Nhiễm trùng da do vi khuẩn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Da là nơi sinh sống của nhiều loại vi khuẩn, thậm chí là cả các loại nấm và ký sinh trùng khác nhau. Ở điều kiện bình thường chúng không thể tấn công vào da và gây bệnh. Tuy nhiên, nếu gặp điều kiện thuận lợi, các tác nhân trên sẽ tấn công da và gây nên bệnh nhiễm trùng da. Vậy nhiễm khuẩn da là gì?

1. Nhiễm khuẩn da là gì?

Nhiễm khuẩn da hay bị nhiễm trùng da do vi khuẩn là bệnh lý xảy ra do các loại vi khuẩn gây hại tấn công vào da và các cấu trúc liên quan, bệnh lý này có thể được phân loại thành:

  • Nhiễm trùng da và mô mềm (Skin and Soft Tissue Infection-SSTI);
  • Nhiễm trùng da cấp tính và nhiễm trùng cấu trúc da (Acute Bacterial Skin and Skin Structure Infections ABSSSI).

Nhiễm trùng da và mô mềm (SSTI) bao gồm các bệnh lý:

  • Chốc.
  • Nhọt
  • Áp xe da nhỏ.

Trong khi đó, nhiễm trùng da cấp tính và nhiễm trùng cấu trúc da là những nhiễm trùng da do vi khuẩn phức tạp hơn, bao gồm:

Người bệnh bị nhiễm trùng da và mô mềm chủ yếu là do 2 loại vi khuẩn là liên cầu (Streptococcus) và tụ cầu (Staphylococcus), bao gồm cả tụ cầu kháng methicillin (MRSA). MRSA là nhóm vi khuẩn có sự đề kháng với nhiều loại kháng sinh. Do đó, kháng sinh được khuyến cáo để điều trị nhiễm trùng da mô mềm sẽ phụ thuộc phần lớn vào tính phổ biến về hình thái bệnh ở từng địa phương cụ thể và các mô hình đề kháng kháng sinh của MRSA.

2. Một số bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn hay gặp

2.1. Viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn hay gặp. Điểm đặc trưng của người bị nhiễm trùng da loại này là vùng da đột ngột sưng, đỏ, đau và bề mặt da đôi khi xuất hiện các bóng nước, nốt phồng rộp.

Nguyên nhân gây bệnh thường là vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc liên cầu nhóm A. Tình trạng viêm mô tế bào có thể xảy ra ngay cả cấu trúc da ở trạng thái bình thường, nhưng nguy cơ cao và hay gặp nhất là khi da bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng tấn công hơn.

Điều trị nhiễm trùng da do vi khuẩn dạng viêm mô tế bào chủ yếu là sử dụng kháng sinh theo chỉ định bác sĩ, thường dùng trong khoảng từ 5 – 10 ngày và tối đa là 14 ngày.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, 5 nguy cơ làm tăng lây nhiễm vi khuẩn tụ cầu bao gồm:

  • Sinh hoạt trong môi trường đông đúc dân cư;
  • Tiếp xúc trực tiếp da – da với người khác thường xuyên;
  • Da bị tổn thương;
  • Tiếp xúc nhiều với bề mặt bị nhiễm khuẩn;
  • Điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Do đó, yếu tố quan trọng để phòng ngừa căn bệnh này là tăng cường giữ vệ sinh cho cơ thể, rửa tay thường xuyên và tắm rửa bằng xà phòng diệt khuẩn.

Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn thường gặp

2.2. Viêm quầng (Erysipelas)

Viêm quầng là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn với các tổn thương đến lớp hạ bì da. Vi khuẩn liên cầu nhóm A là tác nhân chính làm người bệnh bị nhiễm trùng da và bệnh nhân có thể là cả trẻ em và người lớn. Theo thống kê, 20% các trường hợp viêm quầng xuất hiện các triệu chứng ở mặt.

Triệu chứng bệnh viêm quầng cũng tương tự viêm mô tế bào, điểm khác nhau cơ bản nhất là bệnh lý này ảnh hưởng đến nhiều lớp cấu trúc da khác nhau. Người bệnh bị nhiễm trùng da dạng này thường có các dấu hiệu da phồng rộp, đỏ, sưng, nóng bừng.

Nguyên nhân do vi khuẩn nên việc điều trị vẫn là sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

2.3. Chốc

Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn Streptococcus hoặc Staphylococcus gây ra. Đặc điểm bệnh lý này là dễ lây lan và gặp nhiều ở trẻ nhỏ.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là bề mặt xuất hiện những vết loét đỏ chứa nước ở những vùng da xung quanh mũi và miệng. Những vết loét này nhanh chóng vỡ ra, sau đó chảy dịch và tạo nên một lớp vảy màu vàng nâu bên trên.

Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng da có thể lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm.

Phương pháp điều trị chủ yếu là bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một loại kháng sinh dạng thuốc mỡ hoặc kem để bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương.

2.4. Viêm nang lông

Viêm nang lông là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn tương đối phổ biến. Vị trí da bị ảnh hưởng thường là những vùng da mọc râu, cánh tay, lưng, mông và chân. Ban đầu, người bệnh trên da biểu hiện những nốt đỏ hay nốt mụn có lông ở giữa. Tuy nhiên, khi tính trạng nhiễm trùng tiến triển, bệnh có thể lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.

Viêm nang lông tuy không gây nguy hiểm cấp tính nhưng thường khiến người bệnh khó chịu do ngứa ngáy, đau nhức và mất thẩm mỹ. Một số ít trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị rụng lông và để lại sẹo.

Ở mức độ nhẹ, người bị nhiễm trùng da do vi khuẩn loại này có thể tự khỏi sau 2 tuần. Trường hợp vùng da bị ảnh hưởng tiến triển sưng, nóng, đỏ, đau nhiều hơn hoặc bắt đầu lan rộng, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Một dạng đặc biệt khác của bệnh lý này gây nên bởi vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa được gọi là viêm nang lông do tắm bồn nước nóng. Loại vi khuẩn này thường được tồn tại trong các vùng nước bị ô nhiễm, bồn nước nóng, máng trượt nước...

Đối tượng bệnh nhân hay gặp là trẻ nhỏ do da của trẻ dễ bị tổn thương hơn. Triệu chứng người bị nhiễm trùng da loại này là nổi các nốt đỏ đau, có mủ trên da sau 2 ngày ngâm bồn tắm nước nóng.

Bệnh sẽ tự khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khi các triệu chứng diễn tiến nặng hơn người bệnh nên gặp bác sĩ và được chỉ định kháng sinh điều trị thích hợp.

2.5. Hậu bối (Carbuncle)

Hậu bối là một loại nhiễm trùng da do vi khuẩn staphylococcus gây ra, đặc trưng bởi những khối u nhỏ, chứa đầy mủ, chạm vào có thể gây đau trên bề mặt da. Những khối u kích thước thay đổi từ bằng một hạt đậu lăng đến một cây nấm có kích cỡ trung bình.

Vị trí da hay bị vi khuẩn tấn công và gây nên hậu bối là những vùng hay ẩm ướt như mũi, miệng, đùi, nách...

Phương pháp điều trị chủ yếu là theo chỉ định bác sĩ với các loại kháng sinh dạng uống hoặc bôi trực tiếp trên da. Ngoài ra, người bệnh cũng nên sử dụng thêm các loại xà phòng, sữa tắm diệt khuẩn để vệ sinh, tắm rửa hàng ngày.

Hậu bối (Carbuncle)
Nhiễm trùng da do vi khuẩn staphylococcus gây ra bệnh hậu bối (Carbuncle)

2.6. Bệnh Erythrasma

Erythrasma là một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn Corynebacterium Minutissimum gây ra. Triệu chứng chính của bệnh là nổi các nốt mụn có vảy màu nâu đỏ gây ngứa ngáy trên những vùng kẽ, nếp gấp da ẩm ướt như nách, háng, kẽ ngón chân hoặc ở vùng da có nếp gấp (dưới bầu vú)...

Để điều trị, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh sử dụng kháng sinh Erythromycin dạng gel bôi hoặc dạng uống. Ngoài ra, để tăng hiệu quả điều trị người bị nhiễm trùng da Erythrasma nên thường xuyên vệ sinh vùng da tổn thương bằng các loại xà phòng hoặc sữa tắm có chứa ion bạc kháng khuẩn.

Có rất nhiều bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn hay gặp. Tùy thuộc mức độ, nguyên nhân bệnh lý mà có các phương pháp điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Nefasul Inj
    Công dụng thuốc Nefasul Inj

    Nefasul Inj thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, trị ký sinh trùng, kháng nấm và kháng virus. Thuốc được bào chế dạng bột pha tiêm, đóng gói hộp 10 lọ. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Nefasul Inj sẽ ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp cho người tổn thương gan do sử dụng bia rượu

    Kanzou Ukon mang lại nhiều công dụng nhờ sự kết hợp của 4 thành phần độc đáo như Mầm súp lơ, nghệ vàng,...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Glitacin
    Công dụng thuốc Glitacin

    Thuốc Glitacin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm và được bào chế ở dạng viên nén. Thành phần chính của thuốc Glitacin là Levofloxacin được chỉ định trong điều trị nhiễm trùng ...

    Đọc thêm
  • becazithro
    Tác dụng thuốc Becazithro

    Becazithro là thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Để hiểu rõ hơn về thành phần, tác dụng thuốc Becazithro cũng như biết cách sử dụng an toàn ...

    Đọc thêm
  • Ditazidim
    Công dụng thuốc Ditazidim

    Thuốc Ditazidim có thành phần chính là Ceftazidime, thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3. Vậy thuốc Ditazidim có tác dụng gì? Cách sử dụng và liều dùng như thế nào?

    Đọc thêm
  • aurotaz p
    Công dụng thuốc Aurotaz P

    Aurotaz P thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm được bào chế ở dạng bột pha tiêm. Thành phần của thuốc bao gồm Piperacillin và Tazobactam, được chỉ định điều trị nhiễm trùng ...

    Đọc thêm