Bệnh mạch máu ngoại vi gồm những bệnh nào? Nguyên nhân và triệu chứng cảnh báo

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh mạch ngoại vi bao gồm các bệnh liên quan đến hệ động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng các chi. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng rất lớn tới vận động của các chi, thậm chí là hoại tử và phải cắt cụt chân.

1. Bệnh mạch ngoại vi (bệnh mạch máu ngoại biên) là gì?

Bệnh mạch ngoại vi hay còn gọi là bệnh mạch máu ngoại biên. Đây là tên gọi chung của các bệnh liên quan đến hệ động mạch nằm cách xa tim. Bệnh do các mảng xơ vữa và huyết khối hình thành gây tắc nghẽn mạch máu, ảnh hưởng tới việc cấp máu cho các chi và có thể ảnh hưởng đến động mạch cung cấp máu cho vùng đầu. Chủ yếu, bệnh mạch máu ngoại vi là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung, ở chân và bàn chân.

Bệnh tuy không bao gồm các tổn thương ở động mạch tim và mạch máu não nhưng những người bị bệnh mạch ngoại vi lại có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Người bệnh không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, đến khi tình trạng bệnh nặng mới phát hiện..

2. Nguyên nhân gây bệnh mạch ngoại vi là gì?

benh-mach-ngoai-vi-1
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh

Nguyên nhân gây bệnh mạch ngoại vi là tắc nghẽn mạch máu do các mảng xơ vữa. Lòng mạch bị hẹp do các chất lắng đọng trên thành mạch, đặc biệt là mỡ. Chúng tạo ra những mảng bám trên nội mạc thành mạch, hình thành xơ vữa, cản trở dòng chảy của lòng mạch.

Bệnh mạch ngoại vi thường gặp ở những đối tượng như:

  • Người hút thuốc lá
  • Người mắc bệnh tiểu đường
  • Người bị rối loạn mỡ máu
  • Người bị tăng huyết áp

Trong đó, hút thuốc lá và tiểu đường là 2 tác nhân gây nguy cơ mắc bệnh mạch ngoại vi cao. Bệnh cũng có xu hướng gia tăng ở những người lớn tuổi. Nếu có một trong số các nguy cơ mắc bệnh cần chú ý các dấu hiệu bất thường của cơ thể và kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và những dấu hiệu sớm của bệnh.

3. Triệu chứng của bệnh mạch ngoại vi là gì?

Với những người mắc bệnh kèm triệu chứng thường cảm thấy đau ở chân và bị chuột rút ở bắp chân, đùi, hông. Những cơn đau và chuột rút thường xuất hiện khi đi bộ, tập thể dục, thể thao, leo cầu thang hoặc hoạt động gắng sức. Các triệu chứng này sẽ biến mất nhanh chóng hoặc giảm dần chỉ sau vài phút dừng hoạt động và nghỉ ngơi.

Chính vì thế, nhiều bệnh nhân có các triệu chứng này thường chủ quan, lầm tưởng đó là bệnh đau xương khớp của người già hoặc các bệnh viêm khớp thông thường mà không cho rằng đang phải đối mặt với một trong những bệnh mạch ngoại vi nguy hiểm.

benh-mach-ngoai-vi-2
Triệu chứng của bệnh mạch ngoại vi là những cơn đau cách quãng khi vận động

Nguyên nhân gây đau là khi cơ thể hoạt động, máu sẽ lưu thông nhiều hơn, nhưng do các mảng xơ vữa khiến lòng mạch hẹp, cản trở quá trình lưu thông máu, dẫn đến thiếu máu, tạo nên các cơn đau ở cơ. Khi cơ thể nghỉ ngơi, nhu cầu cấp máu giảm dần, triệu chứng đau cũng đỡ rồi biến mất.

Ban đầu, bệnh chỉ gây đau, chuột rút phần chi, nhưng khi bệnh mạch ngoại vi nặng hơn, người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng như:

  • Đau, chuột rút ngay cả khi nghỉ ngơi
  • Đau chân do hoạt động nhưng khi nghỉ ngơi vẫn không đỡ
  • Các vết thương ở bàn chân, ngón chân lâu lành
  • Một chân hoặc cả hai chân lạnh hơn so với tay
  • Ngón chân, bàn chân bị hoại tử

Nếu thấy các cơn đau xuất hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại cần đi khám và chú ý miêu tả chi tiết tình trạng cho bác sĩ, tránh để bệnh tiến triển nặng mới tiến hành điều trị.

3. Bệnh mạch ngoại vi gồm những bệnh nào?

3.1. Viêm tĩnh mạch

Viêm tĩnh mạch thường xảy ra ở cánh tay. Bệnh được chia ra làm 2 loại là viêm tĩnh mạch nông và viêm tĩnh mạch sâu.

  • Viêm tĩnh mạch nông: Người bị viêm tĩnh mạch nông sẽ thấy biểu hiện đỏ và nóng tĩnh mạch. Sờ vào tĩnh mạch thấy đau và cứng, thậm chí bị phù nhẹ dọc theo tĩnh mạch. Bệnh có thể gây sốt, cơ thể mệt mỏi, đau nhức.
  • Viêm tĩnh mạch sâu: Triệu chứng của viêm tĩnh mạch sâu là những cơn đau dữ dội. Người bệnh sốt cao và vô cùng mệt mỏi. Vùng tĩnh mạch không những đau mà còn có khả năng huyết khối tĩnh mạch, nguy hiểm hơn là thuyên tắc phổi. Khi bị viêm tĩnh mạch sâu người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và tiến hành điều trị.

3.2. Giãn tĩnh mạch

Ở người bình thường, vận tốc máu tĩnh mạch chảy về tim luôn ổn định ở một mức dưới sự hỗ trợ của quá trình co cơ và các van tĩnh mạch. Van tĩnh mạch có vai trò như một cánh cửa một chiều giúp ngăn không cho dòng máu chảy ngược trở lại. Nếu van tĩnh mạch bị viêm nhiễm hoặc tổn thương, dòng máu lưu thông quá chậm sẽ khiến các tĩnh mạch bị giãn căng và xoắn lại thành từng búi. Trường hợp này rất hay xảy ra với tĩnh mạch nông ở chân.

Giãn tĩnh mạch là bệnh có yếu tố di truyền, những người có người thân trong gia đình bị giãn tĩnh mạch sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới, đặc biệt là người lớn tuổi, ngừa thừa cân béo phì hoặc người phải đứng trong một thời gian dài.

Biểu hiện của bệnh là tĩnh mạch nổi thành các đường ngoằn ngoèo, màu xanh tím trên da. Người bệnh sẽ có cảm giác đau như bị châm chích ở chân. Cuối ngày, mắt cá chân thường sưng phù.

3.3. Tắc động mạch

Các mảng xơ vữa lắng đọng trong lòng động mạch gây hẹp dòng chảy khiến động mạch bị tắc. Máu chảy đi nuôi các chi bị thiếu hụt khiến chân tay đau và tê, lâu dần có thể dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng các chi. Tình trạng đau càng nặng, tần suất đau càng nhiều thì mức độ tắc càng nghiêm trọng. Càng hoạt động cơn đang càng tăng lên. Cơn đau cách hồi khiến bệnh nhân khó tập luyện và di chuyển, kể cả khi đi bộ.

benh-mach-ngoai-vi-3
Các bệnh mạch ngoại vi gây tê bì chân tay

Nếu bị tắc động mạch nặng, dòng máu nuôi các chi bị giảm nghiêm trọng, bàn chân lạnh và xanh tím, mạch ở chân yếu, các mô tế bào ở chi tương ứng có nguy cơ bị hoại tử, thậm chí phải cắt bỏ chi.

Khi thấy những dấu hiện trên xuất hiện ngày càng nhiều cần đi khám càng sớm càng tốt để các bác sĩ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

3.4. Bệnh Buerger

Bệnh Buerger khiến các mạch máu ở chân tay bị viêm, nhất là mạch máu ở bàn chân, bàn tay. Bệnh gây hẹp và tắc nghẽn mạch máu, khiến quá trình lưu thông máu đến các chi bị cản trở, lượng máu nuôi các mô tế bào ở chân, tay giảm, gây tê bì, đau chân tay, tổn thương mô tế bào và hoại tử.

Người mắc bệnh Buerger thường cảm thấy tay chân lạnh, tái nhợt hoặc có màu đỏ, xanh tím. Bàn tay và bàn chân hơi sưng và đau, nhất là khi vận động. Thậm chí người bệnh còn cảm thấy ngứa râm ran, tê bì, đau như bỏng rát ở chân tay. Các cơn đau sẽ biến mất khi nghỉ ngơi, đó được gọi là những cơn đau cách quãng. Bệnh nhân thường thấy đau hơn vào ban đêm hoặc khi trời tiết lạnh. Nếu thấy các cơn đau xuất hiện ngay cả khi đang nghỉ ngơi thì tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng.

Bệnh Buerger thường gặp ở những người hút thuốc lá. Hạn chế hút thuốc là một trong những biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

3.5. Bệnh Raynaud

Bệnh Raynaud làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu theo từng đợt. Mỗi đợt kéo dài khoảng vài phút, thậm chí là một giờ. Trong các đợt bệnh Raynaud tấn công, lượng máu được vận chuyển đến các chi thiếu hụt nghiêm trọng khiến tay chân lạnh và tê bì, các ngón tay ngón chân tái nhợt hoặc xanh tím. Khi lượng máu được cung cấp ổn định trở lạnh, tay chân người bệnh sẽ ấm lên và hồng hào dần nhưng vẫn xuất hiện các cơn đau.

Khi thấy những dấu hiện trên xuất hiện ngày càng nhiều cần đi khám càng sớm càng tốt để các bác sĩ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

113K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan