Trẻ bị tay chân miệng nên tắm lá gì?

Tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm rất phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là xuất hiện các bọng nước nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng và một số vùng da khác trên cơ thể. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị, thì dùng lá để tắm cho trẻ cũng là một cách hỗ trợ, giúp giảm khó chịu cho trẻ hiệu quả. Để làm được điều này, bạn cần biết trẻ bị tay chân miệng nên tắm lá gì?

1. Trẻ bị tay chân miệng nên tắm lá gì?

Một số loại lá có thể sử dụng để tắm cho trẻ em bị tay chân miệng, bao gồm:

1. 1. Tắm nước lá chè xanh cho trẻ em bị tay chân miệng

Theo Y học cổ truyền, lá trà xanh có tính hàn, vị chát, đắng và hơi chua, không có độc; đi vào các tạng tâm, can, tỳ, phế, thận. Lá trà xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phong thấp, uống có tác dụng làm bền mạch máu, dùng ngoài có tác dụng sát khuẩn, làm lành các thương tổn.

Lá trà xanh có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, vì thế nếu thường xuyên sử dụng nước chè để súc miệng sẽ có tác dụng chữa nhiệt miệng hiệu quả. Trong lá trà xanh có chứa thành phần tanin có tác dụng làm săn se niêm mạc, làm khô vết thương hở, nhanh phát triển tổ chức hạt, do vậy rất thích hợp để tắm cho trẻ em bị chân tay miệng.

Sử dụng lá trà xanh tắm cho trẻ em bị tay chân miệng sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là khi các nốt bọng nước trên da bị vỡ tạo thành vết thương hở. Tuy nhiên, vì làn da của trẻ rất mỏng manh và dễ kích ứng nên cần chọn lựa những lá chè tươi, sạch và không có chứa các hóa chất gây hại cho da.

Cách sử dụng: Lấy khoảng 300g lá trà xanh đem rửa sạch, rồi đun sôi với nước trong 5 phút, sau đó để nguội đến nhiệt độ thích hợp thì lấy ra để tắm cho trẻ.

1. 2. Tắm lá chè vằng cho trẻ em bị tay chân miệng

Theo Y học cổ truyền, lá chè vằng có tác dụng thanh nhiệt, giúp hạn chế các bọng nước trong bệnh tay chân miệng phát triển. Ngoài ra, lá chè vằng còn giúp thúc đẩy nhanh quá trình liền tổn thương nên rất phù hợp để sử dụng tắm cho trẻ em bị tay chân miệng.

Cách dùng: Lấy một nắm lá chè vằng, có thể lấy thêm lá kim ngân nếu có, đem đun sôi với nước rồi pha loãng để tắm cho trẻ giúp giảm nhanh các bọng nước.

1. 3. Tắm lá diếp cá cho trẻ em bị tay chân miệng

diếp cá có vị chua, mùi tanh, cay nhẹ, có tính hàn, quy kinh can, phế. Diếp cá có tác dụng tán nhiệt, tiêu ung thũng, thường được dùng chữa phế ung. Dùng ngoài để chữa ung thũng, vết lở loét, trĩ. Lá diếp cá cũng có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và tiêu sưng hiệu quả, vì vậy mang lại tác dụng tốt đối với tổn thương dạng bọng nước ở bệnh tay chân miệng.

Cách dùng: Lấy một nắm lá diếp cá giã nát rồi thả vào trong nồi nước sôi. Sau đó lấy nước đem pha loãng để tắm cho trẻ em bị tay chân miệng.

1. 4. Tắm lá rau sam cho trẻ em bị tay chân miệng

Theo Đông y, rau sam có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt rất hiệu quả. Theo nghiên cứu cho thấy, rau sam giàu vitamin, có các hoạt chất kháng viêm giúp làm lành các vùng da tổn thương, nhiễm trùng hiệu quả.

Cách dùng: Lấy một nắm lá rau sam đem rửa sạch rồi cho vào nồi nước đun sôi khoảng 5 – 10 phút, sau đó mở nắp vung, để nguội bớt rồi cho thêm nước pha loãng để tắm cho trẻ em bị tay chân miệng.

1. 5. Tắm lá kinh giới cho trẻ em bị tay chân miệng

Kinh giới có vị cay, tính ấm, quy kinh can, phế, tỳ. Kinh giới có tác dụng khu phong tán hàn, là một loại lá được sử dụng để ăn, tắm trị phong hàn, phong nhiệt rất tốt.

Theo nghiên cứu cho thấy alkaloid trong kinh giới có tác dụng kháng viêm mạnh, sát trùng, điều trị mẩn ngứa, ban chẩn, nhiễm độc ngoài da rất hiệu quả.

Cách dùng: Lấy 100g rau kinh giới tươi đem đun với 5 – 7 lít nước tắm cho trẻ em bị tay chân miệng.

2. Cách tắm cho trẻ em bị tay chân miệng

Có nhiều người cho rằng, khi trẻ bị tay chân miệng cần kiêng nước, đây là một quan niệm sai lầm cần loại bỏ. Bạn nên giúp trẻ vệ sinh thân thể hàng ngày, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để loại bỏ sự bám dính của các loại vi khuẩn, virus, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm.

Tuy nhiên, khi tắm cho trẻ em bị tay chân miệng, cần thao tác nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các nốt phỏng nước trên da của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo các bước tắm cho trẻ em bị tay chân miệng như sau:

  • Nơi tắm cho trẻ cần phải kín gió, nơi gió lùa sẽ khiến cho trẻ dễ bị cảm lạnh, sốt cao hơn.
  • Đóng cửa phòng khi tắm cho trẻ để hạn chế gió.
  • Nước tắm cho trẻ cần có độ ấm vừa phải, không nên quá nóng và cũng không quá lạnh.
  • Nên sử dụng xà phòng diệt khuẩn dành riêng cho trẻ em hoặc sử dụng các loại nước lá tự nhiên để tắm cho trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên sử dụng sữa tắm cho trẻ để tránh bị kích ứng.
  • Sử dụng khăn mềm để thấm nước lau rửa toàn cơ thể trẻ một cách nhẹ nhàng. Đối với trẻ lớn hơn có thể cho trẻ ngồi trong chậu hoặc bồn tắm, sau đó dội nước nhẹ nhàng lên cơ thể trẻ. Hạn chế đụng vào các nốt phỏng nước trên da, tránh làm vỡ các nốt mụn hoặc làm trầy xước da.
  • Khi tắm xong, cần dùng khăn mềm, khô để lau cho trẻ, không được dùng khăn ẩm ướt để lau. Tuyệt đối không được để trẻ ướt sau khi tắm xong.
  • Thay quần áo mới sạch hàng ngày sau khi tắm cho trẻ. Nên lựa chọn các bộ quần áo mềm mịn, thoáng mát để hạn chế tổn thương trên da của trẻ.

3. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

  • Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày. Đối với trẻ lớn có thể hướng dẫn cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý.
  • Khi phát hiện trẻ bị bệnh cần cách ly để tránh lây lan cho trẻ khác. Cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn điều trị đúng cách.
  • Tuyệt đối không được chọc vỡ các bọng nước trên da của trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng da.
  • Người chăm sóc cần rửa tay sạch trước, trong, sau khi tiếp xúc với trẻ, trước khi nấu ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tiệt trùng các dụng cụ ăn uống, bình sữa của trẻ hàng ngày để hạn chế vi khuẩn phát triển.
  • Lau nhà, ngâm đồ chơi và quần áo của trẻ bằng dung dịch khử trùng hoặc bằng cloramin B.
  • Cắt ngắn móng tay của trẻ hoặc đeo bao tay cho trẻ để hạn chế trẻ tự cào xước gây tổn thương da.
  • Cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, với trẻ lớn cần lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn. Nên cho trẻ uống nhiều nước, cho trẻ ăn các loại thức ăn loãng, mềm, mát như cháo, súp.
  • Đối với trẻ đang bú mẹ, cần tăng số lần cho trẻ bú để bổ sung dinh dưỡng và kháng thể cho trẻ.

Hy vọng với những chia sẻ về cách tắm nước lá cho trẻ bị chân tay miệng, cha mẹ đã có thể hiểu và biết cách áp dụng để tình trạng sức khỏe của con được cải thiện từng ngày.

Hiện nay Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ, tay chân miệng ...Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan