Nội soi đại tràng có được chọn gây mê tĩnh mạch không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bác sĩ cho em hỏi em đi nội soi đại tràng có được chọn gây mê tĩnh mạch không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Lộc - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nội soi đại tràng có được chọn gây mê tĩnh mạch không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Hầu hết các thủ thuật nội soi tiêu hóa hiện nay đều được thực hiện với thuốc an thần. An thần vừa phải bằng cách sử dụng benzodiazepin và opioid tiếp tục được sử dụng rộng rãi, nhưng an thần bằng propofol đang trở nên phổ biến hơn vì đặc tính dược động học độc đáo của nó làm cho nội soi hầu như không đau, với quá trình hồi phục nhanh và có thể đoán trước được.

Gây mê an thần hay gây mê tĩnh mạch: Thuốc an thần được sử dụng qua IV. Có ba loại an thần, bao gồm:

  • Nhẹ: Người bệnh tỉnh táo và phản ứng nhanh.
  • Trung bình: Người bệnh có thể buồn ngủ nhưng có thể thức dậy.
  • Sâu: Tương tự như gây mê toàn thân, khi bệnh nhân đang chìm trong giấc ngủ sâu.

An thần và gây mê toàn thân đều là hai hình thức gây mê, nhưng mọi người sẽ gặp các tác dụng khác nhau tùy thuộc vào loại được bác sĩ sử dụng trong quá trình phẫu thuật, bao gồm mức độ tỉnh táo, hỗ trợ thở và các tác dụng phụ có thể xảy ra. Thuốc an thần thường được đặc trưng bởi những người cảm thấy buồn ngủ nhưng ở trong trạng thái tỉnh táo thoải mái. Trong khi đó, khi được gây mê toàn thân, người ta bị mất ý thức hoàn toàn.

Chức năng tim mạch thường được duy trì trong suốt thời gian dùng thuốc an thần, và mọi người có thể thở một cách độc lập. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là có thể không sử dụng hỗ trợ hô hấp trong một số trường hợp dùng thuốc an thần. Mặt khác, gây mê toàn thân thường làm giảm hô hấp, và cần phải theo dõi và hỗ trợ thở. Các tác dụng phụ có thể liên quan đến gây mê toàn thân tránh được khi dùng thuốc an thần, vì thời gian hồi phục sau thuốc an thần thường nhanh hơn.

Chỉ định sử dụng thuốc an thần qua đường tĩnh mạch cho các thủ thuật sau:

  • Tất cả người bệnh nội soi tiêu hoá (không có chống chỉ định gây mê tĩnh mạch).
  • Sinh thiết vú hoặc da.
  • Phẫu thuật hoặc sửa chữa nhỏ, chẳng hạn như gãy xương: Nắn bó bột, an thần
  • Chụp MRI hay chụp mạch máu não.
  • Các thủ thuật sử dụng một ống soi, chẳng hạn như nội soi ruột kết tràng,...
  • Nhổ răng.
  • Phẫu thuật mắt.
  • Gây mê tĩnh mạch kết hợp với gây tê vùng,...

Chống chỉ định:

  • Người bệnh có dạ dày đầy: Xuất huyết tiêu hoá cao, tắc ruột, hẹp môn vị,...
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng các thuốc gây mê.
  • Chống chỉ định tương đối: Người bệnh từ chối an thần.

Ở các nước phát triển, phần lớn các thủ thuật nội soi thường quy, ít rủi ro hiện được thực hiện với một số hình thức an thần. Nội soi tiêu hóa (GI) là một thủ tục vốn không thoải mái, có khả năng gây đau bụng, chuột rút và chướng bụng khi nội soi đại tràng, buồn nôn và nôn và nghẹn trong khi soi thực quản. Việc sử dụng thuốc an thần cho phép thực hiện một quy trình kỹ lưỡng và thoải mái hơn, với tỷ lệ phát hiện polyp và tỷ lệ hoàn thành thủ thuật cao hơn. Một bệnh nhân được an thần, thoải mái không chỉ nâng cao sự hài lòng của bác sĩ nội soi, mà còn liên quan đến khả năng bệnh nhân sẵn sàng trải qua các thủ tục một lần nữa.

Tại bệnh viện Vinmec chúng tôi đã có phác đồ an thần cho người bệnh nội soi tiêu hóa với mục đích:

  • Đảm bảo nhân viên y tế thực hiện theo đúng tiêu chuẩn khi thực hiện phương pháp an thần cho người bệnh nội soi tiêu hoá.
  • Đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Các bước thực hiện

  1. Chuẩn bị:
  • Phương tiện, dụng cụ:

- Máy theo dõi các thông số: Điện tim, huyết áp, oxy hóa máu (SpO2), nhịp thở.

- Bơm tiêm điện có chức năng TCI (Target Controlled Infusion).

- Máy hút.

- Xe e-trolley với phương tiện cấp cứu như quy định.

  • Thuốc :

- Thuốc gây mê: Có thể sử dụng 1 trong các loại sau: Propofol

- Thuốc giảm đau: Có thể sử dụng 1 trong các loại sau:

- Fentanyl 50mcg/ml hoặc : Sufentanil 5mcg/ml.

- Chuẩn bị thuốc cấp cứu: Atropin, Phenyl Drin, Ephedrin, Adrenalin,...

  • Người bệnh :

- Lắp các phương tiện theo dõi: Điện tim, Huyết áp, SpO2.

- Cho NB thở Oxy 3 - 5l/phút.

- Đặt đường truyền dịch ngoại vi kim 18 hoặc 20G hoặc 22G hoặc 24G với dung dịch Ringerfundin hoặc Ringer Lactat hoặc NaCl 0,9%. Đảm bảo đường truyền dịch chảy tốt.

- Đặt người bệnh nằm theo tư thế thủ thuật (nghiêng trái).

  1. Tiến hành:
  • Fentanyl 1-2 mcg/kg hoặc Sulfentanil 0,1-0,2 mcg/kg tiêm tĩnh mạch.
  • Propofol TCI: 2 - 4mcg/ml truyền tĩnh mạch.
  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh trong suốt quá trình làm thủ thuật, ghi chép đầy đủ trong bảng theo dõi gây mê.
  1. Theo dõi sau thủ thuật: Tại phòng hồi tỉnh theo dõi và chăm sóc người bệnh tại hồi tỉnh.
  • Tri giác, điểm đau, nguy cơ ngã
  • Nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, SpO2.
  • Ghi chép đầy đủ theo bảng theo dõi người bệnh tại phòng hồi tỉnh.
  • Sau khi soi1 giờ người bệnh ổn định có thể ăn nhẹ và có thể xuất viện trong ngày
  • Hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc và theo dõi sau an thần trong 24 giờ

Nếu bạn còn thắc mắc về gây mê tĩnh mạch, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

177 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan