Lưu ý khi dùng thuốc mỡ tra mắt Oflovid

Thuốc mỡ Oflovid là một loại thuốc tra mắt chứa hoạt chất Ofloxacin. Oflovid là thuốc bán theo đơn, chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ. Do đó, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa có đơn kê của bác sĩ.

1. Thành phần của thuốc mỡ Oflovid

Thuốc mỡ Oflovid chứa thành phần chính là Ofloxacin 0.3%, một loại kháng sinh nhóm Quinolon. Mỗi lọ thuốc mỡ bôi mắt Oflovid chứa 10.5mg Ofloxacin. Ngoài ra, thuốc được bào chế cùng với các tá dược vừa đủ bao gồm: Lanolin, Petrolatum trắng, Parafin lỏng.

Thuốc mỡ Oflovid có phổ tác dụng rộng trên các vi khuẩn gram dương, vi khuẩn gram âm, vi khuẩn kỵ khí và cả chlamydia.

2. Dược lý học của thuốc

2.1. Dược lực học của Ofloxacin

Ofloxacin có tác dụng diệt khuẩn dù ở nồng độ tối thiểu nhờ việc ức chế sự tổng hợp DNA của vi khuẩn, chủ yếu thông qua việc ức chế hoạt động của topoisomerase II và topoisomerase IV. Ngoài ra, Ofloxacin còn phá hủy phần cơ bản của vi khuẩn Chlamydia trachomatis trong quá trình phát triển của nó.

Về hoạt tính kháng khuẩn, Ofloxacin có tính kháng khuẩn mạnh, phổ tác dụng rộng. Ofloxacin chống lại các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn mắt:

  • Vi khuẩn gram dương: Staphylococcus (tụ cầu), Streptococcus (liên cầu), Micrococcus, Corynebacterium,...
  • Vi khuẩn gram âm: Pseudomonas (kể cả Pseudomonas aeruginosa - trực khuẩn mủ xanh), Haemophilus, Moraxella, Serratia, Klebsiella, Proteus, Acinetobacter,... Đặc biệt, Ofloxacin còn có tác dụng trên cả các loài Chlamydia, trong đó có Chlamydia trachomatis.
  • Vi khuẩn kỵ khí: Propionibacterium acnes,...

2.2. Dược động học của Ofloxacin

Ở người tình nguyện khỏe mạnh, sau khi tra thuốc mỡ Oflovid vào cả hai mắt 16 lần mỗi 30 phút, nồng độ thuốc trong máu tối đa 0,009 pg/mL.

Ở bệnh nhân đục thủy tinh thể, nhỏ mắt Oflovid tại chỗ vào mắt bị đục thủy tinh thể 5 lần mỗi 5 phút trước phẫu thuật, sau 1 giờ nồng độ Ofloxacin tối đa trong thủy dịch là 1.2pg/ml.

3. Chỉ định của thuốc mỡ tra mắt Oflovid

Thuốc mỡ Oflovid điều trị các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Ofloxacin. Thuốc được chỉ định điều trị đối với viêm bờ mi, viêm túi lệ, viêm kết mạc, chắp và lẹo, viêm sụn mi, viêm giác mạc, loét giác mạc.

Oflovid còn là kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn trước và sau phẫu thuật về mắt.

Ngoài ra, trong một số trường hợp thuốc Oflovid còn được sử dụng để điều trị triệu chứng viêm tai.

4. Hướng dẫn tra mắt với thuốc Oflovid

Thuốc Oflovid được bào chế ở dạng thuốc mỡ. Bệnh nhân sử dụng bằng cách tra thuốc Oflovid trực tiếp vào trong mí mắt dưới với một lượng thuốc thích hợp (thường khoảng 1cm thuốc mỡ cho một lần tra). Liều dùng được bác sĩ điều chỉnh theo triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, khoảng cách giữa các lần dùng tối thiểu 30 phút.

Những lưu ý khi tra thuốc mỡ Oflovid:

  • Thuốc Oflovid chỉ dùng đường tra mắt, không được dùng thuốc theo đường khác.
  • Không để thuốc Oflovid dây vào miệng. Nếu vô tình dây thuốc lên miệng, phải súc miệng ngay lập tức.
  • Tránh chạm tay trực tiếp lên miệng lọ thuốc vì có thể gây nhiễm khuẩn khi tra mắt.
  • Đậy nắp lọ thuốc Oflovid sau khi sử dụng.
  • Không tự ý tăng hay giảm liều thuốc Oflovid nếu không có chỉ định của bác sĩ.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc, cần che chắn, bảo vệ mắt khỏi khói bụi ô nhiễm.
  • Để đề phòng tình trạng kháng thuốc, không sử dụng thuốc trong thời gian quá dài hoặc quá ngắn. Thời gian điều trị Oflovid ở bệnh nhân viêm kết mạc do Chlamydia trachomatis thường là 8 tuần.

5. Chống chỉ định của thuốc mỡ Oflovid

Chống chỉ định Oflovid ở những người có tiền sử quá mẫn cảm với Ofloxacin hay bất kỳ thành phần nào khác của thuốc. Oflovid cũng không được khuyến cáo ở người có tiền sử quá mẫn với các kháng sinh khác thuộc nhóm Quinolon.

6. Tác dụng không mong muốn của Oflovid

  • Phản vệ: Phản ứng phản vệ, nặng hơn là sốc phản vệ có thể xảy ra ở bệnh nhân tra mắt bằng thuốc mỡ Oflovid. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khi dùng thuốc Oflovid như ban đỏ, khó thở, tụt huyết áp, phù mi mắt,... cần ngưng thuốc ngay và đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí thích hợp.
  • Quá mẫn: Ban, mề đay, ngứa mí mắt, viêm bờ mi, viêm da mí mắt, viêm kết mạc, đau mắt, đỏ mí mắt,... là các phản ứng khác có thể gặp khi sử dụng thuốc mỡ tra mắt Oflovid.

7. Tương tác thuốc

Cho đến nay chưa có dữ liệu đầy đủ về tương tác thuốc ở bệnh nhân sử dụng thuốc tra mắt Ofloxacin. Tuy nhiên, dùng Ofloxacin tại mắt vẫn có thể xảy ra hấp thu toàn thân, do đó chưa loại trừ khả năng xảy ra tương tác thuốc như một số kháng sinh nhóm Quinolon toàn thân, ví dụ như tương tác với theophylin, cafein, cyclosporin hay thuốc chống đông đường uống.

Tốt nhất không nên sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc tra mắt hay thuốc nhỏ mắt cùng lúc nếu không có ý kiến của bác sĩ, nhất là những thuốc có cùng hoạt chất. Bệnh nhân nên báo với bác sĩ các thuốc đang sử dụng để được hướng dẫn điều trị chính xác.

8. Thận trọng khi sử dụng thuốc mỡ Oflovid

Vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu về việc dùng thuốc mỡ tra mắt Oflovid ở phụ nữ có thai hay cho con bú. Chỉ sử dụng Ofloxacin để tra mắt khi có chỉ định của bác sĩ sau khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc trên đối tượng này.

Chú ý để thuốc Oflovid xa tầm tay trẻ em. Thận trọng khi tra mắt cho trẻ với Oflovid vì có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu ở mắt rồi gãi và có thể làm cho triệu chứng trở nên nặng hơn.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc tra mắt Oflovid, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Oflovid là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan