Các biểu hiện trúng gió bạn cần biết

Trúng gió là tên gọi của nhóm bệnh thời khí do sự thay đổi thời tiết trong Đông y. Còn trong Tây y, trúng gió được gọi là cảm mạo, thường gặp trong mùa lạnh. Vậy biểu hiện bị trúng gió ra sao và cách xử trí như thế nào?

1. Trúng gió có biểu hiện gì?

Trong thời tiết giao mùa, khi nhiệt độ thay đổi nhanh, áp thấp nhiệt đới, mưa bão hoặc gió lạnh tác động đột ngột vào cơ thể con người qua đường thở hoặc lỗ chân lông sẽ dẫn tới tình trạng bị trúng gió. Thường thì những người có tiền sử tăng huyết áp, hạ đường huyết dễ trúng gió hơn.

Người bị trúng gió thường giống cảm cúm với các triệu chứng như:

  • Ớn lạnh sống lưng, đau vai gáy.
  • Trúng gió méo miệng: Người bị trúng gió thường méo miệng, mắt chỉ còn lộ lòng trắng (do liệt cơ khép vòng mi khiến nhãn cầu bị đẩy lên), không nhắm được mắt, miệng và nhân trung méo về phía bên lành, chảy nước miếng, nước mắt và nói cười khó khăn.
  • Hắt hơi và sổ mũi.
  • Chóng mặt và nhức đầu.
  • Nôn mửa.
  • Nặng hơn có thể vẹo cổ, liệt dây thần kinh VII ngoại vi, đau thắt lưng cấp và liệt nửa người gây nguy hiểm đến tính mạng.

2. Xử trí thế nào khi bị trúng gió?

Khi bệnh nhân có biểu hiện trúng gió mà không được xử trí kịp thời thì có thể để lại di chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của nhiều bộ phận trên cơ thể. Một số cách điều trị trúng gió gồm có:

Theo Đông y:

  • Làm ấm cơ thể bằng cách uống trà gừng hoặc nước ấm hoà gừng tươi giã nát.
  • Giữ ấm lòng bàn chân bằng cách xoa dầu nóng.
  • Ăn cháo hành nóng hoặc tía tô khi người bệnh tỉnh táo và phục hồi.
  • Thoa dầu nóng ở vị trí thái dương, đầu mũi, sau tai, cổ và huyệt nhân trung.
  • Khi trúng gió mà bất tỉnh thì người khác có thể dùng ngón tay bấm vào huyệt nhân trung, kê cao chân của người bệnh và đề đầu thấp làm tăng lưu lượng máu lên não.
  • Tránh tuyệt đối gió lạnh và giữ ấm cơ thể người bệnh.
  • Cạo gió, giác hơi để trị trúng gió nhưng phương pháp này không phù hợp với người cao huyết áp hoặc phụ nữ mang thai.

Theo Tây y:

  • Thường sẽ sử dụng các loại thuốc nhằm điều trị các biểu hiện của trúng gió.
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, paradol,...
  • Thuốc tăng đề kháng như vitamin C.

3. Phòng ngừa trúng gió như thế nào?

Một số lưu ý và biện pháp nhằm phòng ngừa trúng gió gồm có:

  • Tránh ngồi trước luồng khí lạnh điều hoà, gió lạnh.
  • Thường xuyên vận động vai, gáy, cổ để lưu thông máu, đội thêm mũ mỏng, quàng khăn cổ khi trời lạnh để tránh choáng váng khi di chuyển.
  • Khi mới xuống xe hơi bật điều hoà thì cần đứng giữa cửa xe và bên ngoài một lúc để cơ thể thích nghi với nhiệt độ rồi mới ra khỏi xe, tránh sốc nhiệt.
  • Mặc đủ ấm khi trời lạnh, đặc biệt là đối tượng có cơ địa hàn và cơ thể suy yếu. Khi ngủ hay tắm cũng nên tránh nơi có nhiều cửa sổ và chỗ gió lùa.
  • Người cao tuổi cần hết sức cẩn thận với thay đổi thời tiết đột ngột vì đều có thể kích hoạt thần kinh giao cảm và xuất tiết hormon stress như catecholamine dẫn tới tai biến do tăng huyết áp. Ngoài ra, trời lạnh còn làm tăng hiệu ứng trên do tác động se da và co mạch ngoại biên.
  • Khi tỉnh giấc cần nằm trên giường vài phút để tỉnh hẳn rồi mới xuống giường.
  • Vận động khoảng 3 giờ mỗi tuần chia làm nhiều lần tuỳ vào điều kiện thời gian. Người lớn tuổi chỉ nên vận động trung bình hoặc đi bộ nhanh sao cho nhịp tim không vượt quá 136 nhịp/phút.
  • Không nên uống rượu chống lạnh vì cồn làm cơ thể nóng lên nhưng khi giải rượu sẽ bị lạnh.
  • Nếu tắm cần tránh nơi gió lùa, lau khô người nhanh nhất có thể để không bị mất nhiệt và nhiễm lạnh.

4. Người bị trúng gió nên ăn gì?

Sức khoẻ của người vừa trúng gió thường rất kém, cần chú trọng đến việc ăn uống để cơ thể phục hồi nhanh. Một số loại thực phẩm ưu tiên sử dụng ở người vừa trúng gió gồm có:

  • Gừng: Giúp làm ấm cơ thể, lưu thông mạch máu, kháng viêm, giảm đau nhức. Kết hợp gừng với mật ong hoặc chanh có thể làm tăng hiệu quả.
  • Cam: Là loại hoa quả giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể. Người bị cảm lạnh có thể ăn cam hoặc uống nước cam vắt sau khi trúng gió để cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn.
  • Cháo hành, cháo tía tô nóng: Vì trong hành lá và tía tô chứa nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe, hơn nữa có thể mới ốm dậy còn yếu và ăn cháo sẽ hỗ trợ dạ dày tiêu hoá tốt hơn, nhẹ nhàng hơn. Từ đó giúp cơ thể nhanh chóng được phục hồi.

Tóm lại, bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị trúng gió. Do vậy cần biết được những biểu hiện của tình trạng này để có thể nhận biết sớm nhất và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

329K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan