Trẻ 8 tháng tuổi biết làm những gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Theo thời gian, hướng phát triển của trẻ ngày càng phân hóa riêng biệt hơn. Khi trẻ 8 tháng tuổi, đây là lúc trẻ trở nên hiếu động, ham học hỏi và rất thích làm người lớn. Bé phát hiện ra những điều kỳ thú bên ngoài đang chờ trẻ khám phá. Trẻ sẽ hoạt động liên tục và không chịu ngồi yên lâu trong 1 thời gian dài.

1. Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì?

Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì là thắc mắc của bậc cha mẹ khi có con ở độ tuổi này. Thông thường, khi đến giai đoạn này, trẻ yêu của bạn sẽ khiến bạn rất bận rộn, hai bàn tay trẻ hoạt động liên tục, thích thú bò và di chuyển để khám phá những ngóc ngách nhỏ trong ngôi nhà nhỏ của mình.... Trẻ 8 tháng tuổi sẽ có sự phát triển như sau:

Vận động thô:

  • Bé có thể tự ngồi dậy, đôi lúc đầu vẫn gập về trước nhưng hầu như bé đã có thể dùng hai tay để chống đỡ thân người.
  • Khi nằm ở nơi bằng phẳng, bé sẽ vận động liên tục, còn biết cầm chân của mình hoặc bất cứ vật gì ở bên cạnh để cho vào miệng. Nhưng bé lại mau chóng không chịu ở tư thế nằm ngửa và tự động lật người.
Trẻ 8 tháng chưa biết ngồi
Khi nằm ở nơi bằng phẳng, bé sẽ vận động liên tục, còn biết cầm chân của mình hoặc bất cứ vật gì ở bên cạnh để cho vào miệng

  • Khi nằm ngửa, bé biết cong lưng lên để mình có thể nhìn được xung quanh.
  • Ở trong phòng, bé bắt đầu bò đến những nơi mà bé muốn đến, hoặc bé cũng có thể ngồi lết để di chuyển.
  • Cũng có thể vịn vào vật để đứng lên; nhưng sau khi đứng lên, bé cần có sự giúp đỡ của người lớn mới có thể ngồi xuống được.
  • Biết tự vươn tay để lấy đồ chơi, cũng bắt đầu học cách nhặt đồ chơi.

Vận động tinh:

  • Bé đã có thể dùng ngón trái, ngón trỏ, ngón giữa để cầm khối xếp hình; biết phối hợp ngón cái và ngón trỏ để cầm đồ vật và nhặt những vật nhỏ từ dưới đất lên.
  • Dù vậy, khi bé lấy đồ chơi, tay bé cố gắng hướng đến đồ chơi và tập trung toàn bộ tinh thần, nhưng trẻ vẫn chưa ý thức được nhiều nên thường ném hoặc thả rơi đồ vật sau khi nắm bắt được.

Giấc ngủ:

  • Bé có nhu cầu ngủ 2-3 cữ/ngày, mỗi giấc khoảng 1-3 tiếng.
  • Trẻ tháng thứ 8 thường bắt đầu thức giấc giữa đêm. Trẻ có thể tự nhiên khóc lên và tự ngủ trở lại, hoặc cũng có thể khóc rất lâu. Vì vậy, bạn đừng quá lo khi thấy những thay đổi này từ bé, mọi việc sẽ dần ổn định hơn.

Thị lực:

  • Thị lực của trẻ trước đây ở khoảng 20/40, nay đã phát triển gần như người lớn về mức độ rõ ràng và độ sâu. Trẻ 8 tháng tuổi có thể nhìn tốt ở tầm gần, thị lực tầm xa của trẻ cũng đủ tốt để nhận ra mọi người và các vật trong phòng.
  • Trẻ 8 tháng tuổi có thể nhìn thấy món đồ chơi ở góc xa và bò về hướng đó.
  • Khi sự phối hợp tay và mắt thành thục hơn, trẻ thích khám phá những đồ vật một cách chi tiết, trẻ sẽ ngắm những bức ảnh không biết chán.

Sự phát triển cảm xúc:

  • Trẻ biết rất rõ những người thân thuộc xung quanh và tỏ ra vui thích khi gặp họ. Điều này có nghĩa rằng trẻ cũng có thể phân biệt được những người lạ mặt và tỏ ra cảnh giác hoặc sợ hãi khi tiếp xúc với họ.
  • Bé sợ, lo lắng khi phải xa bố mẹ
  • Bé sẽ tỏ ra hiếu kỳ và phấn khích khi nhìn thấy sự vật mới. Khi nhìn thấy mình trong gương, bé sẽ ra phía sau gương để tìm kiếm.
  • Bắt đầu quan sát hành vi của người lớn, khi người lớn đứng trước mặt bé và đưa hai tay để gọi bé, bé sẽ cười và đưa tay ra để đòi bế.
  • Biết bắt chước hành vi của người lớn.
  • Có thể nghe hiểu lời nói và tình cảm của người lớn, dần dần biết cách phân biệt tâm trạng của người lớn, như khi được khen, bé sẽ cười vui sướng; khi bị mắng, bé sẽ xị mặt xuống; khi thấy mẹ vui vẻ thì bé sẽ cười...

2. Trẻ 8 tháng chưa biết ngồi, chưa cứng cổ phải làm sao?

Thông thường đến 8 tháng tuổi là các bé đã ngồi vững, biết bò và một số bé đã có thể biết tập đứng. Tuy nhiên, một số trẻ 8 tháng chưa biết ngồi, chưa cứng cổ là do sự phát triển về vận động của mỗi bé khác nhau, nên nếu bạn thấy bé vẫn khỏe mạnh, biết lẫy, biết bò, chân tay vận động tốt thì không nên quá lo lắng.

Trẻ 13 tháng tuổi chưa thể tự ngồi dậy có sao không?
Nếu như trẻ 8 tháng chưa biết ngồi nhưng vẫn khỏe mạnh, biết lẫy, biết bò, chân tay vận động tốt thì không nên quá lo lắng

Do vậy, khi đến giai đoạn này mà trẻ 8 tháng tuổi chưa cứng cổ, chưa biết bò thì bạn nên chú ý:

  • Xem bé có các dấu hiệu thiếu canxi không, như ra mồ hôi trộm, rụng tóc hình vành khăn, đêm ngủ trằn trọc,... vì thiếu canxi, còi xương cũng là nguyên nhân khiến bé chậm biết ngồi. Cho bé ăn thêm sữa chua và phomai có thể bổ sung thêm canxi khi bé ăn không đủ sữa. Sữa chua khoảng 50 g một ngày và nên cho ăn sau bữa ăn chính ít nhất 30 phút.
  • Không nên vì sốt ruột mà cố ép bé ngồi, vì bắt bé ngồi khi xương chưa đủ vững có thể ảnh hưởng xấu đến cột sống. Hãy tạo những trò chơi để bé tự vận động theo ý muốn. Một số bé có thể đến 9 – 10 tháng mới biết ngồi.
  • Chú ý khẩu phần ăn của bé. Tháng tuổi này, bé cần 500ml sữa và 3 bữa bột ăn dặm. Nếu mẹ có đủ sữa thì vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ, chỉ ăn thêm sữa công thức khi mẹ đi làm hoặc không đủ sữa. Bột thì nấu mỗi bữa gồm 20g bột gạo + thịt 20g (hoặc cá, trứng, tôm, cua...) thay đổi trong ngày + rau xanh và dầu mỡ.
  • Cho bé tắm nắng vào sáng sớm khoảng 20 phút giúp bé tổng hợp vitamin D tăng cường hấp thu canxi.
  • Để tập ngồi cho bé, bạn nên cho trẻ tập ngồi dựa lưng vào bố mẹ hay vào gối tựa. Bạn có thể lấy gối xếp chồng lại và để em bé ngồi ở giữa hoặc ôm con dựa vào người. Cũng có thể mua cho bé cái gối tập ngồi để bé quen dần cảm giác lấy thăng bằng và thẳng lưng.
  • Sau khi tập ngồi thì mới nên cho bé tập bò, bạn hãy để trẻ tập bò trên giường và đặt đồ chơi mà trẻ thích lên phía trước với cự ly gần để khuyến khích trẻ bò đến lấy. Nếu như trẻ không biết dùng lực để bò thì người lớn có thể giữ chân trẻ chuyển động về phía trước từng tí một và giúp trẻ nắm được đồ vật.
  • Nếu chưa thật sự yên tâm bạn có thể đưa bé đi khám chuyên khoa nhi để các Bác sĩ kiểm tra và có những lời khuyên cụ thể cho trường hợp của bé.

3. Chăm sóc và khuyến khích bé 8 tháng tuổi

Để có thể là người đồng hành và chăm sóc con đúng cách thì mẹ cần lưu tâm những vấn đề sau đây:

  • Khuyến khích bé tự bốc hoặc xúc thức ăn: Vì trong giai đoạn cho trẻ 8 tháng ăn dặm, mẹ cần rèn luyện cho con thói quen tự cầm thìa ăn. Điều này khuyến khích sự phối hợp giữa tay và mắt, ưu tiên các món ăn thô như rau củ luộc, trái cây, cơm viên...
  • Giữ an toàn cho bé: Khi trẻ đã biết bò, con sẽ thích thú với việc tập đứng bằng cách bám vào đồ vật bất kỳ. Vài tháng tới khi con tập đi, mẹ sẽ phải cẩn thận hơn vì lúc này trẻ dễ bị té và va chạm với đồ vật trong nhà khi con vẫn chưa giữ được thăng bằng.
  • Chọn đồ chơi thích hợp cho trẻ: Những món đồ chơi còn là cách để mẹ dạy trẻ phát triển trí tuệ, màu sắc và âm thanh là những yếu tố thu hút bé. Mẹ có thể chọn các món đồ chơi phát ra nhạc và có nút bấm để bé tự bấm nút và nghe tiếng động mình thích.
  • Thường xuyên mỉm cười và truyền năng lượng tích cực cho bé, tính cách của bố mẹ luôn ảnh hưởng đến bé rất nhiều.
  • Khi nói chuyện với con, hãy kết hợp diễn tả bằng nét mặt, lời nói những cảm xúc cho bé thấy.
  • Kiên nhẫn những khi con khóc, tỏ ra quan tâm và chia sẻ khi bé khó chịu.
  • Vỗ tay khen ngợi mỗi khi bé làm được gì đó và đừng tiết kiệm những lời khen mỗi khi bé ngoan
  • Nếu bé làm sai, mẹ sẽ kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu để tạo nên thói quen tốt đẹp cho bé.

Trẻ 8 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

219.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan