Các vấn đề sức khỏe bé thường gặp khi ở tuổi lên 5

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ lên 5 là khoảng thời gian mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến những dấu mốc phát triển quan trọng, nhất là về thể chất và tâm lý của trẻ. Khi bước vào độ tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt nên cũng còn dễ mắc phải các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như ốm, sốt, biếng ăn, táo bón hoặc suy dinh dưỡng.

1. Sự phát triển của trẻ 5 tuổi

Khi trẻ lên 5, một số kỹ năng về thể chất như đi đứng và chạy nhảy khá vững vàng. Thậm chí, trẻ có thể vừa di chuyển với tốc độ nhanh vừa kết hợp các động tác rất chuẩn xác và nhịp nhàng.

Ngoài ra, ở độ tuổi này, cơ thể trẻ cũng phát triển mạnh mẽ hơn. Hầu hết, các bé sẽ tăng khoảng 2 cân vào mỗi năm và cao hơn khoảng 6cm. Các bậc phụ huynh có thể nhận thấy những mốc phát triển thể chất quan trọng sau của trẻ:

  • Chạy và bật cao người mà vẫn giữ được độ thăng bằng nhất định
  • Cơ thể trở nên linh hoạt và dẻo dai hơn
  • Bắt đầu tập đi xe đạp 3 bánh hoặc 2 bánh
  • Giữ thăng bằng cơ thể trên 1 chân trong khoảng thời gian khá lâu
  • Tự mặc quần áo và đi giày
  • Biết sử dụng đũa hoặc thìa khi ăn

Để tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, cha mẹ nên:

  • Để con vui chơi một cách tự do và thoải mái
trẻ 5 tuổi
Cha mẹ nên tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần
  • Khuyến khích trẻ làm quen với những người bạn mới đồng trang lứa
  • Dạy cho trẻ biết tự mặc/cởi quần áo, cũng như tự đi vệ sinh
  • Hình thành cho trẻ thói quen tự vệ sinh răng miệng sau khi ăn
  • Không cho trẻ xem ti vi, máy tính hoặc điện thoại quá lâu, thay vào đó khuyến khích con ra ngoài vui chơi nhiều hơn
  • Tạo cho trẻ thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc, đúng giờ

Chưa dừng lại ở đó, trẻ lên 5 cũng biết kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn. Tuy nhiên, đôi khi trẻ có thể bị bộc phát những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như buồn bã, tức giận, dễ tự ái trước vấn đề mà chúng cảm thấy không hài lòng. Những lúc như này, bạn hãy đóng vai trò là một người bạn, mở lòng và cố gắng thấu hiểu suy nghĩ cũng như mong muốn của con.

2. Những vấn đề sức khỏe bé thường gặp khi lên 5

2.1.Trẻ 5 tuổi bị biếng ăn

Đa số trẻ bị biếng ăn sinh lý trong giai đoạn đang phát triển về mặt thể chất, chẳng hạn như bé tập đi, tập bò hoặc mọc răng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ bị biếng ăn mà không rõ nguyên nhân cụ thể. Đặc biệt, đối với trẻ lên 5, các biểu hiện của biếng ăn thường bao gồm:

  • Ăn rất ít
  • Trẻ ngậm thức ăn, không muốn nuốt hoặc nhai lâu
  • Trẻ không cảm thấy hứng thú khi ăn hoặc với đồ ăn
trẻ biếng ăn
Trẻ 5 tuổi có thể bị biếng ăn mà không rõ nguyên nhân cụ thể
  • Trẻ ham chơi nhưng không thấy đói
  • Cân nặng của trẻ thường giữ nguyên mà không tăng hoặc giảm
  • Hệ tiêu hóa của trẻ vẫn hoạt động bình thường

Ngoài ra, tình trạng biếng ăn sinh lý cũng có thể bắt nguồn từ chính những sai lầm của các bậc phụ huynh trong việc cho con ăn uống. Việc ép trẻ ăn do lo con bị thiếu chất hoặc còi cọc, suy dinh dưỡng đã vô tình gây áp lực cho trẻ, khiến chúng cảm thấy không muốn ăn hoặc ăn không ngon miệng. Điều này làm nảy sinh tâm lý biếng ăn ở trẻ, thậm chí trở thành nỗi sợ và kinh hoàng mỗi khi nhắc đến chuyện ăn uống. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các loại thực phẩm không hợp khẩu vị của trẻ cũng dẫn đến tâm lý biếng ăn.

Bên cạnh biếng ăn sinh lý, trẻ cũng có thể bị chán ăn do một số bệnh lý nhất định, bao gồm:

*Mắc phải các vấn đề về răng miệng: chẳng hạn như viêm lợi, nhiệt miệng, sâu răng, đau răng, hoặc viêm amidan. Những tình trạng này có thể gây đau, khiến trẻ khó ăn uống. Tốt nhất, bạn nên cho trẻ đi khám nếu có những vấn đề bất thường này.

*Vấn đề về hệ tiêu hóa: ví dụ như nôn trớ, đau bụng hoặc tiêu chảy, táo bón đều là những yếu tố góp phần gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ

*Nhiễm khuẩn: do hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa thực sự hoàn thiện, do đó các loại vi rút gây bệnh rất dễ tấn công vào cơ thể. Khi đó, bé sẽ có các biểu hiện như sốt cao, ho, cơ thể mệt mỏi. Những triệu chứng này khiến trẻ cảm thấy khó chịu trong người và không muốn ăn.

*Chứng âm hư: trẻ thường có các triệu chứng như biếng ăn, nóng trong người, bứt rứt, miệng khô, đái dầm, người ra nhiều mồ hôi, chậm lớn, còi xương, táo bón hoặc nhiệt miệng.

Để cải thiện tình trạng biếng ăn cho trẻ, đồng thời kích thích con ăn ngon miệng hơn, bạn có thể tham khảo theo những cách sau đây:

  • Tuyệt đối không ép buộc con ăn khi con đã cảm thấy no
  • Tạo không khí vui vẻ khi cho con ăn, tránh quát mắng trẻ
  • Chọn các loại thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng và nên bày trí bắt mắt để kích thích sự hứng thú của trẻ khi ăn
  • Thường xuyên đổi món để trẻ cảm thấy tò mò khi ăn
  • Tạo thói quen ăn tập trung cho trẻ, tránh để trẻ ăn quá giờ
Chế độ dinh dưỡng đa dạng giúp hỗ trợ điều trị viêm gan E
Nên thường xuyên đổi món và bày trí bắt mắt để kích thích sự hứng thú của trẻ khi ăn

2.2. Trẻ 5 tuổi bị sốt

Trẻ ở độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi bị sốt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm nhiễm trùng, mọc răng, tiêm vắc-xin ngừa bệnh hoặc một số bệnh lý khác như sốt rét, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não hoặc sốt xuất huyết.

Khi trẻ bị sốt cao có thể xuất hiện những triệu chứng điển hình như đổ nhiều mồ hôi, rét run, co giật, xuất huyết, khó thở, cơ thể tím tái, nôn mửa, ngủ li bì hoặc hôn mê. Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt, bạn nên tìm cách xử lý các triệu chứng và theo dõi diễn biến của chúng trước khi cho con đi bệnh viện. Tình trạng sốt ở trẻ có thể được sơ cứu ban đầu dựa trên những biện pháp điều trị an toàn mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà trước khi cho trẻ đi khám bác sĩ. Những biện pháp này bao gồm:

*Cho trẻ uống nhiều nước: điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước nhanh chóng của trẻ khi bị sốt cao. Bạn nên cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, ví dụ như cháo; hoặc cho bé uống một số loại nước trái cây để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất quan trọng nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ.

*Mặc quần áo thoáng mát và rộng rãi cho trẻ: đây được xem là một trong những cách giúp trẻ hạ sốt nhanh tại nhà. Bạn không nên cho trẻ mặc quá nhiều quần áo, hãy để con mặc thật thoải mái để cơ thể tỏa bớt nhiệt và hạ sốt nhanh hơn.

*Bổ sung các chất dinh dưỡng: bạn nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho hệ miễn dịch của trẻ, ví dụ như vitamin C. Một số loại trái cây giàu vitamin như bưởi, quýt, thanh long, dưa hấu và nho. Đối với nguồn canxi, bạn có thể lựa chọn các loại thực phẩm như rau xanh, cá hoặc yến mạch.

*Sử dụng thuốc hạ sốt: bạn có thể cho trẻ uống thuốc Paracetamol đơn chất dưới dạng sirô hoặc dạng túi để hạ sốt cho bé nhanh chóng. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào, bạn cũng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân theo đúng chỉ dẫn về liều lượng cũng như thời gian cho trẻ uống.

Nếu trẻ 5 tuổi có biểu hiện sốt cao bằng/hơn 39 độ C, bạn cần xử trí hạ sốt cho trẻ và nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để trẻ được khám và điều nhằm ngăn ngừa những rủi ro đáng tiếc đối với sức khỏe của trẻ.

Miếng dán hạ sốt
Nên theo dõi những triệu chứng khi sốt của trẻ để có phương án điều trị hiệu quả

2.3.Trẻ bị táo bón

Táo bón ở trẻ lên 5 thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Các tổn thương bẩm sinh ở hệ thần kinh hoặc đường ruột: chẳng hạn như bệnh cường giáp, bại não hoặc phình đại tràng bẩm sinh. Những bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ, đồng thời gây ra chứng táo bón mãn tính kéo dài, cùng những triệu chứng khó chịu như đầy bụng, nôn mửa ở trẻ.
  • Tác dụng phụ từ thuốc: một số loại thuốc kháng sinh, giảm đau hoặc an thần cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ.
  • Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng: việc trẻ ăn quá nhiều tinh bột, chất đạm, trong khi ăn rất ít chất xơ và nước có thể gây khó khăn trong việc bài xuất phân ra bên ngoài cơ thể.

Mẹ có thể nhận biết con đang bị táo bón thông qua các dấu hiệu như tần suất đi tiêu của trẻ giảm xuống, cảm thấy đau khi đi tiêu, đau chướng bụng, phân cứng, phân vón cục nhỏ, phân lẫn máu hoặc có mùi khó chịu. Nếu tình trạng táo bón của trẻ không được khắc phục và xử lý sớm, trẻ có thể mắc phải những vấn đề về sức khỏe khác nghiêm trọng hơn, bao gồm suy dinh dưỡng, bệnh trĩ, nhiễm độc hoặc tắc ruột.

Để khắc phục được tình trạng này, mẹ hãy cho trẻ ăn một chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn với nhiều rau xanh, trái cây, sữa chua, hoặc bổ sung một số loại thực phẩm giàu magie và kẽm. Trong trường hợp táo bón không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthyparentshealthychildren.ca

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

643 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec