Cơ chế gây bệnh mạch vành

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Đức Hiệp và Nguyễn Xuân Thành - Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Bệnh mạch vành là một bệnh thường gặp trong số các bệnh tim ở các nước phát triển. Thông thường bệnh sinh của suy mạch vành là do lắng đọng mỡ ở lớp dưới nội mạc các động mạch vành. Tình trạng xơ vữa tiến triển dần dần làm hình thành cục máu đông gây thuyên tắc trong lòng mạch. Biến chứng chủ yếu của bệnh mạch vành là gây cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và có thể dẫn tới đột tử.

1. Dịch tễ học của bệnh mạch vành

Bao gồm đau thắt ngựcnhồi máu cơ tim chiếm khoảng chừng 6% đàn ông > 50 tuổi. Ở châu Âu hàng năm có thêm khoảng chừng 0,3-0,6% người mắc bệnh. Về tỉ lệ tử vong thì mỗi năm chiếm khoảng 120-250 người chết /100.000 người dân ở các nước công nghiệp phát triển. Tỉ lệ này tăng lên với tuổi: 800 - 1000 người chết /100.000 ở lứa tuổi 65 - 74 đối với nam giới, 300/100.000 đối với phụ nữ ở cùng lứa tuổi.

Ở Việt nam chưa có thống kê toàn dân nhưng các thống kê tại các bệnh viện lớn cho thấy bệnh nhân bị bệnh mạch vành thường ở tuổi 50 trở lên. Tuy nhiên, hiện nay có xu hướng trẻ hóa, cá biệt có những trường hợp dưới 30 tuổi.

2. Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành

2.1. Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được

  • Tuổi

Nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch càng tăng lên khi tuổi càng cao. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tuổi là một trong những yếu tố dự đoán bệnh tật quan trọng nhất. Bạn không thể giảm bớt tuổi đời của mình nhưng việc ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lý có thể giúp làm chậm lại quá trình thoái hóa do tuổi gây ra. Nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch càng tăng lên khi tuổi càng cao.

  • Giới tính

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vànhđột quỵ cao hơn (chiếm khoảng 70%) so với nữ giới. Tuy nhiên, nữ giới sau mãn kinh thì tốc độ gia tăng các bệnh tim mạch càng nhanh tương đương thậm chí cao hơn nam giới.

  • Yếu tố di truyền

Những bằng chứng nghiên cứu cho thấy những người có yếu tố di truyền (gia đình) bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn những người khác. Yếu tố di truyền còn bao gồm cả vấn đề chủng tộc.

2.2. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

  • Tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là YTNC tim mạch thường gặp nhất và cũng là yếu tố nguy cơ được nghiên cứu đầy đủ nhất. THA được coi là kẻ giết người thầm lặng và là nguy cơ mạnh nhất gây các biến cố tim mạch. Huyết áp tăng thường không có triệu chứng gì và gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm đến tim mạch. Việc điều trị tốt tăng huyết áp giúp làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch.

  • Tăng cholesterol máu

Tăng hàm lượng các chất lipid (mỡ) trong máu (cholesterol và triglycerid) rất thường gặp và là một trong những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được quan trọng bậc nhất của bệnh tim mạch.

  • Hút thuốc lá

Hút thuốc lá (kể cả thuốc lào) là một yếu tố nguy cơ đã được khẳng định làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ung thư phổi và một loạt các bệnh lí khác. Nếu bạn hút thuốc thì hãy bỏ ngay, vì việc bỏ thuốc lá là biện pháp được chứng minh rất hiệu quả để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Hút thuốc lá thụ động (khi bạn phải hít khói thuốc lá do người khác hút) cũng có nguy cơ không kém.

  • Thừa cân - Béo phì

Ở các mức độ khác nhau đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

  • Đái tháo đường và kháng insulin

Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type II, có tỉ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Đái tháo đường đẩy nhanh quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó.

  • Lười vận động (lối sống tĩnh tại)

Lối sống tĩnh tại được coi là một nguy cơ của các nguy cơ tim mạch. Việc vận động hàng ngày đều đặn ít nhất 30 phút mang lại lợi ích rõ rệt giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

  • Uống rượu

Hiện nay, các khuyến cáo cho rằng, nếu sử dụng điều độ, tức không quá một đơn vị uống (tương đương với 1 lon bia 5% 330ml, hay 50ml rượu 30% độ cồn) mỗi ngày, uống rượu ít không gây nguy cơ tim mạch và trong chừng mực nào đó có thể giúp ngăn ngừa xơ vỡ động mạch và bệnh mạch vành.Uống rượu bia không điều độ với số lượng lớn có nguy cơ gây bệnh tim mạch.

rượu thuốc lá
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

3. Nguyên nhân bệnh mạch vành

Do tổn thương mạch vành: Là nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa mạch vành. Ngoài ra các nguyên nhân khác hông phải do xơ vữa: Co thắt mạch vành, viêm mạch (viêm nhiều động mạch dạng nút, lupus ban đỏ, bất thường bẩm sinh).

Hậu quả của các bệnh van tim: Bệnh van động mạch chủ: hẹp, hở van động mạch chủ, giang mai. Hậu quả của các bệnh cơ tim. Chúng là nhóm nguyên nhân có thể gây suy vành cơ năng mà hệ mạch vành không có hẹp.

4. Cơ chế gây bệnh

Ngay trong lúc nghỉ ngơi, tim đã sử' dụng một lượng oxy lớn lấy từ máu động mạch vành. Khi gắng sức, tim phải tăng lưu lượng máu vào động mạch vành để cung cấp thêm oxy cho cơ tim. Cũng như các động mạch khác, lưu lượng máu trong động mạch vành chịu ảnh hưởng của 2 yếu tố: Áp lực tưới máu và sức cản của thành mạch.

Ớ người bình thường không có bệnh động mạch vành, do hệ thống động mạch phát triển rất mạnh, sức cản lại rất thấp nên tim có thể chịu đựng được gắng sức, kể cả thiếu máu và cơn đả kích làm giảm huyết áp mà không có tổn thương cơ tim.

Sức cản thành mạch bắt đầu có từ các nhánh động mạch vành nhỏ. Còn lưu lượng máu được bảo đảm nhờ các nhánh động mạch vành to, là những ống dẫn lớn đưa máu vào cơ tim. Xơ vữa động mạch thường xuất hiện ở các động mạch vành to và khi đã làm cho đường kính động mạch hẹp trên 70% thì lưu lượng máu sẽ giảm sút nghiêm trọng và các động mạch nhỏ phải giảm bớt sức cản bằng cách liên tục giãn ra để cho máu đi qua. Nếu có hạ huyết áp hoặc có kích động, gắng sức, động mạch vành sẽ không thích ứng kịp. Lúc đó, cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim sẽ xuất hiện. Cơ chế trên cũng cắt nghĩa vì sao chưa có tắc động mạch vành hoàn toàn mà đã có nhồi máu cơ tim.

5. Cơn đau điển hình

Cơn đau điển hình xuất hiện khi gắng sức, cảm xúc, và mất đi vài phút sau khi thôi gắng sức. Đó là triệu chứng đặc hiệu nhất về mặt lâm sàng. Tính chất của cơn đau điển hình: Đau như thắt ngực, hoặc cảm giác nặng nề ở phía sau xương ức, thường lan rộng sang tay trái. Nếu cùng làm một động tác như lên cầu thang thì bệnh nhân phải dừng lại ở bậc thang đã xảy ra cơn đau từ những lần trước. Nếu cơn đau thắt ngực xuất hiện khi gắng sức thì khả năng cao là do mạch vành mặc dù vị trí của đau có thể không điển hình: Đau ở cổ, lưng, vai, bụng, tay trái mà không hề đau ở ngực, ở sau ức.

Ngoài ra, còn một số yếu tố cũng có thể làm co thắt mạch vành gây ra cơn đau ngực như khi nhiệt độ lạnh hay khi thay đổi nhiệt độ nhanh từ nóng sang lạnh. Nó cũng giải thích tần suất xuất hiện các cơn đau ngực hay nhồi máu cơ về mùa lạnh nhiều hơn

đau thắt ngực
Cơn đau điển hình xuất hiện khi gắng sức, cảm xúc, và mất đi vài phút sau khi thôi gắng sức.

6. Các thể lâm sàng cơn đau thắt ngực

Đau thắt ngực ổn định:

Đau thắt ngực ổn định thường xảy ra trên một bệnh nhân có hệ mạch vành đã bị hẹp do xơ vữa, tuy nhiên mảng xơ vữa ổn định và tương đối bên vững. Mức độ hẹp sẽ tỷ lệ với khả năng gắng sức. Đau thắt ngực ổn định biểu hiện là cơn đau xuất hiện mỗi khi gắng sức hay xúc động và sẽ đỡ dần đến hết sau khi ngưng gắng sức hay ổn định cảm xúc 1-5 phút.

Đau thắt ngực không ổn định

Đó là khi mảng xơ vữa không ổn định, có thể bong ra và hình thành cục huyết khối gây lấp tắc 1 phần hoặc hoàn toàn mạch vành có thể tiến triển thành nhồi máu cơ tim. Cơn đau ngực biểu hiện sẽ dữ dội hơn và đột ngột hơn. Nó có thể xuất hiện khi đang gắng sức hoặc khi nghỉ ngơi mà hoàn toàn không dự đoán trước được.

7. Dự phòng bệnh mạch vành

Cải thiện các yếu tố nguy cơ:

  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Hạn chế đồ nhiều chất béo, mỡ động vật, hạn chế rượu bia, ăn nhạt đồng thời ăn nhiều rau xanh, hoa quả.
  • Có chế độ luyện tập đều đặn tối thiểu 2,5h/tuần với cường độ vừa phải. Giữ mức cân nặng ổn định. Bỏ tuyệt đối thuốc lá.
  • Kiểm soát tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Khi bị mắc bệnh cần: bệnh mạch vành

  • Tái khám đều đặn.
  • Dùng thuốc đều, đúng liều lượng, đúng thời gian trong ngày.
  • Khi có các biểu hiện bất thường đến các cơ sở y tế gần nhất để xử lí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan