Công dụng thuốc Sifstad 0,18

Thuốc Sifstad 0,18 chứa hoạt chất Pramipexol, một hoạt chất tương tự Dopamin. Sifstad thường được biết đến là một loại thuốc điều trị bệnh Parkinson.

1. Thuốc Sifstad 0,18 có tác dụng gì?

Mỗi viên thuốc Sifstad 0,18 chứa 0.18mg Pramipexol (ở dạng Pramipexol dihydroclorid monohydrat). Về dược lực học, Pramipexol là một chất chủ vận Dopamin, có hoạt tính nội tại đầy đủ với phân nhóm D2 của thụ thể dopamin và ái lực ưu tiên trên phân nhóm D3. Trong khi đó, bệnh Parkinson lại liên quan với mức độ Dopamin thấp, vì vậy mà Pramipexol đã được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson như run, cứng, co thắt cơ, kiểm soát cơ kém. Ngoài ra, nghiên cứu mới đây còn chỉ ra rằng Pramipexol cải thiện chứng lo âu, trầm cảm trong bệnh Parkinson.

Pramipexol cũng có tác dụng trong điều trị hội chứng chân không yên với sự tham gia của hệ dopaminergic chính. Tuy nhiên cơ chế tác dụng của thuốc trong trường hợp này chưa được biết rõ ràng.

2. Dược động học của thuốc Sifstad 0,18

  • Hấp thu: Pramipexol hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi uống. Nồng độ tối đa của Pramipexol trong huyết tương xuất hiện sau khoảng 1-3 giờ dùng thuốc. Sử dụng Pramipexol đồng thời với thức ăn không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu của thuốc, tuy nhiên lại làm giảm tốc độ hấp thu.
  • Phân bố: Ở người, tỷ lệ Pramipexol liên kết với protein huyết tương rất thấp (<20%), thể tích phân phối lớn. Thí nghiệm ở chuột đã quan sát thấy nồng độ mô não cao, khoảng 8 lần huyết tương
  • Chuyển hóa: Chỉ một mức độ nhỏ Pramipexol được chuyển hóa ở người.
  • Thải trừ: Đường thải trừ chính của Pramipexol là qua thận (khoảng 90%). Thải trừ qua phân chỉ chiếm <2%.

3. Chỉ định của thuốc Sifstad 0,18

Thuốc Sifstad 0.18 được chỉ định ở người trưởng thành mắc các bệnh lý sau:

4. Liều dùng và cách dùng thuốc Sifstad 0,18

Sử dụng thuốc Sifstad 0,1 bằng đường uống, có thể uống thuốc lúc đói hoặc no.

4.1. Liều dùng trong điều trị bệnh Parkinson ở người trưởng thành

Liều thuốc Sifstad trong ngày được chia đều 3 lần với liều hàng ngày như sau:

Điều trị khởi đầu

  • Tuần đầu tiên: 1,5 viên Sifstad 0.18 mỗi ngày.
  • Tuần thứ 2: 3 viên 0.18 Sifstad mỗi ngày.
  • Tuần thứ 3: 6 viên 0.18 Sifstad mỗi ngày.

Sau đó, có thể tăng liều thêm 3 viên Sifstad 0.18 mỗi tuần nếu không gặp phải tác dụng phụ không thể chịu được, liều tối đa là 18 viên Sifstad 0.18.

Điều trị duy trì

  • 1,5 viên Sifstad 0.18 mỗi ngày đến tối đa 18 viên Sifstad 0.18 mỗi ngày. Hiệu quả đạt được thường từ liều 6 viên Sifstad 0.18.
  • Không được ngừng thuốc đột ngột vì có thể làm xuất hiện hội chứng an thần kinh ác tính. Cần giảm liều từ từ đến liều 3 viên Sifstad 0.18 mỗi ngày, rồi giảm liều xuống còn 1,5 viên Sifstad 0.18 mỗi ngày.

Đối với bệnh nhân suy thận, chỉnh liều thuốc Sifstad theo độ thanh thải creatinin (ClCr):

  • Clcr từ 20 đến 50 ml/phút: khởi đầu với liều 1⁄2 viên Sifstad 0.18 x 2 lần/ngày, không quá 9 viên Sifstad 0.18.
  • Clcr dưới 20 ml/phút: khởi đầu với 1⁄2 viên Sifstad 0.18 và không quá 6 viên Sifstad 0.18.

4.2. Liều dùng trong điều trị hội chứng chân không yên ở người trưởng thành

Khởi đầu với liều 1⁄2 viên Sifstad 0.18, uống 1 lần trong ngày (dùng trước khi đi ngủ 2-3 giờ), có thể tăng liều sau mỗi 4-7 ngày đến liều tối đa 3 viên Sifstad 0.18.

Bệnh nhân cần được đánh giá đáp ứng sau ba tháng điều trị và cân nhắc về việc tiếp tục dùng thuốc.

Đối với trường hợp có chỉ định ngừng điều trị, không cần giảm liều từ từ.

5. Chống chỉ định của thuốc Sifstad 0,18

Chống chỉ định dùng Sifstad 0,18 đối với các trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Không sử dụng Sifstad 0,18 ở trẻ em, vì chưa có đầy đủ dữ liệu về sự an toàn và hiệu quả của Pramipexol khi sử dụng cho trẻ dưới 18 tuổi.

6. Tương tác thuốc của Sifstad 0,18

Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang sử dụng trước khi bắt đầu điều trị với Sifstad 0,18, bởi vì một số thuốc có thể gây tương tác khi sử dụng cùng với Sifstad 0,18 như:

  • Amantadin: Phối hợp Amantadin và Sifstad làm giảm nhẹ độ thanh thải của Pramipexol.
  • Cimetidin: Cimetidin ảnh hưởng đến thời gian bán thải của Pramipexol.
  • Chất đối kháng Dopamin (thuốc an thần, Metoclopramid,...): Làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần và Pramipexol đối kháng tác dụng, do đó không dùng đồng thời.

7. Các tác dụng phụ của thuốc Sifstad 0,18

Nếu gặp triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng Sifstad 0,18, cần báo ngay với bác sĩ để được tư vấn và có hướng giải quyết kịp thời.

7.1. Tác dụng phụ khi sử dụng Sifstad 0,18 ở bệnh nhân Parkinson

  • Rất thường gặp: chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn vận động, buồn nôn.
  • Thường gặp: nhức đầu, táo bón, nôn, lú lẫn, ảo giác, mất ngủ, rối loạn kiểm soát hành vi xung lực, giảm thị lực, song thị, hạ huyết áp, mệt mỏi, phù ngoại vi.
  • Ít gặp: ngủ gật, ngất, hay quên, tăng động, ảo tưởng, hoang tưởng, mê sảng, ăn uống vô độ, rối loạn ham muốn tình dục, suy tim, khó thở, viêm phổi, ngứa, phát ban, rối loạn hormon chống bài niệu.
  • Hiếm gặp: hưng cảm.

7.2. Tác dụng phụ khi sử dụng Sifstad 0,18 ở bệnh nhân mắc hội chứng chân không yên

  • Rất thường gặp: buồn nôn.
  • Thường gặp: mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ, mất ngủ, táo bón, nôn.
  • Ít gặp: giống bệnh nhân Parkinson.

8. Thận trọng khi sử dụng thuốc Sifstad 0,18

Các lưu ý khi sử dụng thuốc Sifstad 0,18 là:

  • Không dùng Sifstad 0,18 đồng thời với các thuốc chống loạn thần. Thận trọng khi sử dụng Sifstad ở người có rối loạn tâm thần (chỉ điều trị Sifstad nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ).
  • Thận trọng khi sử dụng Sifstad 0,18 ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nặng, vì nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị. Cần theo dõi huyết áp khi sử dụng thuốc Sifstad 0,18 ở đối tượng này.
  • Thận trọng khi sử dụng Sifstad 0,18 ở người đang dùng thuốc an thần hay uống rượu / thức uống có cồn, nhất là ở bệnh nhân gặp tác dụng phụ buồn ngủ của thuốc.
  • Bệnh nhân sử dụng thuốc Sifstad 0,18 cần kiểm tra mắt định kỳ khi bắt đầu giảm thị lực.
  • Sử dụng thuốc ở bệnh nhân mắc hội chứng chân không yên có thể làm gia tăng hội chứng này.
  • Ngừng điều trị thuốc Sifstad 0,18 đột ngột có thể xuất hiện hội chứng thần kinh ác tính.
  • Không nên dùng Sifstad cho phụ nữ có thai và cho con bú. Nếu bắt buộc phải dùng Pramipexol ở phụ nữ có thai vì lợi ích lớn hơn nguy cơ, nên ngừng cho con bú.
  • Nếu xuất hiện tác dụng phụ buồn ngủ hoặc ngủ gật khi sử dụng Sifstad, không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.

Thuốc Sifstad 0,18 chứa hoạt chất Pramipexol, một hoạt chất tương tự Dopamin. Sifstad thường được biết đến là một loại thuốc điều trị bệnh Parkinson. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan