Công dụng của Amoni clorid

Amoni clorid là một thuốc bổ sung điện giải, đồng thời điều trị tình trạng ho. Việc sử dụng loại thuốc này cần tuân thủ đúng liều lượng khuyến cáo vì những nguy cơ gặp phải khi dùng quá liều là tương đối nghiêm trọng.

1. Amoni clorid là thuốc gì?

Ammonium chloride hay gọi tắt là amoni clorid được xếp vào nhóm hoạt chất bổ sung điện giải và long đờm. Dạng bào chế và hàm lượng của thuốc amoni clorid bao gồm:

  • Dung dịch thuốc tiêm chứa 262.5 mg/ml (Ammonium 5 mEq/mL và chloride 5 mEq/mL) nồng độ 0.9%;
  • Dung dịch uống bao gồm hoạt chất Guaifenesin 32.5 mg/5 ml, amoni clorid 150mg/5ml và Ammonium carbonate 100mg/5ml.

2. Thuốc Amoni clorid có tác dụng gì?

Thuốc Amoni clorid được chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Giảm nồng độ Clo trong máu hoặc nhiễm kiềm chuyển hóa;
  • Điều trị ho.

Bên cạnh đó, thuốc amoni clorid có một số chống chỉ định như sau:

  • Rối loạn chức năng gan hoặc chức năng thận nghiêm trọng;
  • Các trường hợp kiềm chuyển hóa do nôn axit hydrochloric kèm theo mất natri do tăng bài tiết natri bicarbonat qua nước tiểu;
  • Người cơ địa nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc amoni clorid.
Amoni clorid
Amoni Clorid thuộc nhóm hoạt chất bổ sung điện giải và long đờm

3. Liều lượng và cách dùng Amoni Clorid

3.1. Liều lượng ở người trưởng thành

Liều dùng thuốc amoni clorid trong điều trị giảm clo trong máu hoặc nhiễm kiềm chuyển hóa:

  • Cách dùng amoni clorid: Để hạn chế tác dụng phụ và phản ứng kích ứng tại chỗ cần duy trì amoni clorid truyền tĩnh mạch chậm với tốc độ không vượt quá 5 mL/phút. Một số nghiên cứu khuyến cáo có thể truyền thuốc amoni clorid theo liều tính toán trong thời gian từ 12 đến 24 giờ;
  • Liều amoni clorid (mEq) theo công thức ước tính dựa trên sự thiếu hụt clo huyết=(0.2 x trọng lượng cơ thể) x (103 - clo huyết thanh). Sử dụng 50% hoặc toàn bộ liều tính toán này trong 12 đến 24 giờ, sau đó đánh giá lại. Trong đó, 0.2 là thể tích phân bố clorua ước tính (L/kg), 103 là nồng độ bình thường của clorua huyết thanh (mEq/L), trọng lượng cơ thể tính theo kg cân nặng;
  • Liều amoni clorid (mEq) theo công thức ước tính dựa trên sự dư thừa bicarbonat (nhiễm kiềm chuyển hóa, giảm clo máu kháng trị) = (0.5 x trọng lượng cơ thể) x (nồng độ HCO3- huyết thanh - 24). Sử dụng 50% liều tính được theo công thức trên trong thời gian 12 đến 24 giờ, sau đó đánh giá lại. Trong đó, 0.5 là thể tích phân bố bicarbonat ước tính (L/kg), 24 là nồng độ trung bình của bicarbonat huyết thanh (mEq / L), trọng lượng cơ thể tính theo kg.

Liều dùng của thuốc amoni clorid trong điều trị giảm ho: uống 10ml/lần, 3 - 4 lần trong ngày.

3.2. Liều dùng amoni clorid cho trẻ em

Đối với trẻ em cần pha loãng thuốc amoni clorid trước khi tiến hành truyền tĩnh mạch chậm để tránh tác dụng phụ và những kích ứng tại chỗ. Thời gian truyền thuốc nên kéo dài trên 3 giờ với tốc độ tối đa là 1 mEq/kg/giờ.

Các công thức sau đây sử dụng các phương pháp hiệu chỉnh khác nhau, ước tính dựa trên sự thiếu hụt clo máu, lượng dư thừa ion bicarbonate (HCO3-) hoặc base trong cơ thể. Các công thức sẽ cho ra liều sử dụng amoni clorid khác nhau, ở trẻ em chỉ cần dùng từ 1⁄2 đến 2⁄3 liều tính được và sau đó đánh giá lại.

Đối với đường truyền tĩnh mạch:

  • Liều amoni clorid (mEq) theo công thức ước tính dựa trên sự thiếu hụt clo máu=(0.2 x trọng lượng cơ thể) x (103 - clorua huyết thanh);
  • Liều amoni clorid (mEq) ước tính trên sự dư thừa bicarbonat (nhiễm kiềm chuyển hóa, giảm clo máu kháng trị) = (0.5 x trọng lượng cơ thể) x (HCO3- huyết thanh - 24);
  • Liều amoni clorid (mEq) thông qua phương pháp ước tính sự dư base = (0.3 x trọng lượng cơ thể) x lượng base dư.

Đối với đường uống (dữ liệu còn hạn chế về vấn đề lấy thuốc dạng tiêm để uống:

  • Vẫn tính liều sử dụng theo các công thức ở phần trên và điều chỉnh theo đáp ứng của từng trẻ, một số trường hợp có thể chia ra 4 lần uống mỗi ngày;
  • Do có sự khác biệt về sinh khả dụng giữa đường uống và đường tiêm tĩnh mạch nên có thể điều chỉnh liều amoni clorid uống cao hơn so với tính toán, sau đó theo dõi chặt chẽ kết quả xét nghiệm.

Liều dùng thuốc amoni clorid trong điều trị giảm ho:

  • Trẻ trên 12 tuổi: 10ml mỗi 3 - 4 lần trong ngày;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi không khuyến cáo sử dụng amoni clorid.

3.3. Liều lượng thuốc amoni clorid cho một số đối tượng khác

Liều lượng thuốc amoni clorid trong điều trị giảm clo huyết hoặc nhiễm kiềm chuyển hóa:

  • Suy thận hay suy gan mức độ nhẹ đến trung bình có thể không cần điều chỉnh liều nhưng cần thận trọng trong quá trình sử dụng;
  • Bệnh nhân lớn tuổi: Tham khảo liều ở người trưởng thành.
Amoni Clorid cần được sử dụng đúng liều lượng chỉ định
Amoni Clorid cần được sử dụng đúng liều lượng chỉ định

4. Tác dụng phụ của thuốc amoni clorid

Trong quá trình sử dụng amoni clorid có thể xảy ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Rối loạn tri giác như hôn mê, lú lẫn, thậm chí co giật khi truyền với tốc độ nhanh;
  • Khi sử dụng thể tích lớn có thể gây tăng thể tích máu;
  • Một số phản ứng tại chỗ tiêm truyền như đau, thoát mạch, huyết khối, nhiễm trùng hay viêm tĩnh mạch;
  • Sốt;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Đối với dạng uống có thể gây buồn nôn, nôn ói hay rối loạn tiêu hóa.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc amoni clorid

  • Bệnh nhân suy gan khi sử dụng amoni clorid có thể dẫn đến tình trạng tăng nồng độ amoniac, từ đó tăng nguy cơ bệnh não gan. Do đó chống chỉ định sử dụng cho các bệnh nhân suy gan nặng;
  • Khi sử dụng amoni clorid ở bệnh nhân suy thận dẫn đến tăng hình thành ure, gây tăng ure máu nên chống chỉ định tuyệt đối ở người suy thận nặng;
  • Thận trọng khi sử dụng cho người bị nhiễm toan hô hấp nguyên phát hoặc suy giảm chức năng phổi;

Dưới đây là những lưu ý riêng dành cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú khi sử dụng amoni clorid:

  • Những nghiên cứu về ảnh hưởng khả năng sinh sản trên động vật của amoni clorid chưa được thực hiện. Các nhà khoa học chưa biết về khả năng gây hại cho thai nhi của amoni clorid khi dùng cho phụ nữ mang thai hoặc những ảnh hưởng khả năng sinh sản. Do đó, trong các trường hợp thật sự cần thiết thì mới sử dụng amoni clorid cho đối tượng này;
  • Nguy cơ gây hại cho trẻ chưa được loại trừ khi sử dụng thuốc amoni clorid cho phụ nữ đang cho con bú.

Một số vấn đề liên quan đến quá liều amoni clorid:

  • Khi sử dụng quá liều khuyến cáo, amoni clorid có thể gây nhiễm toan chuyển hóa nghiêm trọng, mất định hướng, lú lẫn và hôn mê;
  • Do đó cần theo dõi chặt chẽ và phát hiện các dấu hiệu ngộ độc amoni clorid, bao gồm xanh xao, vã mồ hôi, thay đổi nhịp thở, chậm hay loạn nhịp tim, nôn khan, khát nước, đau đầu, buồn ngủ, giật cơ, co giật và hôn mê;
  • Cách xử lý khi quá liều: Sử dụng dung dịch kiềm hóa như natri bicarbonate hoặc natri lactat để điều chỉnh tình trạng nhiễm toan. Đồng thời sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng bất thường và hỗ trợ.

6. Tương tác của thuốc amoni clorid

Một số tương tác của amoni clorid với các thuốc khác đã được ghi nhận như sau:

  • Acyclovir, Amphotericin B làm giảm tốc độ bài tiết của amoni clorid, từ đó dẫn đến tăng nồng độ thuốc trong huyết thanh;
  • Amoni clorid có thể gây giảm nồng độ Amantadine, Mecamylamine huyết thanh;
  • Khi sử dụng đồng thời Amiodaron và amoni clorid có thể làm tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng tăng kali máu;
  • Amoni clorid làm giảm nồng độ Amphetamine trong huyết thanh. Tương tác này xuất phát từ việc amoni clorid kích thích tăng bài tiết amphetamine trong nước tiểu;
  • Amoni clorid khiến nồng độ trong huyết thanh của Chlorpropamide hay Salicylat tăng cao;
  • Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali có thể làm tăng tác dụng phụ của amoni clorid, cụ thể là nguy cơ nhiễm toan máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan