Nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến kinh nguyệt, mang thai và các chức năng khác như thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn trong cuộc đời của người phụ nữ từ khi còn nhỏ, có kinh nguyệt đến khi mang thai. Nó giúp điều chỉnh sự phát triển của cơ quan sinh dục để phù hợp với quá trình phát triển bình thường của cơ thể.

1. Nội tiết tố là gì?

Hormone là các nội tiết tố được sản sinh một cách tự nhiên trong cơ thể. Chúng có nhiệm vụ trao đổi thông tin giữa các tế bào và các cơ quan nên có ảnh hưởng đến nhiều chức năng sống quan trọng. Trong cơ thể của mỗi người đều sản xuất hormone sinh dục nữ và nam. Khi những hormone này hoạt động không bình thường, chúng sẽ gây ra mất cân bằng nội tiết tố.

Hormone là gì
Hormonesinh dục có vai trò quan trọng trong việc cân bằng nội tiết tố

2. Các loại nội tiết tố nữ

Nội tiết tố nữ gồm có hai loại chính là estrogenprogesterone. Ngoài ra, trong cơ thể nữ giới còn tồn tại một lượng nhỏ testosterone.

2.1 Estrogen

Estrogennội tiết tố nữ chính trong thể nữ giới. Nó chủ yếu được sản xuất từ buồng trứng và một lượng nhỏ từ tuyến thượng thận và tế bào mỡ. Estrogen còn được sản xuất ở nhau thai trong thời kỳ mang thai. Nó đóng vai trò quan trọng đối với chức năng sinh dục và sinh sản qua các thời kỳ:

Ngoài ra, estrogen còn ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, hệ tim mạch, tóc, hệ cơ xương, làn da và đường tiết niệu.

Nồng độ estrogen có thể được xác định bằng xét nghiệm máu, phạm vi bình thường được giới hạn như sau:

  • Nữ trưởng thành, tiền mãn kinh: 15-350 pg/mL
  • Nữ trưởng thành, mãn kinh: < 10 pg/mL
  • Nam giới trưởng thành: 10 - 40 pg/mL

Mức độ hormone estrogen sẽ thay đổi rất nhiều trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.

estrogen là gì
Estrogen là thành phần chính có trong nội tiết tố nữ

2.2 Progesterone

Progesterone được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng. Ngoài ra, nó còn được sản xuất trong thời kỳ mang thai qua nhau thai. Vai trò của progesterone gồm có:

  • Chuẩn bị niêm mạc tử cung cho trứng được thụ tinh di chuyển xuống làm tổ
  • Nâng cao khả năng mang thai
  • Ức chế sản xuất estrogen sau khi rụng trứng

Nồng độ progesterone có thể được xác định bằng xét nghiệm máu. Phạm vi bình thường được tính bằng đơn vị nanogram trên mililit (ng/mL):

Giai đoạn Phạm vi
Trước tuổi dậy thì 0.1 - 0.3 ng/mL
Giai đoạn nang trứng của chu kỳ kinh nguyệt 0.1 - 0.7 ng/mL
Giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt 2 - 25 ng/mL
Tam cá nguyệt thứ nhất 10 - 44 ng/mL
Tam cá nguyệt thứ hai 19.5 - 82.5 ng/mL
Tam cá nguyệt thứ ba 65 - 290 ng/mL

Nồng độ progesterone qua các giai đoạn phát triển của người phụ nữ

2.3 Testosterone

Testosterone được tiết ra ở tuyến thượng thận và buồng trứng. Hormone này đóng vai trò quan trọng trong một số chức năng của cơ thể, bao gồm:

  • Ham muốn tình dục
  • Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt
  • Sức mạnh của xương và cơ bắp

Xét nghiệm máu có thể xác định mức độ testosterone, phạm vi bình thường đối với nữ là 15-70 ng/dL.

3. Vai trò của nội tiết tố nữ theo thời gian

Hormone giới tính nữ có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể. Nó thay đổi theo từng giai đoạn từ khi bạn còn nhỏ đến tuổi dậy thì, mang thai, sinh con, cho con bú, đến tuổi mãn kinh. Những thay đổi này là tuân theo quy luật tự nhiên, không phải là bất thường bệnh lý.

3.1 Tuổi dậy thì

Nội tiết tố nữ kích thích cơ thể nữ giới bước vào tuổi dậy thì (thường từ 8 - 13 tuổi). Hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang (FSH) được sản xuất ở tuyến yên tăng sản xuất khi nữ giới bước vào tuổi dậy thì, từ đó kích thích sản xuất hormone giới tính đặc biệt là estrogen.

Nồng độ nội tiết tố nữ tăng lên, làm kích thích cơ thể:

  • Phát triển vòng ngực
  • Phát triển lông mu và lông nách
  • Giúp cơ thể phát triển nhanh chóng
  • Tăng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là ở hông và đùi
  • Giúp hoàn thiện cấu trúc, chức năng của buồng trứng, tử cung và âm đạo
  • Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt
Kinh nguyệt không đều
Nội tiết tố nữ có vai trò kích thích cơ thể nữ giới bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt

3.2 Hành kinh

Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên xảy ra khoảng 2 - 3 năm sau khi ngực bắt đầu phát triển, chủ yếu ở độ tuổi từ 10 đến 16.

  • Giai đoạn nang trứng

Hàng tháng, tử cung dày lên chuẩn bị cho trứng được thụ tinh. Nếu không được thụ tinh, nồng độ estrogen và progesterone sẽ ở mức thấp làm tử cung bắt đầu bóc tách dẫn đến hành kinh, ngày thứ nhất hành kinh là ngày bắt đầu giai đoạn nang trứng.

Ở giai đoạn này, tuyến yên bắt đầu sản xuất thêm FSH để thúc đẩy các nang trứng phát triển. Mỗi nang trứng chứa một quả trứng. Khi nồng độ hormone giới tính giảm xuống, chỉ có một nang duy nhất, chiếm ưu thế được tiếp tục phát triển. Các nang trứng khác bị phá vỡ khi nang này sản xuất nhiều estrogen hơn, kích thích LH tăng lên theo. Giai đoạn nang trứng kéo dài khoảng hai tuần.

Lượng FSH tăng cao kích thích sự rụng trứng
Lượng FSH tăng cao kích thích sự rụng trứng
  • Giai đoạn rụng trứng

Trong giai đoạn rụng trứng, hormone LH làm cho nang trứng vỡ và giải phóng trứng. Giai đoạn này kéo dài khoảng 16 - 32 giờ. Sự thụ tinh chỉ có thể xảy ra trong khoảng 12 giờ sau khi trứng đã rời khỏi buồng trứng.

  • Giai đoạn hoàng thể

Giai đoạn hoàng thể bắt đầu sau khi rụng trứng. Các nang vỡ đóng lại và sản xuất progesterone tăng lên giúp tử cung sẵn sàng tiếp nhận trứng được thụ tinh. Nếu điều đó không xảy ra, estrogen và progesterone sẽ giảm trở lại và chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu lại.

Toàn bộ chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 25 - 36 ngày. Chảy máu kéo dài từ 3 - 7 ngày. Chu kỳ có thể biến động nhiều trong vài năm đầu hoặc trong một số hoàn cảnh khác như sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố.

3.3 Ham muốn tình dục và tránh thai

Estrogen, progesterone và testosterone đều có liên quan đến ham muốn tình dục ở nữ giới. Do sự dao động của nội tiết tố, nữ giới thường ở đỉnh điểm của ham muốn tình dục ngay trước khi rụng trứng.

Ham muốn tình dục cũng chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác. Nó có thể giảm xuống khi bạn sử dụng các phương pháp kiểm soát sản sinh nội tiết tố, khi bạn bước vào thời kỳ mãn kinh, phẫu thuật cắt tuyến thượng thận hoặc buồng trứng.

Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B
Nội tiết tố nữ thúc đẩy ham muốn tình dục ở nữ giới

3.4 Thai kỳ

Trong giai đoạn hoàng thể, progesterone tăng lên, chuẩn bị tử cung để tiếp nhận trứng được thụ tinh. Thành tử cung dày lên, chứa đầy chất dinh dưỡng và các chất lỏng khác để duy trì phôi.

Nồng độ progesterone và estrogen tăng lên còn có tác dụng bảo vệ tử cung khỏi vi khuẩn và tinh trùng. Cả hai hormone này còn giúp ống dẫn sữa trong vú giãn ra.

Ngay khi quá trình thụ thai diễn ra, cơ thể bắt đầu sản xuất hormone gonadotropin màng đệm ở người (hCG). Hormone xuất hiện trong nước tiểu và được sử dụng để thử thai. Nó cũng giúp tăng sản xuất estrogen và progesterone, ngăn ngừa kinh nguyệt và giúp duy trì thai kỳ.

Hormone hPL được bài tiết từ nhau thai ở người. Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cho bé, nó còn giúp kích thích tuyến sữa cho con bú.

Nồng độ hormone relaxin cũng tăng lên trong thai kỳ. Nó giúp hỗ trợ sự phát triển nhau thai và ngăn chặn các cơn co thắt xảy ra quá sớm. Khi chuyển dạ, hormone này giúp thư giãn dây chằng ở khung chậu.

3.5 Sau khi sinh con và cho con bú

Khi thai kỳ kết thúc, nồng độ hormone bắt đầu giảm ngay lập tức quay lại về mức trước khi mang thai. Sự sụt giảm đột ngột, đáng kể của estrogen và progesterone có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Cho con bú làm giảm nồng độ estrogen và có thể ngăn ngừa rụng trứng. Điều này không phải luôn đúng, bạn vẫn cần kết hợp với các biện pháp tránh thai khác để kiểm soát sinh nở.

Cho con bú sữa mẹ khi đang mang thai
Mất cân bằng nội tiết tố là một nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh ở phụ nữ

3.6 Tiền mãn kinh và mãn kinh

Trong thời kỳ mãn kinh, hormone trong buồng trứng sản xuất chậm lại. Nồng độ estrogen bắt đầu dao động trong khi mức progesterone bắt đầu giảm dần.

Khi nồng độ hormone giảm, âm đạo có thể trở nên ít bôi trơn hơn. Một số người bị giảm ham muốn tình dụcchu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường. Giảm nội tiết tố sau khi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương và bệnh tim mạch.

Trải qua 12 tháng không có kinh nguyệt là dấu hiệu cho thấy bạn đã đến tuổi mãn kinh. Đến thời điểm này, cả estrogen và progesterone đều giữ ổn định ở mức thấp. Nó thường đến khi người phụ nữ được 50 tuổi và thay đổi tùy theo điều kiện sống và khả năng chăm sóc bản thân của mỗi người.

4. Khi nào nội tiết tố trở nên mất cân bằng?

Nồng độ các nội tiết tố nữ dao động một cách tự nhiên trong suốt cuộc đời. Đặc biệt là trong các giai đoạn chuyển giao quan trọng như tuổi dậy thì, thai kỳ, thời kỳ cho con bú, tiền mãn kinh và mãn kinh.

Tuy nhiên, sự mất cân bằng nội tiết tố nữ đôi khi có thể là dấu hiệu của bệnh tật, chẳng hạn như:

Ngoài ra, nội tiết tố nữ bị mất cân bằng còn do các nguyên nhân sau:

  • Giảm khả năng sinh dục do thiếu hụt nội tiết tố nữ
  • Sảy thai hoặc thai phát triển bất thường
  • Đa thai (sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn)
  • Khối u buồng trứng
Sảy thai do nội tiết tố
Sảy thai là một nguyên nhân khiến nội tiết tố nữ bị mất cân bằng

5. Khi nào đi khám bác sĩ?

Bạn nên đi khám phụ khoa 1 lần/năm để kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám ngay nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường, đặc biệt là trong các trường hợp sau:

  • Ốm nghén hoặc các dấu hiệu mang thai khác
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Khô âm đạo hoặc đau khi quan hệ
  • Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường
  • Khó thụ thai
  • Đau vùng xương chậu
  • Rụng tóc hoặc mọc tóc trên mặt hoặc thân
  • Trầm cảm sau khi sinh con
  • Triệu chứng mãn kinh kéo dài cản trở cuộc sống

Nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn trong cuộc đời của người phụ nữ. Vì thế bạn nên đi khám phụ khoa định kỳ để nhận biết được những dấu hiệu suy giảm nội tiết tố để có hướng điều chỉnh kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan