Công dụng thuốc Zanmite 125 mg

Zanmite là kháng sinh nhóm Cephalosporin, thường được chỉ định trong các bệnh lý nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra như: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm amidan, viêm phổi, viêm da,... Trước khi dùng thuốc người bệnh cần tham khảo kỹ thông tin khi sử dụng.

1. Zanmite là thuốc gì?

Zanmite có thành phần chính là Cefuroxim - kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ II. Cefuroxime có phổ kháng khuẩn rộng trên nhiều chủng vi khuẩn, kể cả các chủng tiết beta - lactamase/cephalosporinase của cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm. So với kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ I, Zanmite có hoạt tính tốt hơn trên các chủng vi khuẩn Gram âm nhưng phổ tác động hẹp hơn kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3.

Cơ chế tác dụng của thuốc tương tự như các kháng sinh nhóm Cephalosporin khác là ức chế sự tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn bằng cách gắn vào các protein đích của vi khuẩn (protein gắn penicillin - thành phần cấu tạo màng tế bào), từ đó tiêu diệt vi khuẩn.

Zanmite hấp thu nhanh qua đường uống và nhanh chóng bị thủy phân ở niêm mạc ruột vào hệ tuần hoàn. Nếu uống thuốc trong bữa ăn nồng độ thuốc đạt đỉnh trong huyết thanh sau 2 - 3 giờ; gắn với protein khoảng dưới 50%; và cuối cùng được thải trừ qua đường nước tiểu.

2. Chỉ định của thuốc Zanmite

Zanmite được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn sau đây

  • Các nhiễm khuẩn đường hô hấp gây viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản cấp và mạn tính, viêm phổi, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.
  • Nhiễm khuẩn vùng tai - mũi - họng gây viêm tai giữa, viêm xoang.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây viêm bể thận, viêm niệu đạo, viêm bàng quang.
  • Nhiễm khuẩn hệ sinh dục do lậu, viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo cấp do lậu.
  • Các nhiễm khuẩn da gây viêm da mủ, chốc lở, đinh nhọt.
  • Bệnh lý sốt thương hàn.

3. Chống chỉ định của thuốc Zanmite

Không sử dụng Zanmite trong các trường hợp bệnh nhân dị ứng với Cefuroxim, kháng sinh nhóm Cephalosporin, Penicillin, Monobactam và Carbapenem và bất cứ thành phần nào khác của thuốc.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Zanmite

  • Nên làm kháng sinh đồ để xác định các chủng vi khuẩn nhạy cảm trước khi sử dụng thuốc.
  • Kiểm tra chức năng thận trước và trong quá trình dùng thuốc ở các bệnh nhân suy giảm chức năng thận mức độ nặng.
  • Khi sử dụng Zanmite ở bệnh nhân đang điều trị bệnh Lyme có nguy có xảy ra phản ứng Jarisch-Herxheimer (sốt, đau đầu, đau cơ,...). Đây là phản ứng phổ biến và sẽ kết thúc khi ngừng sử dụng thuốc.
  • Zanmite có thể gây phát triển quá mức các chủng vi khuẩn như Candida. Cũng như những kháng sinh khác, sử dụng kéo dài sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức các chủng vi sinh vật không nhạy cảm như Enterococci và Clostridium difficile.
  • Sử dụng thuốc làm kết quả của nghiệm pháp Coomb dương tính giả.
  • Chưa phát hiện các tổn thương của Zanmite trên phôi thai ở những phụ nữ mang thai đang dùng thuốc. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ chỉ sử dụng thuốc khi không có biện pháp điều trị khác thay thế.
  • Zanmite bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ rất thấp, hầu như không ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình dùng thuốc của bà mẹ đang cho con bú nên chú ý đến các thay đổi ở trẻ như tiêu chảy, tưa miệng, nổi ban để xử trí kịp thời.

4. Tương tác thuốc của Zanmite

Zanmite có thể gây ra một số tương tác khi phối hợp với một số thuốc sau đây:

  • Ranitidin với natri bicarbonat có thể làm giảm sinh khả dụng của Zanmite. Vì vậy, sử dụng thuốc cách nhau ít nhất 2 giờ sau khi uống các thuốc kháng acid, các thuốc ức chế thụ thể H2.
  • Probenecid dùng liều cao làm giảm độ thanh thải Zanmite ở thận, dẫn đến nồng độ của thuốc trong máu tăng lên và tác dụng kéo dài.
  • Phối hợp với các Aminoglycosid làm tăng nguy cơ nhiễm độc trên thận.
  • Các thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin có thể làm ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến giảm tái hấp thu estrogen, làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai phối hợp đường uống.
  • Một số tương tác thuốc khác chưa được chứng minh đầy đủ. Vì vậy, trước khi điều trị bằng Zanmite nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng.

5. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng

  • Zanmite được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 125mg. Uống nguyên viên thuốc với nước ngay sau khi ăn, không bẻ đôi hay nghiền nát viên thuốc.

Liều dùng ở người lớn

  • Các nhiễm khuẩn thông thường: 2 viên (250mg)/ lần x2 lần/ ngày.
  • Bệnh lý sốt thương hàn: 4 viên (500mg)/ lần x2 lần/ ngày.
  • Nhiễm khuẩn đường sinh dục - tiết niệu: 1 viên (125mg)/ lần x2 lần/ ngày.
  • Bệnh lý viêm phổi, viêm phổi cộng đồng: 4 viên (500mg)/ lần x2 lần/ ngày.
  • Bệnh lậu không có biến chứng: dùng liều duy nhất 8 viên (1g)/ lần.
  • Bệnh Lyme giai đoạn đầu: 4 viên (500mg) x2 lần/ ngày. Uống thuốc kéo dài liên tục 20 ngày.

Liều dùng ở trẻ em

  • Các nhiễm khuẩn thông thường: 1 viên (125mg)/ lần x 2 lần/ ngày. Liều tối đa: 2 viên (250mg)/ lần.
  • Bệnh lý sốt thương hàn: 2 viên (250mg)/ lần x2 lần/ ngày.
  • Các nhiễm khuẩn nặng (trẻ em trên 2 tuổi): 2 viên (250mg)/ lần x2 lần/ ngày.

Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ có chỉ định liều dùng khác nhau.

6. Tác dụng phụ của thuốc Zanmite

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Zanmite:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Bội nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm Candida.
  • Rối loạn chức năng hệ thống bạch huyết, tăng bạch cầu ưa eosin.
  • Đau đầu, mệt mỏi, có thể hoa mắt, chóng mặt.
  • Tăng men gan thoáng qua (tăng SGOT, SGPT).

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Thử nghiệm Coombs dương tính giả.
  • Giảm tiểu cầu, đôi khi giảm mạnh số lượng bạch cầu.
  • Nôn mửa, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.
  • Nổi các ban da đa dạng.

Tóm lại, Zanmite là kháng sinh có phổ tác dụng rộng, sử dụng phải được sự kê đơn bắt buộc của bác sĩ. Để đề phòng tình trạng kháng thuốc trên các chủng vi khuẩn nhạy cảm và sự bội nhiễm vi khuẩn, không nên tự ý dùng thuốc và dùng thuốc không đúng thời gian chỉ định của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

556 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan