Nguyên nhân & các vị trí đau gan thường gặp

Gan là một cơ quan nội tạng nắm giữ nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Đau gan là một dấu hiệu của nhiều bệnh lý gan khác nhau, việc xác định được nguyên nhân có thể giúp theo dõi và điều trị chính xác bệnh.

1. Nguyên nhân gây ra đau gan?

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể và có khoảng hơn 500 chức năng quan trọng đóng vai trò sống còn đối với cơ thể. Những chức năng quan trọng có thể kể đến như chuyển hóa đường, chất béo và protein; xử lý độc tố; sản xuất mật... Một khi gan bị tổn thương bởi một yếu tố nào đó sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng gan, suy giảm chức năng gan.

Thông thường, thì đau gan là dấu hiệu của nhiều bệnh lý về gan, chứ không có bệnh đau gan. Tình trạng này có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, bao gồm:

  • Viêm gan do virus

Viêm gan do virus tấn công khiến gan bị tổn thương, gây ra tình trạng đau vùng gan. Tính đến thời điểm hiện tại thì có 3 loại viêm gan do virus thường gặp là viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C. Khi bị viêm gan do virus, ngoài biểu hiện đau gan thì người bệnh thường xuất hiện thêm các dấu hiệu như vàng mắt, vàng da, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu,...

  • Viêm gan do rượu

Tình trạng viêm gan do rượu xảy ra khi bạn thường xuyên uống nhiều rượu, bởi rượu tấn công và gây phá hủy tế bào gan. Cơn đau từ gan do nguyên nhân này sẽ làm cho bạn cảm giác khó chịu kéo dài, còn có thể bị sốt nhẹ, chán ăn, ăn kém, mệt mỏi, buồn nôn,...

  • Gan nhiễm mỡ

Khi lượng mỡ tích tụ trong gan nhiều hơn bình thường sẽ gây ra tình trạng tế bào gan bị thoái hóa mỡ (gan nhiễm mỡ). Bệnh này sẽ có nguy cơ xảy ra cao hơn ở những người bị béo phì, thừa cân, thường xuyên ăn nhiều đồ ăn chứa chất béo hoặc mắc bệnh tiểu đường,...

Những bệnh nhân mắc phải gan nhiễm mỡ thường sẽ không nhận biết được bệnh vì chúng không có nhiều triệu chứng rõ ràng, đa phần phát hiện qua siêu âm ổ bụng. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra đau gan từ phần trên bên phải của bụng và kéo dài liên lục khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, kèm theo chán ăn, mệt mỏi...Đây là bệnh lý lành tính và có thể cải thiện bằng cách giảm cân, thay đổi chế độ ăn uống.

  • Hội chứng Fitz - Hugh - Curtis

Hội chứng này là một biến chứng của bệnh viêm vùng tiểu khung và thường gặp ở phụ nữ. Tuy nhiên chúng rất hiếm khi xảy ra. Trong hội chứng Fitz - Hugh - Curtis làm cho các mô xung quanh gan bị viêm nhiễm, kể cả bao gan. Khi đó bạn sẽ cảm thấy đau vùng hạ sườn phải một cách đột ngột, dữ dội, cảm thấy đau nhiều hơn trong lúc ho, hắt hơi, cười, hít thở sâu hoặc thay đổi tư thế,... Một số trường hợp, cơn đau lan đến vùng bả vai phải, cánh tay phải kèm theo những triệu chứng khác như rét run, sốt, đổ mồ hôi trộm, nhức đầu, buồn nôn,...

  • Áp xe gan

Hiện tượng này thường do tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hoá hoặc nhiễm vi khuẩn gây nên, khi chúng xâm nhập vào gan sẽ hình thành các ổ mủ trong gan. Bệnh áp xe gan làm cho người bệnh cảm thấy rất đau ở vùng bụng trên bên phải, đau tăng khi ấn vào vùng đó, ho, hắt hơi kèm theo các cơn ớn lạnh, sốt,... Khi đã phát hiện cần kịp thời và đi khám, điều trị.

  • Nang gan

Nang gan là những túi chất lỏng, nhưng chúng thường lành tính, không bị nhiễm trùng. Nếu chúng phát triển lớn, chúng có thể khiến bạn khó chịu. Các khối u nang đôi khi có thể chảy máu trong nang, gây ra cơn đau vùng gan dữ dội, đột ngột. Thường cần chẩn đoán bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh.

  • Hội chứng Budd-Chiari

Hội chứng Budd-Chiari là một rối loạn do sự thu hẹp của các tĩnh mạch cho máu và chất lỏng ra khỏi gan. Nó có thể gây ra bởi cục máu đông và tình trạng chèn ép trong gan của bạn. Dù điều này hiếm xảy ra, nhưng nó có thể dẫn tới ứ đọng máu tại gan khiến gan bị thay đổi kích thước, đau vùng gan và cần được điều trị để giải phóng chèn ép.

  • Huyết khối tĩnh mạch cửa

Tĩnh mạch cửa là mạch máu nuôi dưỡng gan chủ yếu. Nhưng nếu cục máu đông xuất hiện ở tĩnh mạch cửa có thể làm tắc tĩnh mạch, khi đó bạn có thể cảm thấy đau đột ngột ở phần trên bên phải của bụng, cổ trướng, sốt, vàng da...

  • Sỏi mật

Túi mật của bạn nằm ngay bên dưới gan và đường mất đi trong gan. Khi bạn bị sỏi túi mật hay sỏi đường mật đều sẽ gây ra viêm và gây đau vùng gan. Cơn đau này có thể nhầm nguyên nhân do gan của bạn. Bạn có thể bị đau đột ngột vùng bụng trên, giữa hai bả vai hoặc ở vai phải, thường kèm theo sốt, vàng da.

  • Tổn thương gan do chấn thương

Những lần không may bị ngã, tai nạn hoặc chấn thương khác sẽ có thể gây tổn thương đến vùng gan của bạn. Nếu trường hợp nặng, bạn có thể cảm thấy căng tức nhiều và đau ở vùng bụng lan lên vai phải.

  • Ung thư gan

Bệnh ung thư gan nếu ở giai đoạn đầu thì thường khó nhận biết được vì các triệu chứng xuất hiện không nhiều. Bệnh nhân chỉ cảm nhận được cơn đau gan khi bệnh đã chuyển đến giai đoạn nghiêm trọng. Cơn đau có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào ở vùng bụng lan đến phần vai. Ngoài ra, thường kèm theo các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, giảm cân không rõ nguyên nhân, nhanh no, vàng da, hay bị ngứa, bụng phình to,...

2. Các vị trí đau gan thường gặp

Gan có kích thước như quả bóng với bề ngang dài khoảng 15 đến 20cm, cao khoảng 8cm. Vị trí của gan nằm bên phải ổ bụng, sau các xương sườn, bên dưới cơ hoành và vòm hoành phải nhưng có một phần lấn sang trái, bên dưới vòm hoành trái và ở vùng thượng vị. Các vị trí đau gan có thể gặp bao gồm:

  • Thường gặp nhất thì những cơn đau gan xuất phát từ vùng hạ sườn phải.
  • Trong số ít trường hợp, vị trí bị đau gan có thể lan đến tới vùng bả vai hoặc sau lưng bên phải.
  • Đau gan cũng có thể lệch sang trái của đường trắng giữa, dưới cơ hoành. Nhưng khó phân biệt với đau dạ dày.

Khi bị đau gan thì cơn đau gan có thể từ âm ỉ đến đau nhói. Đôi khi, nếu nghiêm trọng hơn cơn đau có thể sẽ rất dữ dội. Ngoài ra, đau thường kèm theo các dấu hiệu khác của bệnh gan bao gồm:

  • Nước tiểu có màu vàng đậm, phân màu nhạt.
  • Vàng mắt hoặc vàng da.
  • Rối loạn đại tiện (phân lỏng), chán ăn, sợ mỡ, bụng chướng...
  • Sưng chân hoặc mắt cá chân.
  • Thường xuyên bị ngứa da.
  • Luôn trong tình trạng mệt mỏi.
  • Bụng to lên một cách bất thường( cổ trướng).
  • Dễ bị chảy máu, dễ để lại vết bầm tím hơn bình thường.

3. Làm gì khi bị đau gan?

Nếu như bạn cảm thấy cơn đau vùng gan nhẹ, không rõ các triệu chứng kèm theo. Bạn nên có chế độ ăn uống sinh hoạt giúp giảm tải cho gan như:

  • Uống nhiều nước khoảng 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.
  • Tránh ăn thức ăn chứa quá nhiều dầu mỡ hay chất béo; hạn chế thực phẩm có chất làm ngọt fructose.
  • Vận động thường xuyên, nên tập thể dục khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày, 3 đến 4 lần/tuần, kiểm soát cân nặng của bản thân. Tư thế ngồi nên ngồi thẳng lưng.
  • Tránh dùng rượu, bia, các thuốc hại gan khi không thực sự cần thiết.
  • Nếu bạn thắc mắc khi bị đau gan uống thuốc gì? Điều này còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau gan. Nếu nhưng do virus, có thể cần thuốc kháng virus, kháng sinh trong trường hợp nhiễm khuẩn...có thể dùng các thực phẩm hỗ trợ giúp tăng cường chức năng gan.

Nên tới cơ sở y tế khi gặp các triệu chứng sau đây:

  • Đau vùng gan dữ dội, không có tư thế nào giảm đau.
  • Vàng da hay vàng mắt.
  • Sốt, rét run.
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa.

Gan là một cơ quan rất quan trọng, nhưng do khả năng bù trừ tốt nên các dấu hiệu thường mờ nhạt. Hy vọng, thông qua bài viết bạn đã biết đau gan như thế nào và nguyên nhân nào gây đau gan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan