Medrol là thuốc gì và có tác dụng như thế nào?

Thuốc Medrol hay còn được gọi là methylprednisolon là một steroid có tác dụng kháng viêm và được chỉ định trong những tình trạng viêm khác nhau như viêm khớp, vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống, dị ứng,... Vậy thuốc Medrol là thuốc gì và có tác dụng như thế nào?

1. Công dụng của thuốc Medrol

Medrol là thuốc gì? Thuốc Medrol hay còn có tên hoạt chất là methylprednisolon, là một steroid có tác dụng kháng viêm và được chỉ định trong những tình trạng viêm khác nhau như viêm khớp, vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống, dị ứng, bệnh rối loạn nội tiết, viêm loét đại tràng hay những tình trạng viêm tại mắt, da, phổi, mạch máu và thần kinh.

Ngoài ra, một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt, nhưng một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc Medrol. Vì vậy, trước khi uống thuốc bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

2. Cách sử dụng thuốc Medrol

Thuốc Medrol có tác dụng gì? Thuốc Medrol được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng 4mg hoặc 16mg methylprednisolone. Liều lượng sử dụng sẽ phụ thuộc vào tuổi và tình trạng bệnh của người bệnh. Liều khởi đầu khi dùng thuốc Medrol có thể thay đổi từ 4-48mg/ngày phụ thuộc vào bệnh đặc hiệu cần điều trị như:

  • Phù não: 200-1000mg/ngày
  • Đa xơ cứng: 200mg/ngày
  • Ghép cơ quan: 7mg/kg/ngày

Người bệnh có thể sử dụng thuốc cùng hoặc không cùng với thức ăn. Tuy nhiên, để giảm tình trạng kích ứng dạ dày bạn có thể sử dụng kèm với thức ăn và cần uống cả viên thuốc với 1 ly nước đầy. Hãy sử dụng thuốc Medrol đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định. Sử dụng thuốc Medrol thường xuyên để có được nhiều lợi ích nhất từ nó và có thể ngưng dùng thuốc nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào mới xuất hiện hay tình trạng bệnh không bớt sau 7 ngày. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc quá lâu trong thời gian dài. Điều này không làm cho tình trạng bệnh của bệnh nhân được tiến triển tốt hơn mà còn làm tăng nguy cơ mắc phải những tác dụng không mong muốn.

3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Medrol

Thuốc Medrol có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn trên hệ nội tiết, miễn dịch, hệ thần kinh, tâm thần, mắt, tim, gan mật, tiêu hóa, cơ xương, chuyển hóa và dinh dưỡng, thận và tiết niệu. Triệu chứng thường gặp có thể kể đến như:

  • Phù tay chân
  • Chóng mặt, đầu óc quay cuồng
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau đầu
  • Đau hoặc yếu cơ
  • Bụng khó chịu
  • Đầy hơi

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Khó thở khi gắng sức nhẹ
  • Tăng cân nhanh chóng
  • Sưng phù
  • Da mỏng, vết thương lâu lành
  • Mắt mờ, đau mắt, tầm nhìn đường hầm, thấy vầng sáng cầu vồng xung quanh mắt
  • Thay đổi hành vi thất thường, suy nghĩ và tính cách thất thường, trầm cảm nặng
  • Xuất hiện cơn đau bất thường tại tay hoặc chân, lưng
  • Đi ngoài ra máu hoặc phân màu hắc ín, nôn ra máu hoặc dịch có màu như bã cà phê, ho ra máu
  • Co giật
  • Hạ kali máu với triệu chứng chuột rút chân, táo bón, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, tê ngứa, khát và đi tiểu nhiều.

Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc Medrol mang lại. Tuy nhiên, khi dùng Medrol vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Do vậy, khi có biểu hiện những triệu chứng bất thường, đặc biệt là khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với những dấu hiệu kèm theo như chóng mặt nghiêm trọng, khó thở, phát ban, sưng hoặc ngứa vùng mặt, cổ họng, lưỡi,... Trong trường hợp này, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng để được can thiệp y tế ngay lập tức.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Medrol

Một số lưu ý khi sử dụng Medrol bao gồm:

  • Thông báo tiền sử dị ứng với Medrol hay bất kỳ dị ứng nào khác. Medrol có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
  • Thông báo các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng, các loại thực phẩm, thuốc nhuộm hay chất bảo quản.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Medrol với người bệnh có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc Medrol cho trẻ em, bởi vì Medrol liều cao có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu có sử dụng cũng phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu người bệnh điều trị bằng thuốc Medrol dài ngày mà muốn dừng lại thì phải giảm liều từ từ và không được dừng thuốc đột ngột.
  • Bệnh nhân có thể điều trị xen kẽ, tức là sử dụng liều corticoid gấp đôi thường dùng hàng ngày vào buổi sáng cách ngày. Mục đích của cách điều trị này là giúp cho bệnh nhân sử dụng liều dược lý dài ngày mà hạn chế được tối thiểu tác dụng không mong muốn.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai và cho con bú trước khi sử dụng thuốc thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bởi vì hiện nay chưa có đầy đủ nghiên cứu trên người về những tác dụng không mong muốn của thuốc Medrol đối với phụ nữ mang thai. Đối với trẻ sơ sinh có mẹ đang sử dụng corticosteroid với liều đáng kể trong khi mang thai cần được đánh giá và theo dõi về dấu hiệu suy thượng thận. Corticosteroid có thể bài tiết qua sữa mẹ, do vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc trước khi cân nhắc nguy cơ cho trẻ.
  • Thận trọng sử dụng thuốc Medrol ở những bệnh nhân nhiễm nấm, nhiễm virus herpes tại mắt, viêm loét đại tràng, dạ dày hoặc viêm ruột thừa, rối loạn tâm thần hoặc trầm cảm, bệnh gan đặc biệt là xơ gan, loãng xương, huyết áp cao, nhược cơ, đái tháo đường, đa xơ cứng.
  • Ngoài ra, corticosteroid có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch mà mất đi một số dấu hiệu nhiễm trùng hoặc làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn so với trước kia. Do vậy, hãy thông báo những vấn đề nhiễm trùng mà người bệnh gặp phải trong thời gian trước đó.
  • Trong thời gian điều trị bằng thuốc Medrol không được phép tiêm vắc xin sống giảm độc lực, bởi vì trong thời gian này vaccine có thể không đạt được hiệu lực bảo vệ như mong đợi.
  • Thuốc Medrol có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm, do vậy cần thông báo với bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm đặc biệt là máu và nước tiểu.
  • Không sử dụng thuốc Medrol chung với nước ép bưởi nhưng nên uống thuốc với sữa hoặc thức ăn khác để làm giảm bớt tác dụng phụ trên dạ dày.
  • Thực hiện chế độ ăn ít muối, giàu chất đạm và kali

Nếu bạn quên uống một liều thuốc Medrol, hãy bổ sung lại trong thời gian càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời điểm bạn nhớ ra gần với thời điểm của liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống hoặc tiêm thuốc như lịch trình ban đầu. Không được sử dụng với lượng thuốc nhiều hơn so với phác đồ điều trị. Sử dụng thuốc quá liều Medrol hoặc nuốt phải có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như da mỏng, thay đổi phân bố mỡ trong cơ thể như vùng cổ, lưng, thắt lưng, mặt,... dễ bị bầm tím, tăng mụn trứng cá hoặc mọc lông trên mặt, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục.

5. Tương tác thuốc Medrol

Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc Medrol, hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả những loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng bao gồm thuốc không kê đơn, vitamin, thuốc được kê theo đơn và các sản phẩm thảo dược. Khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ không nên tự ý bắt đầu, dừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào.

Một số loại thuốc có thể gây tương tác với Medrol bao gồm:

  • Isoniazid
  • Rifampicin
  • Carbamazepin
  • Phenobarbital
  • Phenytoin
  • Thuốc chẹn thần kinh cơ
  • Thuốc ức chế enzym cholinesterase
  • Thuốc chống tiểu đường
  • Aprepitant
  • Fosaprepitant
  • Itraconazol
  • Ketoconazol
  • Aminogluthimid
  • Diltiazem
  • Ethinylestradiol/norethindron
  • Cyclosporin
  • Cyclophosphamid
  • Tacrolimus
  • Clarithromycin
  • Erythromycin
  • Troleandomycin
  • Aspirin liều cao
  • Thuốc làm giảm kali
  • Thuốc ức chế HIV protease

6. Cách bảo quản thuốc Medrol

Bảo quản thuốc Medrol ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt. Không bảo quản Medrol ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá và tránh xa nguồn nhiệt và ngọn lửa. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Medrol trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Để thuốc Medrol tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình. Khi thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc đã bị hỏng không thể dùng được nữa hãy vứt bỏ và xử lý thuốc đúng quy trình. Không được tự ý vứt thuốc Medrol vào môi trường như đường ống dẫn nước hoặc toilet trừ khi có yêu cầu. Hãy tham khảo thêm ý kiến của công ty môi trường xử lý rác thải hoặc dược sĩ về cách tiêu hủy thuốc Medrol an toàn để giúp bảo vệ môi trường.

Tóm lại, thuốc Medrol là một steroid có tác dụng kháng viêm và được chỉ định trong những tình trạng viêm khác nhau như viêm khớp, vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống, dị ứng,... Tuy nhiên, Medrol có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc, vì vậy hãy thông báo với bác sĩ những loại thuốc bạn đang sử dụng để giảm nguy cơ mắc tác dụng không mong muốn và đồng thời làm tăng hiệu quả cho quá trình điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5M

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan