Mối liên hệ giữa bệnh Crohn và đau khớp

Bệnh Crohn là một bệnh lý về đường tiêu hóa. Nghe có vẻ nó không có mối liên hệ nào với tình trạng đau khớp, nhưng trên thực tế nó lại có một số mối liên quan với nhau. Ở những người bị bệnh Crohn có nguy cơ cao bị bệnh đau khớp hơn.

1. Mối liên hệ giữa bệnh Crohn và đau khớp

Bệnh Crohn là tình trạng viêm mạn tính ở niêm mạc đường tiêu hóa có thể xuất hiện ở bất kỳ đoạn nào của đường tiêu hoá, hay gặp nhất ở hỗng tràng và đại tràng. Nguyên nhân chính xác của bệnh Crohn không được biết rõ, nhưng một trong những yếu tố của bệnh là tình trạng viêm này liên quan đến việc hệ thống miễn dịch nhầm các chất không có như thức ăn, vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hoá hoặc chính mô ruột là vật thể lạ. Sau đó, nó tấn công chúng bằng các phản ứng quá mức gây nên bệnh. Theo thời gian, điều này dẫn đến tình trạng viêm mãn tính. Đôi khi những sự sai lệch của hệ miễn dịch này cũng có thể gây ra các vấn đề ở các vùng khác của cơ thể do nhầm lẫn các tổ chức này gây hại cho cơ thể. Phổ biến nhất là ở các khớp.

Ngoài ra, một yếu tố có thể gây ra bệnh Crohn là di truyền, nếu những người có đột biến gen di truyền từ bố mẹ của họ thì họ dễ bị bệnh Crohn hơn. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đột biến gen tương tự cũng liên quan đến các loại tình trạng viêm khác, như bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp.

Như vậy, từ hai yếu tố trên mà người ta nhận thấy những người mắc bệnh Crohn, cũng có thể tăng nguy cơ mắc gặp phải vấn đề tại khớp như viêm khớp và bệnh đau khớp. Hai vấn đề tại khớp này gặp ở 20% đến 40% số người mắc bệnh Crohn trên các nghiên cứu.

2. Những bệnh lý tại khớp của người mắc bệnh Crohn

Khi bị bệnh Crohn bạn cũng tăng nguy cơ bị đau khớp (không rõ phản ứng viêm) và viêm khớp.

2.1 Viêm khớp

Tình trạng viêm khớp khiến các khớp bị đau, sưng tấy, nóng, đỏ. Viêm khớp có thể có thể gặp ở khoảng 20% những người bị bệnh Crohn. Viêm khớp xảy ra với bệnh Crohn hơi khác so với viêm khớp thông thường vì bệnh bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn. Dưới đây là các loại viêm khớp có thể xảy ra ở những người bị bệnh Crohn:

  • Viêm khớp ngoại vi: Phần lớn các bệnh viêm khớp xảy ra ở những người bị bệnh Crohn được gọi là viêm khớp ngoại vi. Loại viêm khớp này thường ảnh hưởng đến các khớp lớn, chẳng hạn như ở đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay và hông. Bạn thường thấy cơn đau khớp hay xảy ra cùng lúc với cơn đau dạ dày và ruột. Loại viêm khớp này thường không dẫn đến bào mòn sụn khớp hoặc gây tổn thương lâu dài cho khớp.
  • Viêm khớp dạng thấp: Một tỷ lệ nhỏ hơn những người bị bệnh Crohn có một loại viêm khớp dạng thấp. Bệnh lý này thường xảy ra đối xứng hai khớp, có thể dẫn đến viêm ở bất kỳ khớp nào của bạn, nhưng nó thường gây đau ở khớp bàn tay, những khớp nhỏ.
  • Viêm cột sống: Điều này dẫn đến cứng và đau xung quanh cột sống thắt lưng, đồng thời có thể dẫn đến hạn chế vận động khớp và có khả năng bị tổn thương vĩnh viễn.
  • Viêm cột sống dính khớp: Một tỷ lệ nhỏ những người bị bệnh Crohn sẽ phát triển một tình trạng nghiêm trọng được gọi là viêm cột sống dính khớp (AS). Tình trạng viêm tiến triển này ảnh hưởng đến các khớp xương cùng và cả cột sống gây ra các triệu chứng bao gồm đau và cứng ở cột sống thắt lưng cùng.

Một số người thậm chí có thể có các triệu chứng của AS vài tháng hoặc vài năm trước khi các triệu chứng bệnh Crohn. Loại viêm khớp này có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn và gây ra đau cho bệnh nhân, hạn chế vận động cột sống.

2.2 Đau khớp

Bệnh đau khớp là tình trạng đau nhức các khớp mà không sưng, nóng. Thực tế, có tử 40 - 50% những người bị viêm ruột bị đau khớp.

Đau khớp có thể xảy ra ở nhiều khớp khác nhau trên toàn cơ thể. Những vị trí phổ biến nhất là đầu gối, mắt cá chân và bàn tay. Khi bệnh đau khớp liên quan tới Crohn, nó thường không gây tổn thương cho khớp của bạn.

3. Làm sao để chẩn đoán đau khớp liên quan tới bệnh Crohn

Rất khó để biết liệu cơn đau khớp mà bạn gặp phải có phải là kết quả của tình trạng bệnh đường ruột như bệnh Crohn hay không. Không có phương pháp nào có thể đưa ra câu trả lời chính xác, nhưng có một số dấu hiệu định hướng tình trạng này:

  • Một điểm khác biệt so với viêm khớp thông thường là tình trạng viêm có xu hướng chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp lớn và có thể không ảnh hưởng đồng đều đến cả hai bên cơ thể của bạn. Chỉ có số rất ít xu hướng ảnh hưởng đến các khớp nhỏ hơn, như ở bàn tay, cổ tay và đối xứng hai bên.
  • Các vấn đề về bệnh lý ở dạ dày đi kèm với bệnh Crohn có thể xuất hiện rất lâu trước khi xuất hiện đau khớp.

4. Vì sao đau khớp cần thăm khám bác sĩ?

Khi bạn mắc bệnh Crohn, bạn có thể bị đau khớp. Những không phải trường hợp nào cũng liên quan tới bệnh Crohn, mà có thể do các nguyên nhân khác gây ra. Cho nên, nếu bạn đang bị đau khớp, bạn nên đến gặp bác sĩ. Bởi vì bạn có thể cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán để loại trừ các nguyên nhân khác, ngoài bệnh Crohn gây ra cơn đau của bạn. Bác sĩ cũng có thể cần điều chỉnh các loại thuốc điều trị bệnh Crohn của người bệnh. Đôi khi, đau khớp có thể liên quan đến tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, họ có thể giúp bệnh nhân kết nối chuyên gia vật lý trị liệu để giúp bạn phát triển một chương trình tập thể dục cho các khớp của bạn.

5. Các biện pháp điều trị đau khớp

Thông thường, khi điều trị đau khớp thông thường bác sĩ sẽ khuyên bạn nên sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như aspirin (Bufferin) hoặc ibuprofen (Motrin IB, Aleve), để giảm đau và sưng khớp.

Tuy nhiên, thuốc chống viêm không steroid NSAID không được khuyến cáo cho những người bị bệnh Crohn. Vì chúng có thể gây kích ứng niêm mạc ruột của bạn và làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở đường tiêu hoá. Đối với những cơn đau nhẹ, bạn nên sử dụng acetaminophen. Nếu đau nhiều hơn có thể cần sử dụng thuốc giảm đau chống viêm steroid ( corticoid).

Ngoài việc dùng thuốc, các kỹ thuật điều trị tại nhà sau đây có thể giúp ích:

  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi khớp bị ảnh hưởng.
  • Băng chun và nâng cao khớp bị viêm hay đau.
  • Thực hiện các bài tập nhất định để giảm độ cứng và tăng cường cơ quanh khớp. Có thể bạn cần hỗ trợ bởi các bác sĩ phục hồi chức năng.
  • Tập thể dục giúp cải thiện phạm vi chuyển động trong khớp và cũng giúp giảm căng thẳng. Các bài tập tác động tốt với cơ thể mà ít ảnh hưởng tới khớp như như bơi lội, đạp xe cố định, yoga và thái cực quyền.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Crohn, đặc biệt là dùng các loại thực phẩm có thể thay đổi cấu trúc của vi khuẩn trong ruột, bao gồm prebiotics như mật ong, chuối, hành tây, tỏi, kimchi, kefir và kombucha...
  • Bổ sung dầu cá: Đây là những thực phẩm giàu axit béo omega-3, chất này có thể làm giảm tình trạng viêm và cứng khớp.
  • Châm cứu và xoa bóp bấm huyệt: Đây là phương pháp không dùng thuốc rất hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng của cả bệnh Crohn và viêm khớp.

Đau khớp ở những người bị bệnh Crohn thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và thường không dẫn đến tổn thương vĩnh viễn. Tình trạng đau khớp của bạn có thể sẽ cải thiện khi các triệu chứng ở đường ruột của bạn được cải thiện. Cho nên, nếu các triệu chứng tiêu hóa được điều chỉnh thông qua thuốc và chế độ ăn uống, thì dấu hiệu đau các khớp cũng hạn chế hơn

Như vậy, một số người khi mắc bệnh Crohn thì cũng kèm theo đau khớp. Những không có gì chắc chắn cho điều này, nên bạn vẫn cần thăm khám để loại trừ nguyên nhân khác. Đặc biệt, để biết có bị viêm cột sống dính khớp hay không, vì đây là tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline

194 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan