Cây sắn thuyền có tác dụng gì?

Cây sắn thuyền hay trong dân gian còn được gọi là cây sắn sàm thuyền. Theo những tài liệu cổ của Y Học Cổ Truyền, cây sắn thuyền có vị đắng chát, tính mát; có tác dụng thu sáp, kháng khuẩn, tiêu viêm, làm lành vết thương nhanh chóng. Lá sắn thuyền thường được dùng để sát khuẩn vết thương, điều trị những vết thương phần mềm, tiêu chảy và bệnh bạch đới.

1. Đặc điểm chung về cây sắn thuyền

1.1. Mô tả thực vật

  • Cây sắn thuyền là một cây có thân dạng thẳng đứng, hình trụ, có thể cao tới khoảng 15m. Cành cây khá nhỏ gầy và dài, lúc đầu dẹt sau hình trụ, vỏ gỗ có màu nâu nhạt, khá nhăn nheo.
  • cây sắn thuyền mọc đối, hai đôi lá gần nhau mọc theo hai hướng thẳng góc với nhau, phiến lá hình mác thuôn nhọn ở góc, nhọn tù ở đỉnh, dài khoảng 6-9cm, rộng 2-4,5cm, lá có màu đen nhạt ở trên khi khô, mặt phía dưới nhạt có những điểm hạch hình điểm.
  • Cụm hoa mọc ở vị trí những kẽ lá rụng hay chưa rụng, thành chùy dài 2-3cm, thư hợp thành nhóm dài 20cm, trục gầy nhỏ, tận cùng bởi 3 hoa không có cuống. Nụ hoa có hình lê, gần giống hình cầu dài khoảng 3-4mm, rộng 2,5-3mm.
  • Mùa thu, cây sắn thuyền ra quả thành từng chùm như chùm hoa vối, khi chín có màu tím đỏ, có vị ngọt, chan chát. Lá cây non còn được dùng ăn gỏi.

1.2. Phân bố

Cây sắn thuyền mọc hoang dại và được trồng ở gần như khắp các tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hoà Bình, Nam Định,...

1.3. Bộ phận dùng làm dược liệu, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng làm dược liệu là lá và vỏ cây. Thông thường người ta chỉ dùng lá sắn thuyền tươi đem về giã nát để đắp lên vị trí vết thương. Hiện nay, các nhà Dược học vẫn đang được nghiên cứu về dạng bào chế phơi khô tán bột.

Bên cạnh đó, người dân cũng dùng lá non và quả của cây sắn thuyền để ăn, lấy vỏ để xàm thuyền và kết hợp với củ nâu để nhuộm lưới.

cây sắn thuyền
Cây sắn thuyền với đặc điểm nhận dạng chùm quả có màu tím đỏ

2. Cây sắn thuyền có tác dụng gì?

2.1. Thành phần hóa học

  • Lá sắn thuyền chứa nhiều tinh dầu, chất nhựa, chất nhầy và tanin.
  • Quả chứa nhiều phenol, các glycosid.
  • Hoa có chứa thành phần kaempferol và các hợp chất triterpen.

2.2. Tính vị, công năng

Vỏ và lá sắn thuyền có vị đắng, hơi chát, tính mát, vào các kinh tràng và vị. Tác dụng là thu sáp, cầm tả lỵ.

2.3. Tác dụng dược lý

  • Lá sắn thuyền đem giã nhỏ và trộn với muối hoặc không có thêm muối và thêm nước, điều có tác dụng ức chế vi khuẩn tương tự như một số thuốc kháng sinh thường dùng đối với chủng vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Pyogenes và Bacillus proteus.
  • Lá sắn thuyền tươi giã nát đắp lên vết thương thực nghiệm có tác dụng làm se lại vết thương, chống nhiễm trùng, hỗ trợ tổ chức hạt mọc nhanh, toàn trạng con vật thí nghiệm mạnh khoẻ. Bột lá sắn thuyền khô mịn cũng có tác dụng tương tự.
  • Tăng khả năng cho quá trình thực bào đối với viêm của lá sắn thuyền, lá có tác dụng mạnh với bạch cầu tới ổ viêm, thúc đẩy nhiều tế bào đơn phân Plasmoxit, fibrôxit, tế bào sao, lymphoxit... tạo thành kháng thể mạnh hơn nên có khả năng chống lại các tác nhân gây viêm, kích thích tổ chức hạt và làm vết thương chóng liền.
  • Tác dụng giãn mạch tại chỗ trên tai thỏ, giãn mạch tại chỗ.
cây sắn thuyền
Lá cây sắn thuyền có một số tác dụng trong Y Học Cổ Truyền

3. Những bài thuốc từ cây sắn thuyền

  • Điều trị vết thương phần mềm và chống nhiễm khuẩn:

Sau cầm máu (nếu có chảy máu), bạn rửa sạch vết thương lấy một nắm lá sắn thuyền tươi, bỏ cọng, rửa sạch, giã nhỏ đắp lên vết thương, băng lại. Sau hai ngày, bạn lại thay băng một lần. Một cách làm khác, bạn có thể lấy lá sắn thuyền, bỏ cọng, phơi khô, giã nhỏ, rây mịn, khi dùng rắc lên vết thương, không phải băng. Về mùa hè, bạn có thể sử dụng dưới dạng bột tốt hơn vì rắc được khắp kẽ vết thương; vết thương không băng kín nên thoáng, chóng lành. Nguyên nhân là do cây sắn thuyền tươi giã nát đắp lên vết thương có tác dụng làm se lại vết thương, chống nhiễm trùng, tổ chức hạt mọc nhanh, làm vết thương chóng liền. Bột lá sắn thuyền khô mịn cũng có tác dụng tương tự khá tốt.

  • Chữa tiêu chảy do nóng:

Chuẩn bị: Lá sắn thuyền 50g, hoa chuối tiêu 1 cái, nam mộc hương 100g, sắn dây 150g, hạt dành dành 100g.

Thực hiện: đem mộc hương, sắn dây, sắn thuyền sao giòn tán bột. Hoa chuối tiêu thái mỏng phơi khô, để một đêm phơi sương sau đó sao giòn, tán bột. Bạn lấy các thứ bột vừa tán trộn lại, rây mịn. Người lớn cho dùng với liều lượng 100g/ngày chia làm 2 lần uống. Trẻ em tùy theo độ tuổi từ 50g/ngày chia 2 - 3 lần uống.

  • Đầy bụng, chướng bụng, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng:

Chuẩn bị: Lá sắn thuyền non một nắm

Thực hiện: Đem lá sắn thuyền giã nhỏ đun với nước cho uống. Ngày uống 2 lần, uống liên tục trong 2 - 3 ngày.

  • Chữa bệnh bạch đới:

Chuẩn bị: Vỏ sắn thuyền 30g, búp ổi 30g, rễ cỏ tranh 30g.

Thực hiện: Sắc thuốc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống 5 - 7 ngày là một liệu trình.

  • Đau rát họng do viêm họng:

Chuẩn bị: Lá sắn thuyền, lá nhọ nồi, mỗi thứ một nắm nhỏ.

Thực hiện: Đem các nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt rồi pha thêm 20ml mật ong, quấy đều, ngậm và súc họng trước khi đi ngủ. Bài thuốc này có tác dụng rất tốt trong giảm đau họng.

Tuy nhiên, những bài thuốc ở trên chủ yếu là do kinh nghiệm dân gian. Khi mắc bệnh, bạn hãy đến bệnh viện có khoa Y Học Cổ Truyền để các bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan