Cây tất bạt có tác dụng gì?

Cây tất bạt còn được gọi là tiêu lốt, được xem là “thần dược” dân gian giúp trị chứng đau bụng, buồn nôn và sâu răng. Bông và rễ của cây thường được phơi hoặc sấy khô, sau đó dùng mỗi ngày 2-4g dưới dạng thuốc sắc hay tán bột.

1. Đặc điểm cây tất bạt

Cây tất bạt có tên khoa học là Fructus Piperis Longi, thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae). Đây là loại cây mọc hoang nhiều ở miền Bắc và miền Nam nước ta, đồng thời cũng được trồng ở Ấn Độ, Philippin, Indonesia và Quảng Đông, Vân Nam (Trung Quốc).

Hình ảnh cây tất bạt có đặc điểm: cây bò ở phần gốc, cành mang hoa đơn tính, mọc thành bông đực hoặc bông cái, thẳng đứng không lông. Lá cây có cuống ngắn hơi phủ lông, phiến lá hình trứng thuôn, hơi nhọn ở đỉnh, hình tim ở gốc lá. Cây cũng ra quả mọng, ra hoa vào tháng 3.

Để làm thuốc dân gian thường thu hái những chùm quả xanh dính vào nhau gọi là Fructus Piperis longi, sau đó đem phơi hay sấy khô để làm thuốc. Ngoài ra có người còn dùng cả những rễ nhỏ (đường kính khoảng 3-4mm) phơi hay sấy khô và cho rằng rễ còn tác dụng nhanh hơn là bông.

Cây tất bạt
Cây tất bạt được dùng để làm thuốc trong Y Học Cổ Truyền

2. Cây tất bạt có tác dụng gì?

Trong cây tất bạt có chứa có tinh dầu với các thành phần chủ yếu là: Piperine, palmitic acid, sesamin, tetrahydropiperine, N-Isobutyl-deca-trans-2-trans-4-dienamide, trong rễ có pipeartin, piperlongumine.

Cây tất bạt vốn có tính đại ôn, vị cay tác dụng vào hai kinh vị và đại tràng nên có công dụng ôn trung, tán hàn, hạ khí và chỉ thống. Do vậy cây thường được dùng để chữa đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, ngoài ra còn trị nhức đầu, chảy nước mũi, viêm tuyến vú và đau do sâu răng.

Cây tất bạt có tác dụng dược lý như sau:

  • Tính kháng khuẩn: Tinh dầu trong cây tất bạt có tác dụng ức chế các loại tụ cầu vàng, trực khuẩn Bacillus subtilis, vi khuẩn Bacillus cereus, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn lỵ;
  • Dịch tất bạt nếu chích vào màng bụng có tác dụng hạ thân nhiệt của chuột;
  • Hoạt chất Piperine có tác dụng chống co giật;
  • Thuốc từ cây tất bạt có tác dụng giãn mạch ở da, nên lúc uống thuốc người bệnh thường có cảm giác nóng toàn thân;
  • Trên thực nghiệm thuốc có tác dụng chống thiếu máu cơ tim, tăng sức chịu đựng của người bệnh đang trong trạng thái thiếu dưỡng khí, chống rối loạn nhịp tim (chủ yếu từ thành phần tinh dầu).
Cây tất bạt
Cây tất bạt cần được sơ chế trước khi đưa vào sử dụng trị bệnh

3. Bài thuốc ứng dụng thực tiễn từ cây tất bạt

Công dụng của cây tất bạt đã được đề cập nhiều trong Đông Y, trong đó nổi bật các đặc tính sau:

  • Trị chứng chảy nước mũi: Tán nhỏ tất bạt thành bột mịn thổi vào mũi;
  • Chữa đau đầu (thiên đầu thống): Tán nhỏ tất bạt thành bột mịn. Bảo người bệnh ngậm một ngụm nước nóng, đau đầu bên nào thì dùng mũi bên đó hít khoảng 0,4g bột tất bạt;
  • Chữa sâu răng: Đem tất bạt tán mịn với hồ tiêu, thêm ít sáp ong rồi vê thành các viên nhỏ bằng hạt vừng. Cho vào vị trí răng đau 1-2 hạt này để trị sâu răng.
  • Chữa đau bụng, nôn, tiêu chảy do tỳ vị hàn: Phối với Cao Lương khương hoặc dùng mỗi bột tất bạt uống với nước cơm. Nếu tiêu chảy kéo dài thì phối tất bạt với Đảng sâm, Bạch truật, Can khương, Nhục quế để điều trị.

Nhìn chung, để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa công dụng khi sử dụng cây tất bạt, người bệnh cần trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cách dùng phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan