Chảy máu đường mật có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chảy máu đường mật là một trong các bệnh lý gan mật nếu không được thăm khám và điều trị sớm có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Vì thế, việc nắm rõ các triệu chứng, dấu hiệu của chảy máu đường mật sẽ giúp người bệnh có hướng thăm khám để hạn chế nguy cơ biến chứng bệnh có thể xảy ra.

1. Chảy máu đường mật là gì?

Chảy máu đường mật được định nghĩa là bệnh lý gây ra do xuất hiện sự thông thương bất thường của mạch máu vùng gan mật (bao gồm động mạch gan, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan) với đường dẫn mật. Đây là một cấp cứu ngoại khoa hay gặp và đ­ược Francis Glisson mô tả lần đầu tiên vào năm 1654.

2. Nguyên nhân gây chảy máu đường mật

2.1. Chảy máu đường mật do chấn thương

Trước đây, chảy máu đường mật sau tai nạn, chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất, bởi các tác động quá mạnh vào vùng gan làm tổn thương vỡ các mạch máu và đường mật dẫn đến chảy máu.

Gan, tổn thương gan
Chấn thương gây tổn thương gan là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu đường mật

2.2. Chảy máu đường mật sau phẫu thuật, thủ thuật y khoa

Hiện nay, các thủ thuật điều trị là nguyên nhân hàng đầu gây nên biến chứng chảy máu đường mật. Các thủ thuật này bao gồm: Chọc dò dịch mật, dẫn lưu dịch mật qua da bằng ống Kehr hoặc sinh thiết gan... Phẫu thuật nội soi cũng là nguyên nhân gây nên bệnh lý chảy máu đường mật. Nội soi mật tụy ngược dòng, nội soi cắt túi mật hoặc cắt bỏ khối u gan là một trong các nguyên nhân khiến đường mật chảy máu.

Sinh thiết gan
Sinh thiết gan có thể dẫn đến chảy máu đường mật

2.3. Chảy máu đường mật do các nguyên nhân khác

  • Nhiễm trùng đường mật là nguyên nhân hay gặp ở các nước Châu Á, riêng ở Việt Nam chiếm khoảng 1⁄3 số ca chảy máu đường mật.
  • Sỏi, ký sinh trùng hoặc áp xe đường mật là các yếu tố làm tổn thương hàng rào giữa mạch máu và đường dẫn mật gây chảy máu.
  • Bệnh lý của gan như u gan hoặc áp xe gan cũng có thể gây ra chảy máu bất thường ở đường mật.
  • Bệnh lý mạch máu bao gồm vỡ phình động mạch ở các mạch máu nuôi vùng gan mật (hay gặp nhất là động mạch gan), viêm đa động mạch và một số bất thường mạch máu khác.

3. Dấu hiệu chảy máu đường mật

Thực tế, chảy máu đường mật thường không xảy ra ngay lập tức sau chấn thương hoặc sau các thủ thuật, phẫu thuật y khoa mà các triệu chứng bệnh lý này lại xảy ra vài tuần hoặc vài tháng sau đó. Chảy máu đường mật thường xuất hiện 3 triệu chứng chính, hay còn gọi là tam chứng Hemobilia, bao gồm:

  • Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa trên: Nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu đen, chủ yếu là đi cầu ra phân đen. Dấu hiệu chảy máu này thường dai dẳng và dễ tái phát.
  • Đau ở vùng hạ sườn phải: Cơn đau thường xuất hiện trước mỗi lần chảy máu.
  • Vàng da: Thường sẽ giảm sau mỗi lần chảy máu.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng, sốt cao kèm rét run. Các xét nghiệm xác định chảy máu đường mật bao gồm:

điều trị vàng da
Vàng da là triệu chứng của chảy máu đường mật

4. Chảy máu đường mật nguy hiểm như thế nào?

Biến chứng nghiêm trọng nhất của chảy máu đường mật là mất máu, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng khác của chảy máu đường mật gồm: Sự hình thành của các cục máu đông trong ống dẫn mật gây cản trở, tắc nghẽn, đôi khi đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật. Sự tắc nghẽn ống dẫn mật dẫn đến hiện tượng giãn ống dẫn mật ở phía trên cục máu đông gây vàng da. Một vài trường hợp có thể tạo thành sỏi đường mật. Các biến chứng khác có thể xảy ra là: Viêm đường mật, viêm túi mật, viêm tụy, nhiễm trùng đường mật nặng và từ vong.

viêm túi mật
Chảy máu đường mật có thể gây viêm túi mật

5. Chảy máu đường mật điều trị như thế nào?

Việc điều trị chảy máu đường mật phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của người bệnh, mức độ và cường độ chảy máu đường mật cũng như bệnh lý nền, từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.

5.1. Điều trị bảo tồn

  • Truyền máu, dịch.
  • Kháng sinh, thuốc cầm máu.
  • Đảm bảo các biện pháp hồi sức tốt.
Kháng sinh có tác dụng phụ?
Dùng kháng sinh để điều trị chảy máu đường mật

5.2. Điều trị phẫu thuật (mổ mở hoặc mổ nội soi)

Hiện nay, phương pháp điều trị chảy máu đường mật phổ biến nhất đó là thuyên tắc lỗ rò động mạch-đường mật mới hình thành. Áp dụng trong các trường hợp như: Chảy máu đường mật nặng đòi hỏi truyền máu, chảy máu đường mật mạn gây thiếu máu và trường hợp điều trị bảo tồn thất bại. Hiệu quả của phương pháp này rất tốt, tỉ lệ thành công từ 80-100% trên tổng số bệnh nhân được điều trị. Bên cạnh đó, các biện pháp ngoại khoa khác cũng được áp dụng để điều trị nguyên nhân gây chảy máu đường mật bao gồm:

  • Mở ống mật chủ lấy sỏi, bơm rửa và dẫn lưu Kehr.
  • Thắt động mạch gan nếu vẫn tiếp tục chảy máu.
  • Cắt túi mật nếu chảy máu do nguyên nhân này.
  • Cắt gan nếu tổn thương khu trú ở một thùy gan, áp xe gan

Chảy máu đường mật là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tử vong do mất máu nhiều. Vì vậy việc thăm khám, chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời đóng vai trò tiên quyết đối với tiên lượng của bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý gan mật cùng nhiều bệnh lý khác. Tại Vinmec cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị nội soi bằng các phương pháp y học hiện đại không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát. Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

818 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan