụng.

7. Cách sử dụng thuốc Zanmite 500 mg hiệu quả

Thuốc sử dụng theo đường uống. Không nghiền nát hoặc trộn thuốc chung với các hỗn hợp khác.

Uống thuốc ngay sau khi ăn chính là thời điểm lý tưởng nhất

Liều dùng (mỗi đợt điều trị thường sẽ kéo dài từ 5 đến 10 ngày). Liều dùng đối với người lớn và trẻ nhỏ là khác nhau.

Đối với người lớn:

  • Hầu hết các nhiễm khuẩn thông thường, nhiễm khuẩn đường hô hấp từ thể nhẹ đến vừa, viêm thận – bể thận, bệnh Lyme (người lớn và trẻ trên 12 tuổi) đều dùng liều 250mg mỗi lần x2 lần / ngày. Riêng bệnh Lyme thời gian điều trị có thể kéo dài đến 20 ngày;
  • Với người lớn bị nhiễm khuẩn tiết niệu: 125 mg x 2 lần/ngày;
  • Với nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới nặng hoặc có nghi ngờ viêm phổi: 500mg x x 2 lần/ngày;
  • Người bị bệnh lậu không biến chứng: dùng liều duy nhất 1g.

Đối với trẻ nhỏ:

  • Hầu hết các nhiễm khuẩn thông thường ở trẻ: 125mg x 2 lần / ngày (tối đa 250mg/ngày);
  • Trẻ bị viêm tai giữa hoặc nhiễm khuẩn nặng hơn: 250 mg x 2 lần/ngày (tối đa 500mg/ngày);
  • Đối với bệnh nhân suy thận, đang thẩm tách thận, người cao tuổi: liều thông thường không quá 1g/ngày.

Xử trí khi quá liều: Khi bệnh nhân bị quá liều cấp, có thể xuất hiện buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, co giật... Nếu phát hiện bệnh nhân bị quá liều cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.

Xử trí khi quên liều: Dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Không dùng liều thứ 2 để bù cho liều mà bạn có thể đã bỏ lỡ.

Trên đây là công dụng, liều dùng và cách sử dụng thuốc Zanmite 500 mg. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ kê đơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan