Công dụng thuốc Cindya

Cindya là thuốc được biết đến với công dụng điều trị các bệnh về mũi và họng. Thuốc được sử dụng bằng cách xịt vào mũi và họng khi có tình trạng viêm xảy ra. Ngoài ra, thuốc còn có công dụng nào khác và thành phần của thuốc là gì. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn đọc những thông tin về thuốc xịt Cindya.

1. Thuốc Cindya là gì?

Cindya là thuốc dùng trong điều trị các bệnh về mắt và tai- mũi- họng. Trong đó, thuốc được dùng nhiều nhất trong các bệnh về viêm mũi. Thuốc Cindya được bào chế dưới dạng dung dịch xịt mũi đóng trong lọ 15ml.

Thuốc được bào chế từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau, trong đó Oxymetazolin hydroclorid là thành phần chính hình thành nên công dụng của thuốc. Mỗi lọ Cindya 15ml có chứa 7,5mg Oxymetazolin hydroclorid. Ngoài ra, trong mỗi lọ thuốc còn có một lượng tá dược vừa đủ để kết hợp tạo nên công năng của thuốc.

Thông tin thành phần Oxymetazolin hydroclorid

Oxymetazolin hydroclorid là một dẫn xuất của imidazole, có cấu trúc và tác dụng dược lý tương tự naphazolin và xylometazolin. Chất này có tác dụng giống thần kinh giao cảm. Khi vào cơ thể, Oxymetazolin tác động lên các thụ thể alpha- adrenergic ở các tiểu động mạch của niêm mạc mũi, họng, mắt. Nhờ đó làm co mạch, giảm lưu lượng máu đến niêm mạc và giảm sung huyết. Mặt khác, Oxymetazolin còn có tác dụng làm thông lỗ vòi nhĩ đang bị tắc. Từ đó mà làm giảm tình trạng hắt hơi và sổ mũi ở người bệnh.

Sau khi xịt Oxymetazolin, thuốc sẽ có tác dụng ngay sau đó 5- 10 phút và duy trì trong 5-6 giờ rồi giảm dần trong khoảng 6 giờ tiếp theo. Do đó, người bệnh có thể thoải mái vận động mà không lo lắng tình trạng hắt hơi, sổ mũi sẽ xảy ra khi đang làm việc.

Nhờ vào công dụng giảm sung huyết, Oxymetazolin nói chung và thuốc xịt Cindya nói riêng thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Viêm mũi, viêm mũi dị ứng.
  • Viêm xoang.
  • Hắt hơi, sổ mũi do cảm lạnh.
  • Viêm mắt, đau mắt.

2. Công dụng của thuốc Cindya

Thuốc Cindya có tác dụng gì?

Với thành phần chính là Oxymetazolin hydroclorid có khả năng tác dụng lên thụ thể beta làm co mạch. Do đó, thuốc Cindya thường được chỉ định trong các trường hợp viêm, cụ thể là:

  • Giảm các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi trong viêm mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang.
  • Làm giảm sung huyết ở xoang.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Cindya

Cách dùng thuốc Cindya

Thuốc Cindya được điều chế và đóng chai dưới dạng dung dịch xịt. Do vậy, thuốc được sử dụng bằng cách xịt vào niêm mạc mũi, họng đang có phản ứng viêm. Sau đây là quy trình sử dụng lọ xịt tai- mũi- họng Cindya.

  • Mở nắp lọ xịt và giữ lọ thuốc theo phương thẳng đứng. Đặt ngón tay lên đỉnh lọ và xịt thử vào không khí 1- 2 lần để kiểm tra dung dịch phun ra có đều không. Dùng lực ngón tay và xịt dứt khoát.
  • Sau khi kiểm tra xong, dùng một tay bịt một bên mũi, tay còn lại đưa vòi của lọ thuốc vào mũi và xịt dứt khoát 2- 3 lần. Vừa xịt vừa hít vào để dung dịch thuốc không bị chảy ra ngoài. Tiến hành với mũi còn lại tương tự.
  • Dùng khăn hoặc giấy lau lau lượng dung dịch chảy ra và lau vòi xịt. Đóng nắp vòi xịt lại và thực hiện tương tự ở những lần sau.

Liều dùng thuốc Cindya

Tùy vào tuổi và tình trạng bệnh lý mà có liều dùng khác nhau.

  • Trẻ em từ 6 tuổi trở lên và người lớn: xịt mũi, họng 2 lần/ ngày vào buổi sáng và tối.
  • Chưa có nghiên cứu rõ về tác dụng của thuốc đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, không dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi.

4. Chống chỉ định của thuốc Cindya

Chống chỉ định của thuốc Cindya trong những trường hợp sau đây:

  • Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, đặc biệt là Oxymetazolin hydroclorid.
  • Trường hợp bị bệnh glocom cũng không dùng được thuốc Cindya.
  • Người bệnh có các tổn thương hở ở da xung quanh lỗ mũi hoặc niêm mạc mũi hoặc sau phẫu thuật mũi cũng không nên sử dụng thuốc Cindya.
  • Trong một số bệnh lý, người bệnh cũng không nên dùng thuốc Cindya, bao gồm: u tuyến thượng thận, bệnh nhân cường giáp, bệnh mạch vành cấp tính hoặc bệnh hen tim.

Ngoài ra, không dùng thuốc cho bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa porphyrin.

5. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Cindya

Ngoài tác dụng trị bệnh, thuốc điều trị nói chung và thuốc Cindya nói riêng đều để lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Tùy vào cơ thể từng người và liều lượng thuốc đưa vào cơ thể mà mỗi người sẽ có các triệu chứng khác nhau. Các tác dụng phụ thường gặp sau khi dùng thuốc xịt tai- mũi- họng Cindya, bao gồm:

  • Hắt hơi.
  • Khô miệng và khô họng.
  • Nóng rát tại chỗ xịt.
  • Giảm thị lực: mắt nhìn mờ, nhức mắt, giãn đồng tử, tăng hoặc giảm nhãn áp.
  • Vã mồ hôi.
  • Tăng huyết áp, hồi hộp, đánh trống ngực.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Da xanh xao, tái nhợt.
  • Buồn nôn.
  • Đau đầu, chóng mặt, lo lắng, căng thẳng.
  • Lơ mơ, ảo giác, co giật, ức chế hệ thần kinh trung ương.
  • Dễ bị kích thích, khó ngủ, đặc biệt ở trẻ em. Lo lắng, căng thẳng, mất ngủ

6. Lưu ý khi dùng thuốc Cindya

Cindya là thuốc điều trị bệnh về mũi hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc cũng gây ra một số tác dụng phụ về hô hấp, thần kinh, tim mạch,... Do đó, để đạt hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và hạn chế các tác dụng phụ xảy ra, người bệnh cần lưu ý một số điều, bao gồm:

  • Đưa một lượng Oxymetazolin lớn vào cơ thể trong thời gian dài hơn 7 ngày có thể kích ứng niêm mạc mũi, đặc biệt ở trẻ em. Do vậy không sử dụng thuốc xịt mũi Cindya quá 7 ngày.
  • Trong quá trình dùng thuốc, cần theo dõi các triệu chứng của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm thì ngưng dùng thuốc và liên hệ bác sĩ để được tư vấn.
  • Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ.
  • Không dùng bất kỳ thuốc xịt mũi nào khác khi đang sử dụng Cindya.

Trên đây là các thông tin hữu ích về thuốc Cindya và công dụng của thuốc. Hy vọng rằng, với những thông tin trên, bạn đọc sẽ có những lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bản thân cũng như người thân trong gia đình.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

566 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan