Thuốc Salmeterol có tác dụng gì?

Thuốc Salmeterol được chỉ định trong điều trị duy trì và dự phòng hen phế quản mạn tính, dự phòng cơn hen do gắng sức hoặc cơn hen xảy ra vào ban đêm... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Salmeterol qua bài viết dưới đây.

1. Salmeterol là thuốc gì?

Thuốc Salmeterol chứa hoạt chất Salmeterol bào chế dưới các dạng gồm bình xịt khí dung 25 microgam/liều xịt (bình 120 liều), bột khô xịt qua miệng chứa 50 microgam/liều xịt (đĩa gồm 28 hoặc 60 liều).

Salmeterol được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Điều trị dự phòng, duy trì hen phế quản mạn tính ở người bệnh đã phải sử dụng liệu pháp Corticoid hít. Salmeterol cần phải sử dụng phối hợp với Corticoid đường hít, không được dùng đơn trị liệu;
  • Điều trị dự phòng cơn hen do gắng sức, cơn hen xảy ra vào ban đêm (người bệnh không bị hen mạn tính);
  • Điều trị triệu chứng lâu dài ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trung bình đến nặng bao gồm giãn phế nang và viêm phế quản.

2. Liều dùng của thuốc Salmeterol

Salmeterol là thuốc kê đơn cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị. Salmeterol được dùng bằng đường xịt qua miệng dạng khí dung hoặc bột khô định liều. Liều thuốc được tính theo Salmeterol base.

Một số khuyến cáo về liều dùng Salmeterol như sau:

  • Người trưởng thành và trẻ em trên 4 tuổi: Liều khuyến cáo là 50 microgam/lần x 2 lần/ngày xịt qua miệng. Mỗi lần dùng cách nhau 12 giờ dùng phối hợp với một thuốc Corticoid dạng xịt;
  • Người trưởng thành và trẻ em trên 4 tuổi dùng liều 50 microgam xịt qua miệng dạng bột khô định liều hoặc dạng khí dung, sử dụng trước 30 phút khi thực hiện các hoạt động gắng sức;
  • Thuốc không được khuyến cáo ở trẻ em dưới 4 tuổi do không đủ dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả;
  • Người bệnh suy gan, suy thận và người cao tuổi không cần hiệu chỉnh liều thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc Salmeterol

Salmeterol thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Thường gặp: Đau đầu, run chi, đánh trống ngực, tăng huyết áp, da xanh xao, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, sốt, mệt mỏi, đau nửa đầu, viêm da tiếp xúc, eczema, viêm da ánh sáng, mày đay, buồn nôn, kích ứng họng, nhiễm nấm Candida miệng – hầu, khô miệng, thấp khớp, co cứng cơ, dị cảm, viêm giác mạc/viêm kết mạc, viêm phế quản, nghẹt mũi, viêm hầu họng, cúm, ho, nhiễm trùng đường hô hấp do virus, viêm mũi, viêm xoang;
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ bao gồm phù mạch và phù nề, sốc phản vệ, co thắt phế quản, mất ngủ, hạ Kali máu, rối loạn nhịp tim (bao gồm nhịp nhanh trên thất, rung nhĩ, ngoại tâm thu), co thắt phế quản nghịch, kích ứng hầu họng, đau ngực không đặc trưng, tăng Glucose máu.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Salmeterol.

4. Chống chỉ định của thuốc Salmeterol

Chống chỉ định sử dụng thuốc Salmeterol trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn với Salmeterol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Chống chỉ định sử dụng Salmeterol với các thuốc ức chế mạnh enzym Isozym CYP3A4 như Ketoconazol, Itraconazol, Ritonavir, Saquinavir, Telithromycin, Nefazodon...;
  • Chống chỉ định sử dụng Salmeterol trong điều trị hen phế quản nhưng không phối hợp với Corticoid hít.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Salmeterol

  • Thuốc Salmeterol chỉ được sử dụng điều trị hỗ trợ thêm ở người bệnh không kiểm soát được đầy đủ bằng các thuốc điều trị hen phế quản khác (Ví dụ như Corticoid dạng hít ở mức liều thấp hoặc trung bình), người bệnh nặng đang cần điều trị phối bằng 2 thuốc.
  • Người bệnh vẫn tiếp tục dùng thuốc kích thích β2 giao cảm tác dụng ngắn khi cần trong thời gian điều trị bằng Salmeterol.
  • Không sử dụng thuốc Salmeterol trong điều trị các triệu chứng cấp tính của người bệnh hen phế quản. Không bắt đầu điều trị bằng Salmeterol ở người bệnh có tình trạng bệnh hen phế quản xấu đi cấp tính, nghiêm trọng vì nguy cơ đe dọa tính mạng.
  • Không sử dụng phối hợp thuốc Salmeterol với thuốc kích thích β2 giao cảm tác dụng kéo dài.
  • Thuốc Salmeterol không có tác dụng thay thế điều trị cho Corticoid đường uống hoặc đường hít. Vì vậy người bệnh cần tiếp tục điều trị bằng một thuốc Corticoid liều thích hợp khi bắt đầu điều trị bằng Salmeterol, chỉ thay đổi liều thuốc Corticoid sau khi có đánh giá lâm sàng.
  • Không sử dụng thuốc quá mức liều chỉ định, việc sử dụng thuốc Salmeterol liều cao có liên quan đến việc kéo dài khoảng QT có ý nghĩa lâm sàng, gây loạn nhịp thất.
  • Nguy cơ co thắt phế quản nghịch có thể xảy ra khi dùng thuốc Salmeterol. Nếu xảy ra tình trạng này, người bệnh cần dùng ngay một thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn đường hít, ngưng dùng Salmeterol ngay lập tức và sử dụng các biện pháp điều trị thay thế thích hợp.
  • Phản ứng quá mẫn có thể xảy ra sau khi dùng thuốc Salmeterol bao gồm phù mạch, mày đay, co thắt phế quản và nổi ban. Đã có báo cáo về nguy cơ co thắt thanh quản, phù nề gây thở rít, kích ứng hoặc nghẹt thở sau khi sử dụng thuốc Salmeterol.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Salmeterol ở người mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành, tăng huyết áp, loạn nhịp tim...
  • Thuốc Salmeterol có thể gây thay đổi điện tâm đồ như kéo dài khoảng QT, làm dẹt sóng T, làm giảm đoạn ST. Tuy nhiên ý nghĩa lâm sàng của các tác dụng này vẫn chưa rõ.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh đái tháo đường, người có rối loạn co giật...
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Salmeterol thuộc phân nhóm C khi dùng ở phụ nữ đang mang thai. Vì vậy Salmeterol chỉ được sử dụng trong khi chuyển dạ ở phụ nữ đang mang thai và chỉ giới hạn ở trường hợp lợi ích lớn vượt trội hơn nguy cơ.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về nguy cơ bài tiết qua sữa mẹ của Salmeterol. Vì vậy cần cân nhắc ngưng dùng thuốc hoặc ngưng cho con bú khi dùng thuốc.

6. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc chống dùng phối hợp: Thuốc ức chế mạnh Isozym CYP3A4 như Itraconazol, Ketoconazol, Nefazodon, Nelfinavir, Ritonavir, Telithromycin, Saquinavir... vì làm tăng tác dụng không mong muốn trên tim mạch.

Tương tác thuốc thận trọng:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế Monoamin Oxidase làm tăng tác dụng trên mạch máu của Salmeterol khi dùng đồng thời;
  • Salmeterol làm giảm tác dụng của thuốc chẹn Beta giao cảm và ngược lại;
  • Salmeterol làm giảm nồng độ Kali máu, vì vậy thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc cũng có tác dụng này như thuốc lợi tiểu Thiazid, thuốc lợi tiểu quai...

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Salmeterol, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Salmeterol.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan