Các vấn đề thường gặp khi cho bé ăn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ thường xuyên quấy khóc, biếng ăn, hoặc nôn mửa khi ăn là những vấn đề gây ra nhiều nỗi lo lắng cho các bậc làm cha mẹ. Để giải quyết được điều này thực sự là một thử thách rất lớn đối với những người có con nhỏ.

1. Trẻ không chịu tiếp nhận các loại thức ăn mới

Theo Elizabeth Ward, tác giả của cuốn sách hướng dẫn cho trẻ ăn dặm - “The Complete Idiot's Guide to Feeding Your Baby and Toddler” đã cho rằng hầu hết mọi đứa trẻ đều có sẵn bản năng từ chối các loại thức ăn mới trong giai đoạn ăn dặm.

Vì vậy, để giúp bé quen dần với những loại thức ăn mới lạ, mẹ nên cho bé bắt đầu tập ăn với các khẩu phần nhỏ, sau đó tăng dần theo thời gian. Ngoài ra, bạn cũng nên chế biến các thực phẩm mới trông giống với món ăn yêu thích quen thuộc của trẻ, chẳng hạn như bé thích ăn cà rốt xay nhuyễn, bạn có thể áp dụng tương tự với món khoai tây nghiền.

Tập ăn dặm
Cho trẻ ăn dặm với lượng ít rồi tăng dần

2. Trẻ ăn uống lộn xộn

Nếu bạn nhận thấy thức ăn vương vãi trên sàn nhà hay trên tóc của bé thì đây là một tín hiệu đáng mừng cho biết con bạn đang bắt đầu trở nên tự lập hơn trong việc ăn uống. Vào khoảng 9 tháng tuổi, nhiều bé đã muốn kiểm soát thời gian và nơi chúng muốn ăn.

Mặc dù mớ hỗn độn mà bé gây ra khi ăn có thể đem lại nhiều phiền toái và khó khăn đối với các bậc cha mẹ, tuy nhiên đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng cho việc học tập, phát triển và tự lập ở trẻ.

3. Trẻ nhỏ thức ăn và nôn mửa

Đa số trẻ sơ sinh thường phun hoặc nhổ thức ăn ra bên ngoài, và đây là một điều hoàn toàn bình thường. Trong giai đoạn này, hệ thống tiêu hóa của trẻ đang dần phát triển và hoàn thiện. Đây cũng là lúc trẻ dễ bị mắc chứng trào ngược, một hiện tượng xảy ra khi thức ăn trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản.

Để kiểm soát được tình trạng này, bạn nên cho bé ăn chậm hơn hoặc bú ít hơn vào mỗi lần ngồi, đồng thời nới lỏng tã và giữ bé đứng thẳng sau khi ăn. Chứng trào ngược ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi trước khi trẻ được 12-14 tháng tuổi mà không cần đến sự can thiệp của các phương pháp điều trị.

trào ngược dạ dày
Chứng trào ngược là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh

4. Trẻ biếng ăn

Một số dấu hiệu điển hình khi trẻ biếng ăn bao gồm, quay đầu khi thấy thức ăn, vung thìa, hoặc ngậm miệng lại. Tình trạng biếng ăn ở trẻ sơ sinh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như trẻ bị ốm, mệt mỏi, mất tập trung, hoặc đơn giản là trẻ cảm thấy no và không muốn ăn thêm.

Trong trường hợp này, tốt nhất mẹ không nên ép trẻ ăn nhiều, hoặc có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất.

5. Trẻ kén ăn

Tình trạng kén ăn ở trẻ có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng bởi nhiều lý do khác nhau. Mọc răng có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, lúc này những loại thực phẩm quen thuộc sẽ mang lại sự thoải mái hơn cho bé. Đôi khi, trẻ cũng có thể kén ăn do chưa sẵn sàng để thử một loại thức ăn mới.

Tuy nhiên, không vì thế mà bạn cho trẻ ăn uống vô tội vạ chỉ vì sở thích của chúng. Hãy lựa chọn những loại thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh, khi đói trẻ sẽ tự khắc ăn chúng.

Xuất hiện vệt đen khi trẻ đang mọc răng sữa có sao không?
Mọc răng là một trong những nguyên nhân gây kén ăn ở trẻ

6. Dị ứng và không dung nạp thực phẩm

Theo thống kê, có tới 8% trẻ em bị dị ứng thực phẩm. Các triệu chứng phổ biến của tình trạng này bao gồm tiêu chảy, phát ban, nôn mửa, hoặc đau dạ dày đột ngột.

Nhìn chung, trẻ em có thể bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào, ví dụ như trứng, sữa, đậu nành, các loại hạt, lúa mì, và đặc biệt là những loại động vật có vỏ.

Bên cạnh đó, tình trạng không dung nạp thực phẩm cũng là một mối lo ngại ở trẻ nhỏ, thậm chí phổ biến hơn so với dị ứng, gây ra các triệu chứng như đầy hơi và đau bụng.

Nếu con bạn có nguy cơ cao bị dị ứng hay không dung nạp thực phẩm, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để xét xét kỹ lưỡng thực phẩm nào là an toàn đối với bé.

7. Đau bụng

Theo nghiên cứu cho biết, có khoảng 2 trong số 5 trẻ em bị đau bụng và quấy khóc hàng giờ đồng hồ liền. Các cơn đau bụng có thể bắt đầu khi bé được 3 tuần tuổi, và thường biến mất vào tháng thứ 3.

Mặc dù tình trạng đau bụng không ảnh hưởng nhiều tới sự thèm ăn hoặc khả năng bú sữa mẹ của trẻ, tuy nhiên trẻ sẽ phải cần một khoảng thời gian nhất định để bình tĩnh trước khi ăn. Khi đó, bé thường có xu hướng nhổ hoặc phun thức ăn ra bên ngoài.

Trong trường hợp bé bị nôn mửa, sốt, tiêu chảy, giảm cân hoặc phân lẫn máu, bạn cần đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt, bởi vì đây có thể là các triệu chứng của một vấn đề y tế nghiêm trọng khác.

Mẹ bị ngộ độc thức ăn có nên cho con bú
Khi trẻ bỏ bú và nôn mửa, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám

8. Tiêu chảy và táo bón

Tiêu chảy ở trẻ có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước nguy hiểm. Một số dấu hiệu nhận biết, bao gồm khô miệng, tã ướt, giảm đi tiểu, không chảy nước mắt khi khóc, giảm cân, thờ ơ hoặc mắt trũng. Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng này, bạn nên cho trẻ đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Trẻ nhỏ thường hiếm khi bị táo bón. Hơn nữa, chúng ta khó có thể nhận biết được tình trạng này bởi vì tần suất đi đại tiện của trẻ có thể thay đổi. Chẳng hạn như những trẻ chỉ bú sữa mẹ sẽ có phân rắn khoảng một lần/ngày. Các dấu hiệu phổ biến của táo bón bao gồm chất thải rắn, cứng, có kích cỡ lớn, gây đau và có lẫn máu trong phân.

9. Vấn đề về tiêu hóa

Liệu rằng thức ăn cho trẻ sơ sinh có phải là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về tiêu hóa ở trẻ hay không? Điều này có thể xảy ra nếu trẻ ăn lại phần thức ăn thừa từ bữa trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn từ thức ăn xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Khi bé ăn các thức ăn thừa có thể dẫn đến một số vấn đề về tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy cùng một số triệu chứng khác.

Trẻ ăn
Thức ăn có thể là nguyên nhân khiến trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa

10. Các loại thực phẩm cần tránh cho trẻ ăn

Hệ thống tiêu hóa của trẻ sơ sinh thường chưa phát triển hoàn thiện như người trưởng thành, do đó chúng không thể đối phó được với một số loại thực phẩm mà người lớn có thể dung nạp được. Điển hình là mật ong, có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhũ nhi, thậm chí gây tử vong với liều lượng sử dụng lớn.

Ngoài ra, bạn nên tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ gây mắc nghẹn đường thở như bỏng ngô, xúc xích, trái cây, rau sống, nho khô, thịt và phô mai.

Để phòng tránh các bệnh lý đường tiêu hoá mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan