Gợi ý thực đơn cho người bị bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành thường do sự tích tụ quá mức các mảng xơ vữa động mạch trong lòng mạch. Đây là 1 căn bệnh nguy hiểm và đem lại nhiều phiền toái cho người bệnh. Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống cho người bệnh tim mạch vành sẽ hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa sự phát triển và hình thành của các mảng xơ vữa. Hãy cùng tìm hiểu về thực đơn cho người bị bệnh mạch vành trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là tình trạng 1 hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hoặc cản trở do các mảng bám tích tụ bên trong lòng mạch. Các động mạch bị hẹp và cứng, mất tính đàn hồi và có sự tích tụ các mảng bám gọi là chứng xơ vữa động mạch. Khi bệnh tiến triển, sự lưu thông của dòng máu qua lòng mạch bị cản trở, dẫn đến tim không nhận đủ lượng máu và oxy, gây ra đau thắt ngựcnhồi máu cơ tim.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh mạch vành, trong đó có chế độ ăn. Theo các nghiên cứu, chế độ ăn nhiều cholesterol, ít chất xơ, nhiều đồ ăn chế biến sẵn là yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Vì vậy, chế độ ăn uống cho người bệnh tim mạch vành hợp lý và cân đối có thể giúp giảm hình thành mảng xơ vữa.

2. Vai trò của chế độ ăn uống trong bệnh mạch vành

  • Cholesterol là nguyên nhân góp phần gây ra mảnh xơ vữa ở mạch vành. Cholesterol được chia thành 3 loại là LDL cholesterol, HDL cholesterol và chất béo trung tính.
  • LDL cholesterol trong máu có thể bị oxy hóa bởi các gốc tự do và góp phần gây viêm và hình thành mảng xơ vữa động mạch.
  • Theo nghiên cứu, 80% Cholesterol là do cơ thể tự tổng hợp được, 20% còn lại do thức ăn cung cấp. Vì vậy, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự hình thành và phát triển mảng xơ vữa.
  • Thực đơn cho người bị bệnh mạch vành được khuyến cáo là đầy đủ dinh dưỡng, giảm chất béo có hại, nhiều chất xơ và tăng cường chất chống oxy hóa.

3. Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị bệnh mạch vành

Chế độ ăn uống cho người bệnh tim mạch vành cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của mảng xơ vữa. Những nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị bệnh mạch vành cần nhớ là:

  • Ít chất béo xấu (cholesterol, chất béo bão hòa);
  • Giảm muối: Tiêu thụ nhiều muối sẽ làm huyết áp tăng cao và làm tăng gánh nặng lên tim, vốn đã bị tổn thương do bệnh mạch vành gây ra.
  • Nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan: Chất xơ giúp hấp thu Cholesterol ở ruột, đồng thời tăng đào thải Cholesterol ra khỏi máu.
  • Giàu các chất chống oxy hóa, chống viêm: Có tác dụng bảo vệ thành mạch, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của mảng xơ vữa.

4. Bệnh mạch vành nên ăn gì?

Thực đơn cho người bị bệnh mạch vành cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và không chứa nhiều chất béo có hại. Câu trả lời cho thắc mắc “bệnh mạch vành nên ăn gì?” chính là:

  • Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây tươi, rau củ màu đậm (súp lơ, cải xoăn, cà rốt, cải bó xôi, cam, quýt, dưa hấu, dâu tây, ...), các loại ngũ cốc, dầu lạc, dầu hướng dương, các loại quả hạch (óc chó, hạt điều, hạnh nhân, ...) và các loại cá béo giàu omega-3 (cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá trích, ...).
  • Các thực phẩm giúp tăng lưu thông máu như gia vị (gừng, nghệ, tỏi, cam thảo, hành tây, quế, ...), trái cây (nho, dâu tây, việt quất, ...)... những thực phẩm này chứa nhiều salicylate có tác dụng ngăn ngừa cục máu đông, giúp máu lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, chúng còn giúp món ăn hấp dẫn, thơm ngon hơn.
  • Các loại thực phẩm giúp giảm Cholesterol như chất xơ hòa tan có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen, gạo lức, rau xanh có độ nhớt cao (rau đay, mồng tơi, ...), đậu hà lan, đậu đỏ, cam, ổi, táo, lê và đu đủ, ...

Ngoài ra, chế độ ăn uống cho người bệnh tim mạch vành cần tránh mỡ, nội tạng động vật, trứng, sữa nguyên kem, ...

5. Chế biến thực phẩm cho người bị bệnh mạch vành

Bên cạnh việc xây dựng thực đơn cho người bị bệnh mạch vành hợp lý và cân đối thì phương pháp chế biến thức ăn cũng rất quan trọng. Cần lưu ý:

  • Ưu tiên các món hấp, luộc, trộn thay vì chiên, xào với nhiều dầu mỡ vì có thể tránh được nguy cơ tăng Cholesterol từ dầu mỡ.
  • Không nên sử dụng bơ hoặc sốt mayonnaise khi chế biến vì có thể làm tăng Cholesterol.
  • Khi cần chiên, rán, nên sử dụng các loại dầu thực vật với chất béo có lợi, chịu được nhiệt cao. Không nên sử dầu chiên đi chiên lại nhiều lần.
  • Khi chế biến thực phẩm từ động vật, nên loại bỏ phần da.
  • Hạn chế sử dụng muối và bột canh vì ăn mặn sẽ làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp.

6. Gợi ý thực đơn cho người bị bệnh mạch vành

Dưới đây là một số món ăn có thể thêm vào thực đơn cho người bị bệnh mạch vành sử dụng hằng ngày.

  • Chuối tiêu chấm vừng đen: Có tác dụng hạ huyết áp và tốt cho bệnh mạch vành.
  • Mộc nhĩ (nấm tai mèo) vị dễ ăn và có nhiều cách chế biến. Mộc nhĩ giúp loại bỏ huyết khối, giảm chất béo, ổn định Cholesterol máu ở người bệnh mạch vành.
  • Rau cần nấu táo tàu có tác dụng an thần, hạ huyết áp, bổ sung vitamin.
  • Cháo bột ngô gạo tẻ giúp trung hòa lượng Cholesterol trong máu.
  • Cá trắm cỏ nấu với bí đao.
  • Côn bố nấu với đậu xanh, đậu đỏ.
  • Rau chân vịt hấp cách thủy.
  • Cháo đào nhân thêm gia vị.
  • Canh thịt lợn phật thủ có tác dụng lý khí, hoạt huyết, bổ khí.
  • Nấm hương xào củ năng có tác dụng giảm chất béo, hóa đờm, tốt cho bệnh mạch vành, mỡ máu cao và tăng huyết áp.
  • Cháo bột ngô gạo tẻ.
  • Cháo cà rốt, gạo tẻ có tác dụng tốt với bệnh tăng huyết áp, giảm lượng mỡ trong máu, tăng cường thể lực ở người cao tuổi.
  • Cháo gạo tẻ, lá sen tốt cho người bệnh tăng huyết áp, mỡ máu cao, bệnh mạch vành.
  • Quả hồng, nước đường phèn có tác dụng hạ huyết áp, tốt cho bệnh mạch vành.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan