Tác dụng của thuốc Desyrel

Thuốc Desyrel được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Trazodone. Thuốc được sử dụng để điều trị cho người lớn bị bệnh trầm cảm.

1. Desyrel là thuốc gì?

Thuốc Desyrel có thành phần chính là Trazodone. Trazodone là chất có tác dụng chống trầm cảm. Cơ chế hoạt động của thành phần này là khôi phục lại sự cân bằng của serotonin trong não.

Chỉ định sử dụng thuốc Desyrel:

  • Điều trị tình trạng trầm cảm ở người trưởng thành. Thuốc giúp cải thiện tâm trạng, sự thèm ăn, giảm lo lắng và mất ngủ liên quan tới trầm cảm.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Desyrel:

  • Người bệnh đang dùng hoặc trong vòng 14 ngày sau khi sử dụng thuốc ức chế MAOI.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Desyrel

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc sau bữa ăn hoặc sau bữa ăn nhẹ theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 1 - 2 lần/ngày. Nếu bị buồn ngủ khi dùng thuốc, người bệnh nên uống thuốc trước khi đi ngủ. Thuốc nên được nuốt cả viên, không nhai hoặc nghiền viên thuốc.

Liều dùng: Được xác định tùy theo tình trạng sức khỏe và đáp ứng với việc điều trị của bệnh nhân. Liều tham khảo:

  • Khởi đầu: 150mg/ngày, chia làm nhiều lần;
  • Liều dùng có thể tăng thêm 50mg/ngày cứ sau 2 - 4 ngày. Liều tối đa cho bệnh nhân ngoại trú là không quá 400mg/ngày, chia làm nhiều lần. Liều tối đa cho bệnh nhân nội trú (trầm cảm nặng hơn) là 600mg/ngày, chia làm nhiều lần;
  • Khi đã đạt được đáp ứng điều trị, liều dùng thuốc có thể được giảm dần.

Lưu ý khi dùng thuốc Desyrel:

  • Không nên tăng liều hoặc dùng thuốc nhiều hơn, tần suất dày hơn so với quy định, vì việc này không cải thiện bệnh tình mà còn làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ;
  • Tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định ngay cả khi người bệnh thấy triệu chứng được cải thiện. Để ghi nhớ, bệnh nhân nên dùng thuốc vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày. Người bệnh đừng ngừng dùng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể gây lo lắng, kích động và khó ngủ;
  • Có thể mất 2 - 4 tuần để bệnh nhân nhận thấy tác dụng đầy đủ của thuốc Desyrel. Nên báo cáo cho bác sĩ nếu người bệnh thấy tình trạng của mình vẫn kéo dài hoặc càng thêm tồi tệ;
  • Nên kiểm tra mạch và huyết áp thường xuyên trong khi dùng thuốc Desyrel.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Desyrel quá liều, người bệnh có thể bị đau đớn, nhịp tim chậm/nhanh/không đều, chóng mặt bất thường, buồn ngủ bất thường, khó thở, co giật, nôn mửa,... Khi người bệnh có triệu chứng nghiêm trọng như khó thở hoặc bất tỉnh, người nhà nên gọi cấp cứu ngay.

Quên liều: Nếu bỏ lỡ 1 liều thuốc Desyrel, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra. Trường hợp gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo thì bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên, uống liều sau theo đúng kế hoạch ban đầu. Không cần dùng gấp đôi liều thuốc Desyrel.

3. Tác dụng phụ của thuốc Desyrel

Khi sử dụng thuốc Desyrel, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Máu và hệ bạch huyết: Tăng bạch cầu, thiếu máu tán huyết;
  • Tim mạch: Co thắt cơ tim, suy tim sung huyết, hạ huyết áp tư thế đứng và ngất, đánh trống ngực, block dẫn truyền, nhịp tim chậm, nhồi máu cơ tim, ngừng tim, rung tâm nhĩ, rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh thất và kéo dài khoảng QT;
  • Nội tiết: Hội chứng tiết ADH không phù hợp;
  • Mắt: Song thị;
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, ói mửa, tăng tiết nước bọt;
  • Toàn thân và tại chỗ: Phù, ớn lạnh, suy nhược;
  • Gan mật: Vàng da, ứ mật, thay đổi men gan, tăng bilirubin máu;
  • Xét nghiệm: Tăng amylase;
  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Methemoglobin huyết;
  • Hệ thần kinh: Mất điều hòa, mất ngôn ngữ, triệu chứng ngoại tháp, tai biến mạch máu não, động kinh, dị cảm, chóng mặt, rối loạn vận động muộn;
  • Tâm thần: Kích động, lo lắng, mất ngủ, ảo giác, giấc mơ bất thường, rối loạn tâm thần, phản ứng hoang tưởng;
  • Thận và tiết niệu: Bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ;
  • Hệ sinh sản và vú: Phì đại hoặc căng vú, tiết sữa, cương dương, co thắt âm vật;
  • Hô hấp: Ngưng thở;
  • Da và mô dưới da: Rậm lông, rụng tóc, bệnh vảy nến, ngứa da, leukonychia, mày đay, phát ban;
  • Mạch máu: Giãn mạch.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Desyrel, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn về cách can thiệp phù hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Desyrel

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Desyrel:

  • Trước khi dùng thuốc Desyrel, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với trazodone, nefazodone hoặc bất kỳ loại dị ứng nào khác;
  • Trước khi sử dụng thuốc Desyrel, người bệnh cần báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là: Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc chứng rối loạn lưỡng cực, có ý định tự tử, mắc bệnh tim (đau tim, nhịp tim không đều), bệnh thận, bệnh gan, bệnh tăng nhãn áp (góc đóng), các vấn đề về huyết áp;
  • Thuốc Desyrel có thể khiến bệnh nhân bị chóng mặt, buồn ngủ hoặc làm mờ tầm nhìn. Việc sử dụng rượu có thể làm gia tăng mức độ trầm trọng của các tác dụng phụ này. Do đó, người bệnh không nên lái xe, vận hành máy móc cho tới khi có thể thực hiện những việc này một cách an toàn. Đồng thời, người bệnh nên hạn chế sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian dùng thuốc;
  • Trazodone có thể gây ảnh hưởng tới nhịp tim (kéo dài khoảng QT), dẫn tới triệu chứng nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều, chóng mặt nghiêm trọng, ngất xỉu,... và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức;
  • Nguy cơ kéo dài khoảng QT có thể gia tăng trong thời gian dùng thuốc Desyrel nếu bệnh nhân đang mắc một số bệnh hoặc đang sử dụng các loại thuốc có thể gây kéo dài khoảng QT. Do đó, trước khi dùng thuốc Desyrel, người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng và nếu bệnh nhân có các tình trạng như suy tim, nhịp tim chậm, kéo dài khoảng QT, tiền sử gia đình bị kéo dài khoảng QT, đột tử do tim,...;
  • Nồng độ kali hoặc magie trong máu thấp có thể gây gia tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT. Nguy cơ này tăng lên nếu người bệnh sử dụng một số loại thuốc lợi tiểu hoặc khi bệnh nhân bị tiêu chảy, nôn mửa, đổ mồ hôi nhiều,... Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để sử dụng thuốc Desyrel an toàn;
  • Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Desyrel, đặc biệt là chóng mặt, buồn ngủ và kéo dài khoảng QT;
  • Thuốc Desyrel chỉ sử dụng trong thời kỳ mang thai khi thực sự cần thiết, được bác sĩ cho phép. Nếu có kế hoạch mang thai, đang mang thai hoặc có thể mang thai, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc trong thai kỳ;
  • Thuốc Desyrel đi vào sữa mẹ. Do đó, bà mẹ cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc Desyrel

Một số tương tác thuốc của Desyrel gồm:

  • Digoxin;
  • Thuốc ức chế MAO: Có thể gây tương tác nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Nên tránh dùng thuốc ức chế MAO (như procarbazine, rasagiline, safinamide, isocarboxazid, linezolid, metaxalone, xanh methylene, moclobemide, phenelzine, selegiline, tranylcypromine) trong khi điều trị bằng thuốc Desyrel. Hầu hết các thuốc ức chế MAO không nên dùng trong 2 tuần trước và sau khi điều trị với thuốc Desyrel;
  • Các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng tới việc loại bỏ Trazodone ra khỏi cơ thể, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh. Các thuốc đó là: Thuốc chống nấm nhóm azole (như itraconazole, ketoconazole), thuốc ức chế protease HIV (như ritonavir, indinavir), kháng sinh macrolide (như erythromycin), rifamycin (như rifampin), thuốc điều trị động kinh (như phenytoin);
  • Nguy cơ mắc hội chứng serotonin tăng lên nếu bệnh nhân sử dụng đồng thời thuốc Desyrel với các thuốc khác làm tăng serotonin. Ví dụ như một số loại thuốc chống trầm cảm (fluoxetine, paroxetine, duloxetine, venlafaxine). Nguy cơ này cao hơn khi bệnh nhân bắt đầu dùng thuốc hoặc tăng liều thuốc;
  • Các thuốc khác: Thuốc kháng histamin (như cetirizine, diphenhydramine), thuốc ngủ hoặc điều trị lo âu (như alprazolam, diazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau opioid (như codeine) và rượu. Bệnh nhân nên kiểm tra nhãn thuốc trị ho và cảm lạnh vì chúng có thể có chứa thành phần gây buồn ngủ.

Khi sử dụng thuốc Desyrel, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn, chỉ định chi tiết của bác sĩ. Điều này giúp điều trị, kiểm soát tốt bệnh trầm cảm và hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra những phản ứng bất lợi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

115 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan