Bệnh to tim ở trẻ sơ sinh là gì? Cách chữa trị và phòng tránh

Bệnh cơ tim phì đại hay bệnh tim to ở trẻ sơ sinh là một dạng dị tật tim bẩm sinh mang yếu tố di truyền, khiến tim bị to bất thường và không thể bơm máu hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ, bao gồm khó thở, đau ngực, mệt mỏi, ngất hay thậm chí là đột tử. Các bậc cha mẹ cần phải lưu ý thăm khám sớm cho trẻ để tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn.

1. Bệnh cơ tim phì đại hay tim to ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân nào gây nên?

Nguyên nhân gây bệnh cơ tim phì đại ở trẻ có thể đến từ nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: trẻ mắc bệnh cơ tim phì đại có thể do các biến đổi gen di truyền từ cha mẹ truyền sang con. Có khoảng 50% số trường hợp trẻ em mắc bệnh tim to là do gia đình có tiền sử bệnh.
Yếu tố di truyền chiếm tỉ lệ 50% các nguyên nhân gây nên bệnh tim to ở trẻ sơ sinh
Yếu tố di truyền chiếm tỉ lệ 50% các nguyên nhân gây nên bệnh tim to ở trẻ sơ sinh

  • Yếu tố môi trường: Người mẹ hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc trong quá trình mang thai làm tăng nguy cơ trị bị tim to bẩm sinh.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim to, như:

  • Tuổi của mẹ: Tỷ lệ mắc bệnh cơ tim phì đại tăng lên ở những bà mẹ mang thai ở độ tuổi cao.
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì ở mẹ mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim to cho con trẻ.
Hút thuốc lá thụ động là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh tim to ở trẻ sơ sinh
Hút thuốc lá thụ động là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh tim to ở trẻ sơ sinh

2. Triệu chứng bệnh cơ tim phì đại ở trẻ nhỏ

Các triệu chứng của bệnh tim to bẩm sinh ở trẻ có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số triệu chứng cho thấy trẻ có bất thường về tim mạch bao gồm:

  • Khó thở: Trẻ có thể khó thở khi gắng sức, chẳng hạn như khi bú, ăn hoặc khóc.
  • Tím tái: Da và niêm mạc của trẻ có thể bị tím tái, đặc biệt là ở môi, lưỡi và đầu ngón tay.
  • Nhịp tim nhanh: Trẻ có thể có nhịp tim nhanh, đặc biệt là khi ngủ.
  • Vã mồ hôi hoặc tay chân lạnh: Trẻ có thể vã mồ hôi, đặc biệt là ở trán và gáy hoặc cơ thể lạnh bất thường.
  • Khó bú, khó ăn: Trẻ có thể khó bú, khó ăn và tăng cân chậm.
  • Trẻ có thể bị ngất
  • Hoặc than đau ngực ở trẻ lớn

Nếu ba mẹ phát hiện con trẻ có những dấu hiệu bất thường, cần phải lập tức đưa con đến bệnh viện thăm khám để kịp thời chẩn đoán và điều trị.

3. Phương pháp chẩn đoán bệnh

Bệnh tim to ở trẻ sơ sinh thường được chẩn đoán ngay sau khi sinh. Các bác sĩ có thể phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh thông qua các xét nghiệm sau:

  • Siêu âm tim: Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất bệnh tim to ở trẻ sơ sinh. Siêu âm tim có thể giúp bác sĩ xác định kích thước và cấu trúc của tim, cũng như các bất thường khác ở tim.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp kết hợp với siêu âm tim, được sử dụng để đánh giá mức độ xơ hoá cơ tim
  • Điện tâm đồ: theo dõi hoạt động điện của tim để phát hiện các bất thường trong nhịp tim hoặc dẫn truyền điện của tim.
  • X-quang tim phổi: X-quang tim phổi có thể giúp bác sĩ đánh giá kích thước và hình dạng của tim, cũng như tình trạng của phổi.

4. Biến chứng khi trẻ bị tim to

Nguy cơ biến chứng ở trẻ mắc bệnh tim to phụ thuộc vào độ phì đại của tim và nguyên nhân gây ra. Thông thường, trẻ sơ sinh bị tim to sẽ gặp những biến chứng sau:

  • Suy tim: Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh tim to bẩm sinh. Khi tim bị to, cơ tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Điều này có thể khiến cơ tim yếu đi và suy tim. Trẻ bị suy tim có thể gặp các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, phù nề, và thậm chí tử vong.
  • Đông máu: Tim phình to có thể tạo điều kiện cho huyết khối hình thành trong buồng tim. Huyết khối có thể di chuyển đến các mạch máu khác trong cơ thể, gây tắc nghẽn mạch máu và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đau tim, đột quỵ, hoặc thậm chí tử vong.
  • Tiếng thổi của tim: Khi tim phình to, hai trong số bốn van của tim (van hai lá và van ba lá) có thể không đóng lại kín. Điều này khiến dòng máu trào ngược, gây ra tiếng thổi của tim. Tiếng thổi của tim thường không gây hại, nhưng cần được bác sĩ theo dõi thường xuyên để phát hiện các biến chứng sớm.
Bệnh tim to có thể gây nên biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm
Bệnh tim to có thể gây nên biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm

Ngoài những biến chứng kể trên, trẻ mắc bệnh cơ tim phì đại bẩm sinh cũng có thể gặp các biến chứng khác, chẳng hạn như:

  • Viêm phổi: Trẻ bị tim to có thể dễ bị viêm phổi hơn do ứ máu, sung huyết trên phổi.
  • Suy dinh dưỡng: Trẻ bị tim to có thể khó bú, ăn và tăng cân chậm do cơ thể cần nhiều năng lượng để bơm máu.
  • Đột tử: đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh.

5. Cách điều trị bệnh tim to ở trẻ sơ sinh

Các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị bệnh cơ tim phì đại ở trẻ sơ sinh tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu bệnh nhẹ, trẻ có thể chỉ cần theo dõi và điều trị nội khoa (sử dụng thuốc). Nếu bệnh nặng, trẻ có thể cần phẫu thuật để sửa chữa dị tật tim.

5.1 Sử dụng thuốc

  • Thuốc lợi tiểu giúp đào thải nước và muối tích tụ ra khỏi cơ thể.
  • Thuốc chẹn beta làm chậm nhịp tim và giảm lượng máu bơm ra khỏi tim.
  • Thuốc chống loạn nhịp có tác dụng điều chỉnh nhịp tim.
Ảnh minh hoạ - Thuốc ức chế men chuyển là sự lựa chọn hàng đầu trong điều trị suy tim
Bệnh tim to tình trạng nhẹ có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc

5.2 Phẫu thuật

Trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả và bệnh tình của trẻ có dấu hiệu chuyển nặng thì bác sĩ có thể cần chỉ định phẫu thuật cắt cơ tim hoặc ghép tim. Phẫu thuật cắt cơ tim là phương pháp loại bỏ một phần cơ tim bị dày lên hoặc kết hợp với việc sửa chữa các van tim bất thường. Nhờ vào sự tiến bộ của y khoa, hiện nay phương pháp phẫu thuật này được đánh giá là có tỷ lệ thành công đối với hầu hết bệnh nhi. Sau khi phẫu thuật, trẻ có thể cải thiện các triệu chứng, tăng khả năng sống, sinh hoạt bình thường và trưởng thành khỏe mạnh.

Điều trị bệnh tim to ở bệnh nhi sơ sinh bằng phương pháp phẫu thuật
Điều trị bệnh tim to ở bệnh nhi sơ sinh bằng phương pháp phẫu thuật

6. Cách phòng tránh bệnh tim to bẩm sinh ở trẻ

Hiện tại, vẫn chưa có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tim to bẩm sinh. Tuy nhiên, người mẹ trong quá trình mang thai cần lưu ý: không sử dụng rượu bia, thuốc lá và uống bất cứ loại thuốc nào không được chỉ định từ bác sĩ.

Một số biện pháp được khuyến khích thực hiện ở mẹ bầu để phòng tránh các dị tật tim mạch bẩm sinh cho trẻ sơ sinh như:

  • Kiểm tra sức khỏe tiền sản: siêu âm thai và xét nghiệm máu để phát hiện bất thường về cấu trúc tim hay các yếu tố bệnh di truyền
  • Chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tránh sử dụng chất kích thích trong quá trình mang thai.
  • Tiêm chủng đầy đủ: bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm như rubella có thể gây ra bệnh tim to bẩm sinh nếu mắc phải trong thai kỳ.

Như vậy, bệnh tim to ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý tim mạch bẩm sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều bệnh nhi mắc bệnh tim to vẫn có thể sống khỏe mạnh và phát triển bình thường nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan