Bệnh Parkinson - các dấu hiệu không vận động ( Non - Motor Symptoms)

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Parkinson là một bệnh lý thoái hóa thần kinh tiến triển tăng dần, xảy ra do tổn thương các tế bào thần kinh tiết Dopamin ở vùng liềm đen (substantia nigra). Trước đây khi nói đến bệnh Parkinson người ta thường chỉ chú ý đến các triệu chứng vận động. Ngày nay với sự phát triển và nghiên cứu sâu hơn, người ta thấy rằng bệnh nhân bị Parkinson còn có cả các triệu chứng không vận động (non-motor symptoms) và các triệu chứng không vận động lại thường xảy ra đầu tiên, có thể xuất hiện sớm trước triệu chứng vận động nhiều năm.

1. Các triệu chứng không vận động thường xuất hiện đầu tiên

Các triệu chứng không vận động là những triệu chứng không ảnh hưởng tới vận động của người bệnh, bao gồm:

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Rối loạn giấc ngủ có thể xuất hiện nhiều năm trước khi người bệnh Parkinson biểu hiện triệu chứng vận động

Trong các triệu chứng trên, có 4 triệu chứng hay xuất hiện sớm nhất là giảm khứu giác, rối loạn giấc ngủ, táo bón và trầm cảm. Các triệu chứng này có thể xuất hiện sớm nhiều năm, đôi khi cả thập kỷ trước khi người bệnh có các triệu chứng về vận động. Tuy nhiên đây cũng là các triệu chứng hay gặp ở nhiều người trong xã hội và không nhất thiết sẽ phát triển thành bệnh Parkinson. Do đó việc làm các test để tầm soát sớm sẽ mất nhiều chi phí và gây lo lắng không cần thiết cho người bệnh. Nhưng một khi người bệnh xuất hiện thêm triệu chứng về vận động thì khả năng bị bệnh Parkinson sẽ cao hơn nhiều.

2. Vì sao triệu chứng không vận động lại xuất hiện sớm?

Ở người bệnh Parkinson người ta thấy có sự lắng đọng bất thường của các Protein, alpha-synuclein trong các tế bào thần kinh ở vùng thấp của thân não. Các lắng đọng này tạo thành các cục vón gọi là thể Lewy. Người ta đưa ra giả thuyết rằng ban đầu các thể Lewy này tập trung ở phần thấp của thân não là nơi chi phối các hoạt động thần kinh thực vật (táo bón, hạ huyết áp...) và điều khiển giấc ngủ, chi phối cảm xúc.

Dần dần quá tình thoái hóa lan lên não giữa là nơi chi phối các vận động bất thường như cứng cơ, run tay khi nghỉ, giảm vận động. Giả thiết này giải thích vì sao các triệu chứng không vận động xuất hiện trước các triệu chứng vận động. Gần đây người ta tìm thấy các thể Lewy ở cả các hạch thần kinh giao cảm, đám rối thần kinh cơ ruột, vỏ não, hệ limbic, hệ lưới hoạt hóa thần kinh, dây khứu, nhân dây thần kinh số X...cho thấy bệnh Parkinson nên được coi là một bệnh hệ thống gây tổn thương cả hệ thần kinh trung ương và ngoại biên.

Hệ thần kinh
Parkinson là bệnh gây tổn thương cả hệ thần kinh

3. Bạn nên làm gì khi có các triệu chứng không vận động sớm của bệnh parkinson?

Khi có các triệu chứng không vận động sớm của Parkinson như không ngửi được, táo bón, trầm cảm hoặc mất ngủ, có thể bạn và người thân sẽ lo lắng và tự hỏi liệu mình có mắc bệnh Parkinson trong tương lại hay không, bạn có thể đến khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được khám và tư vấn.

Nếu bác sĩ không phát hiện thấy bất kỳ triệu chứng vận động sớm nào của bệnh Parkinson, như run kín đáo 1 tay, cứng tay chân, dáng đi hơi còng lưng, chậm chạp, giảm chớp mắt hay giảm biểu cảm nét mặt... thì bạn không nên quá lo lắng. Hiện tại chưa có khuyến cáo nào cho phép chụp DaTscan để phát hiện giảm lượng Dopamine trong não ở những người chỉ có đơn thuần triệu chứng không vận động. Tương tự cũng chưa có một thuốc bảo vệ thần kinh nào được chứng minh có tác dụng ngăn ngừa hay làm chậm sự phát triển của bệnh Parkinson. Do đó bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho bạn điều trị các triệu chứng, và hẹn khám định kỳ hàng năm để tiếp tục theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng vận động.

Tuy nhiên cho đến nay đã có bằng chứng khoa học chỉ ra rằng tập thể dục có tác dụng bảo vệ thần kinh và có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh Parkinson. Vì vậy với những người chỉ có đơn thuần các triệu chứng không vận động, tư vấn và thảo luận với bác sĩ về việc bắt đầu tập thể dục hoặc tăng mức độ tập sẽ là một giải pháp nên lựa chọn.

Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục giúp bảo vệ thần kinh và đẩy lùi bệnh Parkinson

Các điểm cần ghi nhớ:

  • Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Parkinson thường không liên quan đến vận động.
  • Các triệu chứng không vận động liên quan tới bệnh Parkinson rất hay gặp trong xã hội (nhiều người có thể có triệu chứng đó nhưng không tiến triển thành bệnh Parkinson). Các triệu chứng không vận động được cho là nằm trong bệnh cảnh Parkinson chỉ khi có thêm ít nhất một triệu chứng vận động.
  • Nếu bạn lo ngại về bất kỳ triệu chứng vận động hoặc không vận động nào có thể liên quan tới bệnh Parkinson, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
  • Tập thể dục đều đặn có tác dụng bảo vệ thần kinh và có thể thay đổi tiến triển bệnh Parkinson. Vì vậy hãy bắt đầu tập thể dục ngay sau khi thảo luận với bác sĩ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan