Do sự lão hóa của cơ thể mà sự vận động của người già sẽ kém, nguy cơ ngã ở người cao tuổi là rất cao và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đa số là những chấn thương lớn cho da và xương, cùng với bệnh kèm theo nên rất khó hồi phục.
1. Nguyên nhân gây ngã ở người cao tuổi
1.1 Lão hóa
Quá trình lão hóa ở người cao tuổi dẫn tới những thay đổi sinh lý như tổ chức liên kết mất tính mềm mại, khối cơ giảm dần, thị lực giảm, dẫn truyền thần kinh chậm và giảm cảm thụ bản thể. Những thay đổi này dẫn tới giảm hoạt động của cơ lực và các khớp, thời gian phản ứng kéo dài, tăng tình trạng dao động tư thế và kém nhận biết những chỗ lồi lõm. Đây chính là lý do người già đi chậm, bước chân ngắn, và dễ vấp ngã hay trượt chân sau một động tác dịch chuyển đột ngột.
1.2 Bệnh lý kèm theo
- Một số bệnh lý đặc trưng ở nhóm tuổi này đó là cứng khớp, co cứng cơ, yếu cơ, giảm hoặc mất cảm giác. Thoái hóa khớp là một trong những bệnh phổ biến thường gặp ở người cao tuổi, gây cản trở hoạt động của khớp và kèm theo đau, biến dạng khớp.
- Yếu cơ cũng là một trong những tình trạng phổ biến, do các cơ ít vận động gây giảm độ cao và chiều dài của bước chân, giảm tốc độ và mất tính ổn định.
- Tai biến mạch máu não và parkinson là nguồn gốc của những bất thường có ảnh hưởng đến dáng đi như yếu cơ, co cứng cơ, run, giảm cảm giác và nhận thức bản thể.
- Bệnh lý tim mạch: như hạ huyết áp tư thế, hạ huyết áp sau ăn, rối loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền,... khiến cho người bệnh cảm thấy chóng mặt khi thay đổi tư thế, nhất là khi đứng lên đi lại.
1.3 Môi trường
Những tai nạn liên quan đến môi trường chiếm tới 30-50%. Những yếu tố thường gặp như:
- Quần áo: quần áo, giày dép không vừa
- Nội thất: ghế ngồi quá cao hoặc quá thấp, nhà có nhiều lối rẽ, thảm trải hay dây điện
- Yếu tố nguy cơ khác: ánh sáng không đủ, sàn nhà ẩm, trơn, bồn tắm trơn trượt, bồn cầu không thích hợp,...
Ngoài ra, rượu cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ngã, chấn thương nặng do người bệnh mất thăng bằng.
1.4 Thuốc
Một số loại thuốc như:
- Thuốc ngủ, thuốc an thần: gây buồn ngủ và vụng về
- Thuốc hướng tâm thần: có thể gây lú lẫn
- Thuốc chống co giật: được sử dụng để điều trị bệnh động kinh, và có thể làm giảm phản xạ, tăng nguy cơ ngã ở người bệnh.
2. Hậu quả té ngã ở người cao tuổi
Hậu quả té ngã ở người cao tuổi thường rất nghiêm trọng, gây ra những chấn thương lớn cho da và xương. Ngã chính là một trong những nguyên nhân gây tàn phế ở người cao tuổi.
- Chấn thương: chiếm khoảng 5% và dẫn tới gãy xương. Chấn thương thường gặp như gãy cổ xương đùi, tụ máu ngoài da, thậm chí là tụ máu não.
- Chức năng: người cao tuổi bị ngã mất đi sự tự tin kèm theo hạn chế vận động, do đó các hoạt động thường ngày sẽ giảm dần. Chất lượng cuộc sống sẽ giảm nếu phải phụ thuộc vào các hoạt động chức năng.
- Tinh thần: những người từng bị ngã thường lo lắng, sợ hãi sẽ bị ngã tiếp, một số trường hợp nặng có thể trầm cảm, cô đơn, cảm giác bất lực, hay hội chứng căng thẳng sau chấn thương, thậm chí là mê sảng.
3. Đánh giá nguy cơ ngã ở người cao tuổi
Để đánh giá nguy cơ ngã của người cao tuổi, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng như các dấu hiệu sinh tồn, hệ thần kinh, cơ xương khớp, tim mạch,... Việc đánh giá tổng thể tình trạng bệnh nhân là rất quan trọng, và đồng thời phát hiện những bệnh lý đi kèm cũng như các yếu tố nguy cơ để có hướng điều trị kịp thời.
Sau đó đánh giá chức năng của người bệnh bao gồm chức năng thăng bằng, đi lại, vận động và các sinh hoạt hàng ngày. Cuối cùng là hoàn cảnh sống của bệnh nhân như sống một mình hay ở với con, hoặc ở viện dưỡng não,... nội thất trong nhà, người chăm sóc,...
4. Phòng chống nguy cơ ngã ở người cao tuổi
Để phòng ngừa nguy cơ ngã ở người cao tuổi, trước tiên phải giải quyết những vấn đề bệnh lý đi kèm nếu có. Nếu bệnh nhân mắc những bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường,.. thì cần kiểm tra những biến chứng có thể dẫn tới nguy cơ té ngã.
Loại bỏ những yếu tố nguy cơ do môi trường gây ra như thảm, sàn nhà, dây điện, đèn mờ, cầu thang, dày dép,... nhằm giảm thiểu tối đa những nguy cơ có thể gây ngã.
Duy trì lối sống lành mạnh giúp xương chắc khỏe, cơ thể dẻo dai ở người cao tuổi như:
- Tập thể dục hàng ngày: tăng sức cơ, khớp dẻo dai và kích thích các hệ thống kiểm soát thăng bằng và vận động. Ở người cao tuổi có thể tham gia lớp học khiêu vũ, tập dưỡng sinh,...
- Ăn uống lành mạnh: Bổ sung vitamin D, sắt và các loại thực phẩm giàu protein và tinh bột. Hàng ngày cần phải uống đủ nước để tránh mất nước. Không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, nhằm phát hiện sớm những nguy cơ để phòng ngừa kịp thời.
Tóm lại, nguy cơ té ngã ở người cao tuổi là rất cao do sự lão hóa tuổi già, và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, người cao tuổi cần được thăm khám sức khỏe thường xuyên nhằm phát hiện những bệnh lý và yếu tố nguy cơ gây té ngã để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.