Phục hồi chức năng liệt nửa người sau tai biến, chấn thương sọ não

Di chứng liệt nửa người thường ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, việc điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến, chấn thương sọ não là việc rất quan trọng, để giúp họ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

1. Liệt nửa người sau tai biến, chấn thương sọ não là gì?

Liệt nửa người là di chứng để lại sau khi bị tai biến mạch máu não hoặc chấn thương sọ não. Người bệnh bị liệt 1 tay, 1 chân và thân người cùng 1 bên (có thể liệt mặt hoặc không). Tùy vào từng nguyên nhân, các triệu chứng liệt nửa người có thể khác nhau, bao gồm:

  • Liệt: 1 tay, 1 chân cùng bên. Ban đầu sẽ là liệt mềm rồi chuyển sang liệt cứng với tăng trương lực cơ, tăng phản xạ gân xương;
  • Rối loạn cảm giác: Gây tê, đau, rát, giảm hoặc mất cảm giác ở bên bị liệt;
  • Rối loạn tri giác: Vật vã, kích thích hoặc dẫn đến hôn mê...;
  • Rối loạn tâm thần: Có thể xuất hiện hoặc không;
  • Rối loạn ngôn ngữ: Tùy thuộc vào vùng mà não bị tổn thương sẽ gây thất ngôn (không nói được) hoặc nói ngọng, nói khó, mất khả năng hiểu hoặc khả năng diễn đạt ngôn ngữ;
  • Rối loạn thị giác: Mất thị giác ở 1 hoặc cả 2 mắt.

2. Mục đích phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị liệt nửa người sau tai biến, chấn thương sọ não giúp:

  • Theo dõi và kiểm tra khả năng phục hồi chức năng bên liệt của người bệnh.
  • Đề phòng các vết thương và thương tật phát sinh sau khi liệt.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây hại cho cơ thể người bệnh.
  • Phục hồi hoạt động các vùng bị liệt để giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi trạng thái bất động tại giường.

3. Các biện pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị liệt nửa người

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người phải được bắt đầu càng sớm càng tốt. Mỗi giai đoạn có những kỹ thuật và biện pháp cụ thể khác nhau.

3.1. Đối với người bệnh phải phụ thuộc hoàn toàn

Mục đích: Phòng loét, chống biến chứng co cứng cơ, cứng khớp, teo cơ, tập vận động và hoạt động cho người bị liệt.

Kỹ thuật:

a) Tư thế chống người bệnh co cứng cơ

Bố trí giường: Đặt người bệnh nằm ở phía ngoài giường, bên không liệt hướng về phía tường.

Tư thế người bệnh:

  • Nằm nghiêng bên bị liệt: tay liệt khớp vai gấp 90 độ, khớp khuỷu duỗi, chân liệt duỗi, chân không bị liệt gấp 90 độ ở khớp háng và khớp gối.
phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người

  • Nằm nghiêng bên không bị liệt: Tay bị liệt gấp khớp vai 90 độ có gối đỡ, chân liệt gấp khớp gối, có gối đỡ phía dưới.
phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người

  • Nằm ngửa: Gối đỡ dưới đầu, vai và tay bên liệt có gối đỡ để có thể đưa khớp vai ra trước, tay liệt có thể duỗi theo chân hoặc duỗi lên quá đầu.
phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người

b) Phòng và chống biến chứng do bất động

  • Với tư thế nằm: Cần phải thường xuyên được thay đổi. Mỗi ngày cần thay đổi từ nằm nghiêng, nằm sấp, nằm ngửa, ngồi dậy và đứng lên. Thông thường, các tư thế ngồi và đứng rất quan trọng trong quá trình lưu thông tuần hoàn máu và bạch huyết. Trường hợp không thể ngồi hoặc đứng được, người nhà có thể sử dụng các loại giường bệnh hoặc bàn dốc với các góc nghiêng khác nhau cho phù hợp tình trạng của người bệnh.
  • Với các bài tập thụ động: Nhân viên y tế hoặc người nhà có thể tiến hành vận động thụ động bằng các động tác xoa bóp và tập theo khả năng vận động các khớp của bệnh nhân.
  • Với các bài tập chủ động: Việc tự tập cần tiến hành càng sớm càng tốt, bắt đầu từ việc tự xoa bóp, tự vận động các khớp bên không bị liệt, tự cử động khớp bên bị liệt, tự xoay mình, tập thở. Nên khuyến khích người bệnh tự mình hoặc nhờ sự trợ giúp để có thể ngồi dậy, thoát ly khỏi giường càng sớm càng tốt.

c) Duy trì tập vận động khớp

  • Phương pháp xoa bóp: Tiến hành xoa bóp các chi, từ ngọn chi đến gốc chi.
  • Duy trì vận động thụ động các khớp bằng các bài tập đơn giản, cơ bản.
  • Hướng dẫn và khuyến khích người bệnh tự tập bằng cách sử dụng bên tay/chân lành đỡ tay/chân bị liệt.

3.2 Đối với người bệnh liệt sau tai biến chỉ phụ thuộc một phần

Bệnh nhân có thể tập ngay sau khi bị đột quỵ hay chấn thương càng sớm càng tốt bởi trì hoãn vận động khiến cho các chi không bị liệt sẽ yếu dần đi vì không được hoạt động và sẽ tạo ra thói quen lệ thuộc vào người khác, chán nản tình trạng của bản thân.

Giai đoạn nằm tại giường:

  • Người bệnh cũng nên tập thụ động để duy trì được tầm hoạt động hoàn toàn của tay chân bị liệt khoảng 2 lần/ngày. Nếu liệt mềm, không nên kéo dài xương khớp vai mạnh vì nó dễ bị gãy khi không có sức mạnh của cơ thể bảo vệ.
  • Tư thế của người bệnh: Vị trí đúng khi nằm trên giường rất quan trọng cho đến khi người bệnh có thể tự mình di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Hướng dẫn người bệnh cách chuyển động như sau để không gây ra các hiện tượng lở loét da và duy trì được sức mạnh của cơ thể:
    • Nằm nghiêng bên liệt: Dùng tay không liệt nắm cạnh giường bên liệt, sau đó sử dụng chân không liệt để tự quay mình.
    • Nằm nghiêng bên không liệt: Nắm chắc cạnh giường bên ấy với tay không liệt. Lưu ý, trước khi quay, người bệnh phải đặt tay liệt lên bụng và dùng chân không liệt luồn dưới cổ chân liệt, như vậy sẽ giúp đỡ nâng sức nặng của chân liệt.
    • Ngồi dậy: Người bệnh có thể dựa vào một sợi dây cột ở cuối giường để có thể tự kéo mình ngồi lên. Hoặc có thể ngồi dậy bằng cách quay người về phía bên không liệt và chống tay không liệt để nâng người ngồi dậy. Tuy nhiên, cần phải chú ý đặc biệt đến việc giữ thăng bằng của cơ thể khi ngồi.
phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người

    • Nằm nghiêng bên không liệt: Nắm chắc cạnh giường bên ấy với tay không liệt. Lưu ý, trước khi quay, người bệnh phải đặt tay liệt lên bụng và dùng chân không liệt luồn dưới cổ chân liệt, như vậy sẽ giúp đỡ nâng sức nặng của chân liệt.
phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người

    • Ngồi dậy: Người bệnh có thể dựa vào một sợi dây cột ở cuối giường để có thể tự kéo mình ngồi lên. Hoặc có thể ngồi dậy bằng cách quay người về phía bên không liệt và chống tay không liệt để nâng người ngồi dậy. Tuy nhiên, cần phải chú ý đặc biệt đến việc giữ thăng bằng của cơ thể khi ngồi.
phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người

Giai đoạn đứng dậy:

Khi người bệnh có thể đi đến phòng tập phục hồi chức năng, việc tập đứng, giữ thăng bằng là quan trọng nhất. Dưới đây là cách bắt đầu tập đứng:

  • Người bệnh ngồi trên một cái ghế vững chắc đặt ở giữa 2 trụ song song. Nếu ngồi trên một chiếc xe lăn thì cần phải khóa hai bánh xe lại trước khi đứng lên. Người bệnh cần được luyện tập dùng tay không liệt nắm chặt vào thanh cây để đứng lên và ngồi xuống.
  • Sau đó, tập cho người bệnh biết đứng, giữ thăng bằng với sức nặng của cơ thể chi phối đều lên cả 2 chân. Vài lần đầu nên dùng tay không liệt để nắm nhưng sau khi quen dần và tiến bộ thì không nên sử dụng tay nữa.
  • Khi người bệnh có thể giữ thăng bằng tốt thì họ nên bắt đầu tập đi bộ trong hai trụ song song và dùng tay không liệt để giữ cho chắc. Sau đó, để tiến bộ hơn, người bệnh có thể đi bộ bên ngoài hai trụ với cây chống càng sớm càng tốt.
  • Đối với người bệnh có tình trạng liệt trầm trọng thì khi đứng lên, chân liệt sẽ bị co lại tại hông và gối. Vì vậy, với những người bệnh này khi đứng lên cần phải đợi một chút rồi mới bước đi, dần dần chân liệt sẽ giãn nghỉ và thẳng ra, sau đó mới có thể bắt đầu đi một cách vững vàng.
  • Với người thân, bạn bè chăm sóc người bệnh nên nhớ, người liệt bán thân sẽ có xu hướng ngã về phía bên bị liệt. Chính vì vậy, khi giúp người bệnh luyện tập, lúc nào cũng cần phải đứng ở phía bên liệt của bệnh nhân để phòng cho trường hợp họ bị ngã.

Lên xuống cầu thang:

Đây là một cách tập hiệu quả để tăng thêm sức mạnh và điều hòa cho thân liệt, kèm theo đó là rèn luyện hô hấp và tim mạch, cụ thể:

  • Khi đi lên cầu thang: Bước chân không liệt lên trước và bước chân liệt lên sau. Tay không liệt cần nắm chặt lan can để giữ cho cơ thể vững. Nếu cầu thang không có lan can thì nên cầm cây chống ở tay không liệt, chống cây lên bậc trước đồng thời với chân liệt bước lên.
  • Khi đi xuống cầu thang: Tương tự với cách đi trên.

Động tác thường ngày:

Song song với việc tập trị liệu, người bệnh cũng nên tự làm các động tác thường ngày. Cơ thể liệt 1 bên vẫn có thể ăn, mặc quần áo, viết chữ... với một cánh tay. Nếu bị liệt đúng cánh tay thuận thì ban đầu làm các động tác này chậm và vụng về hơn, khi kiên trì luyện tập sẽ trở nên tiến bộ và thành thạo.

Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp sử dụng các loại thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên như: Thiên ma, thạch tùng răng, đinh lăng,... có tác dụng giúp phục hồi chức năng não bộ; cải thiện tình trạng liệt nửa người, đẩy nhanh quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến, chấn thương sọ não.

Lưu ý: Với trường hợp liệt nửa người nặng, người bệnh có thể thay đổi tâm sinh lý một cách vô cớ, có thể khóc và cười mà không rõ lý do và có những hành động thiếu tự chủ. Người thân, bạn bè không nên để ý đến những hành động bất thường đó mà cần kiên nhẫn, chờ người bệnh có thời gian bình phục trở lại.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên về phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau tai biến, chấn thương sọ não sẽ giúp cho bệnh nhân và người thân đang đồng hành cùng quá trình tập luyện sẽ có thêm kiến thức và niềm tin về kết quả phục hồi tốt đẹp. Tuy nhiên, các kết quả đáp ứng với các liệu trình điều trị này sẽ khác nhau vì còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Người bệnh nên làm theo đúng lời chỉ dẫn của bác sĩ và kiên trì luyện tập để có kết quả phục hồi tốt nhất cho mình.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan