Giai đoạn nào nên bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Giúp bé làm quen với thức ăn đặc là bước rất quan trọng để dạy bé học ăn, giúp răng và hàm của bé phát triển. Vậy giai đoạn nào nên bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc.

1. Dấu hiệu trẻ có thể chuyển sang thức ăn đặc

Hầu hết, các bác sĩ nhi khoa của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đều khuyên nên cho trẻ ăn thức ăn đặc khi trẻ được 6 tháng tuổi. Ngoài việc bú sữa các dấu hiệu sau cho thấy con của bạn đã sẵn sàng ăn dặm:

  • Bé cứng cổ, có thể ngồi thẳng đầu (đây là dấu hiệu rất quan trọng)
  • Bé có thể tự ngồi tốt hoặc ngồi vững và cần rất ít sự trợ giúp
  • Bé tỏ ra thích thú với đồ ăn mà bạn cho trẻ ăn.
  • Một vài bé có thể tự cầm đồ ăn và đưa vào miệng khá chính xác.

Trẻ chỉ nên ăn dặm khi sức khỏe của trẻ không có bất thường gì và trẻ đang trong tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Nếu trẻ ốm mệt, bạn hãy lùi thời điểm bắt đầu ăn dặm lại cho đến khi trẻ thật sự khỏe mạnh.

2. Liều lượng thức ăn khi bắt đầu

80 - 90% thức ăn chính cho con vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Đồ ăn dặm chỉ nên chiếm 10 - 20%. Đây là thời điểm trẻ tập làm quen với thức ăn. Chính vì vậy, trẻ vẫn cần được ăn lượng sữa như trước đó và chỉ bắt đầu ăn dặm với một lượng nhỏ (1 vài thìa cho bữa ăn đầu tiên và sau đó tăng dần lên trong vài ngày tiếp theo), Chỉ nên ăn 1 bữa/ ngày cho tháng đầu tiên tập ăn dặm, sau đó 1 tháng bạn có thể tăng lên 2 bữa tùy nhu cầu của con.

Một số gợi ý về thực phẩm cho trẻ bắt đầu ăn dặm

  • Các loại rau nấu chín và đã để nguội, như cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ
  • Trái cây đã được nấu chín và để nguội như đào, táo, lê...
  • Gạo hoặc ngũ cốc cho bé, trộn với sữa hàng ngày trẻ đang dùng
  • Một số loại rau khác như bông cải xanh, súp lơ, rau bina, trái cây như kiwi, cam, dâu tây và xoài.

Khi trẻ đã thích thú với các loại rau và trái cây bạn có thể chuyển sang các loại thực phẩm từ các nhóm sau:

  • Bánh mỳ, mỳ ống
  • Thực phẩm từ sữa có đầy đủ chất béo như pho mai
  • Thịt, cá, trứng, đậu.
sữa mẹ và sữa công thức
80 - 90% thức ăn chính cho con vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Đồ ăn dặm chỉ nên chiếm 10 - 20%

3. Một số lưu ý khi cho bé ăn dặm

3.1 Khi trẻ sẵn sàng cho việc chuyển từ thức ăn nhuyễn rồi đặc dần

Để đảm bảo quá trình ăn dặm hợp lý, đảm bảo sức khỏe, các bạn cần chế biến thức ăn theo nguyên tắc là từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Bước đầu thức ăn cần được nghiền nhuyễn. Nên cho bé thử từ các món có vị ngọt trước.

Bước đầu có thể cho bé ăn bột hoặc cháo xay từ gạo, bổ sung thêm rau nghiền, trứng, thịt cá, ...dầu mỡ, hoa quả nghiền. Nhưng lưu ý trẻ cần cung cấp đủ 4 nhóm chất trong các bữa ăn hàng ngày, gồm: Bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Trong bữa bột chính hàng ngày, các bạn cần kết hợp đủ các thành phần này.

Nguyên tắc giới thiệu thức ăn mới cho trẻ, bạn nên cho trẻ ăn 1 loại thức ăn mới trong 3 ngày liên tục để trẻ làm quen với mùi vị đồng thời theo dõi xem trẻ có bị dị ứng loại thức ăn nào không.

3.2 Khi trẻ có thể ngồi trên ghế cao

Khi trẻ có thể ngồi thẳng lưng, có khả năng kiểm soát được đầu và cổ của mình. Trẻ có thể ngồi ăn bằng ghế ăn dặm hoặc ghế cao. Tập thói quen ngồi ghế khi cho ăn và bế ra ngoài khi kết thúc bữa ăn sẽ tạo phản xạ tốt cho bé về sau. Nhưng bạn sẽ cần tuân thủ các quy tắc an toàn sau: Luôn thắt dây an toàn cho em bé vào ghế của mình. Khi lớn hơn trẻ sẽ trở nên năng động hơn và không chịu ngồi một chỗ, tai nạn có thể xảy ra khi bạn không để mắt tới trẻ.

3.3 Khi nào trẻ có thể kiểm soát thức ăn bằng ngón tay

Trẻ sơ sinh từ 7 đến 11 tháng tuổi sẽ có những hành động để cho bạn thấy rằng trẻ muốn được ăn bằng cách cố gắng lấy thức ăn từ tay bạn. Tuy nhiên bạn cần lưu ý thức ăn đặc cho trẻ ăn phải đủ mềm và cắt chúng vừa tầm tay trẻ để trẻ có thể dễ dàng cầm nắm thức ăn bằng ngón cái và ngón trỏ của trẻ.

Một số gợi ý về thức ăn cho trẻ trong thời điểm này rau nấu chín nhỏ như cà rốt, bí xanh, bí đỏ, củ cải... thịt gà mềm, các loại ngũ cốc tròn nhỏ không đường... Không cho trẻ ăn nho, xúc xích, các loại hạt và kẹo cứng, vì những loại thức ăn này có nguy cơ gây nghẹt thở cho trẻ.

ăn dặm tự chỉ huy
Cần lưu ý thức ăn đặc cho trẻ ăn phải đủ mềm và cắt chúng vừa tầm tay trẻ

3.4 Cho trẻ bắt đầu sử dụng thìa

Hầu hết mọi đứa trẻ đều thích thú với việc được cầm thìa và cho vào miệng ngay khi chúng có khả năng điều khiển được nó. Trẻ sơ sinh sẽ không học được cách sử dụng thìa hiệu quả cho đến khi chúng 1 tuổi, nhưng hãy để chúng có cơ hội được làm quen dần với việc đó. Bạn có thể thử cho trẻ cầm một chiếc thìa mềm trong khi cho trẻ ăn bằng một chiếc thìa khác.

Cho trẻ làm quen với việc đưa thìa vào miệng bằng các loại thức ăn đặc hơn, sệt như sữa chua, pho mai, khoai tây nghiền.... Ghi nhớ sử dụng yếm nhựa cho trẻ tập ăn dặm và sẵn sàng cho việc thức ăn vương vãi khắp nơi.

3.5 Khi nào trẻ có thể uống nước

Trẻ sơ sinh không cần nước trong 6 tháng đầu đời. Chúng nhận được tất cả lượng nước mà chúng cần trong 1 ngày từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi hoàn toàn không nên cho uống bất kỳ loại nước nào, vì rất dễ làm đầy dạ dày khiến trẻ bị nhầm lẫn giữa nước và sữa dẫn đến tình trạng biếng ăn hoặc kém hấp thu. Khoảng 8 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu uống nước trong các bữa ăn bằng cách sử dụng một cốc nhỏ.

Nếu trẻ thích thú với việc uống nước, bạn có thể cho trẻ uống vài ngụm nhỏ. Tuy nhiên không để trẻ sử dụng nước thay thế sữa mẹ hoặc sữa công thức bổ dưỡng mà trẻ nên nhận được.

3.6 Không ép ăn

Tuyệt đối không nên ép trẻ ăn nếu trẻ không thích. Một số dấu hiệu nhận biết trẻ đang chán ăn đó là: Trẻ có thể đung đưa thìa, quay đầu đi, mím chặt môi, phun ra bất cứ thứ gì bạn cho vào miệng hoặc khóc.

Trẻ biếng ăn
Hãy nhớ rằng tuyệt đối không nên ép trẻ ăn nếu trẻ không thích

3.7 Những loại thực phẩm không an toàn cho trẻ ăn dặm

Dưới đây là một số thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng cho trẻ khuyến cáo không nên cho trẻ ăn dặm:

  • Mật ong có thể chứa vi khuẩn khiến trẻ dưới 12 tháng tuổi ốm nặng
  • Các loại hạt nguyên chất vì nguy cơ gây nghẹt thở, hoặc dị ứng với những gia đình có tiền sử dị ứng với các sản phẩm từ đậu phộng.
  • Cá mập, cá kiếm là những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao không an toàn cho trẻ.
  • Đồ ăn nhiều muối hoặc đường: quá nhiều muối (hơn 1g mỗi ngày) sẽ có hại cho thận của trẻ. Đường có hại cho răng của trẻ, tránh cho trẻ ăn các loại đồ ngọt như bánh ngọt, bánh quy, đồ uống có đường.
  • Sữa tươi
  • Các loại đồ ăn của trẻ cần phải là thực phẩm sạch và nên được nấu chín kỹ.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo:webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

374 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan