Hội chứng chân không yên là gì? Biểu hiện thế nào?

Hội chứng chân không yên còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi và thường trầm trọng hơn khi người bệnh già đi. Nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ, gây trở ngại cho các hoạt động thường ngày.

1. Hội chứng chân không yên là gì?

Hội chứng chân không yên (Restless Leg Syndrome - RLS) gây ra cảm giác khó chịu hoặc không thoải mái ở chân và không thể cưỡng lại ý muốn di chuyển. Các triệu chứng thường xảy ra vào cuối buổi chiều hoặc buổi tối và thường nghiêm trọng nhất vào ban đêm khi người bệnh đang nghỉ ngơi, chẳng hạn như ngồi hoặc nằm trên giường.

RLS cũng có thể xảy ra khi không hoạt động và ngồi trong thời gian dài (ví dụ: khi đi du lịch bằng máy bay hoặc xem phim). Vì các triệu chứng có thể gia tăng mức độ và trở nên nghiêm trọng vào ban đêm, những người mắc hội chứng này có thể khó ngủ hoặc khó ngủ lại sau khi bị thức giấc giữa đêm. Di chuyển chân hoặc đi bộ thường làm giảm cảm giác khó chịu nhưng cảm giác này thường tái phát sau khi chuyển động dừng lại.

RLS được phân loại là rối loạn giấc ngủ vì các triệu chứng được kích hoạt khi nghỉ ngơi và cố gắng ngủ, và đồng thời là một rối loạn vận động, vì mọi người buộc phải di chuyển chân để giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, RLS được phân loại chính vào rối loạn cảm giác thần kinh với các triệu chứng được tạo ra từ chính não bộ.

Hội chứng chân không yên là một trong số các rối loạn có thể gây kiệt sức và buồn ngủ ban ngày, có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm trạng, sự tập trung, hiệu quả công việc, học tập cũng như các mối quan hệ cá nhân. Nhiều người bị RLS cho biết họ thường không thể tập trung, suy giảm trí nhớ hoặc không hoàn thành công việc hàng ngày.

RLS từ trung bình đến nặng không được điều trị có thể dẫn đến giảm khoảng 20% ​​năng suất làm việc và có thể góp phần gây ra trầm cảm và lo lắng. Nó cũng có thể gây khó khăn cho việc đi lại.

Người ta ước tính rằng có đến 7-10% dân số Hoa Kỳ có thể bị RLS. RLS xảy ra ở cả nam và nữ, mặc dù phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn nam giới. Hội chứng này có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. Nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở độ tuổi trung niên trở lên, và các triệu chứng thường trở nên thường xuyên hơn và kéo dài hơn theo tuổi tác.

Hơn 80% những người bị RLS cũng trải qua chuyển động chân tay theo chu kỳ khi ngủ (PLMS). PLMS được đặc trưng bởi các cử động co giật không chủ ý của chân (và đôi khi là cánh tay) trong khi ngủ, thường xảy ra sau mỗi 15 đến 40 giây, đôi khi suốt đêm.

May mắn thay, hầu hết các trường hợp RLS có thể được điều trị bằng các liệu pháp không dùng thuốc và nếu cần, có thể dùng thuốc.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng điển hình của hội chứng chân không yên

Những người bị hội chứng chân không yên sẽ cảm thấy không thể cưỡng lại được nhu cầu di chuyển, đi kèm với những cảm giác khó chịu ở chi dưới, không giống như những cảm giác bình thường mà những người không bị rối loạn trải qua. Cảm giác ở chân của họ thường khó xác định nhưng có thể được mô tả như đau nhói, ngứa ngáy, kim châm hay kiến bò. Những cảm giác này ít ảnh hưởng đến cánh tay và hiếm khi ảnh hưởng đến ngực hoặc đầu. Mặc dù cảm giác có thể xảy ra chỉ ở một bên của cơ thể, nhưng chúng thường ảnh hưởng đến cả hai chân hoặc có thể xen kẽ giữa các bên. Các cảm giác có mức độ nghiêm trọng từ khó chịu đến đau đớn.

Vì di chuyển chân (hoặc các bộ phận bị ảnh hưởng khác của cơ thể) làm giảm cảm giác khó chịu, những người bị RLS thường duy trì chân ở trạng thái vận động để giảm thiểu hoặc ngăn chặn cảm giác đó. Họ có thể chạy nhanh trên sàn nhà, liên tục di chuyển chân khi ngồi và xoay người khi nằm trên giường.

Một dấu hiệu điển hình của hội chứng chân không yên là các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm và khoảng thời gian không có triệu chứng rõ rệt vào sáng sớm, cho phép bạn có giấc ngủ sảng khoái hơn vào thời điểm đó. Một số người bị RLS khó đi vào giấc ngủ và không ngủ được. Các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn nếu giấc ngủ của họ bị giảm sút thêm do công việc hoặc hoạt động hàng ngày.

Các triệu chứng RLS có thể thay đổi theo từng ngày, về mức độ nghiêm trọng và tần suất, và tùy từng người. Trong những trường hợp bệnh ở mức độ trung bình, các triệu chứng chỉ xảy ra một hoặc hai lần một tuần nhưng thường dẫn đến việc giấc ngủ bắt đầu bị trì hoãn đáng kể, kèm theo đó là gián đoạn chức năng ban ngày. Trong những trường hợp RLS nghiêm trọng, các triệu chứng xảy ra hơn hai lần một tuần và dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn nặng nề từ đó gây suy giảm hoạt động thường ngày.

Triệu chứng ở những bệnh nhân mắc hội chứng chân không yên đôi khi có thể thuyên giảm - cải thiện tự phát trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng trước khi các triệu chứng xuất hiện trở lại - thường trong giai đoạn đầu của rối loạn. Tuy nhiên, nói chung, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Những người mắc RLS kèm theo một bệnh lý khác, các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn nhanh chóng. Ngược lại, những người mắc RLS và không có thêm bệnh lý khác cho thấy sự tiến triển của rối loạn rất chậm, đặc biệt nếu RLS khởi phát khi còn nhỏ.

Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên là một trong số các rối loạn có thể gây kiệt sức và buồn ngủ ban ngày

3. Nguyên nhân nào gây ra hội chứng chân không yên?

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của hội chứng chân không yên là không rõ ràng (được gọi là RLS nguyên phát). Tuy nhiên, RLS có một yếu tố di truyền và có thể được tìm thấy trong những gia đình có triệu chứng khởi phát trước tuổi 40. Các biến thể gen cụ thể có liên quan đến RLS. Bằng chứng chỉ ra rằng lượng sắt trong não thấp cũng có thể là nguyên nhân gây ra RLS.

Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy RLS có liên quan đến rối loạn chức năng ở một trong những phần của não có chức năng kiểm soát chuyển động (gọi là hạch nền). Hạch nền sử dụng dopamine hóa học trong não. Dopamine cần thiết để tạo ra hoạt động và chuyển động cơ trơn tru, có mục đích. Sự gián đoạn của những con đường này thường dẫn đến các chuyển động không chủ ý. Những người mắc bệnh Parkinson, một rối loạn khác của đường dẫn dopamine của hạch nền, có nguy cơ phát triển RLS cao hơn.

RLS dường như cũng liên quan hoặc đi kèm với các yếu tố sau:

  • Bệnh thận giai đoạn cuối và chạy thận nhân tạo;
  • Thiếu sắt;
  • Một số loại thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng RLS, chẳng hạn như thuốc chống buồn nôn (ví dụ như prochlorperazine hoặc metoclopramide), thuốc chống loạn thần (ví dụ: haloperidol hoặc dẫn xuất phenothiazine), thuốc chống trầm cảm làm tăng serotonin (ví dụ, fluoxetine hoặc sertraline), và một số thuốc cảm lạnh và dị ứng có chứa thuốc kháng histamine cũ (ví dụ: diphenhydramine);
  • Sử dụng rượu, nicotinecaffeine;
  • Mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối; trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng thường biến mất trong vòng 4 tuần sau khi sinh;
  • Bệnh thần kinh (tổn thương thần kinh).

Tình trạng thiếu ngủ và các tình trạng giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm trầm trọng thêm hoặc kích hoạt các triệu chứng ở một số bệnh nhân. Giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các yếu tố này có thể làm giảm các triệu chứng đó.

4. Tiên lượng ở những người mắc hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên là một tình trạng kéo dài suốt đời mà không có cách chữa trị. Tuy nhiên, các liệu pháp hiện tại có thể kiểm soát rối loạn, giảm thiểu các triệu chứng và tăng thời gian ngủ yên giấc. Các triệu chứng có thể dần dần xấu đi theo tuổi tác và sự suy giảm có thể nhanh hơn một chút đối với những người có bệnh lý mắc kèm.

Chẩn đoán RLS không thể chỉ ra sự khởi phát của một bệnh lý thần kinh khác, chẳng hạn như bệnh Parkinson. Ngoài ra, một số bệnh nhân có triệu chứng thuyên giảm - các khoảng thời gian mà các triệu chứng giảm hoặc biến mất trong nhiều ngày, vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm - mặc dù cuối cùng chúng thường xuất hiện trở lại. Nếu các triệu chứng RLS nhẹ, không gây khó chịu đáng kể vào ban ngày, hoặc không ảnh hưởng đến khả năng đi vào giấc ngủ, thì tình trạng này không cần phải điều trị.

5. Hội chứng chân không yên ở trẻ nhỏ

Trẻ em có thể trải qua cảm giác ngứa ran và co kéo ở chân giống như người lớn bị hội chứng chân không yên. Nhưng các bé có thể gặp khó khăn khi miêu tả nó. Trẻ có thể gọi đó là một cảm giác "rùng rợn".

Trẻ em mắc RLS cũng có nhu cầu cử động chân quá mức và thường có các triệu chứng trong ngày nhiều hơn người lớn.

RLS có thể cản trở giấc ngủ, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Một đứa trẻ bị RLS thường không tập trung, cáu kỉnh hoặc bồn chồn. Người lớn có thể nhầm tưởng chúng gây rối hoặc hiếu động. Chẩn đoán và điều trị RLS có thể giúp giải quyết những vấn đề này và cải thiện vấn đề học tập ở trẻ em.

Hội chứng chân không yên ở trẻ em dưới 12 tuổi cũng có các dấu hiệu và triệu chứng như người lớn:

  • Cảm giác thôi thúc di chuyển;
  • Vào ban đêm các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn;
  • Các triệu chứng được kích hoạt khi trẻ cố gắng thư giãn hoặc ngủ;
  • Các triệu chứng thuyên giảm khi trẻ di chuyển;

Trẻ em bị RLS nên tránh cafein và phát triển các thói quen tốt trước khi đi ngủ.

Nếu cần thiết, các loại thuốc ảnh hưởng đến dopamine, benzodiazepines và thuốc chống co giật có thể được bác sĩ kê đơn.

Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên là một tình trạng kéo dài suốt đời mà không có cách chữa trị

6. Những khuyến cáo về chế độ ăn uống ở những người mắc hội chứng chân không yên

Không có bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về chế độ ăn uống cho những người bị hội chứng chân không yên. Nhưng tốt hơn hết là chúng ta nên xem xét lại chế độ ăn uống của mình để đảm bảo rằng cơ thể nhận được đủ lượng vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết. Cố gắng cắt giảm thực phẩm chế biến có hàm lượng calo cao nhưng ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng.

Một số người có các triệu chứng của RLS bị thiếu vitamin và khoáng chất cụ thể. Nếu gặp phải trường hợp đó, bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống của mình hoặc dùng thực phẩm chức năng. Tất cả phụ thuộc vào những gì kết quả kiểm tra sức khỏe của bạn.

Ở trường hợp thiếu sắt, hãy thử thêm nhiều thực phẩm giàu chất sắt sau vào chế độ ăn uống:

  • Rau lá xanh đậm;
  • Đậu Hà Lan;
  • Hoa quả sấy khô;
  • Thịt đỏ và thịt lợn;
  • Gia cầm và hải sản;
  • Thực phẩm tăng cường chất sắt như một số loại ngũ cốc, mì ống và bánh mì.

Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt, vì vậy chúng ta cũng có thể kết hợp thực phẩm giàu sắt với các nguồn vitamin C sau:

  • Nước ép cam quýt;
  • Bưởi, cam, quýt, dâu tây, kiwi, dưa;
  • Cà chua, ớt;
  • Bông cải xanh, rau lá xanh.

Caffeine là một chất còn nhiều tranh cãi. Nó có thể gây ra các triệu chứng của RLS ở một số bệnh nhân, nhưng thực sự có ích cho những người khác. Chúng ta có thể thử một chút caffeine để xem xét ảnh hưởng của nó đến các triệu chứng.

Rượu có thể làm cho RLS trở nên tồi tệ hơn, cùng với đó rượu còn làm gián đoạn giấc ngủ. Do vậy cần tránh uống rượu, đặc biệt là vào buổi tối.

Trong trường hợp các dấu hiệu của chứng chân không yên gây cản trở đến cuộc sống quá nhiều, người bệnh cần tìm bệnh viện uy tín để được thăm khám và có biện pháp điều trị cụ thể.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện được đông đảo người bệnh tin tưởng thăm khám và điều trị bệnh. Không chỉ có hệ thống cơ vật chất, trang thiết bị hiện đại: 6 phòng siêu âm, 4 phòng chụp X- quang DR (1 máy chụp toàn trục, 1 máy tăng sáng, 1 máy tổng hợp và 1 máy chụp nhũ ảnh), 2 máy chụp Xquang di động DR, 2 phòng chụp cắt lớp vi tính đa dãy đầu thu (1 máy 128 dãy và 1 máy 16 dãy), 2 phòng chụp Cộng hưởng từ (1 máy 3 Tesla và 1 máy 1.5 Tesla), 1 phòng chụp mạch máu can thiệp 2 bình diện và 1 phòng đo mật độ khoáng xương....Vinmec còn là nơi quy tụ đội ngũ các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ phần nhiều trong việc chẩn đoán và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của cơ thể người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: ninds.nih.gov, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan