Khi nào cần dùng kháng sinh điều trị chín mé?

Nguyên nhân chính gây chín mé là do tụ cầu khuẩn vàng (Herpes). Nếu không điều trị chín mé sớm bệnh sẽ gây cản trở sinh hoạt, khó chịu cho người mắc. Vậy bệnh nhân có thể làm gì để điều trị chín mé và khi nào cần dùng kháng sinh điều trị chín mé?

1. Chín mé là gì?

Chín mé là một bệnh truyền nhiễm ở các mô mềm trên bàn tay, nguyên nhân thường là do tụ cầu và liên cầu. Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể con người qua những vết thương hở, vết xước, vết châm.

Vị trí ảnh hưởng phổ biến là mô mềm ở đầu ngón tay, cũng có thể ở giữa, hai bên ngón hoặc ở đỉnh ngón. Nhờ vách ngăn giữa các mô mềm, quá trình nhiễm trùng được hạn chế, tránh được tình trạng áp xe làm tăng áp lực dẫn đến hoại tử các mô lân cận. Ngoài ra, xương, khớp hay các gân nằm dưới lớp mô cũng có thể bị nhiễm trùng.

Tùy vào cơ địa và mức độ nhiễm trùng mà mỗi bệnh nhân sẽ được áp dụng quá trình điều trị tương ứng, thông thường bao gồm trích rạch và dẫn lưu sớm, kèm với sử dụng kháng sinh đường uống hoặc tiêm truyền.

2. Các thể chín mé và cách điều trị

Nhiễm khuẩn chín mé ở ngón tay có 3 thể phổ biến, bao gồm chín mé nông, chín mé dưới da và chín mé sâu, với phạm vi nhiễm trùng theo thứ tự lớn dần.

2.1. Chín mé nông

Tập trung ở lớp da của ngón tay, xếp loại cụ thể như sau:

  • Thể sưng tấy đỏ: Khi đầu ngón tay có dấu hiệu sưng nhẹ và tấy đỏ, gây đau nhưng không mưng mủ. Thông thường có thể điều trị bằng ngâm tay vào nước nóng nhằm phóng bế gốc chi.
  • Thể phồng, chính mé trong da: Nhận thấy ngón tay sưng đỏ, sau đó xuất hiện lớp mủ ở thượng bì, tạo thành nốt phỏng có màu trắng đục bên trong. Cần phải rạch mủ thoát ra, sau đó băng ép và kết hợp dùng thuốc kháng sinh toàn thân.
  • Chín mé quanh móng: Chín mé xuất hiện ở một phần của góc móng trước khi lan dần ra xung quanh, khi lan vào gốc móng có thể gây chảy mủ kéo dài. Để điều trị cần phải gây tê ở gốc ngón, sau đó rạch vùng móng bị mưng mủ cắt bỏ để dẫn lưu mủ, có khả năng phải cắt bỏ phần móng để ngăn tình trạng chảy mủ.
  • Chín mé dưới móng: Chín mé dưới móng gây đau nhức ở ngón tay, khi bóp đầu ngón tay có thể thấy phần mủ màu trắng đục tích tụ dưới móng. Phần móng bị mưng mủ cần phải được cắt bỏ, trường hợp lan rộng nghiêm trọng ở toàn bộ máu thì cần phải cắt bỏ cả móng.

2.2. Chín mé ngón tay dưới da

Tập trung ở các đốt tay, gây nhiễm trùng những tổ chức dưới da:

  • Chín mé ở đầu mút ngón tay: là thể chín mé dưới da phổ biến nhất, thường xuất hiện ở đầu mút đốt thứ 3 của ngón tay, dấu hiệu bao gồm sưng, đau, tấy đỏ và gây nhức. Trường hợp này cần rạch một đường vòng qua đầu mút ngón tay để thoát mủ và kết hợp kèm với kháng sinh điều trị chín mé.
  • Chín mé ở đốt ngón tay: Xuất hiện ở đốt thứ 2 hoặc thứ 1, chủ yếu gây sưng và đau. Để điều trị chỉ cần rạch 2 bên đốt để thoát mủ.

2.3. Chín mé ngón tay sâu

Đây là thể nghiêm trọng nhất, cần kết hợp kháng sinh điều trị chín mé:

  • Thể xương: Chín mé gây ảnh hưởng đến phần xương bên trong, thông thường do chín mé dưới da không được điều trị gây biến chứng, có biểu hiện cả đốt tay sưng to phồng, có màu tím đỏ gây khó chịu. Để điều trị thể chín mé ở xương, cần tiến hành gây mê sau đó rạch bỏ phần xương đã chết. Bệnh nhân cần ngâm tay hằng ngày trong dung dịch thuốc tím pha loãng để làm sạch và giữ gìn vệ sinh vết thương, dùng đồng thời với kháng sinh điều trị chín mé theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thể khớp: Biểu hiện của chín mé thể khớp là khớp sưng, tấy đỏ, gây hạn chế trong vận động, thường là nguyên phát hoặc thứ phát. Khi chụp X-quang có thể nhìn thấy khe khớp bị hẹp, thưa xương. Vì vậy điều trị cần được bơm và rửa khớp bằng thuốc kháng sinh và dung dịch huyết thanh 9%, kết hợp kháng sinh toàn thân.
  • Thể gân: Chín mé ảnh hưởng sâu đến phần gân gây nhức, đặc biệt ở vùng gấp ngón tay, khiến ngón tay bị co lại và không duỗi thẳng được. Ngoài ra, còn có biểu hiện mệt mỏi và sốt cao do nhiễm trùng nặng. Với trường hợp chín mé gân cần rạch một đường vào đáy bao để lộ túi mủ cùng bao gân, từ đó rạch dẫn lưu mủ và bơm rửa bao gân bằng dung dịch huyết thanh ấm có pha kháng sinh.

Tóm lại chín mé uống kháng sinh gì sẽ phụ thuộc vào tình trạng và chỉ định của bác sĩ. Sau khi rửa sạch bằng thuốc tím pha loãng, bác sĩ thường chỉ định bôi mỡ kháng sinh như acid fusidic (Fucidin, Foban) hoặc Mupirocin (Bactroban). Nếu chín mé yêu cầu rạch thoát mủ, dẫn lưu thì kết hợp sử dụng kháng sinh nhóm Oxacillin, Amoxicillin hoặc Erythromycine.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan