Công dụng thuốc Bariptine

Bariptine được chỉ định điều trị chủ yếu trong trường hợp tăng prolactin máu. Hãy cùng tìm hiểu thuốc Bariptine về cách sử dụng và những lưu ý khi dùng để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh.

1. Bariptine là thuốc gì?

Bariptine chứa thành phần chính Bromocriptin (dưới dạng Bromocriptine mesylate) hàm lượng 2,5mg và các tá dược khác vừa đủ 1 viên do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc được bào chế ở dạng viên nén, cách thức đóng gói dạng hộp gồm 3 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.

2. Thuốc Bariptine có tác dụng gì?

Thuốc Bariptine được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

Các rối loạn chức năng kết hợp với tăng prolactin - máu:

  • Điều trị các rối loạn chức năng kết hợp với tăng prolactin máu bao gồm chứng vô kinh, có hoặc không có chứng tiết nhiều sữa, vô sinh và giảm năng tuyến sinh dục.
  • Điều trị cho người bệnh có u tuyến tiết prolactin, có thể là bệnh lý nội tiết cơ bản tạo nên những biểu hiện lâm sàng nêu trên. Đã thấy giảm kích thước khối u ở cả người bệnh nam và nữ có u tuyến to. Trong những trường hợp cắt bỏ u, có thể dùng thuốc này để làm giảm khối lượng u trước khi phẫu thuật.

Bệnh to đầu chi:

  • Có thể dùng đơn trị bằng thuốc Bariptine hoặc phối hợp với phương pháp chiếu tia tuyến yên hoặc phẫu thuật. Có thể làm giảm 50% hoặc hơn nồng độ hormon sinh trưởng trong huyết thanh ở khoảng 1⁄2 số người bệnh điều trị, mặc dù không giảm được tới mức bình thường.

Bệnh Parkinson:

  • Hỗ trợ điều trị những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Parkinson tự phát hoặc sau viêm não. Đây là liệu pháp phụ thêm với Levodopa.
  • Dùng thuốc Bariptine có thể cho phép giảm liều duy trì của thuốc Levodopa và như vậy có thể làm giảm tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của những tác dụng không mong muốn khi dùng Levodopa dài ngày.

Ngoài ra, thuốc Bariptine chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với hoạt chất Bromocriptin hoặc các tá dược khác có trong thành phần của thuốc.
  • Người bệnh có tăng huyết áp không kiểm soát được và dị ứng với những Alcaloid của nấm cựa gà.
  • Người bệnh đang được điều trị chứng tăng prolactin máu.
  • Phải ngừng dùng thuốc này khi có kế hoạch mang thai.
  • Trong trường hợp dùng trở lại thuốc Bariptine để kiểm soát một u tuyến to phát triển nhanh cho người tăng huyết áp do thai nghén thì phải cân nhắc giữa lợi ích cho tiếp tục dùng thuốc này và nguy cơ xảy ra tăng huyết áp trong thời kỳ thai nghén.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Bariptine

Thuốc được bào chế ở dạng viên nén nên người bệnh dùng thuốc bằng đường uống. Thuốc nên được uống nguyên viên cùng với thức ăn. Không nên nhai, bẻ hay nghiền viên thuốc trước khi uống.

Dưới đây là liều dùng khuyến cáo của thuốc Bariptine:

Tăng prolactin máu:

  • Liều dùng ban đầu là 1,25 - 2,5mg/ ngày. Có thể tăng liều mỗi 3 - 7 ngày/ lần, mỗi lần tăng 2,5mg/ ngày cho đến khi đạt tác dụng điều trị tối ưu. Liều thường dùng là 2,5 - 15mg/ ngày.

Hội chứng Parkinson:

  • Liều dùng khởi đầu là 1,25mg/ lần, mỗi ngày dùng 2 lần. Nếu cần, có thể tăng liều mỗi 14 - 28 ngày/ lần, mỗi lần tăng 2,5mg/ ngày. Người bệnh cần được đánh giá mức độ đáp ứng với thuốc sau 2 tuần điều trị để duy trì liều dùng thấp nhất có hiệu quả điều trị.
  • Liều thường dùng là 30 - 90mg/ ngày, chia làm 3 lần mỗi ngày.
  • Người cao tuổi do chức năng thận suy giảm nên được chỉ định dùng với liều thấp hơn so với người trưởng thành.

Bệnh to đầu chi:

  • Liều dùng ban đầu là 1,25 - 2,5mg/ ngày. Có thể tăng liều mỗi 3 - 7 ngày/ lần, mỗi lần tăng 1,25 - 2,5mg/ ngày cho đến khi đạt tác dụng điều trị tối ưu. Liều dùng hằng ngày nên duy trì vào khoảng từ 20 - 30mg/ ngày.
  • Cần phải điều chỉnh liều đối với người suy gan: Tuy không có hướng dẫn cụ thể, nhưng có thể cần phải giảm liều đối với những người bệnh này.

Chú ý: Liều dùng thuốc ở trên chỉ là liều dùng khuyến cáo do nhà sản xuất cung cấp. Liều dùng điều trị cụ thể tùy thuộc vào tình trạng và sức khỏe của mỗi người bệnh để bác sĩ chỉ định thích hợp. Vì vậy, không nên tự ý dùng thuốc nếu không được bác sĩ chỉ dẫn.

4. Tác dụng phụ của thuốc Bariptine

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà thuốc Bariptine đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp.

Thuốc Bariptine được dung nạp khá tốt, các tác dụng không mong muốn này thường xuất hiện trong thời gian đầu khi dùng thuốc, thường là các tác dụng phụ mức độ nhẹ và thoáng qua.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Bariptine bao gồm:

Thường gặp:

  • Thần kinh trung ương: Trầm cảm, lú lẫn và ảo giác.
  • Tim mạch: Có thể bị hạ huyết áp tư thế đứng và hiện tượng Raynaud.
  • Tiêu hóa: Chướng bụng, ăn kém ngon, buồn nôn, nôn và táo bón.
  • Thần kinh cơ và xương: Chuột rút cẳng chân.
  • Hô hấp: Xung huyết mũi.

Ít gặp:

  • Thần kinh trung ương: Choáng váng, ngủ gà, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu và cơn co giật.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn và trướng bụng.
  • Tim mạch: Ngất, cao huyết áp và nhồi máu cơ tim.

Hiếm gặp:

Để làm giảm tỷ lệ xảy ra các tác dụng phụ, người bệnh cần được điều chỉnh liều dùng từ từ mỗi 3 đến 7 ngày. Thuốc nên uống trong bữa ăn để tăng khả năng hấp thu của thuốc. Có thể làm giảm co thắt mạch ngón tay nhạy cảm với lạnh xảy ra ở một số người có bệnh to đầu chi được điều trị bằng thuốc Bariptine, bằng cách giảm liều và có thể dự phòng bằng cách giữ ấm ngón tay.

Lưu ý: Có thể có những tác dụng phụ khác xảy ra trong quá trình dùng thuốc. Trường hợp người bệnh thấy nghi ngờ với bất kỳ tác dụng phụ nào thì cần báo ngay bác sĩ hoặc người phụ trách y khoa để được xử trí kịp thời.

5. Tương tác thuốc Bariptine

Một số tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng phối hợp với thuốc Bariptine và các thuốc khác như:

  • Tác dụng của Bariptine làm giảm nồng độ prolactin huyết thanh bị ức chế bởi các thuốc tăng prolactin như: Amitriptyline, Butyrophenone, Imipramine, Methyldopa, Phenothiazin và Reserpin. Vì vậy, trong trường hợp người bệnh dùng những thuốc này, thì có thể phải tăng liều thuốc Bariptine.
  • Người bệnh dùng thuốc Bariptine ở liều cao, có thể khả năng dung nạp bị giảm đi do dùng kết hợp với rượu hay các chất có cồn khác. Vì vậy, người bệnh đang trong quá trình dùng thuốc này nên hạn chế tuyệt đối uống rượu, bia.
  • Thuốc này có thể có tác dụng cộng lực hạ huyết áp ở người bệnh đang dùng thuốc chống tăng huyết áp. Để đảm bảo việc điều trị huyết áp của người bệnh được liên tục nên điều chỉnh liều thuốc tăng huyết áp.
  • Không khuyến cáo dùng thuốc Bariptine cùng với các Alcaloid nấm cựa gà khác, vì đã xảy ra tác dụng phụ khá nặng như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim).

Trong quá trình dùng Bariptine có thể xảy ra những tương tác thuốc. Để hạn chế xảy ra những tương tác có hại, trước khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc Bariptine, người bệnh cần thông báo các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, các thực phẩm chức năng và thuốc nam,...

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Bariptine

Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Bariptine như sau:

  • Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu lực của thuốc này ở người bệnh đang có tình trạng bệnh lý suy gan, suy thận và trẻ em dưới 15 tuổi. Vì vậy, cần thận trọng khi dùng thuốc Bariptine cho nhóm đối tượng này.
  • Đối với bệnh nhân cao huyết áp đang điều trị với các thuốc huyết áp thì cần thận trọng khi dùng Bariptine đồng thời, vì có tác dụng làm giảm huyết áp của bệnh nhân.
  • Trong trường hợp người bệnh có tiền sử loạn tâm thần hoặc bệnh tim mạch, cần lưu ý theo dõi người bệnh chặt chẽ và điều chỉnh liều phù hợp với tình trạng bệnh lý.
  • Khi dùng thuốc Bariptine để điều trị bệnh to đầu chi, có u tuyến tiết prolactin hoặc bệnh Parkinson trong thời kỳ mang thai thì cần theo dõi chặt chẽ người bệnh, đặc biệt trong thời kỳ sau sinh nếu có tiền sử bệnh tim mạch.
  • Người bệnh dùng thuốc theo hướng dẫn kê đơn của bác sĩ, không nên tăng hoặc giảm liều dùng thuốc. Mặc dù người bệnh có thể thấy triệu chứng đã được cải thiện nhưng không được ngưng sử dụng thuốc. Tuyệt đối không được đưa thuốc Bariptine cho người khác uống nếu thấy họ có các triệu chứng tương tự.
  • Người bệnh trước khi dùng thuốc cần kiểm tra hạn dùng có trên bao bì, nếu thuốc đã hết hạn sử dụng thì không nên dùng, vì có thể thuốc có thể làm gây ra các tác dụng phụ có hại khác do sự biến chất của các thành phần của thuốc.
  • Phụ nữ có thai: Trong suốt thai kỳ, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu phụ nữ mang thai không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra khi người mẹ dùng các thuốc không theo chỉ định của bác sĩ gây ảnh hưởng đến thai nhi như sảy thai, dị tật,... Mặc dù theo nghiên cứu, thuốc Bariptine không gây quái thai ở động vật trong thời kỳ mang thai, nhưng chưa có đầy đủ các nghiên cứu có thể khẳng định không có nguy cơ tiềm ẩn trên thai nhi. Vì vậy, chỉ được sử dụng thuốc khi đã được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc.
  • Phụ nữ cho con bú: Theo nghiên cứu lâm sàng, thuốc Bariptine được biết có bài tiết qua sữa mẹ, nên thuốc có thể ảnh hưởng đến trẻ trong thời gian người mẹ cho con bú. Trong trường hợp phải dùng thuốc này cho quá trình điều trị, người mẹ nên ngưng cho con bú.

7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Bariptine?

  • Khi người bệnh quên uống thuốc, hãy uống ngay liều thuốc đó khi nhớ ra. Theo khuyến cáo đa số các thuốc đều được uống trễ khoảng 1 - 2 giờ so với thời gian uống thuốc hàng ngày thì không gây ảnh hưởng đến việc điều trị. Có thể bỏ qua liều đã quên nếu đã tới thời điểm dùng thuốc trong ngày. Tuyệt đối người bệnh tránh uống bù với liều gấp đôi khi đã quên thuốc.
  • Nếu lỡ dùng thuốc quá liều quy định, người bệnh cần tự theo dõi nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ có liên quan. Việc đầu tiên là nên ngừng dùng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị để được tham khảo ý kiến. Trường hợp nặng, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời tránh xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh khi đi cũng nên nhớ mang theo các thuốc đã sử dụng để bác sĩ nắm thông tin, xử trí nhanh chóng và kịp thời.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan về công dụng, liều dùng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc Bariptine. Người bệnh cần dùng thuốc Bariptine theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Lưu ý, Bariptine là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ được sử dụng thuốc này khi có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

75 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan