TCI là gì? Những lưu ý khi gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI là phương pháp gây mê tĩnh mạch có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp gây mê truyền thống. Kỹ thuật gây mê TCI giúp người bệnh đạt được độ mê thích hợp, tạo cảm giác dịu nhẹ sau khi tỉnh dậy và đặc biệt giảm thiểu tối đa các biến chứng hậu gây mê.

1. TCI là gì?

TCI là phương pháp gây mê kiểm soát nồng độ đích sử dụng phần mềm trên bơm tiêm điện để xác định nồng độ thuốc gây mê tác dụng vào cơ quan đích bao gồm não hoặc huyết tương người bệnh ngay tại thời điểm sử dụng thuốc gây mê.

Phương pháp gây mê tĩnh mạch kiểm soát nồng độ đích nếu kết hợp với dụng cụ theo dõi độ mê (BIS hoặc Entropy ) sẽ giúp người bệnh đạt được trạng thái gây mê thích hợp, tránh cho người bệnh phải chịu lượng thuốc gây mê quá nhiều hoặc quá ít.

Phương pháp gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2001 nhờ vào bơm tiêm điện chuyên biệt. Thuốc mê thường sử dụng trong gây mê tĩnh mạch TCI là Propofol, ngày nay phương pháp này được sử dụng rộng rãi vì độ an toàn cao cũng như giúp bác sĩ dự đoán được thời gian tỉnh lại của bệnh nhân.

2. Ưu điểm của phương pháp gây mê tĩnh mạch

Khám tiền gây mê
Bệnh nhân sẽ được khám tiền gây mê trước khi gây mê bằng phương pháp này

Phương pháp gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI có nhiều ưu việt hơn so với các phương pháp gây mê truyền thống:

  • Tỷ lệ gây mê thành công của phương pháp này nên đến 95%, đạt được nhanh chóng và duy trì mức độ mê mong muốn của từng loại thuốc mê giảm tối thiểu các ảnh hưởng xấu đến các chức năng hô hấp và tuần hoàn, 100 % bệnh nhân sau gây mê trở lại hoàn toàn trạng thái ban đầu.
  • Sử dụng phương pháp gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI bệnh nhân tránh được tình trạng quá liều thuốc gây mê(ngộ độc thuốc).
  • Trước khi gây mê bằng phương pháp này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê tư vấn và giải thích rõ ràng các lợi ích của gây mê kiểm soát nồng độ đích cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận giúp phát huy tối đa ưu điểm của trang thiết bị cũng như điều chỉnh hợp lý các thông số điều trị phù hợp với từng giai đoạn gây mê.
  • Giảm tỷ lệ buồn nôn và nôn mửa sau khi hồi phục
  • Bệnh nhân sẽ tỉnh lại nhanh sau gây mê, sinh hoạt trở lại như bình thường khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái sau khi thực hiện gây mê
  • Sử dụng liều lượng thuốc mê thích hợp nhất, tiết kiệm chi phí điều trị.

3. Các trường hợp sử dụng gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI

Suy thận
Phương pháp gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI chông chỉ định với bệnh nhân suy thận

Thông thường, phương pháp gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI phù hợp với hầu hết tất các các phẫu thuật, trừ một số phẫu thuật được chống chỉ định như bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc gây mê, bệnh nhân đang mắc các chứng bệnh về tim mạch nặng, bệnh lý suy thận, suy gan...Tuy nhiên, gây mê tĩnh mạch TCI vẫn cực kỳ hữu ích trong các trường hợp sau:

  • Phẫu thuật nội soi tiêu hóa
  • Can thiệp hút trứng
  • Các phẫu thuật hay can thiệp đến thần kinh và đòi hỏi phục hồi thần kinh sớm như phẫu thuật cột sống, phẫu thuật u não bằng sóng radio cao tần
  • Phẫu thuật nội soi phế quản, can thiệp laser tại phế quản
  • Phẫu thuật cắt thùy phổi, cắt phổi, nội soi lồng ngực
  • Phẫu thuật ngoại trú
  • Các thủ thuật can thiệp trong sản phụ khoa: khâu vòng cổ tử cung, thủ thuật nạo hút buồng tử cung, can thiệp nút mạch trong điều trị u xơ tử cung...
  • Bệnh nhân cao tuổi
  • Bệnh nhân có nguy cơ tăng thân nhiệt ác tính..

4. Những lưu ý khi gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI

Thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối
Khi gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI sẽ chuẩn bị đầy đủ thuốc giảm đau

Mặc dù phương pháp gây mê kiểm soát nồng độ đích TCI là cách gây mê hiệu quả và ít để lại biến chứng hậu gây mê, tuy nhiên khi sử dụng phương pháp này cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không sử dụng TCI trong gây mê hồi sức cấp cứu vì kỹ thuật này sử dụng Propofol gây mê tĩnh mạch trực tiếp sẽ làm tụt huyết áp gây ảnh hưởng xấu đến áp lực tưới máu tới các mô, cơ quan não.
  • Đảm bảo độ gây mê phù hợp: Sử dụng đủ liều gây mê để đảm bảo gây mê êm dịu và bệnh nhân tỉnh nhanh. Theo dõi độ sâu của gây mê phù hợp, tránh các tác dụng không mong muốn về tim mạch do sử dụng thuốc quá liều.
  • Chuẩn bị đầy đủ thuốc giảm đau, thuốc ức chế phản xạ
  • Tránh các trường hợp bất ổn định huyết động như sử dụng thuốc hạ huyết áp nếu huyết áp tăng cao, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch co bóp nếu huyết áp xuống thấp, dùng atropin nếu mạch chậm...

Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải phòng nói riêng, hệ thống Vinmec nói chung đã được trang bị đầy đủ các bơm tiêm điện hiện đại chuyên biệt cho dùng TCI, cùng đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu sử dụng thành thạo và an toàn cho các trường hợp có chỉ định dùng phương pháp này. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng dịch vụ y tế tại Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan