Châm cứu sau đột quỵ có hiệu quả không?

Châm cứu có thể là một lợi ích chính để phục hồi chức năng sau đột quỵ não khi được thực hiện đúng cách. Kết quả đáng chú ý nhất trong giai đoạn cấp tính và đầu tiên, điều trị phải bắt đầu kịp thời. Sự can thiệp sớm hơn hứa hẹn sẽ hiệu quả hơn. Bằng cách này, bệnh nhân đột quỵ sẽ hồi phục nhanh hơn và an toàn hơn. Trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng của châm cứu sau đột quỵ.

1. Châm cứu là gì?

Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai từ sơ sinh đến trưởng thành. Hiện nay đã có 2 loại đột quỵ được biết tới. Loại thứ nhất là đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu không còn lưu thông đến não được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Loại thứ 2 là đột quỵ xảy ra khi một mạch máu bị vỡ hoặc rò rỉ trong não được gọi là đột quỵ xuất huyết não. Cả hai loại đột quỵ đều là tình trạng nguy hiểm và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn. Phục hồi chức năng là một phần quan trọng của việc hồi phục sau đột quỵ. Hiện nay đã có rất nhiều hình thức phục hồi chức năng sau đột quỵ bao gồm mọi thứ từ hoạt động thể chất đến hoạt động nhận thức và cảm xúc mà châm cứu sau đột quỵ là một trong số đó.

Một số người xem châm cứu như một biện pháp bổ sung cho các phương pháp phục hồi chức năng truyền thống. Những lợi ích sức khỏe của châm cứu có thể kể đến là :

  • Châm cứu được chấp nhận rộng rãi như một phương pháp điều trị nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng cho các cơn đau mãn tính.
  • Châm cứu gần đây cũng được sử dụng để thư giãn cơ thể và tâm trí.

Châm cứu là một phương pháp chữa bệnh của Trung Quốc đã có từ nhiều thế kỷ trước. Nó liên quan đến việc sử dụng những chiếc kim mỏng, đã khử trùng và được một chuyên gia châm cứu đã được cấp phép thực hiện. Những cây kim này được đặt vào các khu vực cụ thể của cơ thể được cho là có thể giải phóng các dạng năng lượng chữa bệnh hoàn toàn tự nhiên khác nhau. Ví dụ, việc châm cứu tạo áp lực lên "điểm con mắt thứ ba" giữa hai lông mày của người bệnh được cho là có tác dụng trong việc giảm đau đầu.

Mặc dù châm cứu chủ yếu được công nhận là một phương pháp điều trị tự nhiên cho chứng đau mạn tính, nhưng lợi ích tiềm năng của nó còn vượt xa hơn thế. Nó đã được sử dụng để giúp cải thiện rối loạn giấc ngủ và sức khỏe hệ tiêu hóa. Việc luyện tập này cũng được cho là giúp thư giãn tâm trí và giảm căng thẳng hoặc giảm lo lắng.

2. Châm cứu có tác dụng gì trong việc phục hồi chức năng sau đột quỵ?

Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đã bị đột quỵ, bạn có thể nhận thức rõ rằng con đường phục hồi sau khi điều trị có thể dài và thường khiến chúng ta nản lòng. Phục hồi chức năng bắt đầu càng sớm càng tốt, thường trong thời gian đầu nằm viện và có thể bao gồm điều dưỡng phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, vận động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và các vấn đề liên quan đến công tác xã hội.

Ngoài những phương pháp phục hồi chức năng thông thường đang được áp dụng cho những người sau đột quỵ, một số người đã chuyển sang châm cứu, một loại liệu pháp thay thế dựa vào kim được sử dụng từ lâu trong Y Học Cổ Truyền Trung Quốc. Có tới 46% số người sống sót sau đột quỵ chuyển sang dùng thuốc bổ sung và thay thế để giúp giảm bớt các biến chứng của họ, với châm cứu là một lựa chọn phổ biến. Trong quá trình điều trị bằng phương pháp châm cứu, các bác sĩ châm cứu sẽ châm những chiếc kim nhỏ vào các điểm cụ thể trên cơ thể. Liệu pháp này được cho là giúp giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống và hạnh phúc về mặt tinh thần, và có thể giúp thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như đi bộ hoặc tự chăm sóc bản thân.

Châm cứu sau đột quỵ
Châm cứu sau đột quỵ là một trong những phương pháp phục hồi chức năng được sử dụng

Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể có lợi cho những người bị đột quỵ, nhưng vẫn chưa có đủ các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn và được thiết kế chặt chẽ để các nhà khoa học có thể đưa ra kết luận chính xác nhất. Một đánh giá nghiên cứu được công bố trên Cơ sở dữ liệu Cochrane về các đánh giá có hệ thống vào năm 2016 đã tiến hành trên 31 nghiên cứu (với tổng số 2257 người tham gia) về châm cứu để phục hồi chức năng đột quỵ. Theo các tác giả của nghiên cứu, châm cứu có thể có tác dụng cải thiện tình trạng phụ thuộc, suy giảm sức mạnh hệ thần kinh và một số suy giảm thần kinh cụ thể đối với những người bị đột quỵ. Tuy nhiên, các tác giả cảnh báo rằng hầu hết các nghiên cứu trong phân tích của họ không có đủ chất lượng và quy mô, nên rất khó để đưa ra kết luận.

Trong một đánh giá nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Châm cứu trong Y học vào năm 2015, các nhà khoa học đã xem xét các thử nghiệm lâm sàng đã được công bố trước đây so sánh châm cứu và liệu pháp phục hồi chức năng với phục hồi chức năng đơn thuần ở những người sau đột quỵ 3 tháng trở xuống. Trong kết luận của họ, các tác giả nói rằng châm cứu với phục hồi chức năng có thể có lợi hơn so với phục hồi chức năng đơn thuần. Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể có những lợi ích cụ thể trong quá trình phục hồi chức năng đột quỵ nhất định như:

  • Chứng khó nuốt sau đột quỵ: Sau đột quỵ, một số người gặp khó khăn khi nuốt (một tình trạng được gọi là chứng khó nuốt) khiến việc ăn uống trở nên khó khăn và có thể dẫn đến nghẹt thở hoặc tắc thở. Đối với một báo cáo được công bố trên Cơ sở dữ liệu Cochrane về Đánh giá Hệ thống vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá 33 nghiên cứu đã được công bố trước đó (với tổng số 6779 người tham gia) so sánh các phương pháp điều trị chứng khó nuốt khác nhau ở những người bị đột quỵ trong vòng sáu tháng sau khi tham gia vào nghiên cứu. Trong đánh giá của họ, các tác giả báo cáo đã tìm thấy bằng chứng cho thấy châm cứu làm giảm chứng khó nuốt.
  • Chứng co cứng sau đột quỵ: Sau đột quỵ, một số người bị cứng cơ và co cứng không tự chủ (được gọi là chứng co cứng sau đột quỵ), điều này có thể làm cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn. Một báo cáo được công bố trên Archives of Physical Medicine and Renaissance vào năm 2017 đã phân tích 22 thử nghiệm đã được công bố trước đây về việc sử dụng phương pháp châm cứu bằng điện đối với chứng co cứng liên quan đến đột quỵ. Các tác giả của báo cáo phát hiện ra rằng châm cứu bằng điện trong vòng sáu tháng sau đột quỵ kết hợp với chăm sóc thông thường có thể giúp giảm tình trạng co cứng ở chi trên và chi dưới. Tuy nhiên, một báo cáo trước đó (được công bố trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung) đã kết luận rằng hiệu quả của châm cứu đối với chứng co cứng sau đột quỵ là không chắc chắn do chất lượng nghiên cứu chưa đảm bảo. Các tác giả đề xuất các nghiên cứu quy mô lớn hơn và được thiết kế chặt chẽ hơn để có thể đưa ra kết luận cuối cùng về giả thiết này.

Trong hướng dẫn chung, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ công nhận châm cứu là một liệu pháp bổ trợ (bổ sung) tiềm năng có lợi cho một số biến chứng sau đột quỵ, bao gồm chứng khó nói và đau vai. Các nhóm lưu ý rằng những bằng chứng khoa học là chưa đủ để đưa ra các khuyến nghị châm cứu nhằm cải thiện khả năng đi lại hoặc chức năng vận động và đặc biệt khuyến cáo không nên sử dụng châm cứu để giúp cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và hoạt động chi trên.

Châm cứu sau đột quỵ giảm chứng khó nuốt
Châm cứu sau đột quỵ có thể cải thiện chứng khó nuốt

3. Tác dụng phụ và phản ứng có hại của châm cứu trên bệnh nhân sau đột quỵ

Khi sử dụng châm cứu để phục hồi chức năng đột quỵ, điều quan trọng là phải làm việc với một chuyên gia châm cứu y tế có chuyên môn, người có kinh nghiệm về liệu pháp phục hồi đột quỵ. Chỉ nên sử dụng kim châm cứu vô trùng, dùng một lần.

Mặc dù các rủi ro của phương pháp châm cứu được coi là thấp nếu châm cứu được thực hiện bởi một chuyên gia có năng lực, được cấp phép, nhưng các tác dụng phụ có thể xảy ra có thể bao gồm: đau, nhức, sưng, bầm tím hoặc chảy máu tại vị trí kim, ngất xỉu, chấn thương nội tạng, tụ máu, liệt nửa người và nhiễm trùng.

Châm cứu được coi là "tương đối an toàn" theo một đánh giá về châm cứu đối với đột quỵ, tuy nhiên, một nghiên cứu tổng quan về các tác dụng phụ sau khi châm cứu bao gồm tràn khí màng phổi, ngất xỉu, chấn thương tim mạch và xuất huyết. Nếu bệnh nhân bị rối loạn chảy máu, đang dùng một số loại thuốc làm loãng máu như warfarin, có máy điều hòa nhịp tim, đang mang thai hoặc có hệ miễn dịch không đảm bảo, liệu pháp châm cứu phục hồi sau đột quỵ có thể sẽ không được chỉ định.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ là một quá trình kéo dài và thường phức tạp, có thể khiến người bệnh cảm thấy không hài lòng với quá trình hồi phục của mình và tìm kiếm các liệu pháp bổ sung để được trợ giúp. Mặc dù không có đủ bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để đưa ra kết luận về hiệu quả của châm cứu, nhưng đối với một số người, châm cứu có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và có tác dụng tích cực đối với các vấn đề như nuốt hoặc co cứng. Nếu bạn đang nghĩ đến việc thử châm cứu, điều quan trọng là phải tham khảo kiến của các bác sĩ trước. Họ có thể giúp bạn xác định xem liệu việc đưa phương pháp này vào trong liệu pháp phục hồi chức năng có thể có lợi và an toàn hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, verywellhealth.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan