Lưỡi bình thường và lưỡi bị bệnh khác gì nhau?

Lưỡi là một trong những bộ phận linh hoạt nhất của cơ thể, tham gia trong quá trình tiêu hóa thức ăn, chức năng ngôn ngữ và có thể báo hiệu một số tình trạng bệnh lý. Vậy lưỡi bình thường và lưỡi bệnh lý có điểm gì khác nhau?

1. Lưỡi bình thường và một số thay đổi ở lưỡi bệnh lý?

1.1. Chức năng của lưỡi bình thường

Lưỡi ở người trưởng thành khỏe mạnh thường mềm mại, thon dài, có màu hồng nhạt đến hồng đậm, bề mặt được bao phủ bởi lớp màu trắng mỏng với nhiều gai nhỏ mịn. Các gai này còn được gọi là nhú, tập trung nhiều ở mặt trên và hai bên lưỡi. Số lượng các gai bình thường lên tới 5000 gai, đây là nơi tập trung dày đặc tế bào thần kinh, giúp truyền tải thông tin nhanh chóng đến não.

Lưỡi tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, cảm nhận vị giác, hỗ trợ quá trình nhai, nuốt, giúp nhào trộn thức ăn trong miệng với các enzym tiêu hóa, đặc biệt lưỡi đóng vai trò quan trọng trong chức năng ngôn ngữ của mỗi người.

Trong Y học cổ truyền, lưỡi được xem là công cụ để chẩn đoán bệnh gọi là “Thiệt chẩn”. Hình ảnh của lưỡi giúp thầy thuốc đánh giá được tình trạng bệnh lý của tất cả các cơ quan, nội tạng trong cơ thể.

1.2. Các thay đổi ở lưỡi bị bệnh

Hình ảnh lưỡi bị bệnh sẽ có những thay đổi về màu sắc, hình dạng hay các thay đổi trên bề mặt lưỡi:

Thay đổi màu sắc

  • Lưỡi nhợt nhạt, mất màu hồng có thể báo hiệu tình trạng cơ thể suy nhược, thiếu máu hoặc thiếu sắt.
  • Lưỡi đỏ, niêm mạc lưỡi vàng hay nhớt giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng “môi khô lưỡi bẩn”, các bệnh lý viêm lưỡi, thiếu niacin,... Ngoài ra, lưỡi đỏ còn là dấu hiệu của suy tim, Bệnh Kawasaki, sốt ban đỏ,...
  • Lưỡi màu đen thường do vi khuẩn, do dùng thuốc hay hóa trị, tình trạng này thường không nguy hiểm, có thể mất sau khi ngừng các tác nhân tác động.
  • Lưỡi màu tím báo hiệu tình trạng lưu thông máu kém, các bệnh lý tim mạch,...
  • Thường xuyên hút thuốc lá, uống cà phê, sử dụng các thực phẩm đậm màu hay một số loại thuốc có thể làm thay đổi màu sắc trên bề mặt gai nhú của lưỡi.

Thay đổi về bề mặt lưỡi

  • Lưỡi khô, xuất hiện nhiều vết nứt, mất lớp màu trắng bao phủ trên lưỡi theo từng mảng và nhô lên.
  • Lưỡi bị teo hoặc mất các gai nhú phân bố không đều, xuất hiện nhiều đường màu trắng như hình bản đồ trên bề mặt lưỡi.
  • Xuất hiện lông trên bề mặt lưỡi do sự tích tụ keratin trên gai nhú sau quá trình điều trị kháng sinh, sử dụng nước súc miệng chứa peroxide hay quá trình vệ sinh răng miệng không tốt.
  • Lưỡi loét, xuất hiện các nốt viêm do loét áp tơ miệng hay các chấn thương do cắn, va đập vào.
  • Các mảng đỏ trên lưỡi thường do các bệnh hồng sản, nhiễm nấm,...

2. Một số bệnh lý hay gặp tại lưỡi

Viêm lưỡi

  • Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm gây tình trạng viêm tại bề mặt lưỡi. Một số nguyên nhân khác như: thiếu vitamin B, vitamin PP, thiếu máu ác tính hoặc thiếu sắt,... hay các bệnh lý ở da như: lichen phẳng, áp tơ miệng, giang mai, ung thư,... cũng gây viêm lưỡi.
  • Triệu chứng: lưỡi đỏ hoặc nhợt nhạt, sưng to, xuất hiện mụn nước, nứt kẽ lưỡi, trơn nhẵn có thể đau nhức hoặc không.
  • Điều trị: loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh, sử dụng kháng sinh, kháng nấm, bổ sung các loại vitamin, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh các loại thực phẩm cay nóng, không sử dụng chất kích thích, rượu bia,...

Loét lưỡi Apthae

  • Biểu hiện bởi các vết loét ở mặt bụng hay chóp lưỡi, gây khó chịu và đau nhức, ảnh hưởng đến nhai và phát âm.
  • Điều trị bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Bạch sản

  • Lưỡi và sàn miệng xuất hiện nhiều mảng trắng có kích thước đồng đều mà không do bất cứ tác nhân kích thích nào. Đây là một dạng sang thương ở lưỡi có thể có nguy cơ ác tính.
  • Có nhiều dạng của bạch sản như: bạch sản đồng nhất, bạch sản lấm tấm không đồng nhất hay bạch sản dạng sùi.
  • Khi phát hiện các mảng trắng bất thường nên thực hiện các sinh thiết để chẩn đoán mức độ bệnh.

Ung thư lưỡi

  • Thường gặp nhất là dạng ung thư tế bào vảy, có thể bắt đầu bằng dạng bạch sản hoặc không có triệu chứng gì.

Bệnh nấm miệng

  • Tình trạng nhiễm nấm Candida tại vùng khoang miệng, biểu hiện bằng các mảng trắng đục như váng sữa trên bề mặt lưỡi và hai bên miệng.
  • Điều trị thường phối hợp chế độ dinh dưỡng cân bằng, giữ vệ sinh răng miệng, dùng các thuốc kháng nấm theo liệu trình của bác sĩ.

Bệnh sốt Scarlet

  • Còn gọi là bệnh tinh hồng nhiệt, ban đỏ ở trẻ em, nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn Streptococcus pyogenes.
  • Triệu chứng: sốt cao, lưỡi đỏ nổi gai giống dâu tây (lưỡi dâu tây) dẫn đến sưng tấy các nhú trên bề mặt lưỡi.

Tóm lại, lưỡi bị bệnh sẽ có sự thay đổi về màu sắc, hình dạng hay các tổn thương trên bề mặt. Để phòng ngừa các bệnh lý ở lưỡi nên vệ sinh khoang miệng đúng cách, kiểm tra sức khỏe ngay khi thấy có các thay đổi bất thường ở lưỡi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

65.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan