Trẻ bị chân tay miệng nên bôi thuốc gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể lây nhanh, có thể gây dịch lớn, nhất là vào mùa tựu trường. Vậy khi trẻ bị chân tay miệng nên bôi thuốc gì cho nhanh khỏi?

1. Tổng quan về bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên sẽ có chiều hướng gia tăng từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 - 12. Bệnh có khả năng lây nhanh chóng từ trẻ này sang trẻ khác thông qua các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt.

Một số biểu hiện thường gặp của bệnh tay chân miệng:

  • Tay chân miệng thường ủ bệnh trong khoảng thời gian 3 – 6 ngày;
  • Có thể sốt nhẹ thoáng qua hoặc có thể sốt cao lên đến 39 – 40 độ C;
  • Trẻ đau họng, chảy nước bọt liên tục;
  • Biếng ăn, bỏ ăn do đau họng;
  • Trẻ thường khó ngủ, thường xuyên quấy khóc, run chi, đột ngột giật mình nhiều một cách bất thường;
  • Các nốt chủ yếu nằm ở miệng, ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể xuất hiện cả ở gối và mông;
  • Đối với các nốt sang thương ở miệng, phần lớn là những vết loét đỏ (thường do các bóng nước vỡ ra) có đường kính 2 – 3 mm, nằm ở vòm họng, niêm mạc má, nướu (lợi), lưỡi gây đau đớn cho trẻ. Lúc này cần sử dụng thuốc bôi tay chân miệng để giảm bớt triệu chứng khó chịu;
  • Đối với các sang thương trên da, thường ở dạng các nốt bọng nước có đường kính 2 – 10mm, có hình bầu dục hoặc hơi tròn, thường nổi cộm lên hoặc ẩn dưới da trên nền hồng ban, các nốt này phần lớn không đau nhưng khi bóng nước khô sẽ để lại vết thâm trên da.

2. Trẻ bị chân tay miệng nên bôi thuốc gì?

Bệnh chân tay miệng do virus gây ra, vì vậy cho đến nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phác đồ điều trị tay chân miệng hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, ăn được, ngủ được, nâng cao sức đề kháng của cơ thể và sớm hồi phục sức khỏe.

Với các triệu chứng đặc trưng là các nốt phát ban trên da và vết loét ở miệng, sử dụng thuốc bôi tay chân miệng là cần thiết để giảm cảm giác đau rát cho bé, tăng khả năng phục hồi vết thương. Tuy nhiên, phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ khi trẻ bị tay chân miệng bôi thuốc gì vừa tốt vừa an toàn.

Trẻ bị tay chân miệng nên bôi thuốc gì? Lời khuyên tốt cho các bậc cha mẹ lúc này vẫn là đưa bé đi khám bác sĩ để được tư vấn loại thuốc bôi chân tay miệng, thuốc sát khuẩn phù hợp. Thông thường trẻ sẽ được chỉ định sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn nhẹ nhàng cho các vết loét ngoài da như milian, xanh methylen (cần hạn chế bôi để bác sĩ nhìn được rõ ràng nốt sang thương nếu chưa chẩn đoán được bệnh tay chân miệng), dung dịch Povidine, thuốc đỏ, thuốc tím... và sử dụng gel kamistad, zytee... cho niêm mạc miệng khi xuất hiện các vết loét.

3. Gel bôi chứa nano bạc, dịch chiết neem giúp sạch bệnh chân tay miệng hiệu quả, an toàn

Sản phẩm gel bôi giúp cải thiện tay chân miệng chứa thành phần nano bạc, kẽm salicylate, dịch chiết neem (kháng viêm mạnh)... là những khoáng chất có khả năng săn se da, sát khuẩn, nhanh lành tổn thương trên da, không để lại sẹo, đồng thời giúp hồi phục của bệnh tay chân miệng. Đây là các thành phần thân thiện với làn da, không gây kích ứng da và có thể chỉ định được cho trẻ nhỏ, kể cả trẻ sơ sinh bị tay chân miệng.

Gel bôi này rất an toàn không chỉ bôi trên các tổn thương ngoài da mà còn sử dụng được cả trong miệng. Bôi trực tiếp gel lên các tổn thương niêm mạc miệng khoảng 30 phút là đã dịu da, giảm đau đớn khi thức ăn tiếp xúc vết loét.

Khi điều trị tay chân miệng, phụ huynh cần kiên nhẫn sử dụng thuốc đúng như chỉ định của các bác sĩ. Cần giữ vệ sinh ngoài da cho trẻ, tắm sạch bằng xà phòng hàng ngày, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu trẻ lớn hãy cho trẻ súc miệng bằng nước muối sau mỗi bữa ăn hoặc dùng gạc rơ miệng làm vệ sinh miệng lưỡi cho trẻ nhỏ hơn. Điều này sẽ khiến các vết loét ở miệng bớt đau, giảm phản ứng viêm giúp trẻ ăn uống được.

Đặc biệt, nhiều trẻ khi bị tay chân miệng sẽ thích ăn đồ lạnh hơn vì nhiệt độ thấp có thể làm giảm đau ở vết loét. Các bậc cha mẹ không cần tránh các thức ăn, thức uống lạnh như nước đá, kem, yaourt... mà ngược lại có thể thử cho trẻ ăn những thức ăn này với số lượng ít phù hợp.

4. Lưu ý khi dùng thuốc bôi tay chân miệng cho trẻ

Tay chân miệng là bệnh do virus gây ra, do đó các loại thuốc bôi có tính sát khuẩn như kháng sinh, cồn, thuốc tê thường không có tác dụng. Đối với các thuốc bôi có hoạt chất kháng virus, một số phụ huynh thường tự ý bôi thuốc acyclovir để diệt virus tay chân miệng. Tuy nhiên, theo các nguyên cứu dược lý, thành phần acyclovir hoàn toàn không có tác dụng với virus gây bệnh tay chân miệng.

Một số loại thuốc có thành phần gây tê cục bộ như Benzocain, Lidocain, Tetracain,... dùng để bôi trong miệng có tác dụng giúp làm giảm đau tạm thời do cơ chế ức chế dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên các hoạt chất này lại không có tác dụng tiêu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Mặt khác, thuốc gây tê còn tác dụng phụ gây dị ứng, tê lưỡi, mờ mắt, rối loạn nhịp tim, do đó trẻ < 3 tuổi không nên dùng các loại thuốc giảm đau có chứa thành phần gây tê do rất khó kiểm soát liều thuốc và tác dụng phụ.

Ngoài các loại thuốc bôi chân tay miệng mà bác sĩ chỉ định, phụ huynh không nên tự ý cho bé sử dụng các loại cồn sát khuẩn, bởi vì mỗi loại cồn sẽ có những thông số độ cồn khác nhau. Dùng không đúng độ cồn dành cho da trẻ không chỉ gây đau rát mà còn khiến vết loét tay chân miệng trở nên nghiêm trọng và khó lành hơn.

Các nốt tổn thương tay chân miệng thường ít khi vỡ và sẽ tự thu nhỏ lại, khô dần rồi mất đi, không để lại sẹo. Chỉ với những nốt sang thương to bị vỡ, các nốt ở vùng kín có nguy cơ bị nhiễm trùng mới bôi các loại thuốc sát khuẩn với mục đích đề phòng bội nhiễm. Thuốc bôi kháng viêm mạnh chứa corticoid có thể gây suy giảm miễn dịch và làm bệnh thêm nghiêm trọng.

Đặc biệt phụ huynh nên cẩn trọng với các loại thuốc bôi ngoài da không rõ nguồn gốc, cho dù là thuốc nam, thuốc đông y vẫn có thể gây ra những tác dụng phụ kích ứng da. Cần chú ý khi sử dụng thuốc bôi ngoài da đông y vì có thể gây ngộ độc, đặc biệt là ngộ độc chì khi dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định rõ ràng.

Có thể thấy, nhiều phụ huynh có con bị mắc bệnh tay chân miệng thường sốt ruột muốn mua các loại thuốc bôi ngoài da giúp con mau khỏi và nhanh giảm các triệu chứng đau, ngứa, sát khuẩn... Tuy nhiên, phụ huynh cần nhớ rằng chỉ sử dụng các thuốc bôi khi có chỉ định của bác sĩ, với các thành phần lành tính (nano bạc, kẽm salicylate, dịch chiết neem...) giúp hỗ trợ nhẹ nhàng trong quá trình lành bệnh.

Hy vọng bài viết đã đem đến cho các phụ huynh những thông tin hữu ích, giải đáp đầy đủ cho câu hỏi: Trẻ bị tay chân miệng nên bôi thuốc gì cho nhanh khỏi, giúp bé nhanh chóng vượt qua thời gian bệnh này.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

83.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan